Powered By Blogger

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Quản lý Xã hội Nông thôn mới (I)

 Hà Hữu Nga

Quản lý xã hội là một hoạt động bình thường của mọi chế độ xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của con người. Tuy nhiên các vấn đề về quản lý xã hội lại trở thành nóng bỏng và bức thiết đối với mọi chính quyền, mọi nhà nước trong những giai đoạn mà quá trình biến đổi xã hội diễn ra thường xuyên, liên tục và nhanh chóng đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ với tốc độ vũ bão như ở Việt Nam hiện nay.   

I. Một số Vấn đề Quản lý Xã hội Nông thôn nước ta Hiện nay

Khái lược về vấn đề quản lý xã hội nông thôn

Quản lý xã hội là những tác động có ý thức của con người vào xã hội nhằm sắp xếp và duy trì các cơ cấu và các phẩm chất đặc thù của xã hội, để đáp ứng sự tồn tại và phát triển của xã hội trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống. Quản lý xã hội bao trùm mọi khác thể và quá trình xã hội mà trạng thái có ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của hệ thống xã hội, đối với hoạt động sống của con người. Xét về bản chất, quản lý xã hội điều chỉnh sự tác động qua lại một cách mẫu thuẫn giữa các lợi ích và giá trị của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng xã hội để thực hiện chúng.  Quản lý xã hội là sự điều tiết những mối quan hệ xã hội quy định địa vị và vai trò của con người trong xã hội, định hướng về lợi ích, giá trị và hoạt động, nội dung và cường độ hoạt động của họ. Quản lý xã hội tác động đến cá nhân, nhóm xã hội, thiết chế xã hội, cộng đồng xã hội (Hoàng Chí Bảo – Đoàn Minh Huấn chủ biên, 2012, tr. 46). Vai trò của chính sách là rất quan trọng đối với phát triển, và khái niệm quản lý xã hội thành công lại chủ yếu đề cập đến các thành tố quản lý hiệu quả. Các đặc trưng chung nổi bật trong các nền kinh tế thành công là tính bền vững về các định hướng chính sách lớn, linh hoạt trong việc phản ứng với các dấu hiệu thị trường và tính kỷ luật trong việc thực thi các biện pháp cần thiết để đạt được các mục tiêu dài hạn, mặc dù họ gặp các khó khăn trước mắt thì đó chính là các dấu hiệu của một cách quản lý xã hội thành công. Tuy nhiên ngay cả trong các nền kinh tế như vậy thì chính phủ vẫn cần phải thực hiện các chức năng rất cơ bản. Đó là: i) duy trì tính bền vững kinh tế vĩ mô; ii) phát triển hạ tầng cơ sở; iii) cung cấp các hàng hoá công cộng; iv) ngăn chặn các thất bại thị trường, và v) thúc đẩy phát triển công bằng. Chỉ có như vậy thì tính chất bấp bênh của nền kinh tế vĩ mô mới không cản trở tính công bằng trong phân phối các phúc lợi kinh tế, một mục tiêu rất rõ ràng của mọi nhà nước.

Các nhân tố đảm bảo quản lý xã hội: Rất nhiều tổ chức đa phương chẳng hạn như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP  1999), Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) đều đã làm sáng tỏ các yếu tố quản lý tốt, và làm sáng tỏ vai trò của mối quan hệ của chúng với phát triển. Trong đó cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới là tiêu biểu nhất. Các nhân tố đảm bảo quản lý xã hội tốt đã được các tổ chức này xác định là i) quản lý hiệu quả khu vực công; ii) trách nhiệm giải trình; iii) khung pháp lý cho phát triển; iv) minh bạch thông tin. Tuy nhiên để xác lập một khung phân tích cho việc định hướng các vấn đề quản lý, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ưu tiên tìm ra các khác biệt giữa các nhân tố quản lý tốt và các hoạt động cụ thể, như việc quản lý khu vực công, bằng cách thúc đẩy và hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực này. Ngoài ra Ngân hàng cũng xác định bốn nhân tố cơ bản đảm bảo cho quản lý tốt là: i) trách nhiệm giải trình, ii) tham gia; iii) tính có thể dự báo, và iv) tính minh bạch (World Bank, 2006). 

Trách nhiệm giải trình trong quản lý xã hội: Trách nhiệm giải trình là có tính chất bắt buộc để làm cho các cán bộ nhà nước có thể trả lời được với chính phủ về hành vi và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước một cơ quan chính phủ cụ thể. Các cơ chế sử dụng cho việc giải trình trách nhiệm có thể khác nhau tuỳ thuộc vào các loại giao kèo, hợp đồng hoặc cam kết trách nhiệm ở cấp độ hẹp; vào các cơ quan lập pháp được lựa chọn ở cấp độ rộng; còn ở cấp độ hẹp hơn thì là các uỷ ban tư vấn. Trách nhiệm giải trình cũng có nghĩa là việc xác lập các tiêu chuẩn để đo lường việc thực hiện trách nhiệm của các quan chức nhà nước, cũng như các cơ chế giám sát để đảm bảo rằng các chuẩn mực đó đều được tuân thủ. Thiếu trách nhiệm giải trình sẽ làm suy giảm lòng tin với tư cách là một bên đối tác, và sẽ góp phần làm sói mòn năng lực của chính phủ trong việc duy trì niềm tin lâu dài rất thiết yếu cho việc cổ vũ sự đầu tư của khu vực tư nhân (World Bank, 2006). 

Quản lý xã hội có sự tham gia: Nguyên tắc tham gia xuất phát từ việc thừa nhận một thực tế là người dân là trung tâm của quá trình quản lý xã hội theo hướng phát triển. Vì phát triển là sự nghiệp của người dân và vì người dân, nên người dân cần có điều kiện, khả năng và quyền tiếp cận với các thể chế liên quan, đặc biệt là thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, thông qua các kênh địa diện cho tiếng nói của người dân. Tham gia thường liên quan đến trách nhiệm giải trình, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Tham gia có nghĩa là các cơ cấu tổ chức của nhà nước cần phải linh hoạt nhằm mục đích tạo cơ hội cho người hưởng lợi và những người chịu tác động khác nhằm cải thiện việc thiệt kế và thực hiện các chương trình, dự án thuộc khu vực công. Sự tham gia của mọi tác nhân địa phương và vùng vào đời sống kinh tế - xã hội không chỉ giúp cải thiện vai trò của khu vực tư nhân, mà còn giúp cho các hoạt động của tất cả các hội đoàn thể quần chúng trong phạm vi địa phương và vùng. Đó chính là phát huy vai trò của các nhân tố xã hội dân sự vào quá trình cải thiện quản lý xã hội, và là những phương tiện thay thế cho việc khơi thông các nguồn năng lượng của xã hội dân sự, thực sự đóng góp vào việc cải thiện hiệu quả quản lý xã hội  (World Bank, 2006).

Tính minh bạch trong quản lý xã hội: Tính minh bạch liên quan đến mức độ sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thông tin của công chúng và tính chất rõ ràng của các nguyên tắc, quy định, và các quyết định của chính phủ. Vì vậy, tính minh bạch trong quản lý phát triển xã hội vừa bỏ sung lại vừa củng cố cho khả năng có thể dự báo. Khó khăn trong việc đảm bảo tính minh bạch là ở chỗ chỉ có nơi sản xuất và cung cấp thông tin mới có thể biết được về thông tin, và họ có thể hạn chế khả năng tiếp cận của người dân đối với thông tin. Tính minh bạch trong quá trình ra quyết định và thực hiện chính sách công của chính phủ sẽ làm giảm tính bất chắc và có thể giúp làm giảm tình trạng và mức độ tham nhũng của các cán bọ thuộc lĩnh vực công. Để đạt được mục đích này, cần phải có các nguyên tắc và quy trình đơn giản, rõ ràng và dễ ứng dụng. Bằng cách làm như vậy có thể sẽ giúp cho việc phân biệt thông tin với tư cách là một loại hàng hoá khỏi thông tin với tư cách là một quá trình. Chẳng hạn  quyền sở hữu trí tuệ cần phải được bảo vệ để khuyến khích năng lực sáng tạo và đổi mới, nhưng việc ra quyết định về việc xác định quyền sở hữu trí tuệ cho người nào đó thì lại phải minh bạch (World Bank, 2006).  

Quản lý các quá trình xã hội: Đó là việc quản lý biến đổi ở các cấp khác nhau – các động thái xã hội trong đời sống hàng ngày và các quá trình chuyển đổi ngắn hạn và phát triển lâu dài trong xã hội (Wilterdink Nico, William Form, 1998). Đó là các quá trình sau: i) Quá trình Tích hợp văn hóa người Anh gọi đó là quá trình tiếp xúc văn hóa (Linton, Ralph editor, 1940); ii) Quá trình Thích ứng dựa trên cơ sở học hỏi xã hội, mang tính điều chỉnh cá nhân hoặc điều chỉnh nhóm. Thích ứng xã hội đem lại rất nhiều lợi ích về mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh (Voget Fred W., 1956); iii) Quá trình Đồng hóa là sự hấp thu xã hội của một dân tộc, chủng tộc hoặc văn hóa, hoặc của một người nhập cư, vào một xã hội được chấp nhận, sản xuất ra một văn hóa mới, phổ biến, và khá đồng nhất. Đối với yếu tố thời gian, sự đồng hoá, có thể là quá trình một chiều, hoặc là một quá trình tương hỗ, lại nhanh chóng, như trong trường hợp các dân tộc thiểu số Châu Âu ở Hoa Kỳ, hoặc chậm, như trường hợp người Mỹ da đen (Milton, Gordon, 1964); iv) Quá trình Hợp tác liên quan đến hai hoặc nhiều cá nhân hoặc các nhóm cố kết hợp các hoạt động của họ để đạt được lợi ích chung hoặc các mục tiêu chung mà những người tham gia chia sẻ. Là một chuẩn mực về đạo đức và xã hội, hợp tác đã thực sự tạo ra tất cả các tôn giáo và hệ thống triết học quan trọng của thế giới (Allee, Warder, 1958; Mead, Margaret, editor, 1961; Panos D. Bardis, 1978); v) Quá trình Cạnh tranh là sự đấu tranh của các cá nhân hoặc nhóm đối với việc sở hữu và sử dụng hàng hoá bị hạn chế hoặc được cho là bị hạn chế. Cạnh tranh có ý thức thường được gọi là sự ganh đua: sự ganh đua nảy sinh khi hai ngành công nghiệp tự động cạnh tranh vì cùng một nhóm khách hàng hoặc khi hai đảng chính trị theo đuổi cùng một chức vụ (Mead, Margaret, editor, 1961; Panos D. Bardis, 1978); vi) Quá trình Xung đột  là một hình thức tương tác xã hội liên quan đến hai hoặc nhiều cá nhân hay nhóm người có ý thức nhằm cản trở mục đích của nhau hoặc để đánh bại, làm bị thương hoặc thậm chí hủy diệt đối thủ. Chức năng của xung đột cùng loài bao gồm: i) thiết lập sự cân bằng giữa dân số và môi trường, ii) bảo vệ thành viên non trẻ, và iii) tái sinh sản bởi các thành viên mạnh nhất của loài. Xung đột khác loài dựa trên ba nguyên tắc: i) sự thống trị, hoặc ưu thế của một thành viên đối với các thành viên khác; ii) lãnh thổ, hoặc sự chiếm đoạt một vùng đất bởi một số thành viên; và iii) liên kết, hoặc các mối quan hệ hòa bình và độc lập giữa các thành viên của loài (Simmel, Georg, 1955; Panos D. Bardis, 1978).

Quản lý xã hội và ổn định xã hội: Ổn định xã hội về một phương diện nào đó chính là việc duy trì được trật tự xã hội. Đó là khái niệm chỉ sự hoạt động ổn định hài hòa của các thành phần xã hội trong cơ cấu xã hội; trật tự xã hội nhằm duy trì sự phát triển xã hội và cơ chế bảo đảm tính trật tự xã hội là các thể chế xã hội. Ổn định xã hội có cơ sở ở những lợi ích khác nhau của các nhóm xã hội khác nhau (Innes M., 2003). Rối loạn là trạng thái hoàn toàn đối lập với trật tự và ổn định xã hội, và gây ra do xung đột xã hội (Janowitz M., 1975). Ổn định xã hội tồn tại dựa trên khả năng hóa giải xung đột và tăng cường kiểm soát xã hội. Thông qua chức năng kiểm soát của mình các cá nhân phải tuân thủ theo chuẩn mực giá trị xã hội, các quy định hạn chế đối với hành vi (Poore, S., 2007; Hechter, M. and Horne, C., 2003). Ba công cụ chính thức của kiểm soát xã hội được Talcott Parsons đề xuất như sau: i) Cô lập hoàn toàn; ii) Hạn chế giao tiếp, quản chế; iii) Cải tạo, phục hồi. Kiểm soát xã hội chính thức được thực hiện bởi những tổ chức với các quy định, luật lệ. Những quy định, luật lệ này ép buộc mọi tổ chức và cá nhân phải tuân thủ (North, Douglass C., John Joseph Wallis, and Barry R. Weingast, 2012). Các thành viên của các tổ chức kiểm soát xã hội tạo thành một bộ phận đáng kể trong lực lượng lao động xã hội (thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên,...). Trong các cơ cấu phi chính thức, các nhóm sơ cấp, sự điều chỉnh hành vi vào khuôn phép thường được thực hiện bởi sự kiểm soát phi chính thức (Innes M., 2003).

Quản lý xã hội và phát triển xã hội: Các nhà lý thuyết xã hội đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về phát triển xã hội, chẳng hạn đó là “quá trình tổ chức năng lượng và các hoạt động của con người ở các cấp cao hơn để đạt được kết quả cao hơn. Phát triển làm tăng việc sử dụng tiềm năng của con người” (Jacobs, Garry and Asokan N., 1999). “Phát triển xã hội là thúc đẩy một xã hội bền vững xứng đáng với phẩm giá con người bằng cách trao quyền cho các nhóm bên lề xã hội, phụ nữ và nam giới, đảm bảo phát triển bản thân họ, cải thiện vị thế xã hội và kinh tế của họ để họ có được vị trí chính đáng trong xã hội…” (Bilance, 1997). “Phát triển xã hội là bình đẳng về cơ hội xã hội” (Drèze, Jean, and Amartya Sen, 1995). Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển xã hội tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 1995, xác định phát triển xã hội gồm ba tiêu chí cơ bản: Xoá đói giảm nghèo; Việc làm; Công bằng xã hội. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đưa ra ba chỉ số phát triển xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI); Chỉ số người nghèo (HPI); Chỉ số phát triển giới (GDI). Bilance, Cơ quan phát triển Hà Lan đưa ra ba thành phần của phát triển xã hội: Cuộc chiến chống nghèo đói; Phát triển bởi những người cùng chia sẻ (nhóm, tổ chức, cộng đồng); Một vị trí xứng đáng trong xã hội. Ba lĩnh vực của hoạt động (trong phát triển xã hội): Dịch vụ cơ bản; Sự tồn tại của phương tiện; Nhân quyền và Dân chủ vùng. Ba thước đo cố định cho phát triển xã hội là  giới, phát triển bền vững và sự gắn kết xã hội (World Bank, 2006).

1.1. Thể chế chính trị và quản lý xã hội ở nông thôn Việt Nam hiện nay

Hiện đang gặp một mâu thuẫn trong quá trình hoàn thiện thể chế chính trị nông thôn, đó là: i) Nhận thức về vị trí, vai trò và sự cấp bách hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn của một bộ phận cán bộ và người dân còn thấp; ii) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức, vận hành bộ máy chính trị ở nông thôn thiếu ổn định, đồng bộ là rào cản đối với hoạt động, hoàn thiện thể chế chính trị theo hướng pháp quyền xã hội chủ nghĩa; iii) Năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế; chế độ, chính sách với cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập là lực cản lớn cho hoạt động, hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn hiện nay; iv) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn nông thôn còn thấp gây khó khăn lớn cho hoạt động, hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn; v) Tâm lý, thói quen tiểu nông, làng xã ở một bộ phận cán bộ và người dân nông thôn còn nặng nề, tạo ra sức ì, lực cản lớn cho quá trình hoạt động, hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn; vi) Mâu thuẫn giữa nhu cầu quản lý toàn diện, chặt chẽ cư dân nông thôn với tinh giản bộ máy trong quá trình hoạt động, hoàn thiện thể chế chính trị nông thôn.  Tất cả những yếu tố trên đang tác động bất lợi đến xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn, đang cản trở quá trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới thì công tác hoàn thiện thể chế chính trị phải được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu (Đỗ thị Thạch 2015).

1.1.1. Các khái niệm và vấn đề liên quan

Vấn đề xã hội nông thôn: Xã hội nông thôn là những cộng đồng mật độ dân số thấp, trong đó các hoạt động kinh tế quan trọng nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, bông sợi và các loại nguyên liệu thô liên quan đến ruộng đồng, đất, nước, rừng núi, đồng cỏ, ao hồ. Nhiều quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn thống kê khác nhau để tính dân số nông thôn và thành thị; Ví dụ như ở Nhật Bản, bất kỳ cụm dân cư nào dưới 30.000 người đều được coi là nông thôn, trong khi ở Albania một nhóm hơn 400 người được coi là một khu dân cư đô thị. Các cộng đồng nông thôn được đánh giá cao bởi sự thân mật và giá trị truyền thống thường được quy định bởi các phong tục tập quán và các nghi thức dòng tộc, và đặc biệt là quyền sở hữu và chăm sóc đất sản xuất được truyền thống thừa nhận suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác (Lauermann, Manfred 2006). Nhà xã hội học người Đức Ferdinand Tönnies mô tả bản chất trái ngược của cuộc sống đô thị so với nông thôn bằng thuật ngữ Gesellschaft (xã hội), một trạng thái được đặc trưng bởi bộ máy quan liêu phi cá nhân, chuyên môn hoá theo phương thức duy hóa và cơ giới hóa (Lauermann, Manfred 2006). Theo Tönnies thì tất cả các xã hội đều được đặc trưng bởi sự pha trộn của Gemeinschaft (cộng đồng) Gesellschaft. Hoa Kỳ, là quốc gia mà nền nông nghiệp gần như hoàn toàn cơ giới hoá, thì gần với chung cục của phổ Gesellschaft hơn, trong khi nông thôn Ấn Độ, vẫn còn được truyền thống dẫn dắt, lại là một ví dụ điển hình về phổ cộng đồng Gemeinschaft (Osterkamp, Frank 2001, 2006). Ở các quốc gia công nghiệp, vùng nông thôn đôi khi hầu như không có hiện tượng suy giảm dân số, ví dụ như năm 1970 ở Hoa Kỳ chỉ có 6,7% người làm việc trong các khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp (Osterkamp, Frank 2001, 2006).

Thchế xã hội: Ở Việt Nam, thuật ngữ “institution” trong tiếng Anh và tiếng Pháp được dịch là thiết chế, thể chế hoặc định chế, là đối tượng của nhiều ngành khoa học khác nhau như xã hội học, luật học, sử học, khoa học chính trị, kinh tế học thể chế,… Emile Durkheim định nghĩa xã hội học là nghiên cứu khoa học về các thể chế (Durkheim, Émile, 1982). Truyền thống của xã hội học chính thống thừa nhận có 5 tập hợp thể chế chủ yếu trong xã hội, đó là: i) các thể chế kinh tế cho sản xuất, phân phối, và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; ii) các thể chế chính trị điều chỉnh và kiểm soát việc tiếp cận quyền lực; iii) các thể chế phân tầng xã hội điều chỉnh việc tiếp cận với uy tín và vị thế xã hội; iv) các thể chế dòng họ, hôn nhân và gia đinh, kiểm soát sinh sản; và v) các thể chế văn hóa liên quan đến tôn giáo, hệ thống biểu tượng và việc thực hành văn hóa (Turner, Bryan S., 2006). Việc phân tích các tập hợp thể chế này là đặc điểm trung tâm của lý thuyết các hệ thống xã hội, và có thể nói rằng xã hội học chức năng luận Talcott Parsons là một đóng góp chủ đạo cho nhánh xã hội học này. Thể chế là một phức hợp vai trò được thể chế hóa (hoặc các mối quan hệ vị thế) có ý nghĩa cấu trúc chiến lược cho hệ thống xã hội, các thể chế là nền tảng cho sự tích hợp tổng thể các hệ thống xã hội. “Các thể chế là những ràng buộc do con người tạo ra, cấu trúc thành mối tương tác chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng bao gồm cả những ràng buộc không chính thức (các hình phạt, cấm k, phong tục, truyền thống, các lề thói ứng xử) và các quy tắc chính thức (các hiến pháp, các luật, các quyền). Trong suốt lịch sử, các thể chế đã được con người phát minh để tạo ra trật tự và giảm sự bất chắc trong trao đổi” (North, Douglass C., 1991).

Khái niệm thể chế chính trị: là hệ thống các định chế, các giá trị (luật lệ, quy định, quy chế, chuẩn mực…) hợp thành những nguyên tắc tổ chức và phương thức vận hành của một chế độ chính trị, nhằm điều chỉnh và xác lập các quan hệ chính trị; hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị; cơ sở chính trị - xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội nhằm bảo vệ quyền lực và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Khái niệm thể chế chính trị được cấu thành bởi những yếu tố sau: i) Một là hệ thống các định chế, các giá trị tạo thành những nguyên tắc tổ chức, phương thức vận hành của một chế độ chính trị nhất định. Hiến pháp đóng vai trò nền tảng và khuôn khổ của thể chế chính trị; Hai là bao gồm thể chế nhà nước, thể chế các đảng chính trị, thể chế các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, thể chế nhà nước là quan trọng nhất; Ba là, hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc. Song thể chế chính trị đồng thời lại là cơ sở chính trị – xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ chính trị xã hội (Đỗ Thị Thạch, 2015).

Thể chế chính trị nông thôn ở Việt Nam: Nông thôn là phần lãnh thổ của một nước hay một đơn vị hành chính nằm ngoài lãnh thổ đô thị, có môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế, xã hội khác biệt với thành thị và dân cư chủ yếu làm nông nghiệp (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2005). Thể chế chính trị ở nông thôn Việt Nam gồm những đặc điểmvai trò như sau sau: (1) Về đặc điểm: (i) Thể chế chính trị ở nông thôn thuộc thượng tầng kiến trúc ở nông thôn có mối quan hệ tương tác biện chứng với các thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. (ii) Chịu ảnh hưởng rất lớn của nền kinh tế nông nghiệp, truyền thống văn hóa làng xã và tâm lý, lối sống nông dân. (iii) Do Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số cư dân là nông dân nên thể chế chính trị ở nông thôn có tác động trên phạm vi địa lý, dân cư lớn nhất. (2) Vai trò thể chế chính trị ở nông thôn: (i) Thể chế hóa những tư tưởng, quan điểm của Đảng thành những chuẩn mực xã hội, tiêu chí chính trị buộc mọi người phải tuân theo. (ii) Là cơ sở pháp lý cho sự tạo dựng, vận hành của thiết chế chính trị nông thôn. (iii) Quy định và điều chỉnh các quan hệ, hành vi của các chủ thể chính trị nhằm tạo lập sự ổn định và cân bằng của quá trình chính trị. (iv) Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và  giữ vững ổn định an ninh – quốc phòng ở nông thôn (Đỗ Thị Thạch, 2015).

1.1.2. Thực trạng của thể chế chính trị và bộ máy chính quyền ở nông thôn hiện nay

a) Thực trạng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc tổ chức, vận hành bộ máy chính trị ở nông thôn: 1). Thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn hiện nay: i) Ở một số địa phương, các ban tham mưu, giúp việc cho đảng ủy xã chưa được kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ chưa được xác định rõ; ii) Chất lượng của chi ủy viên, đảng ủy viên nhìn chung chưa cao, thậm chí có một số cấp ủy viên có lập trường tư tưởng thiếu vững vàng, có tư tưởng trục lợi, bè cánh, họ tộc; iii) Công tác cán bộ của các tổ chức cơ sở đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhất là khâu quy hoạch, đánh giá, luân chuyển cán bộ; iv) Một số tổ chức cơ sở đảng còn tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát; v) Việc tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng tại một số tổ chức cơ sở đảng chưa chặt chẽ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; vi) Chất lượng sinh hoạt đảng của các tổ chức cơ sở đảng chưa cao, nội dung sinh hoạt chưa được chuẩn bị chu đáo; tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục còn thấp. 2) Về hoạt động lãnh đạo: i) Sự lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng về kinh tế - xã hội còn dàn trải, không sát thực với thực tế địa phương; ii) Công tác tư tưởng của một số tổ chức cơ sở đảng còn mang tính hình thức, chưa được tiến hành thường xuyên; iii) Ở một số cơ sở, còn diễn ra tình trạng cấp ủy vừa bao biện làm thay chính quyền, vừa buông lỏng lãnh đạo chính quyền trên một số mặt công tác (Đỗ Thị Thạch, 2015).

b) Thực trạng tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền

Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã:  a) Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ như tiếp xúc cử tri, thu thập, phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp. Hoạt động giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, có thông báo về nội dung giám sát, thời gian chuẩn bị. Hoạt động tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: ở hầu hết các xã được thực hiện tại trụ sở hoặc tại cuộc tiếp xúc cử tri. b) Những hạn chế chủ yếu: i) Hội đồng nhân dân xã chưa thể hiện rõ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vai trò đại diện thực sự cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong xã; ii) Chức năng quyết định những vấn đề lớn của địa phương (ngân sách, đóng góp của dân, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, quản lý đất đai, giải quyết việc làm…) còn mang tính hình thức; iii) Chức năng giám sát hoạt động Ủy ban nhân dân theo định kỳ cũng còn thực hiện chưa sâu sát; Trình độ, năng lực của một bộ phận đại biểu Hội đồng nhân dân còn thấp (Đỗ Thị Thạch, 2015).

Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã: i) Công tác tổ chức bộ máy và bổ nhiệm nhân sự cho các cơ quan chuyên môn theo Nghị định 92/2010/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức hàng năm về cơ bản đã đạt được kết quả; ii) Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được nâng cao; (vi) Công tác phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng nhịp nhàng. Những hạn chế chủ yếu: i) Năng lực quản lý hành chính ở một số xã còn có biểu hiện của tính tùy tiện, nặng về kinh nghiệm và tình cảm. ii) Ủy ban nhân dân một số địa phương đã đùn đẩy nhiều chức năng, nhiệm vụ của xã cho thôn, xóm; iii) Phân công nhiệm vụ giữa các bộ phận giúp việc của Ủy ban nhân dân chưa cụ thể, rõ ràng; iv) Bộ máy Ủy ban nhân dân nhiều nơi phình ra nhưng hoạt động không hiệu quả; v) Hiện tượng mất dân chủ, kéo bè kéo cánh diễn ra ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã (Đỗ Thị Thạch, 2015).

Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã: a) Về hoạt động: i) Mặt trận Tổ quốc xã đã thực hiện khá đầy đủ các nhiệm vụ; ii) Hội nông dân các cấp tích cực vận động nông dân thi đua sôi nổi lao động sản xuất, kinh doanh; iii) Hội Phụ nữ tổ chức nhiều phong trào thi đua do Trung ương hội phát động; iv) Đoàn Thanh niên đẩy mạnh triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ; v) Hội Cựu chiến binh các cấp làm tốt công tác giáo dục truyền thống; vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. b) Những hạn chế chủ yếu: i) Công tác xây dựng, phát triển tổ chức còn hạn chế, trong thời gian dài không phát triển được đoàn viên, hội viên (nhất là đoàn thanh niên); ii) Nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; một số tổ chức chính trị - xã hội đã bị hành chính hóa. iii) Thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đối với các hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu kém; iv) Một bộ phận cán bộ trong các tổ chức này có tâm lý an phận thủ thường” không cố gắng suy nghĩ tìm giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức của mình (Đỗ Thị Thạch, 2015).

Tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính thức ở nông thôn hiện nay: Đây là những tổ chức được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ với mục tiêu hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Các thể chế phi chính thức là các thể chế xã hội để phân biệt với thể chế chính thống là các thể chế chính trị (Hoàng Chí Bảo 2010, tr.78). Các thể chế phi chức thức gồm: a) Làng, xóm ngõ: Tại nhiều địa phương ban lãnh đạo thôn đã tham gia cả những công việc hành chính vi phạm pháp luật như: quản lý đất đai, ao hồ, cho thuê lấy lãi; bán đất của thôn, xóm để làm việc khác; bắt và xử lý kẻ gian; ban hành những quy định tùy tiện như thu phí, xử phạt vi phạm.. những chức năng mà chỉ cơ quan hành chính nhà nước mới có thẩm quyền. (iii) Hiện tại, một số thôn đang trỗi dậy những hủ tục cũ như tổ chức ma chay, cưới xin đình đám, tổ chức hội hè lãng phí, xa xỉ. b) Gia đình, dòng họ: Nhiều dòng họ tổ chức khuyến học, khuyến tài, tôn vinh người thành đạt, khuyến khích lớp trẻ phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác. Hiện tượng phục hưng dòng họ cũng gây một số tác động tiêu cực trong xã hội: hiện tượng bè phái, cục bộ đưa đến sự kèn cựa giữa các dòng họ, gây ra mâu thuẫn mất đoàn kết trong làng xóm. c) Hội, phường: Hiện nay, các hội được thành lập đa dạng hơn, có hội dựa trên tuổi tác như hội đồng môn, đồng tuế; có hội dựa trên nghề nghiệp như: hội làm vườn, hội sinh vật cảnh, hội doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số hội khi thành lập đã tự đề ra các ”lệ”, nội quy mà trong đó chứa đựng các nội dung trái pháp luật; một số cá nhân đã lợi dụng các hội để vi phạm pháp luật, tính cục bộ trong hội cũng cản trở quá trình xây dựng thể chế chính trị nông thôn (Đỗ Thị Thạch, 2015).

1.2. Vai trò chủ thể của nông dân trong quản lý xã hội nông thôn

1.2.1. Vai trò chủ thể của nông dân và các khái niệm liên quan

Vấn đề chủ thể quản lý xã hội: Chủ thể quản lý xã hội đa dạng hơn rất nhiều so với chủ thể chủ thể quản lý hành chính nhà nước và chủ thể quản lý doanh nghiệp. Chủ thể quản lý hành chính là cơ quan quyền lực nhà nước, còn chủ thể quản lý của doanh nghiệp là hội đồng quản trị và các cơ cấu điều hành một doanh nghiệp cụ thể. Chủ thể quản lý xã hội ngoài cơ quan nhà nước còn có các chủ thể ngoài nhà nước hình thành dựa trên nguyên lý về kinh doanh (doanh nghiệp), lợi ích nghề nghiệp (hội, đoàn thể), đức tin (tín ngưỡng, tôn giáo), huyết thống (dòng họ, gia đình) địa vực cư trú (làng/ bản)…hoặc các nhóm xã hội đa thành phần hỗn hợp được hình thành không phân biệt địa vị, tuổi tác, đức tin, nơi cư trú, nghề nghiệp. Nếu như chủ thể quản lý hành chính và quản lý doanh nghiệp bao giờ cũng phải là pháp nhân thì chủ thể quản lý xã hội, bên cạnh các pháp nhân còn các thể nhân. Pháp nhân là những tổ chức có đăng ký trước pháp luật, có tài khoản, có con dấu, có chế độ kết toán tài chính (đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh). Còn thể nhân là các thiết chế xã hội, nhóm xã hội có tính tổ chức mà nhà nước không bắt buộc phải đăng ký tư cách pháp nhân (câu lạc bộ, nhóm sở thích, dòng họ, làng, bản…). Các thể nhân dân sự có lợi thế tham gia quản lý phát triển xã hội ở cộng đồng vi mô, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra ở cấp cộng đồng mà nhà nước luôn gặp giới hạn trong quản lý. Hạn chế của các thể nhân là chỉ tham gia quản lý những vấn đề ở phạm vi hẹp, quy mô nhỏ, nếu vươn lên giải quyết những vấn đề xã hội lớn hơn, luôn cần đến vai trò quản lý của nhà nước nhằm bổ sung các lợi thế của nhau. Trong trường hợp của xã hội Việt Nam, chủ thể quản lý phát triển xã hội bao gồm: Đảng Cộng sản, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các thể nhân xã hội (nhóm xã hội, cộng đồng xã hội), các tổ chức kinh tế (Hoàng Chí Bảo – Đoàn Minh Huấn chủ biên, 2012, tr. 47-49).       

Khái niệm “vai trò chủ thể” của nông dân: Văn kiện Đảng khẳng định “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Và để thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, người nông dân của chúng ta phải được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến; trên cơ sở đó nông dân mới có “đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới”. Một phương diện khác của vấn đề được nhấn mạnh trong văn kiện quan trọng nói trên là việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy “vai trò chủ thể” của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là đặt vấn đề “vai trò chủ thể” của nông hộ trong sự biến đổi của toàn bộ nền kinh tế đất nước và khu vực nông nghiệp nói riêng. Theo nghĩa đó, vai trò của nông hộ sẽ có những thay đổi và bên cạnh vai trò của nông hộ (tiểu nông), cần tính tới vai trò của các chủ thể kinh tế khác, xuất hiện trong sự tiến bộ kinh tế và ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với quá trình phát triển. Đó là các nông trại, các doanh nghiệp nông thôn v.v. (Nguyễn Xuân Thắng 2015, tr. 34-35). Vai trò chủ thể của nông dân thể hiện ở các đặc trưng sau: i) Nông dân là chủ thể nhận thức, quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; ii) Nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn; iii) Nông dân là chủ thể xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; iv) Nông dân là chủ thể mọi hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở nông thôn; v) Nông dân là chủ thể có vai trò quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở (Nguyễn Linh Khiếu 2017).

Sự biến đổi vai trò của người nông dân: Nông thôn và nông dân được xác lập và chuyển biến trên cơ sở của nghề nông là vì nông nghiệp là nền tảng kinh tế và toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Cũng chính phương thức sản xuất nông nghiệp quyết định bản chất và sự vận động của toàn bộ xã hội. Bởi vậy, sự chuyển biến và phát triển của nông nghiệp cũng chính là sự chuyển biến của nông thôn và bản thân nông dân. Vì sản xuất tiểu nông là sản xuất hàng hóa nhỏ giản đơn, tức sản xuất hàng hóa chủ yếu để tiêu dùng, chỉ một phần sản phẩm thừa mới trở thành hàng hóa, vì vậy quan hệ giá trị chưa thành quan hệ kinh tế cơ bản và cơ chế thị trường chưa thiết lập thành cơ chế chi phối hoạt động kinh tế. Bởi vậy, phương thức sản xuất của người tiểu nông không làm họ liên hệ với nhau, mà lại làm cho họ cô lập với nhau. Chính trên cái nền móng kinh tế này mà trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của người tiểu nông rất hạn chế. Với một thu nhập trung bình cao hơn và với những năng lực có được từ quá trình phát triển, bản thân vai trò của người nông dân thay đổi nhiều trong hệ thống kinh tế nông nghiệp và các hoạt động xã hội nông thôn. Nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhấn mạnh rằng: bằng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn, chắc chắn “nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới” (Nguyễn Xuân Thắng 2015).

Dân chủ cơ sở và vai trò chủ thể của nông dân: Có thể nói, năng lực quản lý của nhà nước, một chủ thể đặc thù của xã hội hiện đại và năng lực làm chủ của công dân có quan hệ mật thiết với nhau. Việc nâng cao năng lực quản lý của nhà nước là một nhân tố quyết định hình thành điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Việc nhà nước đưa ra “quy chế dân chủ” là một sáng tạo trong hoạt động quản lý. Thực chất “quy chế dân chủ” là việc cụ thể hóa thể chế và pháp luật của xã hội dân chủ cho phù hợp với “địa phương” tức là dân chủ ở cấp xã, thôn, làng. Ở một ý nghĩa nhất định, đây là cách học làm người chủ ở một xã hội đang bước vào xã hội dân chủ. Bởi vậy, nếu làm tốt, thực hiện tốt “quy chế dân chủ” sẽ là một yếu tố nâng cao vai trò của các chủ thể ở nông thôn tương xứng với quyền và nghĩa vụ của người dân nông thôn. Hệ thống chính trị cấp xã là cấp gần dân, sát dân nhất, trực tiếp quan hệ, làm việc với nhân dân, là cấp tổ chức, chỉ đạo trực tiếp, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước (Nguyễn Xuân Thắng 2015).

1.2.3. Thực trạng phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Thực trạng tham gia các hội/nhóm/tổ chức xã hội:Một trong những khía cạnh thể hiện trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của người nông dân chính là việc họ tham gia vào các hoạt động, tổ chức và quá trình xã hội. Ở phần này, chúng tôi phân tích mức độ tham gia xã hội của người dân nông thôn dưới hình thức tham gia vào đời sống hội nhóm tại địa phương. Tham gia xã hội thể hiện mức độ các cá nhân tách khỏi các mối quan hệ gần gũi, thân thuộc, để tham gia vào các quan hệ xã hội dựa trên công việc hoặc cùng lợi ích, sở thích. Sở thích hội nhóm được xem là “nét nổi bật nhất trong đời sống xã hội của làng mạc ở Bắc Kỳ” (Gourou, 1936, p. 268). Nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn đã cho thấy sự khôi phục và nở rộ của các loại hình tổ chức xã hội ở Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay. Theo thống kê của Bộ Nội vụ thì số lượng các hội thành lập và hoạt động trên phạm vi toàn quốc hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 1990. Nhìn từ góc độ địa vực, phân tích tương quan giữa việc tham gia các tổ chức/ đoàn thể/ phường hội với các tỉnh, khảo sát cho thấy tỉ lệ người trả lời tham gia vào các hoạt động hội nhóm này ở các tỉnh phía Bắc có chiều hướng cao hơn so với các tỉnh phía Nam, kể cả các tổ chức chính thức (những tổ chức có pháp nhân, thường hoạt động theo ngành dọc như các Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, v.v.) và tổ chức phi chính thức (không có pháp nhân, hoạt động trong phạm vi cộng đồng, như Hội đồng niên, Hội đồng ngũ, Phường tiền, v.v.). Trong năm tỉnh được khảo sát, Nam Định là tỉnh có tỷ lệ người trả lời tham gia vào nhiều tổ chức hội, đoàn thể nhất. Số người là thành viên của 4-5 hội/ nhóm/ tổ chức xã hội khác nhau lên tới gần 50%. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với một nghiên cứu khác tiến hành tại xã Giao Tân tỉnh Nam Định cho biết số lượng trung bình các tổ chức xã hội mà người dân ở đây tham gia cũng ở mức cao (Dang Thi Viet Phuong, 2015). Trong khi đó, ở bốn tỉnh còn lại, số lượng các hội mà người trả lời tham gia phổ biến ở mức 1-2 tổ chức. Trung bình, mỗi người trả lời ở Nam Định tham gia vào khoảng gần 4 tổ chức xã hội/ hội/ nhóm khác nhau.  Còn mỗi người trả lời ở Tuyên Quang tham gia khoảng 2,1 tổ chức. Trong khi con số này ở An Giang là 1,6 tổ chức, ở Quảng Nam là 1,3 tổ chức, còn ở Đồng Nai, trung bình mỗi người trả lời tham gia vào 1 tổ chức/ hội/ nhóm. Kết quả nghiên cứu này cũng thống nhất với kết quả nghiên cứu trước đó của chúng tôi khi tiến hành điều tra nông dân năm 2010, khi xác nhận sự khác biệt về tham gia các hoạt động hội nhóm ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long: ở các xã Đồng bằng sông Hồng, việc tham gia tổ chức xã hội là thực tiễn phổ biến ở cư dân Đồng bằng sông Hồng hơn là ở Đồng bằng sông Cửu Long (Bùi Quang Dũng; Đặng Thị Việt Phương 2011).

Tham gia hoạt động xã hội: Tham gia các hoạt động xã hội là một trong những chỉ báo quan trọng xác định trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của nông dân. Trách nhiệm xã hội có thể được thể hiện bằng việc đóng góp về mặt xã hội, môi trường hay văn hóa cho cộng đồng. Trách nhiệm xã hội cũng có thể là việc đóng góp, tổ chức hoặc thực hiện các hoạt động thiện nguyện, không chỉ trong phạm vi cộng đồng nhỏ, mà còn mở rộng ra xã hội rộng lớn hơn. Mỗi cá nhân/tổ chức có thể tham gia vào sự phát triển cộng đồng địa phương bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn bằng việc làm sạch đường làng ngõ xóm, bằng việc tham gia tổ chức các hoạt động cộng đồng, hoặc giúp đỡ các thành viên cộng đồng, v.v. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 1500 đại diện hộ gia đình được khảo sát ở năm tỉnh, tuyệt đại đa số người trả lời đều tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Tính trung bình, mỗi người dân tham gia khoảng 4 hoạt động xã hội. Các hoạt động liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương thu hút khoảng ½ số người trả lời tham gia. Các hoạt động liên quan đến thể dục thể thao, sở thích, giải trí có 44% người tham gia, tiếp đến là các hoạt động nghề nghiệp (trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật sản xuất, v.v…) có 45,7% người tham gia. Khoảng 56% tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và trên 40% tham gia hoạt động liên quan đến khuyến học tại địa phương. Tỷ lệ người trả lời tham gia các hoạt động từ thiện đặc biệt cao, chiếm 85% số người trả lời ở cả năm tỉnh khảo sát (Bùi Quang Dũng; Đặng Thị Việt Phương, 2011; Dang Thi Viet Phuong, 2015; Nguyễn Xuân Thắng 2015).

Tham gia vào các hoạt động tại địa phương: Tham gia vào các hoạt động tại địa phương cho thấy tính chủ động và tích cực của cư dân nông thôn đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Nó cũng thể hiện trách nhiệm của họ đối với đời sống chính trị - xã hội của địa phương. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đưa ra năm hoạt động mà chính quyền địa phương có trách nhiệm phải công khai và xin ý kiến đóng góp của nhân dân, bao gồm: i) xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản; ii) kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của xã năm 2014; iii) xây dựng và thực hiện hương ước/ quy ước thôn/ ấp; iv) Bảo vệ an ninh trật tự; và v) Chương trình vay vốn xóa đói giảm nghèo (Bùi Quang Dũng; Đặng Thị Việt Phương, 2011; Dang Thi Viet Phuong 2015; Nguyễn Xuân Thắng 2015). Khoảng hơn 2/3 số người trả lời cho biết họ đã từng tham gia họp trao đổi về xây dựng hạ tầng cơ bản (89,3%), xây dựng và thực hiện hương ước/ quy ước thôn/ ấp (71,0%) và họp bàn về bảo vệ an ninh trật tự (65,3%). Thông qua các cuộc họp như thế, họ nắm được thông tin đời sống của thôn, xã (92,5%); họ biết được các trách nhiệm của hộ gia đình với cộng đồng (41,6%); họ nắm được các đường lối, chính sách của nhà nước (36,4%); và thậm chí họ có thể biết được hoạt động của bộ máy chính quyền (17,8%). Người dân tại các tỉnh khảo sát cũng thể hiện sự hợp tác trong các hoạt động của địa phương. Họ chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, trong đóng góp ý kiến, tổ chức thực hiện và tham gia vào quá trình ra quyết định tại cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các hoạt động thu nhận và xử lí thông tin của người dân nông thôn hiện nay vẫn chủ yếu xuất phát từ kênh chính quyền địa phương (họp thôn/ ấp, loa phát thanh). Do đó, việc người nông dân có thể thực hiện trách nhiệm xã hội và đóng vai trò chủ thể của quá trình phát triển tại nông thôn hay không phụ thuộc phần lớn vào phạm vi và chừng mực mà quá trình trao quyền được thực thi giữa chính quyền địa phương và người dân (Bùi Quang Dũng; Đặng Thị Việt Phương, 2011; Dang Thi Viet Phuong 2015; Nguyễn Xuân Thắng 2015).

__________________________________________

(Còn nữa)

Nguồn: Hà Hữu Nga (2018). Quản lý Xã hội Nông thôn mới, Chương II, trong Khoa học với Sự nghiệp Nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2017, Chương trình Khoa học và Công nghệ Phục vụ Nông thôn mới, Nxb. Hồng Đức 2018, tr. 114-169.   

Tài liệu tham khảo

Abress, M. D. (2000). Quietly at work: Township government in America . North Branch, MN: Specialty Press.

Ahlburg, Dennis A. (1996), Population Growth and Poverty, In The Impact of  Population Growth on Well-Being in Developing Countries, ed. Dennis A. Ahlburg, Allen C. Kelley, and Karen Oppenheim Mason (Berlin: Springer, 1996), pp.219-258.

Alchon, Austin Suzanne (2003). A pest in the land: new world epidemics in a global perspective. University of New Mexico Press, pp.21.

Alchon, Austin Suzanne (2016), Historical Estimates of World Population. Census.gov. Retrieved November 12, 2016.

Allee, Warder (1958), Cooperation Among Animals, With Human Implications, revised edition, Boston: Beacon.

Arnstein, Sherry (1969). A Ladder of Citizen Participation. Journal The American Planning Association, 35 (4): 216–224.

Atkinson, Tony, Bea Cantillion, Eric Marlier, Brian Nolan 2002. Social Indicators. The EU and Social Inclusion. Oxford: Oxford University Press.

Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998). Chỉ thị số 30/CT-TW của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hà Nội ngày 18-02-1998.

Bế Quỳnh Nga và đồng nghiệp (2008a). Các tổ chức xã hội tự nguyện ở nông thôn và vai trò trợ giúp xã hội trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi. Tạp chí Xã hội học số 2 (102), 2008.

Bế Quỳnh Nga và đồng nghiệp (2008b). Vai trò của các mạng lưới xã hội trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính và đối phó với các rủi ro cho các hộ nông dân. Đề tài cấp Viện 2008. Viện Xã hội học. Hà Nội

Bilance (1997), A world in balance - Bilance stands for Social Development: Policy paper”. Oegstgeest, September 1997.

Bird, Colin (2000). The Possibility of Self-Government. In The American Political Science Review, Vol. 94, No. 3 (Sep., 2000), pp. 563-577.

Bizet, Bernard (2002). Deconcentration versus Decentralisation of Administration in France: A Centre-Periphery Dilemma. Canadian Journal of Regional Science/Revue canadienne des sciences régionales, XXV: 3 (Autumn/automne 2002), 475 - 490.

Bock, Philippe. K. (1969), Modern Cultural Anthropology - An Introduction. Alfred A. Knopf, New York.

Bộ Tư pháp (2017). Công văn Số: 1710 /BTP-PBGDPL V/v triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2017.

Brown, B., & Corbett, T. (1997). Social indicators and public policy in the age of devolution. Madison, WI: Institute for Research on Poverty, University of Wisconsin-Madison.

Bùi Minh Đạo, 2010. Tổ chức ở và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Bùi Minh Đạo, 2011. Thực trạng phát triển Tây Nguyên và một số vấn đề phát triển bền vững, Nxb. Khoa học xã hôi, Hà Nội.

Bùi Quang Dũng (2002a). Giải quyết xích mích trong nội bộ nhân dân – Phác thảo từ những kết quả nghiên cứu định tính. Tạp chí Xã hội học số 3 -2002. Tr 43.

Bùi Quang Dũng (2002b). Quy chế dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân. Đề tài cấp Viện Xã hội học.

Bùi Quang Dũng (2013a). Hương ước và mấy vấn đề quản lý xã hội nông thôn hiện nay, Tạp chí Xã hội học, số 1/2013.

Bùi Quang Dũng (2013b). Nông dân những vấn đề cơ bản và đương đại. Nxb. Khoa học xã hội.

Bùi Quang Dũng, Đặng Thị Việt Phương (2011). Một số vấn đề ruộng đất qua cuộc điều tra nông dân 2009 2010. Tạp chí Khoa học Xã hội (9), tr. 12-23.

Bùi Xuân Đính (1985). Lệ làng phép nước. Nxb. Pháp lý, Hà Nội.

Bùi Xuân Đính (1998). Hương ước và quản lý làng xã. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bùi Xuân Đính (2005). Nhà nước và Pháp luật thời phong kiến Việt Nam – những suy ngẫm. Nxb. Pháp lý, Hà Nội.

Buxton, William J. and David Rehorick (2001), The Place of Max Weber in the Post-Structure Writings of Talcott Parsons. In A. Javier Trevino (ed.) Talcott Parsons Today: His Theory and Legacy in Contemporary Sociology. Lanham: Rowman & Littlefield.

China Research Society on Basic Level Governance (1995). Legal System of Village Committees in China, June 1995.

Chính phủ (1998). Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Hà Nội ngày 11-5-1998.

Clark, Gordon L. (1984). A Theory of Local Autonomy, Annals of the Association of American Geographers, 74(2), 1984, pp. 195-208.

Cobb, Clifford W. 2000. Measurement Tools and the Quality of Life. Redefining Progress. San Francisco: www.rprogress.org/pubs/pdf/measure_qol.pdf

Cobb, C. and C.Rixford (1998). Lessons Learned from the History of Social Indicators. San Francisco: Redefining Progress.

Cohen, A. P. (1982) Belonging: identity and social organization in British rural cultures, Manchester: Manchester University Press.

Cohen, A. P. (1985) The Symbolic Construction of Community, London: Tavistock.

Coleman, Jules, and John Ferejohn (1986). Democracy and Social Choice. Ethics 97(October): 6-25.

Comte, Auguste (1896,1974), The Positive Philosophy of Auguste Comte, Volumes I, II, and III. London: Bell. Translated by Martineau, Harriet.

Crow, G. and Allan, G. (1994) Community Life. An introduction to local social relations, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

Council of Europe (1985). European Charter of Local Self-Government. European Treaty Series - No. 122. Strasbourg, Oct. 15,1985.

Dahrendorf, Ralf (1959), Class and Class Conflict in Industrial Society. Stanford: Stanford University Press.

Dahrendorf, Ralf (1968), Essays in the Theory of Society. Stanford: Stanford University Press.

Dang Thi Viet Phuong (2015). The Collective life. Ha Noi: Vietnam national University press.

Davis G., J. Wanna, J. Warhurst, and P. Weller (1993). Public Policy in Australia, Second Edition, Allen & Unwin.

Deji, Olanike F. (2011), Gender and Rural Development. London: LIT Verlag Münster. pp.93.

Drèze, Jean, and Amartya Sen (1995), India: Economic Development and Social Opportunity. Delhi, Oxford University Press, New York.

Durkheim, Émile (1893, 2008), De la division du travail social: étude sur l'organisation des sociétés supérieures. Paris: Alcan, 1893.

Durkheim, Émile (1982), Preface to the second edition. In The Rules of Sociological Method and Selected Texts on Sociology and its Method. Edited with an introduction by Steven Lukes; translated by W. D. Halls. New York: The Free Press. pp.34-47.

Đảng Cộng sản Việt Nam (1993). Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCHTW khóa VII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

Đào Trí Úc (2003). Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Đỗ Đức Hùng (1997). Vấn đề trị thủy ở đồng bằng Bắc Bộ dưới thời Nguyễn thế kỷ XIX. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Đỗ Quang Hưng (2011). Một số vấn đề về Tin Lành Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, Số 2.

Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Tiêu chí đánh giá chính sách trong xây dựng pháp luật. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tháng 3/2017.

Đỗ Thị Thạch (2015). Thể chế chính trị nông thôn Việt Nam hiện nay: Những vấn đề đặt ra hiện nay và giải pháp hoàn thiện. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. 

Đỗ Tiến Sâm (2005). Vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Elias N. (1974). Towards a Theory of Communities, in Colin Bell and Howard Newby (eds), The Sociology of Community: A Selection of Readings (London: Frank Cass).

Ellickson, Robert C. (1991). Order without law: How neighbors settle disputes. Cambridge: Harvard University Press.

EU Commission (2001). Green Paper - Promoting a European framework for Corporate Social Responsibility. COM (2001). 366

Form W., Nico Wilterdink (2002), Social structure, https://www.britannica.com/ 

Frazer, E. (1999) The Problem of Communitarian Politics. Unity and conflict, Oxford: Oxford University Press.

Fung, A. (2006). Varieties of Participation in Complex Governance. In the Public Administration Review, Washington DC, 66: 66–75.

Goethert, R., (1998). Presentation notes to Thematic Group for Services to the Urban Poor, World Bank, Special Interest Group in Urban Settlement. School of Architecture and Planning, Massachusetts of Technology.

Ginsberg M. (1958), Social Change, The British Journal of Sociology, Vol. 9, No. 3, Sep.

Gourou, P. 1936. Les paysans du delta tonkinois: étude de géographie humaine, Paris: Les éditions d'art de d'histoire.

Gourou, Pierre (2015). Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ - Nghiên cứu địa lý nhân văn. (Bản dịch của Nguyễn Khắc Đạm, Đào Hùng, Nguyễn Hoàng Oanh), Nxb. Trẻ - Viện Viễn đông Bác cổ Pháp – Tạp chí Xưa và Nay, Tp. Hồ Chí Minh. 

Hà Hữu Nga (2015). Sự tương tác giữa một số thể chế chính thức và phi chính thức ở Tây Nguyên. Trong Hà Huy Thành – Nguyễn Hồng Quang (Đồng chủ biên) (2015). Đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên – Lý luận & Thực tiễn. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Hà Hữu Nga (2017). Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ, Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, do Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển chủ trì. Hà Nội.

Harman, Chris (1986), Base and Superstructure. International Socialism 2:32, Summer 1986, pp.3-44.

Harper, E. H. and Dunham, A. (1959). Community Organization in Action. Basic literature and critical comments, New York: Association Press.

Haschke, Dieter (1998). Local Government Administration in Germany. In Sigrid Born ed. (1997). Local Government Constitution, by Janet Barton and produced by Ilona Orthen. Reproduced with kind permission. © 1997 Inter Nationes. This HTML edition © 1998 Gerhard Dannemann.

Hechter, M. and Horne, C. (2003), Theories of Social Order: A Reader. Stanford University Press.

Helmke, Gretchen and Steven Levitsky (2004). Informal Institutions and Comparative Politics: A Research Agenda. Perspectives on Politics, Vol. 2, No. 4 (Dec., 2004), pp. 725-740, Published by: American Political Science Association. 

Hoàng Chí Bảo (2010). Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến trình đổi mới (xuất bản lần thứ 2), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Hoàng Chí Bảo – Đoàn Minh Huấn (chủ biên) (2012). Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay vận dụng cho Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Hoggett, P. (1997). Contested communities, in P. Hoggett (ed.) Contested Communities. Experiences, struggles, policies, Bristol: Policy Press.

Holmwood, John (2006), Society. The Cambridge Dictionary of Sociology, Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press.

Howard, Cosmo (2005). The Policy Cycle: a Model of Post-Machiavellian Policy Making? The Australian Journal of Public Administration, September 2005.

Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005). Từ điển bách khoa Việt Nam 3, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.306.

Hurst, Charles E. (2007), Social Inequality: Forms, Causes, and Consequences. Boston MA, Allyn and Bacon, 6th edn.

ILLSA và UNDP (2009). Đánh giá giũa kỳ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2006-2008). Hà Nội.

Innes, Judith E. 1989. Knowledge and Public Policy. The Search for Meaningful Indicators. New Brunswick/London: Transaction Publishers.

Innes M. (2003), Understanding Social Control: Crime and Social Order in Late Modernity - Deviance, crime and social order. McGraw-Hill Education (UK).

Jacobs, Garry and Asokan N., (1999), Human Choice: the genetic code for social development. Paper presented and discussed at the Global Century, The Vancouver Assembly of the World Academy of Art and Science. Canada.

James, Paul (2006). Globalism, Nationalism, Tribalism: Bring Theory Back In – Volume 2 of Towards a Theory of Abstract Community. London: Sage Publications.

Janowitz, Morris (1975),  Sociological Theory and Social Control. American Journal of Sociology. The University of Chicago Press Article. 81 (1): 82-108.

Joseph E. Davis ed. (2000), Identity and Social Change. Routledge, Taylor & Francis Group. First published by Transaction Publisher.

Kerr C., J. T. Dunlop, F. H. Harbison and C. A. Myers (1962), Industrialism and Industrial Man. Heinemann, London.

Kim, Byong-Joon. (2009). Local Autonomy in Korea. Seoul: Bobmunsa.

Korean International Cooperation Agency (2015). Saemaul Undong Rural Development. Republic of Korea, 2015.

Lại Xuân Môn (2016). Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập. tapchicongsan.org.vn/

Lauermann, Manfred (2006). Das Schwanken des Sozialstaats zwischen Gemeinschaft und Gesellschaft. In: Uwe Carstens u. a.: Neuordnung der sozialen Leistungen. Ferdinand-Tönnies-Gesellschaft, Kiel 2006.

Lee, D. and Newby H. (1983) The Problem of Sociology: an introduction to the discipline, London: Unwin Hyman.

Lê Cao Đoàn (2017). Nghiên cứu thực trạng, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội sau 3 năm xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng nông thôn mới của các tổ chức chính trị xã hội này. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì. 

Lê Quốc Lý (2016). Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu, đích đến của Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị, Số 2-2016.

Lindell, Michael K.; Carla S. Prater; Ronald W. Perry; William C. Nicholson (2006). Fundamentals of Emergency Management. United States, Federal Emergency Management Agency.

Linton, Ralph editor (1940), Acculturation in Seven American Indian Tribes, New York: Appleton.

Lipton, Mark (1996). Demystifying the Development of an Organizational Vision. Sloan Management Review. 37 (4): 83.

MacIver R. and Page C. (1949), Society: An Introductory Analysis. New York: Holt, Rinehart.

MacRae, Duncan, Jr., (1985). Policy Indicators: Links between Social Science and Public Policy. Chapel Hill: University of North Carolina Press.

Mai Văn Hai – Bùi Xuân Đính (1997). Thủy lợi và quan hệ làng xã. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Mai Văn Hai – Phan Đại Doãn (2000). Quan hệ dòng họ ở châu thổ Sông Hồng. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Marchand, M-J. (1999). L’économie de la décentralisation. Un enjeu financier pour les collectivités locales. Tennes: Presses Universitaires de Rennes.

Marx, Karl and Frederick Engels (1969), Selected works. Moscow, Progress Publishers, 1969.

Mead, Margaret, editor (1961), Cooperation and Competition Among Primitive Peoples, Boston: Beacon.

Michels, Robert (1916). Political Parties: A Sociological Study of the Oligarchical Tendencies of Modem Democracy. London: Jarrold.

Milton Gordon (1964), Assimilation in American Life, New York: Oxford University Press.

Mommsen, Wolfgang J. (1992), The Political and Social Theory of Max Weber: Collected Essays, University of Chicago Press.

Moore, Wilbert E. (1964), Social Change, Prentice Hall: New Jersey.

Murdock, George Peter (1949), Social Structure. New York: The MacMillan Company.

Nguyễn Anh Phương (2016a). Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (306+307).

Nguyễn Anh Phương (2016b). Một số vấn đề của nghiên cứu chính sách và ứng dụng lập pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 09 (313), tr. 31-40, Hà Nội.

Nguyễn Bá Dương (2006). Tính cộng động tự quản và vai trò của nó đối với hoạt động của tổ chức cộng đồng tự quản tại các khu dân cư ở nước ta hiện nay. Tạp chí Tâm lý học, số 7, tập 87.

Nguyễn Đăng Thành (2012). Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp, Tạp chí Cộng sản, ngày 17/12/2012. http://www.tapchicongsan.org.vn/.

Nguyễn Đức Vinh (2013). Thực trạng các tổ chức xã hội Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay. Tạp chí Xã hội học số 4 (124), 2013.

Nguyễn Hữu Đễ (2016). Nghiên cứu đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Học viện Khoa học Xã hội chủ trì. 

Nguyễn Linh Khiếu (2017). Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2017/45045/Vai-tro-chu-the-cua-nong-dan-trong-xay-dung-nong-thon.aspx

Nguyễn Minh Thuyết (2012). Chính sách và công cụ phân tích. Bài giảng tại Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 7/2012.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2017). Nghiên cứu phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo Tổng hợp Kết quả khoa học công nghệ của Đề tài cấp Nhà nước. Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nguyễn Xuân Thắng (2015). Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì. 

Noll, Heinz-Herbert 2002a. Social Indicators and quality of life research: background, achievements and current trends. In: Genov, Nicolai Ed. Advances in Sociological Knowledge Over Half a Century. Paris: International Social Science Council.

Noll, Heinz-Herbert 2002b. Towards a European System of Social Indicators: Theoretical Framework and System Architecture. In: M. Hagerty, J. Vogel,V. Moeller. Eds. Assessing Quality of Life and Living Conditions to Guide National Policy. Social Indicators Research Series, Vol. 11. Dordrecht: Kluver Academic Publishers

Norbert, Elias (1994), The Civilizing Process. Sociogenetic and Psychogenetic Investigations. Oxford: Basil Blackwell.

North, Douglass C. (1991a). Institutions. Journal of Economic Perspectives - Volume 5, Number 1- Winter I991 – Pages 97-112

North, Douglass C., (1991b), Institutions, Institutional Change and Economic Performance, Cambridge University Press.

North, Douglass C., John Joseph Wallis, and Barry R. Weingast (2012), Violence and Social Orders: A Conceptual Framework for Interpreting Recorded Human History . Cambridge University Press.

Oi, Jean C., (1996). Economic Development, Stability and Democratic Village Self-Governance,” China Review, 1996, Chinese University Press, Hong Kong. Pp. 125-144.

Osterkamp, Frank (2001, 2006). Gemeinschaft und Gesellschaft. Über die Schwierigkeit einen Unterschied zu machen. Zur Rekonstruktion des primären Theorieentwurfs von Ferdinand Tönnies. Duncker & Humblot, Berlin 2006, (Beiträge zur Sozialforschung 10), (Zugleich: Kiel, Univ., Diss., 2001).

Panos D. Bardis (1978), Social Interaction and Social Processes. In the International Behavioural Scientist, December 1978, pp. 7-32), Toledo University, Toledo, Ohio, USA.

Park Seung Woo (2013). Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc (Tọa đàm khoa học quốc tế tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 21/10/2013).

Parsons D.W.  (1995). Public Policy: An Introduction to the Theory and Practice of Policy Analysis. Edward Elgar Publishing Ltd.

Parsons, Talcott (1983), The Structure and Change of the Social System Edited by Washio Kurata (lectures from Parsons' second visit to Japan).

Phạm Hồng Thái (2017). Tư tưởng phân quyền trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 18/01/2017.

Phạm Hồng Thái, Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn Ngọc Chí (2011). Phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam – Thực trạng và triển vọng, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

Phạm Hữu Nghị (2015). Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng luật pháp và hương ước làng xã trong quản lý xã hội nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học công nghệ Đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Học viện Khoa học Xã hội chủ trì. 

Phan Đại Doãn – Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) (1994). Kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Phan Đăng Nhật 2007. Tòa án phong tục: Một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 3/ 2007. Hà Nội.

Phan Thanh Hà (2011). Về vấn đề dân chủ trong cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và pháp luật. Số 12 (284) 2011.

Phan Xuân Sơn (2015), Phát triển xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị số 5 -2015, Hà Nội.

Poore, S. (2007), Overview of Social Control Theories. The Hewett School. Retrieved on: September 2, 2007.

Quarantelli E.L. (editor) (1998), Where We Have Been and Where We Might Go, What is a Disaster?: A Dozen Perspectives on the Question, London, Routledge, 1 edition 1998, pp.146-159

Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2013. Hà Nội.

Quốc hội (2015). Luật tổ chức chính quyền địa phương. (Luật số 77/2015/QH13, Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015). Hà Nội.

Rapley, Mark & Susan Hansen (2006), Society. In The Cambridge Dictionary of Sociology, Gen. Ed. Bryan S. Turner, Cambridge University Press.

Riker, William (1982). Liberalism against Populism: A Confrontation between the Theory of Democracy and the Theory of Social Choice. San Francisco: W. H. Freeman.

Robertson I. (1989), Society: A Brief Introduction. New York: Worth Publisher.

Samapti, Marakkath, Nadiya (Eds.) (2015), Technology and Innovation for Social Change, Publisher Springer India.

Saunders, Peter (1990), Social Class and Stratification. Routledge.

Sawyers, Dennis (2015). South Korea’s New Village Movement. The Borgen Project. December 20, 2015.

Schofield, Norman (1985). Social Choice and Democracy. Berlin: Springer-Verlag.

Schumpeter, Joseph (1942). Capitalism, Socialism, and Democracy. NewYork: Harper& Row.

Silverman, R.M. (2005). Caught in the middle: Community development corporations (CDCs) and the conflict between grassroots and instrumental forms of citizen participation. Community Development, 36(2): 35-51.

Sisk, Timothy D. và cộng sự (2014). Dân chủ ở cấp địa phương – Sách về sự tham gia, đại diện, quản lý xung đột và quản trị nhà nước. NXb Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội 2014. (Bản tiếng Việt của Lương Minh Châu).

Simmel, Georg (1955). Conflict, Glencoe, Illinois: Free Press.

Spencer, Herbert (1896, 1962), The study of sociology. New York, D. Appleton and Company.

Spicker, Paul (2006). Policy Analysis for Practice: Applying Social Policy. Policy Press at the University of Bristol.

Thủ tướng Chính phủ (1998). Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Hà Nội ngày 19-6-1998.

Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định Số: 09/2013/QĐ-TTg, ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định Số: 1980/QĐ-TTg, về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định Số: 619/QĐ-TTg, ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2017.

Tilly, Charles (1984), Social Movements and National Politics. In Bright and Harding.

Trần Hữu Tiến (2007). “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. http://www.tapchicongsan.org.vn/, ngày 6/7/2007.

Trần Từ (1984). Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Trương Đắc Linh (2001). Bàn về khái niệm chính quyền địa phương và tên gọi của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân hiện hành. Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 2/ 2001.

Turner, Bryan S. (2006), Institution(s). The Cambridge Dictionary of Sociology, Edited by Bryan S. Turner. Cambridge University Press.

Turner, Victor W., (1977). The Ritual Process: Structure and Anti-Structure. Cornell University Press, Ithaca, New York.

Turpin, D. (1998). Droit de la décentralisation: principes, institutions, compétences. Paris: Gualino, Fac-Universités, Mémentos.

UNDP (1999). Báo cáo Phát triển Con người 1999. New York: NXB ĐH Oxford. Chú thích chuyên môn. (HDI, GDI)

Vandenbroucke, Frank (2001). Indicators for Social Inclusion: Where We Are Now and What We Want to Achieve. Discussion paper for the informal council “Employment and Social Policy” of 6/7 July 2001’, published at http://www.vandenbroucke.fgov.be.

Voget Fred W. (1956). The American Indian in Transition: Reformation and Accommodation. American Anthropologist, New Series, Vol. 58, No. 2 (Apr., 1956)., pp. 249-263.

Vogel, Joachim (1990). Social Indicators: A Swedish Perspective. Journal of Public Policy, 9: 439-444.

Vũ Duy Mền (2010). Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Vũ Duy Mền (chủ biên) – Hoàng Minh Lợi (2001). Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với Luật làng Kanto Nhật Bản (Thế kỷ XVII - XIX). Viện Sử học. Hà Nội.

Vương Tề Ngạn (2009). Thúc đẩy xây dựng chính trị dân chủ cơ sở nông thôn, thực hiện quản lý của chính quyền cơ sở và tự trị của quần chúng thúc đẩy lẫn nhau một cách tích cực, Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

Weber, Max (1922/1980), Wirtschaft und Gesellschaft: Grundriss der verstehenden Soziologie. Tübingen, Mohr, 1922 ed. Marianne Weber, 5th edn 1980 ed. Johannes Winckelmann.

Weber, Max (2008), Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Dịch giả: Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang. Nhà xuất bản Tri Thức. Hà Nội 2008.

Willmott, P. (1989). Community Initiatives. Patterns and prospects, London: Policy Studies Institute.

Wilterdink N., William Form (1998). Social change. https://www.britanica.com/

World Bank (2006). Social Development Papers, South Asia Series. Social Development Department.  

Yoo, Jae-Won (1994). The Politics of Local Self-Governance in Korea. Korean Public Administration Review, 28(2): 499-523.

Yooil Bae and Sunhyuk Kim (2012). Civil society and local activism in South Korea’s local democratization. Published in Democratization, 2012 March, Volume 20, Issue 2, Pages 260-286.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét