Powered By Blogger

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Thủy điện – Tụng thi Holderlin và Phát triển Bền vững (I)

Hà Hữu Nga

Ngày nay thủy điện chiếm khoảng 16% sản lượng điện toàn cầu và là một trong những nguồn năng lượng carbon thấp, có thể tái tạo, được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới, vì vậy nó đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và nước của rất nhiều cộng đồng người. Ở một vài nơi, thủy điện phát triển rất nhanh, tuy nhiên lại không đảm bảo một cách chặt chẽ các quy trình phát triển bền vững, thậm chí bất chấp việc đánh giá tính bền vững của môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa và con người dưới tác động của công trình thủy điện, cho dù trong một hai thập kỷ trở lại đây việc đề xuất và tuân thủ các quy trình này đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Trong đó vấn đề mang tính tiên quyết là cần phải xác định: i) tính bền vững về kinh tế, xã hội, và môi trường trong lĩnh vực thủy điện; ii) xem xét, đánh giá cẩn trọng mức độ bền vững trong thực tiễn hoạt động thủy điện; iii) những tiêu chí đảm bảo phát triển bền vững trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy điện; và iv) cần phải phát triển một công nghiệp thủy điện hài hòa với tự nhiên, với bản chất linh thánh của các phẩm giá văn hóa tinh thần của con người.

Thủy điện - sống hài hòa với tự nhiên

Ý tưởng sống hài hòa với tự nhiên cũng có tuổi đời ngang với tuổi đời của loài người, tuy nhiên ngày nay khái niệm phát triển bền vững đã trở thành một phương châm sống phổ quát và cụ thể về phương diện nhân văn là “Phát triển bền vững đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai” [WCED 1987]. Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững năm 2002 đã ấn định kế hoạch thực hiện của mình phải bao gồm cả lĩnh vực thủy điện nhằm làm tăng nguồn năng lượng có thể tái tạo trên toàn thế giới. Tự thân công nghệ thủy điện không cản trở khả năng của các thế hệ tương lai thỏa mãn các nhu cầu của mình, tuy nhiên phát triển bền vững và những cách thức phát triển thủy điện lại không phải lúc nào cũng hài hòa với nhau. Các mục tiêu phát triển khác cần phải được gắn kết với nhau, và việc thực hành các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thủy điện buộc phải bắt kịp với các tri thức mới. Ngành công nghệ này đã phát triển theo phương thức hiện đại từ trăm năm nay, chủ yếu nhằm cung cấp điện năng giá rẻ và đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển nền kinh tế quốc gia. Gần đây ngành này đã được bổ sung thêm các mục tiêu thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên từ năm 2000, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ [MDG] còn bổ sung thêm cả mục tiêu giảm nghèo bằng cách biến đổi các mô thức sản xuất và tiêu thụ, bằng cách bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và bằng phương thức phát triển bền vững các quốc gia còn chậm phát triển trên thế giới.    

Trong thực tế, bất cứ cuộc luận chiến nào về tính bền vững liên quan đến lĩnh vực thủy điện cũng cần phải xem xét vấn đề từ rất nhiều phương diện. Các dự án thủy điện đều liên quan đến việc ngăn sông suối tích trữ nước hoặc tái xử lý nước giữa các hồ chứa bằng phương pháp bơm. Các dự án thực hiện tại các vùng có mật độ dân số cao buộc phải thực hiện tái định cư. Một con đập thủy điện thường làm cắt khúc một dòng sông, nên cần phải có các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các động vật thủy sinh, các loài cá, giáp xác và động vật lưỡng cư, v.v. Các đập và hồ chứa được xây dựng tại các vùng khí hậu khác nhau, nên thường gây ra các tác động khác nhau đến chất lượng nước, thảm thực vật, quần động vật có liên quan và vô số thách thức khác trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành các hoạt động thủy điện. Một dự án thủy điện có thể chỉ đơn giản nhìn vào hiệu quả tạo ra điện năng và thu nhập nhờ việc cung cấp nước hoặc nhằm kiểm soát lũ lụt, hoặc hồ chứa nước còn có thể được dùng vào các mục đích khác nữa bên cạnh mục đích thủy điện. Nhưng dù là bất cứ kịch bản nào thì thủy điện cũng đều có các tác động môi trường và xã hội liên quan rất đa dạng, có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực.   

Trong thực tế có rất nhiều lý do để phát triển thủy điện trong bối cảnh quốc gia, khu vực và quốc tế, và cũng có quá nhiều tác nhân liên quan đến các thể chế quản lý hành chính và tài chính khác nhau như: các chủ đầu tư, những người vận hành, các nhà nghiên cứu phát triển, các cấp chính quyền quốc gia, chính phủ vùng và các quốc gia liên quan khác, với các bộ luật riêng, các cơ quan quốc tế, xã hội dân sự và các bên liên quan, những người hưởng lợi và chịu ảnh hưởng. Cũng có những phong trào, các cuộc vận động, các kiến nghị không ủng hộ các dự án thủy điện dựa trên một ý tưởng cho rằng các dự án quy mô lớn thường chứa đựng các tác động tiêu cực khó lường. Các học giả cũng đã đề xuất quan niệm về các dự án siêu thủy điện với toàn bộ các tác động tiêu cực, và các nhà vận động phản đối các dự án thủy điện đã coi đây là biểu tượng của lĩnh vự này, không cần kể đến tính đa dạng của các dự án và các tác động nhiều chiều của nó, trong đó có cả các lợi ích do các dự án này đưa lại [Hjort-af-Ornas 2008]. Tuy nhiên vẫn có những quan niệm khác cho rằng thủy điện có vai trò to lớn trong phát triển, trong việc củng cố quan hệ hợp tác khu vực và việc phân chia các nguồn tài nguyên nước đang ngày càng trở nên hiếm hoi; tuy nhiên không thể bỏ qua được một sự thật là thủy điện cũng gây ra hàng loạt rủi ro về kinh tế, môi trường và xã hội cho những cộng đồng dân cư khác nhau. Vì vậy việc thực hiện các dự án thủy điện cần phải cam kết chặt chẽ việc tuân thủ các nguyên tắc và các thực tiễn phát triển bền vững [Saghir 2009; Schumann K., Lau Saili, Richard Taylor, Refaat Abdel-Malek 2010].  

Các khía cạnh phát triển bền vững trong thủy điện

Về phương diện kinh tế, tính bền vững thường được nhìn nhận qua khả năng bảo toàn vốn. Việc sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực kinh tế đòi hỏi nhà sản xuất phải có các lựa chọn hợp lý, với các phương án thay thế được đánh giá một cách cẩn trọng, đặc biệt là các khoản chi phí nảy sinh trong tương lai. Thủy điện tạo ra năng lượng nhờ hệ thống turbin và nguồn nước được cung cấp để chạy turbin, vì vậy tính bền vững kinh tế thường là cao. Một trong những khía cạnh bền vững kinh tế chủ yếu của thủy điện là tuy chi phí cho giai đoạn xây dựng cao, nhưng công trình lại có tuổi đời dài. Khi đã được xây dựng xong và chi phí vốn đã được hoàn trả thì dựa án gần như miễn trừ khỏi các sức ép lạm phát. Các chi phí vận hành và bảo dưỡng thường thấp nên giá thành sản xuất ra điện năng rất thấp qua nhiều đời người. Một mặt, thủy điện có thể đóng vai trò chiến lược trong dự trữ và chuyển tải năng lượng so với năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nên nó rất có ưu thế trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Mặt khác, vì tính chất đa mục đích của thủy điện nên nó trở thành động lực cho sự phát triển địa phương, quốc gia, và khu vực [Frey, G.W., Linke, D.B., 2002; Fujikura, R., Nakayama, M., 2009].     

Về phương diện xã hội thì chắc chắn thủy điện có thể góp phần to lớn và quá trình giảm nghèo và tăng cường chất lượng sống trong các cộng đồng liên quan. Các hộ gia đình ít có khả năng tiếp cận với các dịch vụ nước và năng lượng phải tiêu một khoản tiền lớn vào hai nguồn này, ngoài ra việc tiếp cận với chất đốt và điều kiện vệ sinh, nước sạch có điều kiện cải thiện hơn. Hơn nữa, nghèo đói thường dẫn đến và đi kèm với phá rừng, vì vậy khi có điện người nghèo có điều kiện tiếp cận với các hoạt động kinh tế mới, năng lực của phụ nữ được tăng cường, chất lượng sống của gia đình được cải thiện. Việc phát triển thủy điện trên quy mô rộng lớn có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, cải thiện hạ tầng nông thôn, tăng cường thêm năng lực thị trường cho họ. Ở quy mô nhỏ, thủy điện có thể giúp thắp sáng, tiếp thu thông tin, tri thức qua các phương tiện truyền thông điện tử. Và ở quy mô nào thì thủy điện cũng giúp cải thiện việc cung cấp nước sạch và các loại hình dịch vụ tiện ích hơn cho người dân [Schumann K., Lau Saili, Richard Taylor, Refaat Abdel-Malek 2010].     

Các hệ quả tiêu cực đối với các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trước hết là tác động của quá trình tái định cư, việc giảm các nguồn động vật thủy sinh, đặc biệt là nguồn cá, việc mất đi các diện tích đất canh tác màu mỡ được cải tạo thuần thục qua rất nhiều thế hệ người, bên cạnh đó là tình trạng soi lở đất, nạn khan hiếm nước dưới hạ nguồn. Trong khi nhiều tác động xã hội trực tiếp liên quan đến các tác động môi trường thì các vấn đề về xã hội lại thường bị đánh giá thấp, thậm chí còn bị bỏ qua. Trong thực tế thì càng ngày người ta càng thấy rất rõ các vấn đề xã hội liên quan đến các dự án không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của các cộng đồng dân cư. Các tác động tiêu cực về phương diện xã hội thường nảy sinh từ thực tiễn các cộng đồng chịu ảnh hưởng không được biết một cách rõ ràng về các quyền của mình, và khi các quyền của người dân bị xâm hại thì người ta không biết cách tìm được một cơ chế khiếu nại có thể trợ giúp họ một cách minh bạch và hiệu quả. Từ các bài học tiêu cực đó, việc phát triển bền vững trong các dự án thủy điện ngày nay đều gắn liền với việc thừa nhận các quyền của người dân chịu tác động và việc chia sẻ lợi ích cho họ [Schumann K., Lau Saili, Richard Taylor, Refaat Abdel-Malek 2010]. Trong số những người chịu ảnh hưởng cần đặc biệt ưu tiên trợ giúp các nhóm yếu thế như các cộng đồng dân tộc thiểu số, người nghèo, người ít tiếng nói, phụ nữ, người ốm đau, tàn tật, v.v... [Dingwerth, K., 2005].

Về phương diện môi trường các dự án thủy điện không tạo ra các cơn mưa acid hoặc làm ô nhiễm không khí cũng như không làm tăng khí thải nhà kính. Vì vậy thủy điện có đóng góp to lớn cho việc cải thiện môi trường trong việc sản xuất và sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chiến lược cải thiện hạ tầng cơ sở nhằm dự trữ, quản lý nguồn nước và các đập nước sẽ giúp sử dụng nước hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tác động tiêu cự của hạn hán, lũ lụt. Trong khi các dự án thủy điện có thể có các tác động đến môi trường địa phương thì các thay đổi tiêu cực có liên quan cũng có thể giảm thiểu được nếu như hệ thống này được kiểm soát và quản lý tốt, được xem xét và xử lý một cách toàn diện các lợi ích và bất lợi có liên quan. Thủy điện còn giúp tích hợp và tạo cơ hội cho một số ngành kinh tế liên quan như nghỉ ngơi, giải trí, du lịch sinh thái, giúp tăng khả năng tái thiết môi trường sinh thái đã bị tàn phá. 

Trong hai thập kỷ qua, việc nghiên cứu và xây dựng các sáng kiến bền vững trong lĩnh vực thủy điện đã giúp cải thiện đáng kể quá trình nhận thức về tự nhiên và việc giảm thiểu các tác động của các công trình thủy điện đối với các hệ sinh thái sông suối, đầm hồ. Chính các tri thức đó đã giúp cho việc quản lý các tác động của môi trường một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, những thay đổi trong cách tiếp cận với quán trình quy hoạch và thiết kế đã giúp tối đa hóa các tác động tiêu cực và giảm thiểu đáng kể, hoặc tránh được nhiều tác động tiêu cực. Dưới ánh sáng của cách tiếp cận bền vững, ngành công nghiệp hiện đại này đã cải thiện được rất nhiều điểm yếu kém nhằm bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là các quần động vật và thảm thực vật hạ nguồn.

Thủy điện và Tụng thi Holderlin


Cần phải khẳng định ngay rằng ngành thủy điện không trực tiếp liên quan gì đến Thi sỹ nổi tiếng người Đức Friedrich Holderlin [1770-1843] với các Tụng thi tuyệt vời của ông dành cho hầu hết các con sông lớn trên toàn thế giới cả, vì đơn giản là lúc sinh thời ông, ngành thủy điện vẫn chưa ra đời, các con sông vẫn chưa bị chặt khúc bằng các đập thủy điện. Nhờ đó mà chúng ta còn có được một trong những Tụng thi nổi tiếng về con sông Danube vĩ đại nhất châu Âu, được ông gọi là Dòng Ister như sau:
 

Dòng Ister

Friedrich Holderlin [1770-1843]

Nào hãy bùng lên, hời Thần Lửa!
Ta háo hức
Đốt đợi rạng ngày
Thách thức
Gục gối quy hàng
Nghe dậy lời than trong củi nỏ.
Nhưng kìa ta hát từ dòng Indus
Ngàn trùng xa, kìa
Từ dòng huyền giang Alpheus, ta
Mắt dõi bời bời
Đôi cánh
Chạm tới cận kề
Tắp tắp
Bờ bên kia
Ao ước đắp bồi
Những vạt rừng màu mỡ
Đất. Kìa, những triền cỏ thơm ngất ngất
Dưới hè
Bầy thú hoang vục uống
Cùng người.
Ister một lần tên đã gọi
Mái ấm. Những diềm cột xưa thiêu rụi.
Khuấy hồn. Trơ trụi
Đứng nương nhau; Kìa, ngẩng
Khung xương gác mái,
Đá vươn gầy. Chan chan
Hời thần Hercules,
Loang loáng xõa đỉnh trời Olympus
Mắt dõi vời bóng núi
Hôi hổi xoãi vờn bờ eo
Can trường nhịp thở thần linh tụ hội anh hùng
Nơi suối nguồn, những vạt hoa ngan ngát rực vàng
U huyền rừng linh sam thăm thẳm
Kẻ thợ săn nhón gót
Dưới đỉnh trời
Phân phất hương dòng Ister. 
Kìa, như thể
Đây dòng nước ngược
Ta ngờ, Ngọn nguồn
Đông.
Ta ngỡ
Không thể khác. Cơn cớ nào nước treo
Xõa trắng đỉnh Thiên sơn?
Bên cạnh xoãi dài
Kẻ đó - Sông Rhine. Đâu vô cớ những dòng nước ngọt
Cần lao chăm bẵm dải đất cằn. Nào biết? 
Nhưng kìa ta cần gì hơn
Một chứng nhân trung thực, đó
Trời-Trăng trong thâm tâm ta không chia tách
Đêm-ngày cuồn cuộn trôi qua
Dù ở Cõi trời, vẫn bên nhau ấm áp
Há chẳng phải, đây 
Trò vui Tối thượng. Khi Đấng kia hiện
Xuống? Còn Mẹ Đất mướt xanh,
Bên lũ trẻ thiên thần. Kìa tất thảy 
Ngỡ còn gì tự do hơn, ngỡ như diễu cợt. Tức thì 
Kìa, Ngày đã rạng
Thuở thanh xuân,
Nơi trần gian hiển hiện
Một dáng vẻ huy hoàng, xõa vai chở nặng
Rung nghiến rì rầm
Biền biệt trôi mãn ý
Kìa, đá kia ời ời gọi gọt
Mặt đất kia ơi ới hời cày
Xua hoang tàn vụt biến
Một tay ấy dày công, Dòng Ister,
Nào kẻ hay.

Người dịch: Hà Lập Nhân

Với Holderlin thì Ister – Danube là một nhân vật sống, có linh hồn, có tình yêu, một dòng chảy liên tục tượng trưng cho mạch nguồn từ Quá khứ đến Tương lai, từ Thần linh đến Phàm nhân, từ Thiên đàng đến Hạ giới. Chính nhờ có Hymne Der Ister - Tụng thi dòng Ister – mà triết gia Đức nổi tiếng Heidegger đã dựng lên Hữu thể luận của ông dựa trên nền tảng của cái mà ông gọi là khái niệm ngôi nhà Hữu thể, tượng trưng bằng khái niệm Bản quán trong Tụng thi dòng Ister của Holderlin. Heidegger hiểu thơ ca như là một bài học về thời gian tính và dòng sông ký ức, một bản Tụng thi dâng lên vị thần Hữu thể đã bị lãng quên. Dòng Ister đã làm nên nơi cơ ngụ - Bản quán của các hiện hữu người trở nên khả thể trong cảm xúc gắn bó với ngôi nhà Hữu thể, được tượng trưng bằng dòng chảy liên tục của con sông thiêng Ister của Hölderlins. Các mô tả của thi sĩ về dòng Danube đã cộng hưởng sâu xa với các thiên hướng tự nhiên của Heidegger. Heidegger đã hướng đến các khả tính thanh bình trong thi ca Hölderlin làm cơ sở cho Hữu thể luận của ông. Heidegger gọi đó là “những bộ phận đau đớn của một cơ thể đang đánh vật với tính linh thánh”- thi pháp, huyền thoại, thánh ca, cá tính, v.v…Trong các công trình lý thuyết của mình, Hölderlin đã ra sức tìm kiếm vết đứt đoạn thăm thẳm giữa giữa nghệ thuật và tự nhiên. Dòng Ister của Holderlin như một cơ thể thần linh chính là tượng trưng cho nguồn mạch sống cuồn cuộn không ngừng nghỉ, giống như dòng nước thượng nguồn sông Danube mà Holderlin coi là con sông linh thánh chảy từ trời xuống ấy.
 
Về phương diện văn hóa tinh thần, thật là một may mắn lớn cho nhân loại, khi Holderlin viết Tụng thi Ister, thì các dòng sông vẫn còn sống nguyên vẹn, vẫn chưa bị hệ thống đập thủy điện cắt xẻ. Tuy nhiên, thủy điện không phải sinh ra để giết chết tính linh thánh của mạch nguồn cảm xúc liên tục giữa Con người và Tự nhiên, ngược lại thủy điện sinh ra để thắp sáng cho nền văn minh nhân loại, thắp sáng cho những cuộc đời nghèo tăm tối chốn rừng núi xa xôi. Nhưng đó là nói về một ngành công nghiệp thủy điện có trách nhiệm với sự phát triển bền vững nền kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa của địa phương, của đất nước và của khu vực. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Thủy điện Việt Nam đã đạt đến cấp độ phát triển bền vững đó chưa? Câu hỏi đó sẽ được tác giả tiếp tục trả lời trong các phần tiếp theo của bài viết.
__________________________________
 
Nguồn: Hà Hữu Nga (2014). Thủy điện – Tụng thi Holderlin và Phát triển Bền vững, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Số Tết Giáp ngọ 2014 (261+262).
 
Tài liệu dẫn
 
Dingwerth, K., 2005. The Democratic Legitimacy of Public-Private Rule Making: What Can We Learn from the World Commission on Dams? In the Global Governance, 11, pp.65-83.
Frey, G.W., Linke, D.B., 2002. Hydropower as a Renewable and Sustainable Energy Resource Meeting Global Energy Challenges in a Reasonable Way. In the Energy Policy, 30, pp. 1261-1265.
Fujikura, R., Nakayama, M., 2009. Lessons learnt from the World Commission on Dams. In the International Environmental Agreements, 9, pp. 173-190.
Hjort-af-Hornas, A., 2008. Turning Hydropower Social. Where Global Sustainability Conventions Matter. Berlin and Heidelberg: Springer.
Saghir, Jamal 2009. Directions in Hydropower. The World Bank. Washington.
Schumann K., Lau Saili, Richard Taylor, Refaat Abdel-Malek 2010. Hydropower and Sustainable Development: A Journey. Article submitted to the World Energy Congress, 15 February 2010.
World Commission on Environment and Development - WCED 1987. Our Common Future. Chapter 2: Towards Sustainable Development. Geneva

DER ISTER
Friedrich Holderlin [1770-1843] 
Jezt komme, Feuer!
Begierig sind wir
Zu schauen den Tag,
Und wenn die Prüfung
Ist durch die Knie gegangen,
Mag einer spüren das Waldgeschrei.
Wir singen aber vom Indus her
Fernangekommen und
Vom Alpheus, lange haben
Das Schikliche wir gesucht,
Nicht ohne Schwingen mag
Zum Nächsten einer greifen
Geradezu
Und kommen auf die andere Seite.

Hier aber wollen wir bauen.
Denn Ströme machen urbar
Das Land. Wenn nemlich Kräuter wachsen
Und an denselben gehn
Im Sommer zu trinken die Thiere,
So gehn auch Menschen daran.
Man nennet aber diesen den Ister.
Schön wohnt er. Es brennet der Säulen Laub,
Und reget sich. Wild stehn
Sie aufgerichtet, untereinander; darob
Ein zweites Maas, springt vor
Von Felsen das Dach. So wundert
Mich nicht, daß er
Den Herkules zu Gaste geladen,
Fernglänzend, am Olympos drunten,
Da der, sich Schatten zu suchen
Vom heißen Isthmos kam,
Denn voll des Muthes waren
Daselbst sie, es bedarf aber, der Geister wegen,
Der Kühlung auch. Darum zog jener lieber
An die Wasserquellen hieher und gelben Ufer,
Hoch duftend oben, und schwarz
Vom Fichtenwald, wo in den Tiefen
Ein Jäger gern lustwandelt
Mittags, und Wachstum hörbar ist
An harzigen Bäumen des Isters.
Der scheinet aber fast
Rükwärts zu gehen und
Ich mein, er müsse kommen
Von Osten. 
Vieles wäre
Zu sagen davon. Und warum hängt er
An den Bergen gerad? Der andre
Der Rhein ist seitwärts
Hinweggegangen.
Umsonst nicht gehn Im Troknen die Ströme. Aber wie? Ein Zeichen braucht es
Nichts anderes, schlecht und recht, damit es Sonn
Und Mond trag im Gemüth, untrennbar,
Und fortgeh, Tag und Nacht auch, und
Die Himmlischen warm sich fühlen aneinander.
Darum sind jene auch
Die Freude des Höchsten. Denn wie kam er
Herunter? Und wie Hertha grün,
Sind sie die Kinder des Himmels. Aber allzugedultig
Scheint der mir, nicht
Freier, und fast zu spotten. Nemlich wenn 
Angehen soll der Tag 
In der Jugend, wo er zu wachsen
Anfängt, es treibet ein anderer da 
Hoch schon die Fracht, und Füllen gleich
In den Zaum knirscht er, und weithin hören
Das Treiben die Lüfte,
Ist der zufrieden;
Es brauchet aber Stiche der Fels
Und Furchen die Erd
Unwirthbar war es, ohne Weile;
Was aber jener thuet der Strom,
Weis niemand.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét