Powered By Blogger

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Thủ lĩnh địa và nền Chính trị Phi chính thức

Chabal, Patrick & Gary Feinman và Peter Skalník

Người dịch: Hà Hữu Nga

Vào đầu thế kỷ XXI, chủ quyền và quyền tối cao của nhà nước đang bị thách thức. Cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, một số học giả đã hình dung ra một con đường lịch sử không thể tránh khỏi hoặc trực tiếp dẫn đến các chính thể hợp nhất và lớn hơn: một chính phủ thế giới, có thể là một quốc gia hành tinh, chí ít cũng sự hòa hợp của các nhà nước -dân tộc (Carneiro 1978; Hart 1948). Giờ đây điều này có vẻ đã trở thành một ý tưởng viển vông. Ngay cả khi đối mặt với cuộc cách mạng viễn thông và quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, rõ ràng là không có sự tiến triển tuyến tính nào trong phát triển chính trị hoặc tập trung hóa. Các triết gia chính trị có thể nhận thấy viễn cảnh về một cuộc diễu hành không thể ngăn cản hướng đến các chính thể đồng nhất đáng mong đợi hoặc vô đạo. Các nhà khoa học xã hội chỉ đơn giản ghi nhận các lực lượng đi ngược lại với nó và thực sự có thể gây hiểm họa cho nhà nước-dân tộc nhưđã diễn tiến trong suốt hai thế kỷ qua.

Toàn cầu hóa, cuộc tìm kiếm dân chủ, cũng như các quá trình đồng nhất hóa tập thể mới, đã cho phép người ta ngày càng nhận thức rõ hơn về các bất bình đẳng giữa các quốc gia, giữa các châu lục, cũng như các phân chia xã hội rõ rệt trong chính các quốc gia. Kết quả là nhiều bản sắc dân tộc, khu vực, địa phương, nghề nghiệp, đảng phái và các bản sắc liên tưởng đã xuất hiện để cạnh tranh và thực sự thách thức nhà nước. Những bản sắc này mang âm hưởng chính trị nhưng chúng cũng có thể được bọc trong lớp áo văn hóa và được củng cố bởi các lập luận kinh tế hoặc hệ tư tưởng.

Ngày nay có một số lượng lớn các tổ chức phi nhà nước trên toàn cầu, từ các lực lượng nổi dậy ly khai, các đảng cực đoan, mạng lưới quân phiệt, phong trào giải phóng, mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế, nhưng cũng có nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhau, với tham vọng lớn hơn nhiều tham vọng của hầu hết các nhà nước. Một số hội đoàn tôn giáo mới được thành lập cũng khơi dậy được lòng trung thành mà các quốc gia-dân tộc chưa từng đạt được. Ở những nơi khác trên thế giới, một số cái gọi là chính thể truyền thống đòi lại quyền lực mà họ sở hữu trước khi chế độ thực dân, bằng lập luận cho rằng nhà nước là một cơ thể ngoại lai, được bọn thống trị đế quốc đưa đến, cho rằng các xã hội nên được quản trị bởi các nguyên tắc phát triển tại bản địa.

Tóm lại, thế giới đương đại trưng ra vô số nhóm chính trị không dễ dàng phù hợp với các loại nhà nước-dân tộc được chấp nhận và đang diễn tiến theo những cách không phù hợp với các kỳ vọng chuẩn mực của sự phát triển chính trị và kinh tế (Chabal 1992). Chính sự tồn tại của họ là một thách thức đối với các khái niệm hóa chung về trật tự thế giới và các hoạt động đa dạng của họ lại kiểm nghiệm cấu trúc của hệ thống quốc tế. Đồng thời, họ bỏ qua các ranh giới quốc gia và hoạt động trên khắp các khu vực hoặc ở những vùng hẻo lánh của các quốc gia riêng lẻ. Theo quan điểm của chúng tôi, cái liên kết các nhóm và phong trào này chính là một loạt thuộc tính - chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế - dễ kết hợp nhất với loại thực thể phi nhà nước, quy mô nhỏ, phi chính thức thường được xác định là các thủ lĩnh địa.

Chúng tôi muốn đề cập đến một vài ví dụ. Người Kurd có thể bao gồm hai mươi triệu người, nhưng lại không có nhà nước nào của riêng họ cả. Trong khi vấn đề nhà nước của họ hiển nhiên không được các quốc gia nơi người Kurd sinh sống mong muốn, nhưng lại cũng có trường hợp các cấu trúc thân tộc bền chặt với các thủ lĩnh gia tộc hàng đầu đã xâm nhập vào đời sống chính trị của người Kurd và có thể đã gây ra tình trạng chia rẽ, do đó ngăn cản sự xuất hiện của một nhà nước-dân tộc. Phiến quân FARC (Revolutionary Armed Forces of Colombia – Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia) đã chiến đấu chống lại nhà nước Colombia trong 4 thập kỷ. Họ cai trị hiệu quả các lãnh thổ rộng lớn. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của họ là chống lại nhà nước và câu hỏi đặt ra là ngày nay chính thể của họ sẽ có hình thức nào và hình thức nào sẽ là có thể nếu họ tiếp quản được toàn bộ đất nước. Ở Lebanon, nơi mà nhà nước trung ương tương đối yếu trong nhiều thập kỷ, văn hóa chính trị gắn lin với các cộng đồng tự bạch (confessional communities) khác nhau cũng có thể được coi là văn hóa chính trị của các thủ lĩnh địa. Xa hơn nữa, bọn ly khai vừa bị đánh bại trên đảo Bougainville ở đông Papua New Guinea đã thiết lập một chính thể kiểu quân sự, do ‘thủ lĩnh’ của họ, Francis Ona lãnh đạo. Gần đây ở Chad, Sierra Leone, hoặc Angola, ngày nay vẫn còn ở Somalia hoặc Bờ Biển Ngà, các bộ phận của mỗi quốc gia đang hoặc đã nằm trong tay các phong trào chính trị mà sự tồn tại của các chúng phụ thuộc nhiều vào phẩm chất cá nhân nổi bật của các nhà lãnh đạo, giới quân phiệt, hoặc các thủ lĩnh hiện đại.

Ngay cả khi một phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, các điều kiện mà nó tranh đấu đòi hỏi phải có một tổ chức trực diện được cấu trúc theo đường lối không chính thức, nhưng vẫn có thể phải mang tính thứ bậc. Chúng ta biết về sự tồn tại của Hội đồng Quốc gia Palestine nhưng cơ quan dân chủ công khai này hiếm khi tập hợp. Các hoạt động chính trị hàng ngày đã nằm trong tay Yasser Arafat và một nhóm nhỏ cộng tác viên của ông trong nhiều thập kỷ. Đặc điểm tổ chức của nhóm này là gì? Nó hoạt động ra sao? Liệu chúng ta đang gặp phải một loại phong địa tự tái tạo, mà trên đó đã được dựng lên một dinh thự có vẻ dân chủ của Tổ chức Giải phóng Palestine? Mặt khác, chúng ta hầu như không biết gì về cấu trúc của Hamas, vốn có thể được coi là một thủ lĩnh địa thần quyền cốt lõi của nó nhưng ngược lại, một mạng lưới lỏng lẻo những người ủng hộ, có thể là những kẻ tử vì đạo hoặc những kẻ đánh bom liều chết. Tương tự, chúng ta hầu như không biết chút nào về cơ cấu tổ chức của Al Qaeda và mối quan hệ giữa cương vị lãnh đạo tinh thần và hành pháp. Cuối cùng, chúng ta có thể nói gì về các giáo phái tôn giáo như giáo phái chở hàng ở Melanesia hoặc giáo phái Johnstown ở Guyana tuyên bố độc lập hoặc đơn giản là hành xử như thể họ hoàn toàn là ‘một nhà nước’ tự trị ‘trong một nhà nước, với cấu trúc nội bộ giống với các thủ lĩnh địa.

Trong các quốc gia đương đại, có rất nhiều thực thể tập thể hoặc các nhóm chính trị hoạt động như thể nhà nước không tồn tại hoặc đôi khi hoạt động đối lập trực tiếp với nó. Ở các nhà nước-dân tộc vững chắc, như ở Tây Âu, những tổ chức này thường hình thức của các tổ chức tranh đấu, chẳng hạn như Greenpeace, hoặc các nhóm bí mật, chẳng hạn như Hội Tam điểm và giáo phái tôn giáo (một tổ chức gần đây đã công bố nhân bản người thành công đầu tiên). Tại các nhà nước-dân tộc ít vững chắc hoặc gần đây hơn với cái gọi là Thế giới Thứ hai và Thứ ba, các đối thủ cạnh tranh với trật tự đã thiết lập có thể nằm trong các đảng phái chính trị, công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp và các hội đoàn khác, nhiều tổ chức trong số đó trên danh nghĩa có thể thuộc về cấu trúc nhà nước nhưng được những người, trên thực tế, không thừa nhận quyền tối cao của nhà nước tổ chức ra. Ngay cả trong các chế độ độc tài như Trung Quốc, thì các phong trào nhân quyền và tôn giáo (chẳng hạn như phái Pháp Luân Công) cũng bị cáo buộc là có tổ chức và có động cơ chính trị, mặc dù cho đến nay không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh mục tiêu chống phá lật đổ nhà nước của họ. Ở đầu khác của phổ này, các nhóm lập kế hoạch và thực hiện việc lật đổ các chính phủ hiện tồn, hoặc ký sinh trên nhà nước và xã hội - trên mô hình các mạng tội phạm và mafia, với mục đích là thu được của cải bất hợp pháp nhưng phạm vi của chúng đôi khi có thể tác động đến quyền lực chính trị, như trường hợp đã xảy ra ở Ý.

Trong khi đã có nhận thức chung về các nhóm chính trị này và một số thông tin về cách thức hoạt động của họ, nhưng ý nghĩa chính trị thì vẫn chưa được nắm bắt đầy đủ, thậm chí còn ít được phân tích. Không có lý thuyết chính trị đầy đủ nào để giải thích những xu hướng này trong các xã hội đương đại - mặc dù người ta đã phát triển một cách tiếp cận để giải thích cho quá trình ‘phi chính thức hóa’ và ‘tái truyền thống hóa’ chính trị trong bối cảnh của lục địa Châu Phi (Chabal và Daloz 1999). Các lý thuyết hiện tại về quan hệ quốc tế cũng không thể đối phó được với sự xuất hiện của các thành h độc lập và phi chính thức phi nhà nước, vốn không quan tâm đến sự tồn tại của biên giới và hành động bất chấp chủ quyền của các quốc gia hiện tồn. Bản thân luật pháp quốc tế cũng bất lực trước những mạng lưới không có lãnh thổ hoặc khuôn khổ tổ chức rõ ràng này. Hầu hết các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều rất cần các khái niệm để giúp giải thích những hiện tượng chính trị có vẻ mới mẻ này. Bằng cách mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng ta v quá khứ, đôi khi là quá khứ rất xa, và bằng cách sử dụng phân tích so sánh đa ngành để phát triển khái niệm thủ lĩnh địa, có thể mở ra một con đường hướng tới một lý thuyết chung về chính trị phi chính thức, và ngược lại hướng tới một cách tiếp cận mới đối với lý thuyết về nhà nước.

Khái niệm Thủ lĩnh địa
Cách tiếp cận của chúng tôi là sử dụng và dựa vào khái niệm thủ lĩnh địa như đã được các nhà nhân chủng học và khảo cổ học xây dựng và sử dụng nó để xem xét các thực thể và cấu trúc chính trị phi nhà nước ngày nay. Thủ lĩnh địa đã dần trở thành khái niệm trung tâm của các nhà nhân học và khảo cổ học nghiên cứu các nền chính trị xưa kia. Tài liệu về các thủ lĩnh địa có chiều sâu lịch sử và có tính so sánh toàn cầu (Carneiro 1981; Earle 1997; Feinman và Neitzel 1984). Liên quan đến quá trình hình thành tổ chức, thủ lĩnh địa trước hết được sử dụng để mô tả các nhóm tương đối nhỏ, có giới hạn, có thủ lĩnh dẫn dắt trong dân tộc học hiện nay của Nam Mỹ (Oberg 1955) và Polynesia (Sahlins 1958). Các xã hội như vậy đã quy định các hình thái cương vị lãnh đạo và bổn phận thần thuộc phần lớn dựa trên phép tu từ về quan hệ thân tộc. Vào giữa thế kỷ 20, thuật ngữ thủ lĩnh địa đã được tích hợp vào lược đồ tân tiến hóa (Service 1962) xác định một lớp lớn các xã hội có thủ lĩnh nằm giữa nấc thang phát triển của các nhóm bình quân (nhóm và bộ lạc) và các nhà nước rộng lớn hơn, quan liêu hơn. (Feinman 1996). Nói chung, trong các cấu trúc lý thuyết như vậy, thủ lĩnh địa đề cập đến những hình thái xã hội truyền thống số lượng hàng chục nghìn người (hoặc ít hơn), đã kế thừa (trái ngược với giành được) các hình thái cương vị lãnh đạo, được tích hợp thông qua quan hệ thân tộc hoặc quan hệ thân tộc tưởng ng, và có cấu trúc phi-quan liêu. Có nghĩa là, trong các thủ lĩnh địa, thường chỉ thấy một hoặc hai cấp độ ra quyết định trên dân chúng nói chung. Quyền lực có xu hướng chiếm ưu thế so với sức mạnh quân sự thô sơ hoặc được gọi là quyền lực được thể chế hóa (Skalník 1996, 1999).
Tuy nhiên, dần dần, sự khác biệt đáng kể trong các thủ lĩnh địa đã được công nhận (Renfrew 1974). Chẳng hạn, mặc dù các nền kinh tế tái phân phối được một số người coi là một trong những đặc điểm cốt lõi của chúng, nhưng những người khác lại cho rằng thực tế các nền kinh tế có thủ lĩnh đa dạng hơn nhiều (Earle 1978, 1987). Đặc điểm chủ chốt là những kẻ nắm quyền lực có quyền tiếp cận với bất kỳ loại nguồn lực nào cần thiết để tái tạo cấu trúc hiện có. Đặc điểm này phân biệt các thủ lĩnh địa với các xã hội Kẻ-Cả (big-man society), trong đó cương vị lãnh đạo gắn liền với sức hút và khả năng nhiều hơn, và do đó mang tính tình huống và ít được tái tạo hơn theo thời gian. Dựa trên phân tích so sánh trước kia, các công trình gần đây đã mô tả các thủ lĩnh địa hợp nhất’ trong đó quy tắc không tập trung vào cá nhân các vị thủ lĩnh, mà được xử lý bởi các hội đồng và đôi khi dựa trên các luật tắc hành vi mạnh mẽ của cộng đồng (Blanton và cộng sự 1996; Feinman và cộng sự 2000).
Giả định ngầm về tân tiến hóa cho rằng các thủ lĩnh địa là một bước đệm, hay còn gọi là trạm trung chuyển, trên con đường lịch sử dẫn đến hình thành nhà nước cũng đã bị nhiều nghiên cứu chỉ trích. Ở Caribê, Trung Mỹ, bắc Nam Mỹ, đông Bắc Mỹ, cũng như ở các vùng thuộc châu Phi và Polynesia, các nghiên cứu khảo cổ học, thường kết hợp với nghiên cứu dân tộc học, đã chứng minh rằng quá trình hình thành thủ lĩnh đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và thậm chí hàng thiên niên kỷ (Drennan và Uribe 1987; Redmond 1998). Mặc dù các thủ lĩnh địalĩnh trấn (head-town) cụ thể có thể thăng trầm, nhưng các thành hệ tổ chức vẫn tồn tại dai dẳng theo thời gian. Ở các khu vực khác, chẳng hạn như Mexico tiền-Tây Ban Nha và khu vực thuộc dãy Andes, các sản phẩm tách biệt của các nhà nước sớm đã được gọi là các thủ lĩnh địa, vì chúng tương đối nhỏ, có đẳng cấp, nhưng không quan liêu (Costin và Earle 1989). Những người khác lại thích gắn nhãn các chính thể bị xé lẻ này là các tiểu-bang hoặc các thành-bang (Brumfiel 1983), vì chúng thường có các đặc điểm (phân tầng, chữ viết, thị trường) không điển hình cho các thủ lĩnh địa trước hoặc nằm ngoài phạm vi các nhà nước. Mặc dù các mối quan hệ như vậy giữa trình tự lịch sử và cấu trúc chắc chắn là quan trọng, nhưng về mặt chính trị tổ chức hoặc các cấu trúc chính trị, thì các tiểu quốc và các thủ lĩnh địa có những điểm tương đồng đáng kể. Do đó, từng được cho là không ổn định, nhiều thủ lĩnh địa đã được thấy là kéo dài hoặc duy trì trong nhiều thế kỷ và đôi khi lâu hơn. Ở những nơi khác, vòng quay lịch sử theo thời gian đã được mô tả giữa các thủ lĩnh địa và các hình thức ít nhiều phân cấp (Leach 1954; Southall 1956). Đáng chú ý là dường như không có một đường biến đổi đơn tuyến nào khi nói đến các dao động này (Feinman 1998: 102).

Sự say mê tân tiến hóa luận gần đây với các nhà nước sơ khai giờ đã khiến người ta nhận ra rằng nhiều loại hình trong số đó, dù được dán nhãn là các ‘thủ lĩnh địa’ và thậm chí là các đế chế, có thể thực sự không phải là những thực thể chính trị mạnh mẽ, tích hợp vững chắc như đôi khi chúng ta vẫn tưởng (Brumfiel 1992). Chẳng hạn, một số lượng lớn các nhà nước mới ‘phôi thai’ không kết hợp với nhau mà tách ra thành các đơn vị nhỏ hơn nhưng có thể trụ vững được vì chúng thiếu các thuộc tính cần thiết, chẳng hạn như cơ chế cưỡng chế hiệu quả (độc quyền bạo lực hoặc khả năng răn đe của nó), hệ thống thuế, hệ thống quan liêu chuyên nghiệp hoặc phân tầng giàu nghèo phức tạp. Ngược lại với điều này, nhiều chính thể tập trung hóa tồn tại trong nhiều thế kỷ mà không hề phát triển các tính năng của nhà nước. Tuy nhiên, họ có những người đứng đầu cha truyền con nối hoặc được lựa chọn, được gọi là thủ lĩnh theo ngôn ngữ chuyên môn, được hỗ trợ bởi hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo và lễ nghi.

Về phần mình, các thủ lĩnh thủ lĩnh địa ở Châu Phi, Châu Đại Dương và các vùng của Châu Á và Nam Mỹ chưa hề chấm dứt tồn tại. Sự thống trị của thực dân phương Tây và các nhà nước độc lập hiện đại tiếp theo đã không cố gắng hoặc không tìm cách có thể thoát khỏi chúng. Chính sách ‘cai trị gián tiếp’ đã đẩy họ xuống những nấc thang thấp nhất của nền chính trị thuộc địa nhưng nghịch lý thay, điều đó lại giúp họ tồn tại. Trong một số trường hợp, các nhà cai trị thuộc địa và các chế độ độc lập kế thừa họ đã cố gắng xóa bỏ các thủ lĩnh địa và ‘vương quốc’ địa phương. Một số trong đó, chẳng hạn như Buganda và Moogo (Burkina Faso) nổi tiếng, gần đây đã được phục hồi. Thực tế là các thủ lĩnh địa, các cương vị thủ lĩnh hoặc các vương quốc này vẫn tồn tại và hoạt động dưới cái bóng của nhà nước hiện đại, thì rõ ràng là rất đáng tò mò. Khi nhà nước hiện đại không đáp ứng được những kỳ vọng dân chủ cơ bản nhất ở nhiều nơi trên thế giới, thì người ta quay qua các thủ lĩnh địa hiện tồn để tìm sự trợ giúp. Họ quan tâm đến sự trường tồn của các chính thể này và quan trọng hơn, họ coi trọng các cội nguồn địa phương của mình. Theo cách này, các thủ lĩnh địa (hoặc ít nhất là một số trong đó) đem đến một hệ thống chính trị có trách nhiệm hơn. Điều này khiến thế giới phương Tây bắt đầu nhận ra các đặc thù văn hóa và xã hội của các nền chính trị không chính thức, trực diện hơn, ngay cả trong quỹ đạo của các nền dân chủ tự do. Lời kêu gọi tự trị trong các nhà nước-dân tộc đơn nhất này có thể làm sống lại một số nguyên tắc của nền dân chủ trực tiếp hơn phổ biến đối với một số thủ lĩnh địa.

Sự trở lại của các thủ lĩnh địa trên vũ đài chính trị quốc gia trong nhiều quốc gia châu Phi đã không suôn sẻ. Ví dụ, ở Ghana, các cuộc ‘xung đột cương vị thủ lĩnh có liên quan chặt chẽ đến các quy định của hiến pháp xác định các khu vực cụ thể là vùng đất thuộc thủ lĩnh địa lịch sử. Tuy nhiên, khả năng di chuyển và tự lập ở bất cứ đâu trong nhà nước thuộc địa và hậu thuộc địa đã tạo ra những tình huống mà người lạ định cư ở một số lượng lớn các địa điểm, thường là với sự cho phép của các thủ lĩnh địa phương, nhưng khi số lượng của họ tăng lên, thì căng thẳng nảy sinh (Skalník 2002) . Một sự phát triển hấp dẫn khác là các thủ lĩnh và thủ lĩnh địa lại có uy tín nhiều hơn chứ không phải là ít đi ở các quốc gia như Ghana. Đối với nhiều người châu Phi đã tiếp thu một nền giáo dục phương Tây hiện đại, việc trở thành một thủ lĩnh là một mục tiêu cá nhân đáng thèm muốn. Ở một số thủ lĩnh địa phức tạp của người Ghana như Asante hay Gonja, các tù thủ lĩnh thường được có học cao, nhưng không thấy mâu thuẫn trong việc thúc đẩy hệ tư tưởng thủ lĩnh.

Ở Cameroon, các thủ lĩnh đại diện cho các thủ lĩnh địa hùng mạnh trong lịch sử ở phía tây bắc của đất nước đôi khi tham gia chính đảng thống trị và hoàn thành các trách nhiệm quan trọng trong đoàn thể cầm quyền của mình, nhưng họ làm vậy chủ yếu vì muốn bảo vệ và thúc đẩy thủ lĩnh địa của mình. Mặc dù họ tuyên bố không muốn nhúng tay vào các hoạt động chính trị quốc gia, nhưng họ làm như vậy để duy trì, hoặc thậm chí tăng cường quyền lực và tầm với của các hoạt động chính trị thủ lĩnh địa. Ở Nam Phi, sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc đã được các thủ lĩnh cha truyền con nối coi là cơ hội để tìm kiếm những vai trò mới ngoài vị trí bên lề và thuộc cấp mà họ đã được trao cho trong nền chính trị Bantustan của những năm tháng đã qua. Các thủ lĩnh là thành viên của một tổ chức quốc gia và họ tranh giành các ghế dành riêng trong các cơ quan đại diện khác nhau. Những tuyên bố của họ dường như được hệ tư tưởng và luận điệu về thời kỳ Phục hưng châu Phi ủng hộ. Đối với họ, một thứ thiên mệnh chính trị châu Phi thực sự là điều không tưởng nếu không có các thủ lĩnh. Tất nhiên, các vấn đề có thể nảy sinh, chẳng hạn khi các công dân Nam Phi nói tiếng Swazi đồng thời coi mình là thần dân của vua Swazi, người đứng đầu một quốc gia độc lập khác. Việc tuyên bố rằng công dân của một quốc gia cụ thể là thần dân của các thủ lĩnh địa tân- truyền thống có các quyền tối thượng đặt ở một quốc gia khác, là một thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với các thực tiễn chính trị châu Phi hiện nay. Nói tóm lại, vai trò và chức v của vị thủ lĩnh thường được đồng nhất về mặt ý thức hệ với chính bản chất và sự sống còn của một xã hội - như trong một số trường hợp ở châu Phi chẳng hạn như các nghi lễ đổi mới hàng năm của người Swazi hoặc các tập tục kế vị của người Nanumba ở miền bắc Ghana.

Bên ngoài châu Phi, các nền chính trị thủ lĩnh, bắt nguồn từ các sắp xếp chính trị truyền thống, có thể thấy trong thế giới Ả Rập, đặc biệt là ở khu vực Vùng Vịnh nơi hầu hết các quốc gia hiện đại có chủ quyền thực sự là người thừa kế trực tiếp của các thủ lĩnh địa tiền-thuộc địa, hoặc các tiểu vương quốc. Ở Afghanistan và Biên giới Tây Bắc của Pakistan, cũng như ở một số vùng của Ấn Độ, Miến Điện và các vùng phía bắc của Thái Lan, Lào và thậm chí cả Việt Nam, nền chính trị thủ lĩnh hoàn toàn thông thường. Bhutan là một vương quốc được điều hành giống như một thủ lĩnh địa. Việc Afghanistan gần đây được giải phóng khỏi sự cai trị tập trung thần quyền của Taliban đã tạo điều kiện cho các thủ lĩnh có uy tín tái khẳng định quyền lực và ngang nhiên thách thức nhà nước trung ương yếu kém do Karzai lãnh đạo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các phong trào kháng chiến ở Afghanistan trong nhiều năm đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Nga và Taliban về cơ bản được tổ chức như các thủ lĩnh địa quân phiệt.

Tại Liên bang Micronesia, một số quốc đảo bác bỏ ý tưởng tổ chức hội đồng thủ lĩnh chỉ vì người dân địa phương không muốn các thủ lĩnh của họ hợp tác với các chính trị gia và các nhà quản lý hiện đại (Petersen 1997). Tuy nhiên, ở Polynesia, các quốc gia như Samoa hoặc Tonga đã là các chế độ quân chủ trong đó các thủ lĩnh thống trị hoặc ảnh hưởng đến chính trị. Ở Samoa, nguyên thủ quốc gia kể từ năm 1963 là Thủ hiến Tanumafili II Malietoa, và Fono (hội đồng lập pháp) chỉ bao gồm các matai (các thủ lĩnh). Tonga chính thức là một vương quốc độc lập nhưng trên thực tế hoạt động như một thủ lĩnh địa tân-truyền thống. Các thủ lĩnh là thành viên chủ chốt của Hội đồng Cơ mật của Nhà vua và chín trong số ba mươi thành viên của Hội đồng Lập pháp là quý tộc, hoặc thủ lĩnh. Tại Fiji, chính thức là một nước cộng hòa, và nơi người dân Austronesian bản địa cố gắng tự hòa giải với sự tồn tại của một nhóm thiểu số Ấn Độ nhập cư khá lớn, quyền lực thực sự thuộc về Bose Levu Vakaturaga (Đại Hội đồng Thủ lĩnh) được thành lập vào năm 1997 theo Đạo luật Sự vụ Fijian. Hội đồng thủ lĩnh này bổ nhiệm và bãi nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch và đề cử mười bốn trong số ba mươi hai thành viên của thượng viện. Việc bàu cử sắc tộc đảm bảo rằng một số thủ lĩnh cũng được bầu vào Quốc hội Lập pháp gồm 71 thành viên. Tại Tokelau do New Zealand quản lý, các thành viên của Hội đồng Lập pháp được chọn bởi ba Hội đồng Trưởng lão. Cuối cùng, ngay cả New Zealand hiện cũng đang thảo luận về một số hình thức của vị thế lập pháp cho các thủ lĩnh Maori.

Như các ví dụ này ngụ ý, các thủ lĩnh địa có vẻ lâu bền và ổn định hơn so với hình dung ban đầu của tư duy tân tiến hóa. Họ không chỉ tồn tại đến thời đại ngày nay, thậm chí các quốc gia mà nhà nước đã sụp đổ hoặc không thể hoàn thành những trách nhiệm tối thiểu nhất của mình, thì các thủ lĩnh địa ngày càng đảm nhận chức năng chính trị công khai hơn, bằng cách củng cố vai trò xã hội và văn hóa quan trọng của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người ủng hộ thủ lĩnh địa nhấn mạnh tính trường tồn và các mô thức đồng thuận ra quyết định là hai trong số những đặc trưng quan trọng nhất của hình thức tổ chức chính trị này. Thú vị ở chỗ, đó lại chính là yêu sách về các hình thức tương tác xã hội và chính trị có nguồn gốc về văn hóa và gần gũi hơn mà những người chủ trương các tổ chức phi nhà nước, phi chính thức hơn nữa ở phương Tây đưa ra.

Vì lý do này, các cuộc tranh luận học thuật liên quan đến các thủ lĩnh địa trong quá khứ và hiện tại trở thành cơ sở hữu ích để giải quyết tính đa dạng của các phong trào cấp tiến, các chính thể chia rẽ thù nghịch, các nhóm quân phiệt và các tổ chức phi nhà nước xuất hiện rất chủ động trên thế giới hiện nay. Nó sẽ giúp chúng ta kiểm nghiệm giả định hiện tại cho rằng các nhóm như vậy là lầm lạc, cố hữu không ổn định, hoặc không có khả năng tồn tại trong suốt cuộc đời của các nhà lãnh đạo hiện tại của nhóm. Chẳng lẽ, như trong quá khứ, các thủ lĩnh địa có thể kéo dài theo thời gian, ngay cả trong đương đại? Khi nói đến các thủ lĩnh địa mà chúng ta biết, thì những gì là nền móng kinh tế đảm bảo tái sản xuất xã hội liên tục của họ, và những quá trình nào, dù là địa phương hay bên ngoài, có thể làm suy yếu tính toàn vẹn và bền vững của chúng? Các thủ lĩnh địa không còn được định nghĩa đơn giản thông qua việc phân phối lại, nhưng liệu các nền kinh tế thủ lĩnh có chia sẻ những đặc điểm cụ thể phân biệt chúng với các nhà nước không? Những gì thuộc về bản chất và phạm vi chênh lệch giàu nghèo, và điều đó ảnh hưởng đến các động lực thủ lĩnh như thế nào?

Các nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử đã chứng minh rằng trình tự lịch sử và các điều kiện tồn tại từ trước có thể liên quan đến các mô thức khác nhau của tổ chức và cấu trúc chủ yếu. Ví dụ, ở cao nguyên Trung Mexico, các tiểu bang hoặc các thủ lĩnh địa nhỏ thịnh phát sau sự sụp đổ của nhà nước đô thị tập trung tại Teotihuacan (700–1300 sau Công nguyên) có một tầng lớp tinh hoa riêng biệt, các văn bản viết, và vào cuối thời kỳ này, ngay trước khi Đế chế Aztec trỗi dậy, đã được đan xen vào một mạng lưới thị trường khu vực (Brumfiel 1983). Những đặc điểm như vậy nói chung không phải là điển hình của các thủ lĩnh địa có trước sự xuất hiện hoặc áp đặt của nhà nước. Những kiến ​​thức đó có thể được sử dụng cho hiện tại theo những cách nào? Ngược lại, liệu việc nghiên cứu về các thành hệ chủ yếu đương thời, và mối quan hệ của chúng với các quốc gia hiện có, thì có thể làm sáng tỏ những gì đã xảy ra ở miền Trung Mexico nhiều thế kỷ trước không?

Những ngẫu nhiên lịch sử và các công nghệ mới, chẳng hạn như chữ viết và thông tin liên lạc qua vệ tinh, có ảnh hưởng gì đến các nhóm nhỏ có cấu trúc phân cấp ngày nay? Trong khi nhiều thủ lĩnh địa trong quá khứ tối thiểu cũng phụ thuộc một phần vào các tương tác trực diện, thì điều đó có nhất thiết có nghĩa là sự cai trị của thủ lĩnh luôn dựa trên uy quyền hơn là sức mạnh tàn bạo? Những vấn đề như vậy hiện đang được thảo luận liên quan đến thế giới Pashtun, nơi phần lớn dân chúng không biết chữ và huyền thoại về các anh hùng chủ yếu dựa trên truyền miệng. Việc sử dụng điện thoại vệ tinh của các thủ lĩnh quân phiệt có khiến việc duy trì quyền kiểm soát khó khăn hơn trong một tình huống chính trị khó thu xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp?

Theo truyền thống, cũng như trong thế giới hiện đại, các thủ lĩnh sử dụng phương tiện gì để khẳng định ý chí của họ? Hậu quả về mặt tổ chức của việc chuyên quyền sử dụng quyền lực hoặc vũ lực cá nhân, trái ngược với chính thể chuyên chế của ‘công chính’ hoặc của đa số là gì? Liệu có thể có các thủ lĩnh địa không được nhân cách hóa trực tiếp bởi một thủ lĩnh không? Một người trong chúng tôi đã lập luận rằng một số Pueblos (làng, trấn người Indians) lớn thời tiền-Tây Ban Nha ở Tây Nam Hoa Kỳ, chẳng hạn như ở Chaco Canyon, được đánh dấu bằng việc ra quyết định theo thứ bậc và được tổ chức như các thủ lĩnh địa (Feinman và cộng sự 2000). Tuy nhiên, tại hầu hết các địa điểm Pueblo lớn này, tài sản cá nhân biểu hiện quyền lực thủ lĩnh (chẳng hạn như các khu mộ chôn theo đầy tài sản và các dinh thự công phu) rất hiếm thấy hoặc bị mất mát. Liệu sự phô trương của cải hay sức mạnh có phải là thuộc tính cần thiết của quyền lực thủ lĩnh ngày nay không? Hay sức mạnh tôn giáo, chẳng hạn, có thể là yếu tố huy động lớn hơn?

Vì hầu hết tất cả các thủ lĩnh địa trong quá khứ và đương đại đều là một phần của các mạng lưới rộng lớn hơn trong trao đổi hàng hóa, con người và tưởng với các láng giềng, đôi khi thậm chí là các quốc gia và đế chế lân cận, nên việc xem xét các mối liên kết đó ảnh hưởng đến động lực của họ như thế nào là điều rất hữu ích. Vị trí địa lý của họ trong mối quan hệ với các quốc gia có ảnh hưởng đến các mô thức mua sắm các nguồn tài nguyên trong các chính thể thủ lĩnh không? Chúng ta có thể nói liệu các thủ lĩnh địa biết họ có thể tồn tại lâu hay mau khi họ ở bên rìa các quốc gia không? Chúng ta có thể xác định sự thăng trầm của các mối quan hệ như vậy không? Các thủ lĩnh địa phụ thuộc kinh tế vào các hoạt động sản xuất (đặc biệt là các nền kinh tế nông nghiệp) có khác về mặt tổ chức với những thủ lĩnh địa có sinh kế chủ yếu lưu thông hàng hóa và tiếp cận các mạng lưới trao đổi không? Thông qua những câu hỏi như vậy, chúng ta không chỉ nhằm mục đích phá bỏ các rào cản ngành học bằng ngôn ngữ học thuật được sử dụng để mô tả các hành động và quy trình chính trị, mà còn xây dựng một tập hợp lý thuyết và câu hỏi so sánh có thể vượt qua những phân chia có phần giả tạo ngăn cách quá khứ với hiện tại, truyền thống với hiện đại, và phương Tây với phần thế giới còn lại.

Câu hỏi, Chủ đề, Giả thuyết

Mục đích của việc xem lại các công trình nghiên cứu khảo cổ học, nhân học, lịch sử và chính trị học không chỉ đơn thuần là để so sánh các định nghĩa về các thủ lĩnh địa mà họ có thể cung cấp. Khi chúng ta đánh giá lại cấu hình quyền lực trong thế giới đương đại, chúng ta tìm cách nghiên cứu mức độ hiểu biết về quá khứ có thể cung cấp thông tin cho hiện tại. Vấn đề đặt ra ở đây là câu hỏi liệu có phải có vô số hình thái và liên tục đa dạng hóa của hoạt động chính trị phi nhà nước ngày nay được phát hiện trên toàn cầu có thể được phân tích một cách hiệu quả hơn bằng cách tính đến lịch sử của các chính thể như vậy trong thời gian trước đó hay không. Ngược lại, chúng tôi hướng tới việc xem xét liệu kiến ​​thức về các thực thể chính trị đã biến mất từ ​​lâu có thể trở nên quan trọng hơn hay không nếu quan tâm đúng mức đến sự tiến hóa thực tế của các chính thể phi chính thức ngày nay.

Chúng tôi muốn giải quyết nhiệm vụ so sánh này bằng cách xác định một số câu hỏi chính, liên quan đến cả bốn ngành học và từ đó có thể có được một số chủ đề. Trước hết, khá rõ ràng, là các ranh giới, vì có sự khác biệt lớn trong cách hiểu về thủ lĩnh địa được phát hiện ra trên thực địa. Mặc dù chúng ta không cần đề ra quy định về vấn đề này, nhưng lại cần phải thống nhất về một số tiêu chí lớn. Một thủ lĩnh địa có thể rộng lớn và phân tán đến mức nào? Các phương tiện liên lạc và vận tải ảnh hưởng ra sao đến hình thức một nhóm như vậy có được? Một ‘cộng đồng’ như vậy có thể phát triển hoặc thu nhỏ đến mức nào trước khi ngừng hoạt động với tư cách là một thủ lĩnh địa?

Do đó, câu hỏi thứ hai liên quan đến tính chất thay đổi, vì ở đây rõ ràng là không có mô hình duy nhất nào. Liệu có thể so sánh các thủ lĩnh địa có quy mô và phạm vi khác nhau rất nhiều không? Liệu có hợp thức không khi đối chiếu những thứ đã tồn tại chỉ vài thập kỷ với những thứ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ? Chúng ta giăng ra tấm lưới rộng đến mức nào? Có phải chúng ta không có nguy cơ trải căng khái niệm này qua quá nhiều nhóm chính trị, do đó làm xói mòn tính hữu dụng của nó với tư cách là một công cụ phân tích?

Điều này đưa chúng ta đến vấn đề động lực học, hoặc có lẽ tốt hơn, đến vấn đề về các quá trình. Đôi khi, người ta biện luận, mặc dù ngày càng kém thuyết phục hơn, rằng cái gọi là các chính thể truyền thống là trường tồn, hoặc bất biến. Ngay cả việc kiểm tra hời hợt nhất về các nhóm này cũng có thể thấy rõ rằng chúng không hề tĩnh tại hơn những nhóm khác, lớn hơn hoặc hiện đại hơn. Tuy nhiên, điều cần thiết là cố gắng xây dựng khái niệm về những cách thức mà các thủ lĩnh địa, trong quá khứ và hiện tại, tiến triển và quan trọng hơn là những nhân tố nào có thể đã thúc đẩy những thay đổi lượng tử, hoặc thảm họa vốn đã đánh dấu sự tan vỡ ấy của chúng.

Tất nhiên, cái mà những câu hỏi như vậy chỉ ra chính là vấn đề chủ chốt của mối quan hệ giữa cấu trúc và trình tự. Một khi người ta đã thừa nhận rằng tân tiến hóa luận về mặt này không có gì khác ngoài ngõ cụt, thì không dễ bất cứ cách nào để tiến hành một cách chắc chắn đặc biệt là về các quan hệ nhân quả có thể có giữa hai biến số này. Mặc dù sẽ rất hay nếu nghĩ rằng có thể đưa ra được các quy tắc khá chung chung, nhưng các sử gia có lẽ sẽ cho rằng bối cảnh là điều vô cùng quan trọng. Có thể không có bất kỳ mối tương quan có ý nghĩa nào giữa cấu trúc và trình tự. Điều này vẫn cần được kiểm tra, không chỉ trong ngành học tương ứng của chúng ta mà còn bằng phương pháp phân tích so sánh các trường hợp cùng thời hoặc xuyên lịch sử nữa.

Ngoài những vấn đề chung này, còn có một số câu hỏi khác mà một nghiên cứu so sánh về các thủ lĩnh địa phải giải quyết cụ thể hơn. Trước hết, và có lẽ quan trọng nhất, là câu hỏi về bản chất của quyền lực và thẩm quyền. Mặc dù người ta thường đồng ý rằng các chính thể như vậy dựa trên quan hệ họ hàng (có thật hoặc tưởng tượng) và người ta còn cho rằng các thủ lĩnh địa không có bộ máy quan liêu, nhưng vẫn có vô số các hình thức cai trị khả thể. Làm thế nào để đánh giá được các loại hình và cấp độ thẩm quyền? Các thuộc tính cá nhân của thủ lĩnh quan trọng đến mức nào? Sức cuốn hút của thủ lĩnh có vai trò gì? Cuối cùng, quyền lực được tái tạo qua nhiều thế hệ ra sao?

Vấn đề quyền lực, liên quan một cách tự nhiên đến vấn đề về tính chính danh. Trong khi ở cấp độ chung, người ta thường cho rằng các thủ lĩnh phải kết hợp được cả các phẩm chất trần thế lẫn ma thuật, nhưng trên thực tế, cả bản chất của hai loại quyền lực này và cách thức kết hợp của chúng đều có thể tùy thuộc vào mức độ biến đổi đáng kể. Thật vậy, rất có thể một số thủ lĩnh địa đặc biệt không hề có ‘tôn giáo’ và thay vào đó người ta dựa vào các hình thái hệ tư tưởng khác - chẳng hạn như chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa khủng bố - để củng cố và phát triển các mối ràng buộc khiến họ trở nên công chính trong mắt các thành viên của họ.

Kết cấu của các mối quan hệ quyền lực trong bất kỳ thủ lĩnh địa nhất định nào, cũng hoàn toàn tự nhiên liên quan đến cơ sở kinh tế của nó. Do đó, điều quan trọng đối với việc hiểu biết về cách thức mà các chính thể như vậy tiến triển và duy trì chính nó chính là cách thức mà họ có được và triển khai các nguồn lực. Ở đây cũng vậy, rõ ràng là có những khác biệt rất lớn cả về cách thức có được các nguồn lực và tầm quan trọng của chúng đối với hoạt động của thủ lĩnh địa. Ở một cực, trong quá khứ cũng như hiện tại, có những cộng đồng ổn định trong đó việc trao đổi (và / hoặc tặng quà) bị hạn chế, mặc dù có lẽ quan trọng về mặt biểu tượng. Ở cực khác, lại có các phong trào hoặc mạng lưới (như mafia), có lẽ chủ yếu là thuộc tính, nhưng mặt khác lại can dự vào thương mại xuyên lục địa được củng cố ngay lập tức bởi các mạng cá nhân và công nghệ.

Điều quan trọng không kém là câu hỏi về phân phối lại. Người ta thường đồng ý rằng các thủ lĩnh địa được đặc trưng bởi mức độ chia sẻ tài nguyên cao. Ví dụ, các mối quan hệ bảo trợ mới đương đại được dự đoán dựa trên khả năng của các thủ lĩnh liên tục nuôi dưỡng các mạng lưới phụ thuộc vào quyền lực của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng có những bất bình đẳng trên diện rộng trong các thủ lĩnh địa quá khứ và hiện tại. Liệu ở đây có giới hạn nào vượt quá giới hạn mà các thực thể chính trị như vậy bắt đầu tách vỡ? Tương tự, liệu các thủ lĩnh địa có thể cung ứng được một lượng của cải to lớn hay tạo ra phân tầng xã hội không?

Cuối cùng, có một loạt các vấn đề liên quan đến mối tương tác giữa các thủ lĩnh địa và các chính thể phức tạp hơn - các quốc gia, vương quốc, đế chế, v.v. Ngày nay, cũng như trước đây, các nhóm mà chúng ta quan tâm, hoạt động cả bên lề và bên trong, các thực thể chính trị lớn hơn. Do đó, sẽ rất hữu ích khi tìm cách đánh giá các chiến lược mà các thủ lĩnh địa sử dụng để điều hướng các vùng biển nhiều hiểm họa của các mối quan hệ quốc tế. Giờ đây, cũng như trong quá khứ, luôn có sự tranh chấp giữa nhu cầu tự trị của thủ lĩnh địa và tham vọng ‘đế quốc’ của các chính thể lớn hơn. Tuy nhiên, trái ngược với lẽ thường, cuộc đấu tranh đâu phải không cân sức. Các thủ lĩnh địa có một hồ sơ lâu dài về độ bền, do đó chứng minh rằng một số thuộc tính cốt lõi của mình có thể giúp họ tồn tại và thích nghi với những thất thường của hệ thống ‘thế giới’ mà họ đối đầu.

Tất nhiên, đây chỉ là một số câu hỏi hoặc chủ đề, xung quanh đó người ta sẽ tạo dựng các phân tích so sánh hiệu quả về các thủ lĩnh địa qua các giai đoạn và khu vực địa lý. Chúng là những công cụ phải được sử dụng, chứ không phải là những đặc điểm quy định mà chúng tôi hy vọng sẽ đưa vào công trình so sánh của mình. Tuy nhiên, người ta cũng gợi ý rằng có thể thiết lập một phương pháp luận để cung cấp thông tin cho việc đánh giá các nhóm chính trị quy mô nhỏ hơn, không chính thức và có thể thích ứng được.

Phần kết luận

Các thành h chính trị giống-thủ lĩnh địa ngày nay thường cạnh tranh với nhà nước cồng kềnh, quá mức quan liêu hóa, vì lòng trung thành của các thành viên của nó. Do tính phi chính thức của các mối quan hệ xã hội của nó, tính cách trực diện của khu vực công, quá trình ra quyết định đồng thuận hơn và bản chất của cương vị thủ lĩnh - dựa trên uy quyền thay vì quyền lực cưỡng bức nên các thủ lĩnh địa thường có vẻ phù hợp với mọi người hơn trong nhiệm vụ tìm kiếm các hình thức quản trị gần giống nhất. Hệ thống phân cấp ở các thủ lĩnh địa minh bạch hơn, các nguyên tắc cha truyền con nối hoặc lựa chọn trong việc tuyển dụng vào các chức vị rất đơn giản và dễ chấp nhận. Mặt khác, một số thủ lĩnh địa có thể trở thành những đơn vị tương tác xã hội theo chủ nghĩa biệt lập khép kín, coi thế giới xung quanh là thù địch. Đó là các tổ chức tội phạm hoặc khủng bố muốn lật đổ nhà nước hoặc thâu tóm quyền lực.

Do đó, rõ ràng là không thể có cách tiếp cận đơn giản nào cho câu hỏi về tương lai của các thủ lĩnh địa. Trong khi nhiều người sẽ cho rằng các thủ lĩnh địa mang đến một bộ mặt dễ chấp nhận hơn trong tương tác chính trị và xã hội, thì những người khác sẽ bật lại vì cái tiềm thế nguy hại của họ. Về mặt này, có vẻ như các thủ lĩnh địa, giống như tất cả các hình thức thể chế chính trị khác của con người, có thể ‘dân chủ’ hơn cũng có thể ‘chuyên chế hơn’. Mặc dù không nên quá lý tưởng thủ lĩnh địa như một giải pháp cho các vấn đề chính trị nan y đương thời, nhưng cũng sẽ không khôn ngoan nếu loại bỏ loại chính thể này như những tàn tích từ quá khứ xa xôi, những hình thức lệch lạc hoặc đột biến trong một thế giới mà dân chủ tự do đã được trù định thống trị.

Tối thiểu những gì chúng ta có thể hướng tới là phát triển một loại ngôn ngữ cắt qua các ngành học để hiểu các nhóm chính trị như vậy, trong sự phức tạp và đa dạng của chúng. Hay nói đúng hơn, điều đó sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có thể hiểu được công việc của những người khác và tìm được các công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích những gì chắc chắn là một trong những thực thể chính trị hấp dẫn và lâu dài nhất mà thế giới từng biết.

_________________________________________

Nguồn: Chabal, Patrick & Gary Feinman và Peter Skalník (2004). Beyond States and Empires: Chiefdoms and Informal Politics, In Social Evolution & History 3 (1), March 2004, pp. 22–40.

Tác giả:

1. Giáo sư Patrick Chabal (1951 - 2014) là một nhà Châu Phi học hàng đầu của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Ông đã có một sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực học thuật. Vị trí mới nhất của Patrick Chabal là Chủ nhiệm khoa Lịch sử & Chính trị Châu Phi tại King's College London. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách, chương sách và bài báo về châu Phi. Ông là một trong những người sáng lập AEGIS (Nhóm nghiên cứu liên ngành Châu Phi-Châu Âu) và là thành viên hội đồng quản trị trong nhiều năm.

2. Gary M. Feinman (sinh năm 1951) là nhà khảo cổ học người Mỹ, đồng thời là Giám đốc MacArthur về Nhân học Trung Mỹ và Đông Á tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago. Ông đã tiến hành nghiên cứu ở Thung lũng Oaxaca, Mexico trong hơn 30 năm, gần đây nhất là ở vùng đất của các cộng đồng Tlacolula, Mitla, Matatlán và Ejutla. Những nghiên cứu này tập trung vào các cuộc khai quật hộ gia đình tại ba địa điểm (Ejutla, El Palmillo và Pháo đài Mitla). Gần đây nhất, ông đã bắt đầu các cuộc khai quật tại Lambityeco với sự cộng tác của đại diện của Viện Nhân học và Lịch sử Mexico. Ngay từ năm 1995 Feinman cũng đã tiến hành khảo sát khảo cổ học ở ven biển tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc kết hợp với Đại học Sơn Đông. Nghiên cứu mô hình định cư ven biển Sơn Đông do Feinman, Linda Nicholas (Bảo tàng Field) và Giáo sư Fang Hui (Đại học Sơn Đông) dẫn đầu đã có vai trò giới thiệu phương pháp luận thực địa có hệ thống quy mô khu vực này cho khảo cổ học Trung Quốc. Ông là đồng biên tập viên sáng lập của Tạp chí Nghiên cứu Khảo cổ học, trước đây là biên tập viên của American Latin Antiquity.

3. Peter Skalník (1945-), Giáo sư Nhân học Xã hội, Đại học Charles, Prague; Giáo sư Danh dự, Đại học Wroclaw, Polan.

References

Blanton, R. E., Feinman, G. M., Kowalewski, S. A., and Peregrine, P. N. 1996. A Dual-Processual Theory for the Evolution of Mesoamerican Civilization. Current Anthropology 37: 1–14.

Brumfiel, E. 1983. Aztec State Making: Ecology, Structure, and the Origin of the State. American Anthropologist 85: 261–284.

Brumfiel, E. 1992. Distinguished Lecture in Archaeology: Breaking and Entering the Ecosystem – Gender, Class, Faction Steal the Show. American Anthropologist 94: 551–567.

Carneiro, R. L. 1978. Political Expansion as an Expression of the Principle of Competitive Exclusion. In Cohen, R., and Service, E. (eds.), The Origins of the State: The Anthropology of Political Evolution (pp. 205–223). New York: Columbia University Press.

Carneiro, R. L. 1981. The Chiefdom: Precursor of the State. In Jones, G. D., and Kautz, R. R. (eds.), The Transition to Statehood in the New World (pp. 37–79). Cambridge: Cambridge University Press.

Chabal, P. 1992. Power in Africa: an Essay in Political Interpretation. Basingstoke/New York: Macmillan/St. Martin's.

Chabal, P., and Daloz, J-P. 1999. Africa Works: Disorder as Political Instrument. Oxford/Indiana: James Currey/Indiana University Press.

Costin, C. L., and Earle, T. K. 1989. Status Distinction and Legitimation of Power as Reflected in Changing Patterns of Consumption in Late Prehispanic Peru. American Antiquity 54: 691–714.

Drennan, R. D., and Uribe, C. A. (eds.) 1987. Chiefdoms in the Americas. Lanham: University Press of America.

Earle, T. 1978. Economic and Social Organization of a Complex Chiefdom: The Halelea District, Kaua'i, Hawaii. Anthropological Papers 63. Ann Arbor: Museum of Anthropology.

Earle, T. 1987. Chiefdoms in Archaeological and Ethnohistorical Perspective. Annual Review of Anthropology 16: 279–308.

Earle, T. 1997. How Chiefs Come to Power. The Political Economy in Prehistory. Stanford: Stanford University Press.

Feinman, G. M. 1996. Chiefdoms and Non-industrial States. In Levinson, D., and Ember, M. (eds.), Encyclopedia of Cultural Anthropology (pp. 185–191). New York: Henry Holt and Company.

Feinman, G. M. 1998. Scale and Social Organization: Perspectives on the Archaic State. In Feinman, G.M., and Marcus, J. (eds.), Archaic States (pp. 95–133). Santa Fe: School of American Research Press.

Feinman, G. M., Lightfoot, K. G., and Upham, S. 2000. Political Hierarchies and Organizational Strategies in the Puebloan Southwest. American Antiquity 65: 449–470.

Feinman, G., and Neitzel, J. 1984. Too Many Types: an Overview of Sedentary Pre-state Societies in the Americas. In Schiffer, M. B. (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory. Vol. 7 (pp. 39–102). New York: Academic Press.

Hart, H. 1948. The Logistical Growth of Political Areas. Social Forces 26: 396–408.

Leach, E. R. 1954. Political Systems of Highland Burma. A Study in Kachin Social Structure. Boston: Beacon Press.

Oberg, K. 1955. Types of Social Structure among the Lowland Tribes of South and Central America. American Anthropologist 57: 472–487.

Petersen, G. 1997. A Micronesian Chamber of Chiefs? In White, G., and Lindstrom, M. (eds.), Chiefs Today: Traditional Pacific Leadership and the Postcolonial State (pp. 183–196). Stanford: Stanford University Press.

Redmond, E. M. 1998. Chiefdoms and Chieftaincy in the Americas. Gainesville: University Press of Florida.

Renfrew, C. 1974. Beyond a Subsistence Economy: The Evolution of Social Organization in Prehistoric Europe. In Moore, C. B. (ed.), Reconstructing Complex Societies (pp. 69–85). Supplement to the American Schools of Oriental Research 20. Cambridge: Cambridge University Press.

Sahlins, M. D. 1958. Social Stratification in Polynesia. Seattle: University of Washington Press.

Service, E. R. 1962. Primitive Social Organization. An Evolutionary Perspective. New York: Random House.

Skalník, P. 1996. Authority versus Power: Democracy in Africa Must Include Original African Institutions. Journal of Legal Pluralism and Unofficial Law 37–38: 109–121.

Skalník, P. 1999. Authority versus Power: a View from Social Anthropology. In Cheater, A. (ed.), The Anthropology of Power. Empowerment and Disempowerment in Changing Structures (pp. 163–174). London: Routledge.

Skalník, P. 2002. The State and Ethnopolitical Identities: the Case of Community Conflicts in Northern Ghana. Nouveaux Mondes 10: 141–166.

Southall, A. W. 1956. Alur Society. A Study in Processes and Types of Domination. Cambridge: Heffer.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét