Powered By Blogger

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Thủy điện Bền vững – Thời đại Hoàng kim của các dòng sông trong Tụng thi Holderlin sẽ quay về (II)

Hà Hữu Nga

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi ý thức hệ không còn bị hiểu một cách chật hẹp với chỉ một thứ chủ nghĩa duy nhất nào đó như trong thời chiến nữa thì người Việt dường như lại có quá nhiều thần linh, nhưng trong thực tế vẫn chưa có được một vị thần Hữu thể giản dị gắn liền, không hề đứt đoạn với vị thần Hữu thể làm nên Bản quán của các hiện hữu người, làm cho hiện hữu người trở nên khả thể trong cảm xúc gắn bó với ngôi nhà Hữu thể, được tượng trưng bằng dòng chảy liên tục của con sông thiêng như dòng Ister của Hölderlins, tượng trưng cho một nguồn mạch sống cuồn cuộn không ngừng nghỉ, giống như những con sông Cả, sông Cái, sông Mẹ xưa trong tâm thức của các cộng đồng Việt. Và liệu hình ảnh tượng trưng ấy có vĩnh viễn bị giết chết hẳn trong tâm hồn người bởi các công trình liên quan đến hồ đập, đến các công trình thủy điện? Không ai chối bỏ thủy điện chỉ để giữ lấy thời hoàng kim xưa trong ký ức, nhưng không ai không mong muốn có một thủy điện bền vững để thời hoàng kim của các dòng sông lại có thể quay về.

1. Thời hoàng kim của các dòng sông sẽ trở lại khi thủy điện tôn trong các vùng

1.1. Vùng sinh thái: là một bộ phận mặt đất rộng lớn có chứa một tập hợp các cộng đồng tự nhiên khác nhau về phương diện địa lý với các ranh giới xấp xỉ với ranh giới gốc của các cộng đồng tự nhiên trước khi thay đổi sử dụng vùng đất đó. Các vùng sinh thái: i) có chung đa số các loài và động thái sinh thái của chúng; có chung các điều kiện môi trường tương tự; và về phương diện sinh thái, tương tác bằng những cách thức quyết định nhằm duy trì sự tồn tại dài hạn của chúng. Động cơ để phân loại hệ sinh thái là ở chỗ các nguồn khan hiếm và ngày càng thu nhỏ lại đã buộc các nhà bảo vệ môi trường phải định hướng các hành động của con người nhằm ngăn chặn sự mất mát tính chất đa dạng sinh học, tình trạng phân bố bất cân bằng của các loài và các mối đe doạ đến sự tồn tại của chúng. Thật không may là khả năng tập trung chiến lược bảo vệ vùng sinh thái lại thường bị cản trở bởi tình trạng không có bất cứ một bản đồ đa dạng sinh học nào có thể giúp đưa ra giải pháp địa sinh đầy đủ để phản ánh được một cách chính xác sự phân bố phức tạp của các cộng đồng tự nhiên trên trái đất. Các khu sinh thái phản ánh sự phân bố của hàng loạt quần động vật và thảm thực vật rộng lớn trên toàn bộ hành tinh từ vùng sa mạc Sahara mênh mông ở Châu Phi đến đảo Clipperton nhỏ bé ở Đông Thái Bình Dương. Chúng được phân loại bằng một hệ thống tương tự với các lĩnh vực địa sinh và các quần xã. Các hệ sinh thái thể hiện các khu sinh vật khác nhau gắn kết chặt chẽ với các quần xã sinh vật và các vùng.

Về phương diện này thủy điện Việt Nam cần đưa ra được những hình mẫu thực hành tốt trong việc bảo vệ và giữ gìn các vùng sinh thái.

1.2. Vùng thuỷ văn: Các lĩnh vực thuỷ học (hydrology) và thuỷ văn học (hydrography) liên quan đến việc nghiên cứu và mô tả nước trong môi trường. Thuỷ học nước bề mặt tập trung vào các dòng sông, suối, hồ, các vùng đất ngập nước, và các loại nước bề mặt khác, khác với nước ngầm. Thuỷ học là một lĩnh vực rộng lớn với nhiều chủ đề nghiên cứu, bao gồm cả việc phác thảo các vùng dựa trên cơ sở thuỷ văn nói chung. Có nhiều hệ thống định nghĩa các vùng nước bề mặt. Một loại vùng cơ bản của các dòng thuỷ lưu là lưu vực hoặc lưu vực sông. Tầm quan trọng đặc biệt của các vùng lưu vực sông là chúng thường trực tiếp gắn liền với các vùng lịch sử, kinh tế, văn hoá, chính trị rất lâu đời. Chính vì vậy người ta thường gắn các lưu vực với các nền văn minh lâu đời nhất, lớn nhất trên thế giới, chẳng hạn nền văn minh sông Nil của người Ai Cập, nền văn minh sông Hằng của người Ấn Độ, nền văn minh sông Hoàng Hà – Dương Tử của người Trung Quốc, nền văn minh sông Hồng của người Việt, v.v... Ở Mỹ người ta đã cố gắng xây dựng các đơn vị thuỷ học theo hệ thống phân loại 6 cấp bao gồm toàn bộ cả nước và gắn liền với một tiêu chuẩn được gọi là “Chuẩn phân chia ranh giới các đơn vị thuỷ học liên bang”. Sáu cấp vùng đơn vị thuỷ học được đặt tên từ lớn nhất đến nhỏ nhất là các vùng, các tiểu vùng, các lưu vực, các phụ lưu, các thuỷ vực, và các tiểu thuỷ vực. Tại Mỹ hệ thống này xác định 21 vùng đơn vị thuỷ học, 222 tiểu vùng, 352 lưu vực, và 2149 phụ lưu vực. Việc phân chia các thuỷ vực và tiểu thuỷ vực chưa hoàn thành, nhưng ước tính có khoảng 22.000 thuỷ vực và 160.000 tiểu thuỷ vực trong toàn Liên bang. Người Mỹ đã nhận ra các vùng thủy học là những cơ thể sống của thiên nhiên, vì vậy nhiều chương trình thủy điện đã bị gác lại vĩnh viễn, nhiều đập thủy điện đang được phá bỏ để làm sống lại các vùng thủy văn, làm sống lại thời đại của Tụng thi dòng Ister của Holderlin tưởng chừng đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong quá khứ.

Thủy điện Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các cơ quan liên quan để thiết lập một hệ thống thủy học toàn quốc, góp phần phát triển một thủy điện bền vững về phương diện thủy học. 

1.3. Vùng lịch sử: Lĩnh vực địa lý lịch sử tham gia vào việc nghiên cứu lịch sử con người vì nó liên quan đến các vị trí và các vùng, hoặc ngược lại, nó nghiên cứu quá trình và cách thức thay đổi của các vị trí, các vùng theo thời gian. D.W. Meinig, một nhà địa lý lịch sử Mỹ đã mô tả nhiều vùng lịch sử trong cuốn sách Tạo hình nước Mỹ: một viễn cảnh địa lý 500 năm lịch sử. Chẳng hạn trong việc xác định các vùng nguồn nguyên vật liệu châu Âu trong giai đoạn đầu thực dân địa Mỹ, ông đã định nghĩa và mô tả “Vùng Tin lành Đại tây dương Tây Bắc Âu”, bao gồm các khu vực như “Cộng đồng Western Channel”, được tạo bởi các tiểu vùng như “Vùng đất miền Tây thuộc Anh” gồm Cornwall và Devon. Trong khi mô tả các vùng lịch sử Mỹ, ông cũng đã viết về “Đại Ngư trường” ngoài khơi Newfoundland và New England, một vùng đại dương bao gồm các dải đất mênh mông được gọi là Grand Banks. Ông phản đối cách sử dụng các vùng được sử dụng một cách truyền thống trong việc mô tả lịch sử Mỹ như New France, West Indies, Middle Colonies, và các vùng thực dân địa riêng rẽ như tỉnh Maryland chẳng hạn. Thay vào đó ông viết về “các vùng thực dân địa cụ thể”, có thể có tên gọi, nhưng ít khi gắn liền với các ranh giới chính trị - hành chính. Các vùng lịch sử được Meinig đề cập đến bao gồm "Greater New England" và các tiểu vùng Plymouth, New Haven Shores bao gồm cả các bộ phận thuộc Long Island, "Rhode Island" (hoặc "Narragansett Bay"), " Piscataqua", "Massachusetts Bay", "Connecticut Valley", và ở một mức độ ít hơn, các vùng trong phạm vi ảnh hưởng của Greater New England, "Acadia" (Nova Scotia), "Vùng đất mới và Vùng Ngư trường/ Vùng duyên hải".  

Ở Việt Nam các vùng lịch sử được khai thác rất phổ biến trong ngôn ngữ khoa học cũng như trong đời sống thường nhật. Người dân Việt Nam không ai không biết những loại vùng thời Hùng Vương như Tây Âu, Lạc Việt, Việt Thường, rồi vùng được gọi là “Bộ”, với 15 bộ, sau đó là Châu như Phong Châu, Lục Châu, Hoàng Châu, Châu Hoan, Châu Ái. Mới đây là các tên gọi mới như “Vùng Đất tổ”, vùng Quê lụa, vùng quê Năm tấn, vùng Kinh Bắc, hoặc các tên gọi khác của vùng cũng rất phổ biến, đặc biệt là “xứ” là cách gọi vừa theo lối địa lý cổ vừa theo lối địa danh: Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Sơn Nam Hạ, Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Quảng; vùng được gọi theo lối địa lý mới như: vùng Đông Bắc, vùng Tây Bắc, vùng Việt Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Trung Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ, v.v... Các vùng này hầu hết đều được nhận diện dựa trên các lưu vực sông. Đây là một cơ sở chắc chắn để thủy điện Việt Nam có thể tự khẳng định mình là một ngành phát triển bền vững trong việc bảo tồn các di sản lịch sử. 

1.4. Vùng văn hoá: Vùng văn hoá là một thuật ngữ được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu địa lý học. Các văn hoá khác nhau thường không giới hạn phạm vi của chúng vào trong các biên giới quốc gia hoặc vào những đơn vị nhỏ hơn quốc gia. Để vạch ra được bản đồ một văn hoá người ta thường phải xác định một “vùng văn hoá” thực thụ và khi thực hiện công việc đó có thể nhận thấy rất rõ là nó có rất ít mối quan hệ với các đường biên giới luật pháp được các cơ quan hải quan, biên phòng, các hiệp ước, các hiến chương vạch ra. Có những loại vùng văn hoá khác nhau mà một bản đồ văn hoá có thể mang tên, chẳng hạn như vùng văn hoá tôn giáo và văn học dân gian có thể khác biệt ít nhiều với vùng văn hoá ngôn ngữ tộc người, vùng văn hoá kiến trúc chẳng hạn. Nhưng nhìn chung các loại vùng văn hoá thường gắn liền với các ranh giới địa lý. Cho đến nay các nhà địa lý học vẫn sử dụng rộng rãi ba khái niệm vùng tổng quát để nghiên cứu các vùng văn hoá: vùng hình thức, vùng chức năng và vùng ngôn ngữ. Hầu hết các công trình thủy điện Việt Nam đều xây dựng trên các vùng văn hóa tộc người lâu đời, nhiều công trình cắt qua nhiều vùng văn hóa tộc người khác nhau. Nếu khía cạnh văn hóa tộc người không được chú ý và không được tôn trọng thì cái giá phải trả về phương diện văn hóa tộc người sẽ rất lớn.  

1.5. Vùng tộc người: Thường thể hiện dưới hình thức các nhóm tộc người, trong khi đó một nhóm tộc người hoặc một tộc người là một nhóm cư dân bao gồm các thành viên đồng nhất với nhau dựa trên cơ sở phả hệ hoặc tổ tiên được giả định là chung hoặc được những tộc người khác hoặc các nhóm khác thừa nhận là một nhóm riêng biệt, hoặc bằng các đặc điểm thể chất, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hoá chung. Các quá trình nảy sinh cùng với sự xuất hiện của sự đồng nhất hoá như vậy được gọi là quá trình phát sinh tộc người. Các thành viên của một nhóm tộc người về tổng thể đều khẳng định những tính chất liên tục văn hoá theo thời gian, mặc dù các sử gia và các nhà nhân học đều đã chứng minh rằng nhiều thực tiễn văn hoá mà nhiều nhóm tộc người khác nhau lấy làm cơ sở chung thì đều là kết quả của những biến đổi tương đối gần đây. Về phương diện tộc người, nhà xã hội học Max Weber đã từng lưu ý rằng “Toàn bộ quan niệm về các nhóm tộc người đều phức tạp và mơ hồ đến mức tốt hơn hết là nên từ bỏ quan niệm đó đi”. Tuy nhiên Weber đã đề xuất một định nghĩa về nhóm tộc người sau đó đã trở thành chuẩn mực cho các nhà khoa học xã hội: “Những nhóm người ấp ủ một niềm tin chủ quan về dòng dõi chung của họ vì những tương đồng về kiểu loại thể chất hoặc về các phong tục tập quán hoặc cả hai, hoặc vì những ký ức về quá trình thực dân hoá và di cư; niềm tin này phải rất quan trọng đối với việc hình thành nhóm; hơn nữa cũng không còn vấn đề về việc liệu mối quan hệ ruột thịt có thực sự tồn tại hay không” [dẫn theo Mommsen W.J. 1992: 327]. Nhà nhân học R. Cohen [1981, 1988] đã khẳng định rằng trong khi nhiều nhóm tộc người khẳng định một cách chủ quan về tính liên tục văn hoá và một tổ tiên chung thì về mặt khách quan vẫn thường có những bằng chứng kinh nghiệm ngược lại với các khẳng định ấy. Isaacs H. [2004] đã đồng nhất các dấu hiệu riêng biệt khác của tộc người, trong đó có các biểu hiện về thể chất, tên gọi, ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo; định nghĩa này cũng đã được đưa vào một số từ điển. Vì vậy các nhà khoa học xã hội đã tập trung vào những dấu hiệu khác biệt tộc người, và nhà nhân học Vincent J. đã thấy rằng các ranh giới tộc người thường có đặc trưng biến động không ngừng. “Đặc trưng tộc người có thể bị thu hẹp hoặc mở rộng trong khuôn khổ các ranh giới liên quan đến các nhu cầu riêng của các quá trình vận động chính trị. Chính vì vậy mà tổ tiên dòng dõi đôi khi lại là một dấu hiệu của đặc trưng tộc người, đôi khi thì lại không phải: đặc trưng tộc người nào nổi bật là tuỳ thuộc vào việc liệu người ta có vạch các ranh giới tộc người cao hay thấp, và cách thay đổi ranh giới tộc người còn tuỳ thuộc vào các trạng huống chính trị nữa”  [Vincent J. 2002: 45].  

Càng ngày các nhà nước hiện đại càng ra sức tìm kiếm tính chất chính thống thông qua nhu cầu đại diện cho “các dân tộc” của nó. Tuy nhiên nhà nước dân tộc luôn luôn bao gồm cả những nhóm người vì lý do này hay khác bị loại ra khỏi đời sống dân tộc. Hệ quả là các thành viên của các nhóm này vẫn mong muốn được tái hoà nhập vào dân tộc trên cơ sở bình đẳng, hoặc tìm cách đạt được quyền tự trị, thậm chí đôi khi, ở một mức độ nào đó còn tách riêng thành nhà nước dân tộc của mình. Trong các điều kiện đó khi người ta vận động từ nhà nước này sang nhà nước khác hoặc một nhà nước bị chinh phục hoặc bị thực dân địa thì các dân tộc vượt khỏi ranh giới dân tộc – các nhóm tộc người được hình thành bởi những con người đồng nhất bản thân mình với một dân tộc, còn những người sống trong một nhà nước khác thì không.

Thủy điện Việt Nam, đặc biệt là các công trình thủy điện lớn, thực hiện tái định cư với quy mô dân số lớn cần đặc biệt chú ý đến tính nhạy cảm vùng tộc người như đã đề cập ở trên.

2. Con đường tất yếu để phát triển bền vững của thủy điện Việt Nam

2.1. Lựa chọn tất yếu: Việt Nam cũng như mọi quốc gia đang phát triển chọn thủy điện làm một trong những ngành đảm bảo cung cấp năng lượng có thể tái tạo cho đất nước, không còn lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn phát triển bền vững. Điều đó phần nào được khẳng định trong Báo cáo của Tổ chức Năng lượng Thủy điện Quốc tế như sau: “Ngành xây dựng Đập và ngành thủy điện ngày nay không chỉ bao gồm kỹ thuật, nó là một cấu trúc đa ngành bao gồm các chuyên gia môi trường, sinh thái học, sinh học, khoa học xã hội và các nhà kinh tế học. Họ cùng đại diện cho việc chuyên tạo ra sự thịnh vượng bằng cách đảm bảo rằng các dự án trong tương lai được quy hoạch, xây dựng và vận hành với sự tôn trọng đầy đủ đối với xã hội và môi trường [IEA Hydro Năm 2000].

Năm 1995, Hiệp hội Thủy điện Quốc tế [IHA] được thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO với tư cách là một diễn đàn để thúc đẩy và phổ biến các thực tiễn tốt và tăng cường hiểu biết về thủy điện. Hiệp hội đại diện cho ngành thủy điện quốc tế và có sứ mệnh phấn đấu cải thiện liên tục và các thực hành bền vững, tạo dựng sự đồng thuận thông qua quan hệ đối tác mạnh mẽ với các bên liên quan khác,không ngừng tìm kiếm các sáng kiến nhằm​​ tăng cường các đóng góp của các nguồn năng lượng có thể tái tạo, đặc biệt là thủy điện.

Được khởi động thông qua Uỷ hội Đập Thế giới [WCD], ngành thủy điện đã bắt đầu phản ứng với những lời chỉ trích quốc tế. Với tư cách làm một phần của nỗ lực này, IHA đã tham gia tích cực vào các dự án DDP [Đập và Dự án Phát triển - Dams and Development Project]. Song song với quá trình này, IHA quyết định chủ động hành động theo hướng cải thiện hoạt động của ngành bằng cách nâng cao nhận thức về các tác động của việc xây đập, các dự án thủy điện và việc vận hành các công trình thủy điện, thúc đẩy các thực hành bền vững trong ngành, hướng dẫn đo lường tính bền vững, công nhận các thực hành tốt và việc phổ biến kiến ​​thức thông qua giao các công trình, dự án điển hình [Frey, G.W., Linke, D.B., 2002]. Các hoạt động bao gồm:

2.2. Các thực hành đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thủy điện Việt Nam:

2.2.1. Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan, bao gồm chính quyền, người dân và các tổ chức, công ty thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý các dự án thủy điện và toàn bộ hệ thống thủy điện: Năm 2000, IHA xuất bản tập Các bình luận của IHA về Báo cáo cuối cùng của Uỷ hội Đập Thế giới (IHA 2000), nêu rõ quan điểm công nghiệp về việc ứng dụng các khuyến nghị của WCD các cơ hội cho các nghiên cứu bổ sung trong ngành. Sau đó, vào năm 2003 IHA cũng nhắc lại quan điểm này khi công bố báo cáo Vai trò của thủy điện trong phát triển bền vững (IHA 2003). Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của thủy điện đóng góp vào việc phát triển bền vững với tư cách là một nguồn năng lượng quan trọng có thể tái tạo, và với tư cách là một nhà cung cấp nguồn tài nguyên nước sạch đáng tin cậy. Nó hướng đến các bên được hưởng lợi bằng cách đề xuất các phương thức giảm nhẹ hoặc tránh các tác động có hại. Ngành thủy điện Việt Nam cần tăng cường nâng cao nhận thức cho các bên liên quan đã đề cập ở trên.

2.2.2. Thúc đẩy các thực hành bền vững: Trong trường hợp không có hướng dẫn áp dụng của WCD và các sáng kiến quốc tế ​​đánh giá hoạt động của ngành, IHA đã công bố tập Hướng dẫn Thực hành Bền vững của IHA đưa ra phát triển bền vững Hướng dẫn IHA, với phiên bản mới nhất được công bố vào năm 2004. Các hướng dẫn này giúp thúc đẩy các thực hành bền vững nhằm cố gắng lấp đầy các thiếu hụt trong việc hướng dẫn thực hiện cho một thủy điện bền vững và đã trở thành một công cụ nội bộ cho ngành nhằm điều chỉnh các hoạt động của mình trong các lĩnh vực môi trường, xã hội và kinh tế. Nếu chỉ dừng lại ở việc tăng cường nhận thức thì sẽ là chưa đủ và vô nghĩa, vì vậy bên cạnh đó ngành thủy điện Việt Nam cần và buộc phải thúc đẩy các thực hành phát triển bền vững trong ngành và các lĩnh vực liên quan.

2.2.3. Đo lường các thực hành bền vững: Để khắc phục tình trạng thiếu hụt bộ công cụ dùng để đánh giá tính bền vững trong các hoạt động thủy điện, IHA đã xây dựng một bộ quy tắc để hỗ trợ ngành thủy điện trong đánh giá việc thực hành dựa trên các tiêu chí đã công bố trong Hướng dẫn Thực hành Bền vững của IHA. Bộ quy tắc này khuyến khích và làm cho việc xem xét về tính bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội có thể đo lường được trong việc đánh giá các lựa chọn nguồn cung cấp năng lượng mới, các dự án thuỷ điện mới, cũng như việc thực hiện, quản lý và vận hành các cơ sở vật chất hiện có và các cơ sở mới [IEA Hydro 2000]. Để thực sự đảm bảo phát triển bền vững, Thủy điện Việt Nam cần phải đo lường, đánh giá các thực hành phát triển bền vững và các tác động trong ngành và các lĩnh vực liên quan.

2.2.4. Công nhận các thực hành tốt về tính bền vững – Giải thưởng Hành tinh xanh của IHA: Trong một môi trường chỉ trích ngày càng tăng, thì điều rất cần thiết là phải bình ổn cuộc luận chiến bằng cách chú ý đến một số tác động tích cực thủy điện có thể thực hiện được trong việc phát triển các lưu vực sông suối liên quan. Phối hợp với UNESCO, IHA đã trao giải Hành tinh xanh IHA cho các nhà điều hành đạt được những hiệu quả nổi bật trong quản lý bền vững của dự án thủy điện. Giải thưởng đã được trao cho: i) Chương trình Điện khí hóa Nông thôn Andhikhola của Nepal năm 2005 vì các tác động tích cực phi thường về phương diện kinh tế - xã hội; ii) Cơ sở sản xuất điện vùng hồ Arrow Canada năm 2005 vì đạt tới mức độ hoàn hảo về các lĩnh vực môi trường, kỹ thuật và xã hội; iii) Thủy điện Sechelt Creek, Canada năm 2005 vì các tác động tích cực về môi trường và xã hội; iv) Thủy điện Salto Caxias, Brazil, năm 2003 vì đạt tới mức độ hoàn hảo về tác động xã hội; v) Chương trình Dự trữ nước Palmiet, Nam Phi năm 2003 vì các hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường và năng lượng; vi) Chương trình Phát triển Điện năng sông King, Australia năm 2001 vì các thành tựu đổi mới trong thiết kế, xây dựng và hệ thống quản lý môi trường. [Frey, G.W., Linke, D.B., 2002]

Việt Nam cũng cần phải có hệ thống thể chế để công nhận và khen thưởng xứng đáng và có các chế tài thích đáng đối với các bên liên quan trong việc thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy điện và các lĩnh vực có liên quan.

2.2.5. Phát triển các hoạt động truyền thông về thủy điện bền vững: Điều quan trọng Thủy điện Việt Nam cần ghi lại và phổ biến các thực hành có tác động tốt của các công trình, dự án thủy điện đối với các lĩnh vực kinh tế, môi trường, kinh tế, xã hôi, đặc biệt là các thực hành đã được thực tiễn chứng minh là có tính bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bản thân sự phát triển của ngành thủy điện non trẻ vẫn còn đang được tiếp tục xây dựng. Ở Việt Nam, mức độ ưu tiên cho các hoạt động không thuộc lĩnh vực kinh tế như môi trường, xã hội, văn hóa còn thấp, vì vậy cần phải khắc phục đến gốc rễ thiếu hụt này nhằm đảm bảo thực sự có một công nghiệp thủy điện phát triển bền vững về mọi mặt.

3. Kết luận

Việt Nam là một đất nước có địa hình phức tạp, với một mạng lưới sông ngòi dày đặc, đó chính là một trong những nguồn lợi thiên nhiên to lớn phục vụ cho phát triển thủy điện. Bên cạnh địa hình phức tạp ấy là những cấu trúc xã hội, văn hóa, tộc người rất đa dạng và phong phú. Vì vậy đối với Việt Nam, việc lựa chọn một ngành công nghiệp thủy điện phát triển bền vững là hoàn toàn có thể. Chỉ có phát triển thủy điện theo phương châm bền vững thì ngành này mới góp phần đảm bảo được sự bền vững về môi trường sinh thái, tạo ra được sự thịnh vượng về kinh tế, và góp phần giữ gìn được các di sản văn hóa tộc người vô giá. Nếu không phát triển bền vững thì thủy điện Việt Nam sẽ là một nguồn gốc gây ra vô số thảm họa khó lường cho toàn bộ các lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Hy vọng rằng trong tương lại gần Việt Nam sẽ có một ngành thủy điện bền vững để thời đại hoàng kim của các dòng sông sẽ quay trở lại.

__________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2014). Thủy điện Bền vững – Thời đại Hoàng kim của các dòng sông trong Tụng thi Holderlin sẽ quay về (II). Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Số 263 (25/2/2014), tr. 31-35.

Tài liệu dẫn

Cohen, R.B. 1981. The New International Division of labor, Multinational Corporations and Urban Hierarchy. In Michael Dear and Allan J. Scott (eds) Urbanization and Urban Planning in Capitalist Society, London: Methuen.

Cohen, R.B. 1988. State Formation and Political Legitimacy. Edited by Ronald Cohen and Judith D. Toland. Myron J. Aronoff. 

Frey, G.W., Linke, D.B., 2002. Hydropower as a Renewable and Sustainable Energy Resource Meeting Global Energy Challenges in a Reasonable Way. In the Energy Policy, 30, pp. 1261-1265.

IEA Hydro 2000. Hydropower and the World’s Energy Future. The Role of Hydropower in Bringing Clean, Renewable Energy to the World. International Energy Agency Implementing Agreement on Hydropower Technologies and Programmes.

Isaacs, Harold  2004 (Ed.)  Exploring Conflicts and conflict Resolution in the Contemporary Third World. In ATWS Proceedings, Twenty Second Annual Meeting (2004) Americus, GA: Association of Third World Studies, Inc., 2005, 97 pp.

Mommsen W.J. 1992. The Political and Social Theory of Max Weber. University of Chicago Press.

Vincent J. 2002. Anthropology of Politics: A Reader in Ethnography, Theory, and Critique. Blackwell Publisher.  

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét