Powered By Blogger

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Hiện tượng luận Tri giác (I)


Maurice Merleau-Ponty

Người dịch*: Hà Hữu Nga

Khái luận

Hiện tượng luận là gì? Có vẻ lạ khi câu hỏi này vẫn còn được đặt ra sau nửa thế kỷ kể từ khi những tác phẩm đầu tiên của Husserl được công bố. Thực tế là cho đến nay vẫn không hề có câu trả lời. Hiện tượng luận là nghiên cứu các bản chất; và theo đó, tất cả các vấn đề chung quy là tìm ra các định nghĩa về bản chất: bản chất của tri giác, hay bản chất của ý thức chẳng hạn. Nhưng hiện tượng luận cũng là một triết học đặt các bản chất trở lại với tồn tại, và không mong đợi đạt được sự hiểu biết về con người và thế giới từ bất kỳ điểm xuất phát nào khác ngoài điểm xuất phát “thực tính” của chúng. Đó là một triết học siêu việt còn đọng lại những khẳng định nảy sinh từ thái độ tự nhiên, càng tốt để hiểu chúng; nhưng nó cũng còn là một triết học đối với nó thế giới luôn luôn ‘đã có ở đó’ trước khi phản ánh bắt đầu — như là ‘một sự hiện diện tuyệt đối; và tất cả mọi nỗ lực của nó đều tập trung vào việc tái tiếp xúc trực tiếp và nguyên thủy với thế giới, và phú cho mối tiếp xúc đó một vị thế triết học. Đó là việc tìm kiếm một triết học sẽ là một khoa học nghiêm ngặt, nhưng nó cũng đưa ra một giải thích về không gian, thời gian và thế giới như chúng ta sống với chúng. Nó cố gắng đưa ra một mô tả trực tiếp về trải nghiệm của chúng ta như nó vốn có, mà không tính đến nguồn gốc tâm lý của nó và những giải thích nhân quả mà nhà khoa học, nhà sử học hoặc nhà xã hội học có thể cung cấp. Tuy nhiên, Husserl trong các tác phẩm cuối cùng của mình đề cập đến một ‘hiện tượng luận di truyền’,1 và thậm chí là ‘hiện tượng luận kiến tạo’.2 Người ta có thể cố gắng loại bỏ những mâu thuẫn này bằng cách phân biệt giữa các hiện tượng luận của Husserl và Heidegger; tuy nhiên toàn bộ Sein und Zeit ‘Hữu thể và Thời gian’ lại bắt nguồn từ một chỉ dẫn do Husserl đưa ra và tựu chung lại không có gì khác hơn một giải thích rõ ràng về 'natürlicher Weltbegriff' khái niệm thế giới tự nhiên hoặc 'Lebenswelt' thế giới sống mà Husserl, cho đến tận cuối đời, đã xác định là chủ đề trung tâm của hiện tượng luận, kết quả là mâu thuẫn lại xuất hiện trong chính triết học của Husserl. Người đọc bị dồn ép về thời gian sẽ có xu hướng từ bỏ ý tưởng bao quát một học thuyết nói về mọi thứ, và sẽ tự hỏi liệu một triết học không thể xác định phạm vi của nó có xứng đáng với tất cả các cuộc thảo luận đã diễn ra xung quanh nó hay không, và lẽ nào ông ta lại không phải đối mặt với một huyền thoại hoặc một thứ thời thượng.

Cho dù có đúng như vậy, thì vẫn cần phải hiểu uy tín của huyền thoại và nguồn gốc của thứ thời thượng kia, và quan điểm ​​của nhà triết học có trách nhiệm phải là ở chỗ hiện tượng luận có thể được thực hành và được xác định như một cách thức hoặc phong cách tư duy, nó đã tồn tại như một trào lưu trước khi đạt đến nhận thức hoàn toàn về bản thân nó như một triết học. Nó đã có một hành trình dàicác môn đồ của nó đã khám phá nó hàng quý, chắc chắn là ở Hegel và Kierkegaard, nhưng cũng ngang bằng ở Marx, Nietzsche và Freud. Việc xem xét thuần túy về ngôn ngữ đối với các văn bản được đề cập sẽ không mang lại bằng chứng nào; chúng ta chỉ tìm thấy trong các văn bản những gì chúng ta đưa vào đó, và nếu từng có bất kỳ loại lịch sử nào gợi ý các diễn giải nên đưa vào nó, thì đó chính là lịch sử triết học. Chúng ta sẽ tìm thấy trong chính chúng ta, mà không phải bất kỳ nơi nào khác, nhất tính và ý nghĩa thực sự của hiện tượng luận. Vấn đề không phải là đếm các trích dẫn là xác định và diễn đạt dưới dạng cụ thể hiện tượng luận này cho chính chúng ta, điều này đã mang lại cho một số độc giả ngày nay ấn tượng, khi đọc Husserl hoặc Heidegger, không phải đối mặt quá nhiều với một triết học mới như khi nhận ra những gì họ đã hằng mong đợi. Hiện tượng luận chỉ có thể tiếp cận được thông qua phương pháp hiện tượng luận. Do đó, chúng ta hãy cố gắng tập hợp các chủ đề hiện tượng luận nổi tiếng một cách có hệ thống lại với nhau như chúng đã phát triển một cách tự phát cùng nhau trong cuộc sống. Có lẽ sau đó chúng ta sẽ hiểu tại sao hiện tượng luận trong một thời gian dài vẫn ở giai đoạn sơ khai, như một vấn đề còn cần giải quyết và một hy vọng cần phải trở thành hiện thực.

Đó là vấn đề mô tả, không phải giải thích hay phân tích. Chỉ dẫn đầu tiên của Husserl đối với hiện tượng luận, trong giai đoạn đầu của nó, là một ‘tâm lý học mô tả’, hoặc quay trở lại ‘bản thân sự vật’, ngay từ đầu là một dự báo trước của khoa học. Tôi không phải là kết quả hay điểm gặp gỡ của nhiều tác tố nhân quả quyết định việc cấu tạo cơ thể hay tâm lý của tôi. Tôi không thể tự cho mình là không có gì khác ngoài một mảnh của thế giới, một đối tượng đơn thuần của việc khảo sát sinh học, tâm lý học hay xã hội học. Tôi không thể khép mình trong lĩnh vực khoa học. Toàn bộ tri ​​thức của tôi về thế giới, thậm chí cả tri ​​thức khoa học của tôi, đều thu được từ quan điểm cụ thể của riêng tôi, hoặc từ kinh nghiệm nào đó về thế giới nếu không có những biểu tượng của khoa học thì sẽ trở nên vô nghĩa. Toàn bộ vũ trụ khoa học được xây dựng dựa trên thế giới được trải nghiệm trực tiếp, và nếu chúng ta muốn đưa bản thân khoa học vào sự giám sát chặt chẽ và đi đến đánh giá chính xác về ý nghĩa và phạm vi của nó, thì chúng ta phải bắt đầu bằng cách đánh thức lại trải nghiệm cơ bản những gì thuộc về thế giới mà khoa học là biểu thức bậc hai. Về bản chất, khoa học không và sẽ không bao giờ có ý nghĩa với tư cách làhình thức của hiện hữu như cái thế giới mà chúng ta tri giác, vì lý do đơn giản chính nguyên do hoặc sự giải thích về thế giới đó. Tôi, không phải là một 'sinh vật sống', thậm chí cũng không phải một 'người', thậm chí cũng không phải một 'ý thức' được phú cho toàn bộ các đặc điểm mà động vật học, giải phẫu xã hội hoặc tâm lý học quy nạp nhận ra trong các sản phẩm khác nhau của quá trình tự nhiên hoặc lịch sử — tôi là nguồn gốc tuyệt đối, sự tồn tại của tôi không xuất phát từ tiền nhân của tôi, từ môi trường vật chất và xã hội của tôi; thay vào đó, tồn tại đó tiến về phía họ và duy trì họ, vì chỉ một mình tôi mang lại hiện hữu cho bản thân mình (và do đó trở thành hiện hữu theo nghĩa duy nhất mà từ này có thể có đối với tôi) cái truyền thống mà tôi quyết định tiếp tục, hoặc sự xa cách từ chân trời đến tôi sẽ phải bị loại bỏ - vì khoảng cách đó không phải là một thuộc tính của nó - nếu tôi không ở đó để quét cả tầm nhìn bao quát nó. Các quan điểm khoa học, theo đó sự tồn tại của tôi là một khoảnh khắc của thế giới, luôn luôn ngây thơ và đồng thời không trung thực, bởi vì người ta coi đó là đương nhiên mà không đề cập rõ ràng, nó, cái quan điểm khác ấy, cụ thể là quan điểm về ý thức, thông qua nó ngay từ đầu một thế giới tự hình thành xung quanh tôi và bắt đầu tồn tại đối với tôi. Trở lại với bản thân sự vật là trở về với cái thế giới có trước tri thức, tri thức luôn nói về nó, và trong mối quan hệ với nó, mọi lược đồ hóa đều là một ngôn ngữ ký hiệu trừu tượng và phái sinh, cũng như địa lý trong mối quan hệ với khía cạnh-quốc gia nơi chúng ta đã biết trước những gì núi rừng, đồng cỏ hay dòng sông.

Động thái này hoàn toàn khác biệt với
việc quay trở lại với ý thức theo cách duy tâm luận, và nhu cầu về việc mô tả thuần túy, một mặt, đều loại trừ quy trình phản ánh phân tích và mặt khác là quy trình giải thích khoa học. Descartes và đặc biệt là Kant đã tách rời chủ thể, hay ý thức, bằng cách cho thấy rằng tôi không thể nắm bắt bất cứ thứ gì đang tồn tại trừ khi trước hết tôi trải nghiệm bản thân đang tồn tại trong hành động nắm bắt nó. Họ xuất trình ý thức, tính chắc chắn tuyệt đối về tồn tại của tôi cho bản thân tôi, như điều kiện của sự hiện hữu bất cứ thứ gì ở đó; và hành động liên quan như là cơ sở của tính liên quan. Đúng là hành động liên quan chẳng là gì nếu tách khỏi cảnh tượng của thế giới trong đó các mối quan hệ được tìm thấy; nhất tính của ý thức Kant đạt được đồng thời với nhất tính của thế giới. Còn theo Descartes, sự nghi ngờ có phương pháp không tước đi bất cứ thứ gì của chúng ta, vì toàn bộ thế giới, ít nhất là trong chừng mực chúng ta trải nghiệm, đều được phục hồi trong Cogito - tôi tư duy, được tính chắc chắn như nhau, và đơn giản được dán nhãn là ‘nghĩ đến Nhưng mối quan hệ giữa chủ thể và thế giới không hoàn toàn song phương: nếu có, thì ở Descartes, tính chắc chắn của thế giới sẽ trực tiếp được đưa ra với tính chắc chắn của Cogito - tôi tư duy, và Kant sẽ không nói về ‘cuộc cách mạng Copernicus’ của ông. Phản ánh phân tích bắt đầu từ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới và quay trở lại chủ thể như một điều kiện của khả tính khác với kinh nghiệm đó, bằng cách bộc lộ sự tổng hợp bao trùm mà nếu không có nó sẽ không có thế giới. Ở mức độ này, nó không còn là một phần của trải nghiệm của chúng ta nữa thay vì đưa ra một giải thích thì nó lại xuất trình một tái cấu trúc. Theo quan điểm này, có thể hiểu được rằng Husserl, người đã buộc tội Kant áp dụng một 'tâm lý luận năng lực’,3 lẽ ra phải thúc giục, thay cho một phân tích lý trí đặt thế giới dựa trên hoạt động tổng hợp của chủ thể, 'phản ánh nhận thức' của riêng ông, vẫn tồn tại bên trong đối tượng và thay vì sinh ra nó, thì lại soi sáng nhất tính cơ bản của nó.

Thế giới ở đó trước khi có thể có bất kỳ phân tích nào của tôi, và sẽ là giả tạo nếu biến nó thành kết quả của một chuỗi tổng hợp liên kết, ngay từ đầu, các cảm giác, sau đó là các khía cạnh của đối tượng tương ứng với các viễn kiến khác nhau, khi cả hai đều không là gì khác ngoài sản phẩm của phân tích, không có loại thực tại có trước. Phản ánh phân tích tin rằng nó có thể truy ngược quá trình theo sau của một hành động cấu thành trước đó và đạt đến, trong ‘con người bên trong’ — mượn cách diễn đạt của Thánh Augustine — tại một sức mạnh cấu thành luôn đồng nhất với cái tự nội đó. Do đó, phản ánh tự nó được chấp nhậntự đặt nó vào một chủ thể tính bất khả xâm phạm, vẫn chưa bị tồn tại và thời gian chạm tới. Nhưng điều này lại rất ngây thơ, hoặc ít nhất thì cũng là một dạng phản ánh không hoàn chỉnh, làm mất đi tầm nhìn khởi đầu của chính nó. Khi tôi bắt đầu phản ánh thì sự phản ánh của tôi mang lại trải nghiệm không phản ánh; hơn nữa, sự phản ánh của tôi không thể không tự nhận thức về bản thân nó như một sự kiện, và do đó, nó tự xuất hiện dưới ánh sáng của một hành động sáng tạo thực sự, của một cấu trúc thay đổi của ý thức, nhưng nó phải nhận ra, là có quyền ưu tiên hơn các vận hành của chính nó, thế giới được trao cho chủ thể vì chủ thể được trao cho chính mình. Cái hiện thực phải được mô tả, không được xây dựng hoặc hình thành. Có nghĩa là tôi không thể xếp tri giác vào cùng một phạm trù với các tổng hợp được thể hiện bằng các phán đoán, hành vi hoặc dự báo. Lĩnh vực tri giác của tôi liên tục được lấp đầy bởi một trò chơi của màu sắc, tiếng ồn và những cảm giác đích xác lướt nhanh mà tôi không thể liên hệ chính xác với bối cảnh của thế giới nhận thức rõ ràng của tôi, tuy nhiên tôi vẫn ngay lập tức 'đặt vào thế giới, mà không bao giờ nhầm lẫn chúng với những mộng tưởng hão huyền của mình. Hơn nữa, tôi liên tục dệt những giấc mơ xung quanh sự vật. Tôi tưởng tượng con người và sự vật có sự hiện diện không tương thích với bối cảnh, nhưng thực tế lại không liên quan đến nó: họ đi trước thực tại, bằng lĩnh vực tưởng tượng. Nếu thực tại tri giác của tôi chỉ dựa trên tính nhất quán nội tại của các 'đại diện', thì điều đó đáng phải do dự và bị cuốn vào những phỏng đoán của tôi theo khả năng có thể xảy ra. Tôi phải không ngừng loại bỏ những tổng hợp sai lệch, và phục hồi lại những hiện tượng tản mạn trong thực tại mà tôi đã loại trừ ngay từ đầu. Nhưng điều này không xảy ra. Cái hiện thực là một cấu trúc được bện dệt chặt chẽ. Nó không chờ đợi sự phán xét của chúng ta trước khi kết hợp những hiện tượng đáng ngạc nhiên nhất, hoặc trước khi bác bỏ những bịa đặt hợp lý nhất trong trí tưởng tượng của chúng ta. Tri giác không phải là một khoa học về thế giới, nó thậm chí không phải là một hành động, một sự cố ý chọn lấy một lập trường; nó là nền cảnh mà từ đó tất cả các hành động đều nổi bật và được chúng giả định trước. Thế giới không phải là một đối tượng mà tôi trở thành kẻ sở hữu quy luật tạo ra nó; nó là môi trường tự nhiên của, và là lĩnh vực cho mọi suy và mọi tri giác rõ ràng của tôi. Chân lý không ‘cư ngụ’ chỉ ‘con người bên trong’,4 hay chính xác hơn, không có con người bên trong, con người ở trong thế giới, và chỉ trong thế giới này, anh ta mới tự biết mình. Khi tôi trở lại với chính mình sau một chuyến du ngoạn vào lãnh địa của cảm thức giáo điều hoặc của khoa học, tôi nhận thấy, không phải nguồn gốc của chân lý nội tại, mà là một chủ thể được định sẵn cho thế giới.

Toàn bộ điều đó bộc lộ ý nghĩa thực sự của quy giản hiện tượng luận nổi tiếng. Có lẽ không có vấn đề nào hơn được việc Husserl đã dành nhiều thời gian hơn - hay việc ông thường xuyên quay trở lại hơn, vì ‘vấn đề quy giản’ chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm chưa được xuất bản của ông. Trong một thời gian dài, và ngay cả trong các văn bản gần đây, quy giản được trình bày như là sự trở lại với một ý thức siêu việt mà trước đó thế giới được trải rộng và hoàn toàn minh bạch, được diễn ra nhanh chóng thông suốt bởi một loạt các tri giác mà nhiệm vụ của nhà triết học là phải tái thiết trên cơ sở kết quả của các tri giác đó. Vì vậy, cảm giác về màu đỏ của tôi được tri giác biểu hiện của một màu đỏ nào đó đã trải nghiệm, đến lượt mình, đó là biểu hiện của khoảng bề mặt đỏ, là biểu hiện của một miếng bìa cứng màu đỏ, và cuối cùng đó là biểu hiện hoặc đường viền của một thứ màu đỏ, cụ thể là cuốn sách này. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng đó là sự lĩnh hội về một hylè (ὕλη) chất, vật chất nào đó, khi chỉ ra một hiện tượng ở mức độ cao hơn, thì cái Sinngebung, hoặc hoạt động mang lại ý nghĩa tích cực có thể được cho là xác định ý thức, vì vậy thế giới không là gì khác ngoài 'thế giới-như-ý nghĩa', và quy giản hiện tượng luận là duy tâm, theo nghĩa ở đây có một thứ duy tâm luận siêu việt coi thế giới như một nhất thể không thể chia cắt của giá trị được Peter và Paul chia sẻ, trong đó viễn kiến của họ hòa quyện. ‘Ý thức của Peter’ và ‘ý thức của Paul trong giao tiếp, nên tri giác về thế giới ‘của Peter’ không phải là Piter đang làm bất cứ thứ gì khác với tri giác về thế giới ‘của Paul’ là cái mà Paul đang làm; trong mỗi trường hợp, đó là hoạt động của các dạng ý thức tiền-cá nhân, mà sự giao tiếp không đặt ra vấn đề gì, vì nó được đòi hỏi bởi chính định nghĩa về ý thức, ý nghĩa hoặc chân lý. Trong chừng mực tôi là một ý thức, nghĩa là, trong chừng mực một điều gì đó có ý nghĩa đối với tôi, tôi không ở đây cũng không ở đó, không phải là Piter hay Paul; tôi không có cách nào phân biệt được với một ý thức ‘khác’, vì chúng ta trực tiếp tiếp xúc với thế giới và vì thế giới, theo định nghĩa, là duy nhất, là hệ thống mà tất cả chân lý gắn kết với nhau. Một duy tâm luận siêu việt nhất quán về mặt logic rũ sạch cái thế giới của sự mờ mịt và tính siêu việt của nó. Thế giới chính là thứ mà chúng ta tạo thành một đại diện, không phải là con người hay những chủ thể thực nghiệm, nhưng trong chừng mực chúng ta đều là một nguồn sáng và tham gia vào cái Một mà không phá hủy nhất tính của nó. Phản ánh phân tích không biết gì về vấn đề của những tâm trí khác, hay vấn đề về thế giới, bởi vì nó kiên định rằng với tia sáng đầu tiên của ý thức, ở đó về mặt lý thuyết xuất hiện trong tôi sức mạnh của việc đạt tới một chân lý phổ quát nào đó, và cái điều mà kẻ khác, cũng đều không có cái tính này, sự định vị hay cơ thể, Kẻ khác và Bản ngã là một và giống nhau trong thế giới thực, là cái hợp nhất của tâm trí. Không có gì khó khăn để hiểu được làm thế nào tôi có thể hình dung được kẻ Khác, bởi vì cái Tôi và do đó kẻ Khác không được quan niệm như một phần của chất liệu dệt nên các hiện tượng; chúng có hiệu lực hơn là tồn tại. Không có gì ẩn sau những khuôn mặt và cử chỉ này, không có lĩnh vực nào mà tôi không tiếp cận, chỉ đơn thuần là một cái bóng nhỏ cũng nhờ ánh sáng mà tồn tại. Ngược lại, đối với Husserl, ai cũng biết rằng có một vấn đề về những kẻ khác, và cái alter ego bản ngã khác một nghịch lý. Nếu kẻ khác thực sự chỉ dành cho riêng cho hắn, thì ngoài hiện hữu của hắn đối với tôi, và nếu chúng ta dành cho nhau chứ không phải cả hai đều dành cho Chúa, thì chúng ta nhất thiết phải có sự xuất hiện cho nhau. Hắn phải và tôi phải có hình dáng bên ngoài, và phải ở đó, bên cạnh cái viễn kiến của cái Vì Bản thân - cái nhìn của tôi về bản thân và cái nhìn của kẻ khác về chính hắn một viễn kiến Vì Kẻ khác - cái nhìn của tôi về những kẻ khác và cái nhìn của họ về tôi. Tất nhiên, hai viễn kiến này, trong mỗi chúng ta, không thể đơn giản đặt cạnh nhau, vì trong trường hợp đó, không phải tôi mà kẻ kia sẽ thấy, cũng không phải hắn mà tôi sẽ thấy. Tôi phải là cái ngoại tại mà tôi thể hiện với kẻ khác, và cơ thể của kẻ kia phải là chính kẻ khác đó. Nghịch lý này và phép biện chứng của cái Tôikẻ Khác chỉ khả thể với điều kiện Ego - cái Tôi Alter Ego - cái Tôi của Kẻ khác được xác định bởi hoàn cảnh của chúng và không được giải phóng khỏi toàn bộ tính vốn có; nghĩa là, với điều kiện là triết học không đạt đến đỉnh điểm trong việc quay trở lại cái tự thân, và miễn là tôi khám phá ra bằng phản ánh không chỉ sự hiện diện của tôi đối với chính tôi, mà còn cả khả tính của một ‘khán giả bên ngoài’; nghĩa là, một lần nữa, miễn là ngay tại thời điểm tôi trải nghiệm sự tồn tại của mình — ở cực cuối của sự phản ánh — tôi không đạt tới được mật độ tột cùng có thể đặt tôi ra ngoài thời gian, và tôi phát hiện trong mình có một loại điểm yếu nội tại thay thế cho cái cách tôi hoàn toàn được cá nhân hóa: một điểm yếu khiến tôi bị phơi bày trước cái nhìn của những kẻ khác như một đàn ông giữa những đàn ông hoặc ít nhất là một ý thức trong ý thức.

Cho đến nay, cái Cogito - Tôi tư duy - đánh giá thấp tri giác của kẻ khác, bằng cách dạy tôi nó đã làm cái điều mà cái tôi chỉ có thể tiếp cận với chính nó, vì nó xác định tôithứ tư tưởng mà tôi có về bản thân mình, và rõ ràng là tôi chỉ có một mình để biết, ít nhất là theo nghĩa tối hậu này. kẻ ‘khác còn hơn là một từ trống rỗng, nên điều cần thiết là sự tồn tại của tôi không bao giờ được quy giản thành nhận thức trần trụi của tôi về hiện tồn, mà nó phải tham gia vào cả việc nhận thức rằng người ta có thể biết về nó, và do đó bao gồm cả sự hóa thân của tôi trong một bản chất và khả tính nào đó, ít nhất, của một cảnh huống lịch sử. Cái Cogito - Tôi tư duy - phải để lộ tôi trong một tình huống, và chỉ với điều kiện này thì chủ thể tính siêu việt, như Husserl đã nói,5 mới có thể liên chủ thể tính. Là một Ego - Ngã suy tư, tôi có thể phân biệt rõ ràng bản thân mình với thế giới và sự vật, vì tôi chắc chắn không tồn tại theo cách mà sự vật tồn tại. Thậm chí tôi phải đặt cơ thể mình ra khỏi bản thân tôi được hiểu như một vật trong số mọi sự vật, như một tập hợp các quá trình hóa lý vậy. Nhưng ngay cả khi cái cogitatio - suy tư mà tôi khám phá ra, không định vị trong thời gian và không gian khách quan, thì lại không phải là không có vị trí trong thế giới hiện tượng luận. Cái thế giới mà tôi tự phân biệt với bản thân mình là tổng thể của sự vật hoặc của các quá trình được liên kết bởi các mối quan hệ nhân quả, tôi tái khám phá ‘trong tôi’ như là chân trời vĩnh viễn của tất cả mọi cogitationes – suy tư của tôi và như một chiều góc liên quan đến điều mà tôi thường xuyên đặt định bản thân mình. Cái Cogito – Tôi tư duy - đích thực không định nghĩa tồn tại của chủ thể theo tư tưởng mà hắn hiểu về hiện tồn, và hơn nữa không chuyển đổi tính bất khả ngờ vực về thế giới thành tính bất khả ngờ vực của tư tưởng về thế giới, và cuối cùng nó cũng không thay thế bản thân thế giới bằng cái thế giới với tư cách ý nghĩa. Ngược lại, nó nhận ra bản thân tư tưởng của tôi như một sự thật bất khả lay chuyển, và loại bỏ bất kỳ loại duy tâm luận nào trong việc bộc lộ tôi là 'hiện-hữu-trong-thế-giới'.

Chính bởi vì chúng ta hoàn toàn bị pha trộn bởi nhiều mối quan hệ với cái thế giới mà đối với chúng ta, chỉ có cách duy nhất để nhận thức được thực tế là treo lại cái hành động xảy ra như một hệ quả, từ chối nó là đồng lõa của chúng ta (nhìn vào ohne mitzumachen, mà không tham gia, như Husserl thường nói), hoặc một lần nữa, đưa ra khỏi cuộc chơi. Không phải vì chúng ta từ chối những điều chắc chắn của lẽ thường và thái độ tự nhiên đối với sự vật - ngược lại, chúng là chủ đề hằng xuyên của triết học - nhưng bởi vì, là cơ sở giả định của bất kỳ tư tưởng nào, nên chúng được coi là đương nhiên và không được chú ý, cũng bởi vì để khơi dậy và đưa chúng vào tầm ngắm, nên chúng ta phải treo lại trong chốc lát việc chúng ta ghi nhận chúng. Cách thức quy giản tốt nhất có lẽ là do Eugen Fink, trợ lý của Husserl đưa ra, khi ông nói về ‘điều kỳ diệu’ khi đối mặt với thế giới.6 Phản ánh không rút lui khỏi thế giới để hướng tới nhất tính của ý thức như là cơ sở của thế giới; nó chỉ lùi lại để xem các hình thức siêu việt tóe lên như tia lửa từ ngọn lửa; nó làm chùng các dòng mạch có chủ đích gắn chúng ta với thế giới và do đó khiến chúng ta chú ý đến chúng; riêng nó chính là ý thức về thế giới bởi vì nó để lộ ra cái thế giới đó là kỳ lạ và nghịch lý. Cái siêu việt của Husserl không phải là của Kant và Husserl cáo buộc triết học của Kant là ‘trần tục’, bởi vì nó tận dụng mối quan hệ của chúng ta với thế giới, là động lực của phép diễn dịch siêu việt, và làm cho thế giới trở thành nội tại trong cái chủ thể, thay vì được lấp đầy bằng với sự ngạc nhiên về nó và quan niệm chủ thể như một quá trình siêu việt hướng đến thế giới. Tất cả những hiểu lầm với những kẻ diễn giải của ông, với những nhà bất đồng chính kiến hiện sinh luận và cuối cùng là với chính ông, đã nảy sinh từ thực tế là để nhìn nhận thế giới và hiểu nó như một nghịch lý, chúng ta phải phá vỡ sự chấp nhận quen thuộc của chúng ta đối với nó và, cũng như từ thực tế là từ sự đột phá này, chúng ta thể học được không điều khác ngoài sự bột phát vô mục đích của thế giới. Bài học quan trọng nhất mà sự quy giản ấy dạy chúng ta là không thể quy giản hoàn toàn. Đó chính là lý do tại sao Husserl lại liên tục xem xét khả tính quy giản. Nếu chúng ta là tâm trí tuyệt đối, thì việc quy giản sẽ không có vấn đề gì. Nhưng ngược lại, chúng ta đang ở trong thế giới, vì thực sự những phản ánh của chúng ta được thực hiện trong dòng thời gian mà chúng ta đang cố gắng nắm bắt (vì chúng sich einströmen tự chảy vào, như Husserl nói), nên không có suy nghĩ nào bao trùm tất cả suy nghĩ của chúng ta. Nhà triết học, như các công trình chưa được xuất bản tuyên bố, là một kẻ bắt đầu vĩnh viễn, có nghĩa là anh ta không hề coi là đương nhiên cái mà người ta đã hiểu, hoặc không thì cũng tin rằng họ biết. Điều đó cũng có nghĩa là bản thân triết học không được tự cho mình là đương nhiên, trong chừng mực nó có thể cố nói được điều gì đó đúng; đó là một thử nghiệm luôn đổi mới trong việc tạo ra sự khởi đầu của chính nó; nó hoàn toàn bao gồm trong việc mô tả về bước khởi đầu này, và cuối cùng, sự phản ánh triệt để đó chung quy lại chính là ý thức về sự phụ thuộc của chính nó vào một cuộc sống không phản ánh, là cảnh huống ban đầu của nó, không thay đổi, được đưa ra một lần và mãi mãi. Khác xa với việc là, như người ta đã nghĩ, một quy trình của triết học duy tâm, quy giản hiện tượng luận thuộc về triết học hiện sinh: ‘hiện-hữu-trong-thế-giới’ của Heidegger chỉ xuất hiện trên nền cảnh của quy giản hiện tượng luận.

Sự hiểu lầm về một loại tương tự làm nhầm lẫn khái niệm ‘bản chất ở Husserl. Husserl nói rằng mọi quy giản, cũng như siêu việt nhất thiết phải là có tính hình thức. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể đặt tri giác của chúng ta về thế giới phụ thuộc vào việc nghiên cứu triết học mà không ngừng bị đồng nhất với hành động thừa nhận thế giới, với điều mà mối quan tâm đến nó phân định ranh giới giữa chúng ta, không rút lui khỏi cam kết của chúng ta, mà vì vậy bản thân nó được thực hiện để có vẻ như một cảnh tượng, không phải chuyển từ thực tế tồn tại của chúng ta thành tính chất của nó, từ cái Dasein đến cái Wesen hiện hữu. Nhưng rõ ràng rằng bản chất ở đây không phải là mục đích, mà là một phương tiện, sự nhập cuộc hiệu quả của chúng ta vào thế giới chính xác là những gì phải được hiểu và làm cho phù hợp với việc hình thành khái niệm, vì nó là thứ phân cực tất cả các đặc thù hóa khái niệm của chúng ta. Nhu cầu tiến hành theo cách của các bản chất không có nghĩa là triết học coi chúng là đối tượng của nó, mà ngược lại, tồn tại của chúng ta bị giữ chặt trong thế giới để có thể tự biết được bản thân theo đúng nghĩa vào thời điểm nó nhập cuộc, và nó đòi hỏi lĩnh vực lý tưởng tính để làm quen và chiếm ưu thế so với thực tính của nó. Trường phái Vienna, đã quá nổi tiếng, thẳng thắn cho thấy rằng chúng ta chỉ có thể tham gia vào các mối quan hệ với các ý nghĩa. Ví dụ: ‘ý thức’ đối với Trường phái Viên không phải thể đồng nhất với những gì là bản thân chúng ta. Đó là một ý nghĩa phức tạp đã phát triển muộn theo thời gian, cần được xử lý cẩn thận, và chỉ sau khi nhiều ý nghĩa, trong suốt quá trình phát triển ngữ nghĩa của từ, đã đóng góp cho sự hình thành hiện tại của nó, đã được làm rõ. Loại thực chứng luận logic này là phản đề của tư tưởng Husserl. Bất kể những thay đổi tinh tế của ý nghĩa cuối cùng đã mang lại cho chúng ta - với tư cách là kết quả đạt được về ngôn ngữ học - từ và khái niệm ý thức, chúng ta đều được tiếp cận trực tiếp với những gì nó chỉ định. Vì chúng ta có kinh nghiệm về bản thân, về ý thức mà chúng ta đang có, và chính trên cơ sở kinh nghiệm này, toàn bộ các nội hàm ngôn ngữ được đánh giá, và chính xác thông qua đó, ngôn ngữ mới được bất kỳ ý nghĩa nào đó đối với chúng ta. Đó là thứ mà cho đến bây giờ vẫn là trải nghiệm câm lặng… mà chúng ta quan tâm để dẫn đến sự biểu đạt thuần túy ý nghĩa của riêng nó.7 Các bản chất của Husserl được trù định trước để mang lại tất cả các mối quan hệ sống động của kinh nghiệm, như tấm lưới của ngư dân kéo lên từ đáy sâu đại dương làm rung động cả lẫn rong biển. Do đó, Jean Wahl đã sai khi nói rằng Husserl tách các bản chất ra khỏi tồn tại.8 Các bản chất được tách biệt là các bản chất của ngôn ngữ. Chính chức năng của ngôn ngữ là nguyên nhân làm cho các bản chất tồn tại trong trạng thái tách biệt mà trên thực tế thuần túy biểu hiện rõ ràng, bởi vì thông qua ngôn ngữ, chúng vẫn dựa vào đời sống tiền khẳng định của ý thức. Trong sự câm lặng của ý thức sơ cấp, có thể thấy xuất hiện không chỉ những từ có nghĩa, mà còn cả những sự vật có nghĩa: cốt lõi của nghĩa chính các hành vi gọi tên và biểu đạt hình thành xung quanh nó.

Do đó, việc tìm kiếm bản chất của ý thức sẽ không bao gồm việc phát triển Wortbedeutung nghĩa của từ ý thức và thoát khỏi sự tồn tại trong vũ trụ vạn vật đã nói; đó sẽ việc khám phá sự hiện diện thực sự của tôi đối với bản thân tôi, thực tế ý thức của tôi, đó là cái mà cuối cùng từ và khái niệm ý thức có nghĩa. Tìm kiếm bản chất của thế giới không phải là tìm kiếm những gì nó là một ý tưởng một khi nó đã được quy giản thành một đề tài diễn ngôn; nó đang tìm kiếm những gì nó là một thực tế đối với chúng ta, trước bất kỳ đề tài hóa nào. Duy cảm luận ‘quy giản’ thế giới bằng cách lưu ý rằng trên hết, chúng ta không bao giờ trải qua bất cứ điều gì ngoài trạng thái của chính mình. Duy tâm luận siêu việt cũng ‘quy giản’ thế giới vì chừng nào còn bảo lãnh thế giới, thì vẫn làm như vậy bằng cách coi nó như là tư tưởng hoặc ý thức về thế giới, và chỉ thuần túy mang tính tương quan của tri thức của chúng ta, kết quả là nó trở thành nội tại trong ý thức và do đó tính tự túc của sự vật bị loại bỏ. Mặt khác, quy giảm hình thức là quyết định đưa thế giới trở lại ánh sáng như trước khi bất kỳ cú bổ chửng nào xảy ra đối với bản thân chúng ta, đó là tham vọng làm cho sự phản ánh mô phỏng cuộc sống không phản ánh của ý thức. Tôi nhắm đếnnhận thức một thế giới. Nếu tôi nói, cũng như những người duy cảm luận, rằng cái chúng ta ở đây chỉ các ‘trạng thái ý thức, và nếu tôi cố gắng phân biệt các tri giác của mình với những giấc mơ của tôi với sự trợ giúp của các ‘tiêu chí’, thì tôi nên bỏ qua hiện tượng của thế giới. Vì nếu tôi có thể nói về giấc mơthực tại’, khiến tôi bận tâm về sự phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, và nghi ngờ về cái ‘thực, đó là bởi vì sự phân biệt này đã được tôi thực hiện trước khi phân tích; đó là bởi vì tôi có kinh nghiệm về cái thực cũng như cái tưởng tượng, và vấn đề sau đó trở thành thứ không phải là hỏi làm thế nào mà tư tưởng phê phán có thể đem đến cho bản thân nó những đương lưng thứ cấp của sự khác biệt này, mà lại những đương lượng làm rõ ràng tri ​​thức ban đầu của chúng ta về cái ‘thực, những đương lượng mô tả tri giác của chúng ta về thế giới mà ý tưởng về chân lý của chúng ta mãi mãi dựa vào đó. Vì vậy, chúng ta không được tự hỏi liệu chúng ta có thực sự nhận thức được một thế giới hay không, thay vào đó chúng ta phải nói rằng: thế giới là những gì chúng ta nhận thức. Nói một cách khái quát hơn, chúng ta không được tự hỏi liệu các chân lý hiển nhiên của chúng ta có phải là thực sự là chân lý, hay liệu qua một nghịch cảnh nào đó vốn có trong tâm trí của chúng ta, mà điều hiển nhiên đối với chúng ta có thể không phải là ảo tưởng liên quan đến chân lý tự thân nào đó. cho đến giờ khi chúng ta nói về ảo ảnh, đó là vì chúng ta đã xác định được ảo ảnh, và thực hiện điều đó chỉ dưới ánh sáng của một tri giác nào đó đồng thời đưa ra sự đảm bảo về chân lý của chính nó. Theo sau cái mà sự nghi ngờ, hoặc e sợ bị nhầm lẫn, chứng thực - ngay khi xuất hiện - khả năng vạch lỗi của chúng ta, và cuối cùng nó không bao giờ có thể cướp giật chúng ta khỏi chân lý. Chúng ta đang ở trong lãnh đại của chân lý‘trải nghiệm chân lý’ là điều hiển nhiên.9 Tìm kiếm bản chất của tri giác chính là tuyên bố rằng tri giác, không được cho là chân, được định nghĩa là khả năng tiếp cận chân lý. Vì vậy, nếu giờ đây tôi muốn, theo các nguyên tắc duy tâm luận, dựa trên chân lý de facto trên thực tế hiển nhiên ấy, thì niềm tin không thể cưỡng lại, vào một chân lý hiển nhiên tuyệt đối nào đó, tức là vào sự rõ ràng tuyệt đối mà tư tưởng của tôi dành cho tôi; nếu tôi cố gắng tìm kiếm trong mình một tư tưởng sáng tạo hình thành nên khuôn khổ của thế giới hoặc tuyệt đối soi sáng nó, thì một lần nữa tôi nên chứng tỏ là không trung thực với kinh nghiệm của tôi về thế giới và nên tìm kiếm điều gì làm cho trải nghiệm đó trở nên khả th thay vì tìm hiểu xem nó là gì. Cái hiển nhiên của tri giác không phải là tưởng đầy đủ hoặc sự hiển nhiên không thể chối cãi.10 Thế giới không phải là những gì tôi nghĩ, mà là những gì tôi nghiệm sinh. Tôi cởi mở với thế giới, tôi chắc chắn rằng tôi đang giao tiếp với nó, nhưng tôi không sở hữu nó; nó bất khả cạn kiệt. ‘Có một Thế giới’, hay nói đúng hơn là: ‘Thế giới ở đó’; tôi không bao giờ có thể giải thích trọn vẹn cho khẳng định mãi-lặp lại này trong cuộc đời mình. Thực tính này của thế giới là thứ tạo nên Weltlichkeit der Welt, tính trần thế của thế giới, cái khiến cho thế giới là thế giới; hệt như cái thực tính của cái cogito tôi tư duy tự nó không phải là sự không hoàn hảo, mà là cái đảm bảo cho tôi về tồn tại của mình. Phương pháp có hình thức là phương pháp của thực chứng luận hiện tượng luận đặt cái khả thể dựa trên cái hiện thực.
______________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Merleau-Ponty, Maurice (1945). Phenomenology of Perception, Translated by Colin Smith, from Phénomènologie de la perception published 1945 by Gallimard, Paris. English edition first published 1962 by Routledge & Kegan Paul.

Tác giả: Maurice Jean Jacques Merleau-Ponty, 14 tháng 3 năm 1908 - 3 tháng 5 năm 1961, là một nhà triết học hiện tượng luận người Pháp, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Edmund Husserl và Martin Heidegger. Việc tạo dựng ý nghĩa trong trải nghiệm của con người là mối quan tâm chính của ông và ông viết về tri giác, nghệ thuật và chính trị. Ông là thành viên ban biên tập của Les Temps modernes, tạp chí cánh tả do Jean-Paul Sartre thành lập năm 1945. Cốt lõi của triết học Merleau-Ponty là lập luận bền vững cho vai trò nền tảng của tri giác trong việc nhận thức thế giới cũng như tương tác với thế giới. Giống như các nhà hiện tượng luận lớn khác, Merleau-Ponty thể hiện những hiểu biết sâu sắc về triết học của mình trong các bài viết về nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ học và chính trị. Ông là nhà hiện tượng luận lớn duy nhất của nửa đầu thế kỷ XX tham gia sâu rộng vào các ngành khoa học và đặc biệt là với tâm lý học mô tả. Chính nhờ sự tham gia này mà các bài viết của ông đã trở nên có ảnh hưởng trong dự án tự nhiên hóa hiện tượng luận, trong đó các nhà hiện tượng luận sử dụng các kết quả của tâm lý học và khoa học nhận thức. Merleau-Ponty nhấn mạnh cơ thể là địa điểm chính để nhận biết thế giới, một sự điều chỉnh đối với truyền thống triết học lâu đời về việc coi ý thức là nguồn gốc của tri thức, và kiên trì rằng cơ thể và cái mà nó tri nhận được không thể tách rời nhau. Việc trình bày rõ ràng về tính ưu việt của hiện thân đã khiến ông rời xa hiện tượng luận để hướng tới cái mà ông gọi là “hữu thể luận gián tiếp” hay hữu thể luận “xác thịt của thế giới” (la chair du monde), trong tác phẩm cuối cùng và chưa hoàn thiện của ông, Le visible et l'invisible Hữu hình và Vô hình, và bài luận xuất bản cuối cùng của anh ấy, L'Œil et l'Esprit Cặp mắt và Tinh thần. Trong tác phẩm trước đó của mình, Merleau-Ponty ủng hộ chủ nghĩa cộng sản Liên Xô trong khi vẫn chỉ trích các chính sách của Liên Xô và Marx luận nói chung, theo lập trường hoài nghi mà ông gọi là Marx luận phương Tây. Sự tán thành của ông đối với các phiên tòa và trại tù ở Liên Xô đã được xuất bản với tên Humanisme et terreur Nhân đạo và Khủng bố vào năm 1947, mặc dù sau đó ông đã tố cáo sự khủng bố của Liên Xô là đi ngược lại với mục đích nhân đạo tự xưng của cách mạng.

Ghi chú của người dịch:

* Tôi thật tình băn khoăn với bản dịch từ tiếng Anh, vì vậy mong sẽ đệ trình một phiên bản từ nguyên bản tiếng Pháp khi có thể.

Ghi chú

1. Méditations cartésiennes, pp. 120 ff.
2. See the unpublished 6th Méditation cartésienne, edited by Eugen Fink, to which G. Berger has kindly referred us.
3. Logische Untersuchungen, Prolegomena zur reinen Logik, p. 93.
4. In te redi; in interiore homine habitat veritas (Saint Augustine).
5. Die Krisis der europäischen Wissenschaften und die transzendentale Phänomenologie, III (unpublished).
6. Die phänomenologische Philosophie Edmund Husserls in der gegenwärtigen Kritik, pp. 331 and ff.
7. Méditations cartésiennes, p. 33.
8. Réalisme, dialectique et mystère, l’Arbalète, Autumn, 1942, unpaginated.
9. Das Erlebnis der Wahrheit (Logische Untersuchungen, Prolegomena zur reinen Logik) p. 190.
10. There is no apodeictic self-evidence, the Formale und transzendentale Logik (p. 142) says in effect.
11. The usual term in the unpublished writings. The idea is already to be found in the Formale und transzendentale Logik, pp. 184 and ff.
12. 6th Mèditation cartésienne (unpublished).
13. Ibid.
14. ‘Rückbeziehung der Phänomenologie auf sich selbst,’ say the unpublished writings.
15. We are indebted for this last expression to G. Gusdorf, who may well have used it in another sense.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét