Powered By Blogger

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Tư Mã Quang là người khai sáng Lý học (1)

G.S. Đổng Căn Hồng

Tóm tắt: Vào giữa thế kỷ thứ mười một, một phong trào tư tưởng chống lại Phật Lão, và cuộc vận động phục hưng Nho học trong giới tư tưởng Bắc Tống đã phát triển rầm rộ. Kết tinh của phong trào lý luận này là sự ra đời của Lý học [1]. Vào thời điểm đó, Tư Mã Quang [2], một trọng thần trong chính giới, một bậc thầy của sử giới, lại chính là nhân vật trọng yếu sáng lập ra Lý học Tân Nho học.
 
1. Tư Mã Quang tích cực tham gia xây dựng học phong Bắc Tống và tạo ra một môi trường học thuật thuận lợi cho sự sáng tạo Lý học.

Như mọi người đã biết, Hán Nho nghiên cứu Kinh điển chú trọng vào khảo cứ [3] văn bản và chú sớ [4], lại dốc lòng tuân theo sư thuyết (có một “Sư thuyết” [5] của Hàn Dũ [6]) không dám vượt qua giới hạn đã định dù chỉ một bước. Nho giáo thời nhà Đường chuyên trị Kinh điển, kế thừa Nho giáo nhà Hán, lấy “sớ bất phá chú” (xem chú thích [4]*) làm nguyên tắc, mà vào lúc thoái trào mới với tới, đã gây ra hiện tượng kỳ lạ “Ninh đạo Khổng Mạnh phi, húy ngôn phục trịnh phi”. Rõ ràng, tình huống này hạn chế nghiêm trọng sự phát triển của bất kỳ ý tưởng mới nào. Do đó, để làm sống lại Nho giáo và làm cho Nho giáo có những bước phát triển mới, trước tiên phải phản ứng lại với các quy tắc và quy định của các nghiên cứu chú sớ chương cú và sự dốc lòng tuân theo sư thuyết của các triều đại Hán và Đường. Nhu cầu thực hành cuối cùng đã hiệu triệu được cuộc vận động “phản động” này. Kết quả là, đã có một cuộc công kích của Tống nho đến mức gây ra biến cố nghi ngờ, sửa đổi Kinh điển. Biến cố này lên cao đến mức bài “Hệ từ”, hủy “Chu lễ”, ngờ “Mạnh tử”, giễu “Dận chính”, “Cố mệnh” của “Kinh thư”, truất bài tựa của “Kinh thi”, đến Kinh còn vậy, thử hỏi xá gì truyện chú?”. (1) Tư trào nghi ngờ cải đổi Kinh điển đại táo tợn này đã phá vỡ cái khuôn mẫu “sớ bất phá chú”, thậm chí vượt qua ranh giới cũ của “bỏ truyện tìm Kinh”, và đây chắc chắn là một phong trào giải phóng tư tưởng. Chính vì phong trào này mà đã tạo ra được một bầu không khí thoải mái và năng động trong giới học thuật Trung Quốc kể từ thời lưỡng Hán, vì vậy chúng Tống Nho đã có thể biến đổi Nho giáo cũ, và thậm chí dám hòa trộn cả Phật, Đạo vào Nho, mà hình thành nên Tân Nho học, tức Lý học Tống Minh. Do đó, phong cách học thuật táo bạo lúc ấy là điều kiện không thể thiếu cho sự ra đời của Lý học Tân Nho học, mà vào thời điểm đó, Tư Mã Quang đã tích cực tham gia vào làn sóng “Nghi ngờ và sửa đổi Kinh điển” vốn sản sinh ra Nho học mới.

Hiện thân điển hình của Tư Mã Quang với tư cách là một tay khua chiêng gõ trống ầm ĩ cho phong trào nghi ngờ và sửa đổi Kinh điển này là ông đã viết một nghị luận mang tên “Nghi ngờ Mạnh Tử" (Nghi Mạnh) và đưa ra một loạt lời khiển trách và đổ lỗi cho Mạnh Tử. Nội dung cốt lõi của “Nghi ngờ Mạnh Tử” cho rằng Mạnh Tử tuyên xưng nguyện học Khổng Tử, nhưng lập luận của Mạnh Tử lại thường không phù hợp với suy nghĩ của Khổng Tử, và một số thậm chí còn phản nghĩa quân thần, nghịch lý nhân luân. Trong “Đãi phi” của Mạnh Tử, bản thân Mạnh Tử nguyện theo đòi học tập Khổng Tử (2). Đối với bản thân Mạnh Tử và sách “Mạnh Tử”, ông đã táo tợn hoài nghi đến mức phủ định. Rõ ràng, “Nghi ngờ Mạnh Tử” của Tư Mã Quang là một sự khiển trách và nghi ngờ tàn nhẫn đối với lời giới thiệu về Khổng Tử của Mạnh Tử, nó càng thúc đẩy cái thịnh thế của sự nghi ngờ và biến cải Kinh học, và thúc đẩy sự ra đời sớm của Lý học.
 
2. Tư Mã Quang đề xuất và thảo luận một cách có hệ thống về “Đạo thể” vấn đề cốt lõi của Lý học.

Cái gọi là “Đạo thể” [7] đề cập đến bản thể học cơ bản đằng sau hoặc bên trên các hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội, đó là những gì các nhà Lý học học sau này gọi là “sở dĩ nhiên” (nguyên do). Chúng ta biết rằng vào thời đó, Phật Lão hưng thịnh, còn Nho giáo thì suy vi, nguyên nhân lý thuyết của vấn đề là lý thuyết Phật Lão rất tinh trí và sâu sắc, trong khi Nho học truyền thống thì thô sơ và nông cạn, do đó, để phục hưng Nho học, thì tất phải cải tạo bản thân Nho học. Lúc đó Tư Mã Quang, một nhà Nho nổi tiếng chính là người đầu tiên tích cực cải tạo Nho giáo cũ, sáng lập Nho học mới. Một trong những điểm mấu chốt của việc cải tạo cựu Nho “nông cạn và không đủ sức mạnh” của Tư Mã Quang chính là làm sáng tỏ “Đạo thể”, để tìm ra một cơ sở bản thể luận siêu hình cho đạo đức nhân nghĩa Nho học. Tư Mã Quang không ủng hộ quan điểm “Đạo thể vi diệu không thể gọi tên ra được” (đạo thể vi diệu bất khả danh ngôn), mà cần phải tích cực tìm hiểu vấn đề “Đạo thể” và chủ trương “thăm dò đến cái bản thể vi diệu nhất” (cùng vi thám bản). “Truy đến ngọn nguồn nhân nghĩa, tìm tậm đầu mối lễ nhạc” (khuy nhân nghĩa chi nguyên, tham lễ nhạc chi tự). (3) Cái kênh cơ bản để dò tìm chính là “Bản thể ở thái cực, lưỡng nghi, tam tài, tứ thời, ngũ hành, mà quy về đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ”. (4) “Hợp nhất cái đạo Thiên Địa Nhân lại, bao quát lấy cái căn bản của nó, thì người sẽ xuất hiện” (5). Tư Mã Quang không chỉ nhận thức được sự cần thiết phải kết hợp Đạo trời và Đạo người, mà còn triển mở Đạo người từ Đạo trời, lấy Thái cực Đạo trời làm nền tảng, lấy đạo đức nhân nghĩa làm đích đến, ông đã thực hiện rất nhiều công đoạn lý thuyết để xây dựng thế giới bản thể siêu hình (hình nhi thượng), được kết tinh bằng sự hợp nhất hữu cơ giữa “Ôn Công Dịch thuyết”, “Tập chú Thái huyền kinh”, và “Tiềm hư”.  Tư Mã Quang rất coi trọng việc khai quật vấn đề “Đạo thể” từ cuốn “Kinh dịch” - kinh điển của Nho gia, và đánh giá cao “Chu dịch” là “hàm chứa đầy đủ Trời Người vậy”. Lại viết “Ôn Công Dịch thuyết”, phát huy cái logic “Đạo của Dịch khởi thủy ở Trời Đất, chung cục ở Việc Người” (nhân sự) vậy (6). Tư Mã Quang còn ca ngợi “Chuẩn ‘Dịch’” của Dương Hùng đời Hán mà viết “Thái huyền”, lại soạn “Tập chú Thái huyền kinh”, trong đó ông đã làm sáng tỏ cái bản thể siêu hình “Đồng đạo nhưng khác phương pháp” (Đạo đồng nhi pháp dị) của Chu Dịch Dương Hùng. Sau đó, Tư Mã Quang theo cấu trúc logic của “Chu dịch” và “Thái huyền” để xây dựng một vũ trụ quan mới, chính vì vậy mà ông viết về hệ thống ấy trong “Tiềm hư” như sau: “Vạn vật đều có tổ tiên ở Hư (vô), sinh ra ở Khí, Khí làm thành Thể, Thể thụ làm Tính, Tính nhận làm Danh, Danh lấy làm Hành (động), Hành dùng đợi Mệnh. Cho nên vạn vật ở tại Hư vậy, Khí là cửa Sống vậy; Thể là vật dụng của Bản chất vậy; Tính là bẩm phú của Thần vậy; Danh là chia thành sự việc vậy; Hành là Việc của người vậy; Mệnh là Khế hợp của Thời vậy”. Trong cái “Huyền” theo “Chuẩn ‘Dịch’” này, thì “Hư” phỏng theo “Huyền” trong hệ thống “Tiềm hư”, Tư Mã Quang không chỉ đề xuất một mô thức hóa sinh vũ trụ hoàn bị, mà còn mô tả một thế giới “Đạo thể” trong đó tự nhiên xã hội và  nhân sinh được kết hợp một cách hữu cơ, và vạn vật Trời Đất Người được dung hợp thành một thế giới “Đạo thể”, do Hư khí đến Thể tính đến Danh Hành Mệnh, đây chính là cái đạo nhân luân phong kiến cuối cùng đã tìm được cái lý luận bản thể còn lại của mình. Những tư tưởng và việc làm trên của Tư Mã Quang là một cấu hiện điển hình của Lý học Tân nho gia trong việc củng cố khuynh hướng cơ bản và các đặc trưng siêu hình của Nho giáo.

3. Tư Mã Quang rất coi trọng việc làm nổi bật và làm sáng tỏ bản chất và sự tồn tại của Lý  học “Trị tâm Tu tính”.  

Phần trọng yếu của Lý học Tân Nho học siêu việt truyền thống Nho học nằm trong một vòng quay trở lại, nó tăng cường đáng kể việc nghiên cứu các nguyên lý về tâm tính, để hoàn thiện công phu tu dưỡng nhân cách lý tưởng của Nho gia. Tư Mã Quang đã làm được rất nhiều cho việc hình thành Lý học Tâm tính luận. Tư Mã Quang đã từng viết “Vi ngôn”, “‘Đại học’, ‘Trung Dung’ nghĩa”, và chuyên chú vào việc làm sáng tỏ các vấn đề về tâm tính luận, nhưng không may đã bị tán thất. Đặc biệt là đối với sách “Đại học", “Trung dung” thì công trình chú giải “‘Đại học’, ‘Trung Dung’ nghĩa” của Tư Mã Quang có ý nghĩa rất lớn. “Đại học”, “Trung dung” được coi là “cội nguồn của Tính và Mệnh”, nghiên cứu về nội tâm con người, cấu thành cốt lõi kinh điển của Lý học, “cả cuộc đời mình, Chu Tử đã dốc hết tinh lực vào “Tứ thư”, (và cả) “Đại học”, “Trung dung” làm tối thượng (7). Tư Mã Quang là Lý học gia sớm nhất chú giải “Đại học” và “Trung dung”, khai mở việc ưu tiên cho hai kinh điển trọng yếu đó của Nho giáo. Trung hòa tư tưởng, tư tưởng thành thực, luận về cách vật trí tri [8], công phu trị tâm hư tĩnh, v.v.,...tất cả có nguồn gốc trực tiếp từ “Đại học”, “Trung dung”. Tâm tính luận Lý học của Tư Mã Quang chủ yếu có:

3.1. Luận về “Chính tâm”, chính tâm trị tâm là nội dung trọng yếu của Tâm tính luận Lý học, nó đề xuất các nguyên tắc và phương pháp tự tu của nhân cách Nho gia lý tưởng. Trước hết, Tư Mã Quang rất coi trọng “chính tâm” “trị tâm” và đề xuất “cái Đạo của đại nhân không có gì khác là chính cái tâm mình vậy, trị đấy mà dưỡng đấy, khi đạt đến Tinh thì Nghĩa nhập vào Thần vậy” (8), vì thế mà học giả phải cầu trị tâm vậy” (9). Đích xác phải coi “chính tâm”, “trị tâm” là bổn phận cơ bản của Nho gia. Cũng theo nguyên tắc và phương pháp “chính tâm”, “trị tâm”, Tư Mã Quang, trong nhóm Lý học, sau này là người đầu tiên được Trình Chu [9][10][11] tâng lên thành “Tam thánh Tâm pháp” trong 4 câu thoại “Thập lục tự tâm truyền” [12] của “Đại Vũ mô” [13] trong “Cổ văn Thượng thư”. Quang nói: “Kẻ quân tử đòi học quý ở uyên bác, tầm đạo quý ở cốt yếu, cái cốt yếu của đạo chỉ nằm trong một tấc vuông tâm địa mà thôi” (quân tử tòng học quý ư bác, cầu đạo quý ư yếu, đạo chi yếu tại trị phương thốn chi địa nhi dĩ). “Đại Vũ mô” (Kế sách của Đại Vũ) viết 16 chữ (“Thập lục tự”) sau: “Nhân tâm nguy khốn, Đạo tâm ẩn tàng, Chỉ còn Tinh Nhất, Mới gìn được Trung (Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, Duy tinh duy nhất, Duẫn chấp quyết trung). Nguy tất khó yên, ẩn tàng khôn sáng, vì vậy chỉ có Tinh mới làm sáng được cái ẩn tàng vậy, chỉ còn Nhất thì mới yên được cái Nguy vậy, điều cốt yếu là gìn được Trung đấy” (10), “Gìn Trung” ấy chỉ đạt được thông qua “chấp nhất” (hòa một) “tinh thành” (thực ròng) nhằm có được “tinh nghĩa” (nghĩa ròng) để rồi tới đích Trung đạo nhờ công phu hàm dưỡng trị tâm, sau đó được Trình Chu kế thừa. Tư Mã Quang cho rằng “Chính vì vậy mà Nghiêu Thuấn mới khuyên răn vậy”, còn Chu Hy thì nương theo đó mà quyết đoán rằng “Đó là Mật Chỉ mà Nghiêu Thuấn Vũ truyền cho nhau đấy”.

Căn cứ vào “Đại học” và “Trung dung”, Tư Mã Quang đưa ra phương pháp tu dưỡng Hư Tĩnh Định, mà ông cho “Cái gọi là Hư Tĩnh Định của sách “Đại học” Tuân Khanh [14], chẳng phải tịch diệt mới không còn tư lự vậy. Đã Hư thì không còn tham dục che lấp ánh sáng của mình vậy, đã Tĩnh thì không còn ghét sợ cải hủy cái chí của mình vậy, đã Định mà vẫn không quên sửa trị phẩm hạnh của mình vậy”. (11) Đồng thời trạng thái tâm tính Hư Tĩnh Định“không bộc phát vui mừng buồn giận, thường không vướng mê tâm” (12) của “Trung Dung” tương liên với nhau, ông cho là trạng thái Hư Tĩnh Định chính là trung hòa của trạng thái không hề có vui mừng buồn giận cũng như vui mừng buồn giận thái quá. Phương pháp Hư Tĩnh Định của Tư Mã Quang, cũng như công phu “Chỉ nhất”, “Kính trực”, “Khiêm trì”, “Tồn thành” chính là công phu “Cư kính” [15], “Trì kính” [16] mà Trình Chu đề xuất. “Cư kính cùng lý” [17] của Trình Chu cũng chính là “Trị tâm cầu đạo” của Tư Mã Quang.

3.2. “Cách vật trí tri”, là một mệnh đề trung tâm của Lý học thời Tống – Minh, nhưng “cách vật” như thế nào mới chính là sự khác biệt cơ bản giữa các trường phái Lý học khác nhau. Mệnh đề này lần đầu tiên thấy trong “Đại học” trong lịch sử thời Tống – Minh, lại cũng trước hết do Tư Mã Quang đưa ra. Nghị luận “Trí tri tại cách vật luận” của Tư Mã Quang, đi theo tuyến tư duy “Khứ tình phục tính”, “Vật cách ư ngoại” của Đường Lý Cao, lấy “Cách vật trí tri” để diễn giải rõ ràng: “Đại học” viết ‘trí tri tại cách vật’, “cách” (truy xét đến cùng) là do ngăn trở vậy, chống lại vậy. Năng ngăn chống ngoại vật thì năng hiểu thấu đạo vậy” (13). Tư Mã Quang coi “cách vật” là trừ bỏ vật dục, và cho rằng miễn là có thể từ bỏ, ngăn chống sự xâm nhiễu của ngoại vật, thì sẽ có thể thấu hiểu được chí đạo. Cách diễn giải này của Tư Mã Quang khác với quan điểm cơ bản của Trình Chu coi “cách vật” là “cùng trí vật lý”, tuy nhiên, trong lịch sử Lý học, lần đầu tiên coi việc đề xuất “cách vật trí tri” như một phương pháp tu dưỡng “chính tâm” cơ bản là công khai sáng không thể xóa bỏ. Và trong thiên “Đại học -  hoặc vấn hạ” sách “Chu Tử ngữ loại”, Chu Hy hầu như không thay đổi cách sử dụng diễn giải thích của Tư Mã Quang: “Cách” là do ngăn trở vậy, chống lại vậy, năng ngăn chống ngoại vật thì năng hiểu thấu đạo vậy”. Tâm học gia Vương Dương Minh cũng chỉ ra rằng thuyết cách vật của Tư Mã Quang là “bất túc ngoại” vì “ngăn cách ngoại vật là một việc, còn hiểu thấu đạo lại là việc khác”, vì vậy “cái thuyết ngăn chống ngoại vật, cũng chưa phải là thậm hại” (14). Có thể nói rằng sau đó, thuyết “cách vật” của Trình Di, Chu Hy, Vương Dương Minh, và những người khác, tất cả đều được đề xuất dưới ảnh hưởng của thuyết “cách vật” của Tư Mã Quang, trong khi đó các nhân vật Chu, Thiệu, Trương lại không có khả năng nói về phương pháp cơ bản của Lý học “Cách vật trí tri”.

3.3. Tiểu luận “Bỏ dục theo đạo” phân tích về Thiên lý Nhân dục là tư tưởng cốt lõi của Lý học Tống Minh trong tu dưỡng tâm tính, “bảo tồn Thiên lý, diệt Nhân dục chính là công phu “tồn dưỡng” căn bản của Lý học Tống Minh. Tư Mã Quang xuất phát từ mục tiêu cơ bản là “chính tâm”, “trị tâm”, theo phương pháp trị tâm Hư Tĩnh Định và “cách vật trí tri” cho rằng cách thức cơ bản để “chính tâm cầu đạo” là không để danh lợi lôi kéo, khước từ ngoại vật chiếm lĩnh mê hoặc, và mọi kẻ bạo ác như Kiệt, Trụ, lũ trộm cướp, sở dĩ hành động trái đạo, vì họ không thể chiến thắng được cái dục tâm của mình. Bằng cách này, Tư Mã Quang đã đề xuất tư tưởng “Quân tử ít dục tất không lệ thuộc vào vật, có thể thẳng đường hành đạo” (quân tử quả dục tắc bất dịch ư vật, khả dĩ trực đạo nhi hành), “lấy đạo khắc dục, bỏ dục theo đạo” (dĩ đạo chế dục, khứ dục tòng đạo) (15), “thắng mình để theo đạo” (thắng kỉ chi tư dĩ tòng ư đạo) (16), v.v., một loạt quan điểm, trên cơ sở kế thừa tư tưởng quả dục Khổng Mạnh, ông đã nhấn mạnh việc khắc chế những ham muốn ích kỷ và tuân theo khuynh hướng Lý học Thiên đạo, rõ ràng công phu “tồn dưỡng” Lý học “tồn Thiên lý, diệt Nhân dục” do Trình Chu đề xuất chính là những tư tưởng đã xuất hiện ở Tư Mã Quang.

4. Tư Mã Quang đã hoàn toàn đề xuất các phạm trù cơ bản của Lý học

Thông qua các nghị luận “Tiềm hư”, “Ôn công dịch thuyết”, “Tập chú Thái huyền kinh”, “Đạo đức Chân kinh luận”, “Vu thư” để viết các tiểu luận như “Trí tri tại cách vật luận”, Tư Mã Quang đã đề xuất tư tưởng Tân Nho học siêu vượt khỏi Nho học truyền thống, tức là tư tưởng Lý học, cùng với việc hỗ trợ để sinh khởi hệ tư tưởng Lý học là một loạt phạm trù Lý học phong phú đã được ông đề xuất, như quan điểm tự nhiên về “Đạo thể”, “Thái cực” với “Âm dương”, “Khí” (“Hư”) với “Đạo” (“Chí lí”), “Đạo” và “Khí”, “Hình nhi thượng” và “Hình nhi hạ”, “Hữu” với “Vô”, “Lý” và “Sự”, “Hoàng cực” với “Trung dung”, “Thể” với “Dụng”, “Bản” và “Mạt”,  “Hình” với “Thần”, “Quỷ” với “Thần”, “Thiên” và “Nhân”, “Tâm” với “Vật”; quan điểm phát triển biện chứng về “âm dương là thể”, “âm dương phối hợp”, “hóa nguyên”, “động” với “tĩnh”, “tụ” và “tán”, “đột biến” với “dần hóa”, “cơ” và “vi”, “nhân” và “cách”, “vật cực tất phản”, “đạo trung hòa”; quan điểm nhận thức luận về “tri” và “hành”, “ danh” và “thực”, “cách vật trí tri”, “cùng thần tri hóa”, “học” với “tư”, “hư” với “tĩnh”, “chính tâm” và “trị tâm”, “minh thánh” với “cầu đạo”; quan điểm đạo đức nhân sinh về “tính” với “tài”, “tính” và “mệnh”, “tính” với “tình”, “tử” và “sanh”, “khổ” và “lạc”, “đạo” và “dục”, “nghĩa” và “lợi”, “công” với “tư”, “thiện” và “ác”, “đạo đức” với “hình danh”, “lễ” và “nhạc”, “nhân nghĩa lễ trí trung tín hiếu”; quan điểm lịch sử chính trị về “trị” và “loạn”,“cổ” và “kim”, “nhân sự” và “thiên mệnh”, “vương đạo” với “bá đạo”, v.v...Rõ ràng, Tư Mã Quang đã đề xuất một hệ thống phạm trù Lý học khá hoàn chỉnh. Trên thực tế, hệ thống phạm trù của Tư Mã Quang cũng là điển hình của phạm trù Lý học. Xuyên suốt hệ thống phạm trù của Tư Mã Quang, chúng ta có thể thấy rằng ông không chỉ đề xuất và sử dụng tất cả hai mươi nhăm loại phạm trù Lý học được tóm tắt trong "Tính lý tự nghĩa” của nhóm Chu Hy thuộc triều đại Nam Tống, bao gồm “mệnh”, “tính”, “tâm”, “tình”, “tài”, “chí”, “ ý”, “nhân nghĩa lễ trí tín”, “trung tín”, “trung thứ”, “thành kính”, “cung kính”, “đạo”, “lý”, “đức”, “thái cực”, “hoàng cực”, “trung hòa”, “trung dung”, “lễ nhạc”, “kinh quyền”, “nghĩa lợi”, “quỷ thần”, “Phật Lão” v.v., mà còn đưa ra rất nhiều khái niệm thuộc các lĩnh vực trọng yếu của Lý học, như “tri” và “hành”, “đạo” và “dục”, v.v... Tư Mã Quang đều đưa ra lời giải thích ngắn gọn hoặc chi tiết về tất cả các phạm trù được đề xuất. Mặc dù một số giải thích rất đơn giản, một số khác với cách lý giải của nhóm Trình Chu sau đó, nhưng trên hết, các phạm trù phong phú nói trên đã cấu thành một hệ thống phạm trù cơ bản mới của hệ thống Lý học độc đáo đó.
___________________________________

Nguồn:董根洪,司馬光是理學的重要創始人,《山西大學學報:哲社版》1996年04期,時間:2013-07-04,đổng căn hồng, ti mã quang thị lý học đích trọng yếu sáng thủy nhân, “sơn tây đại học học báo: triết xã bản” 1996 niên 04 kì, thì gian: 2013 – 07 – 04.

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: Đổng Căn Hồng (董根洪), sinh năm 1958, giáo sư, Phó Giám đốc Khoa Triết học và Giảng dạy Trường Đảng của Tỉnh ủy Chiết Giang, Viện trưởng Viện Đạo đức Ứng dụng. Trong nhiều năm, ông đã tham gia giảng dạy và nghiên cứu triết học Mác cũng như triết học và văn hóa Trung Quốc. Hơn 80 bài báo đã được công bố trong "Nghiên cứu về lịch sử cận đại", "Nghiên cứu Khổng Tử" và "Nghiên cứu Chu Dịch". Ông đã hoàn thành chủ trì một số dự án khoa học xã hội cấp quốc gia và cấp tỉnh như "Nghiên cứu về chủ nghĩa vô thần của Lý học triều đại Tống - Minh", và nhiều chuyên khảo, chẳng hạn: "Đánh giá về tư tưởng triết học của Tư Mã Quang ", "Lý thuyết chung về Nho giáo và triết học" và "Ánh sáng của lý tính Trung Hoa".

Chú thích của người dịch:

[1] Lý học (理學) thực chất là Tân Nho giáo Tống – Minh, còn gọi là Đạo học, là lưu phái triết học chủ yếu sản sinh ra trong thời Lưỡng Tống. Lý học là hệ thống lý luận tối tinh vi, tối hoàn bị của Trung Quốc cổ đại, có ảnh hưởng chí rất sâu rộng. Lý học thiên lý là đạo đức thần học, đồng thời là cơ sở của tính chất hợp pháp về thần quyền và vương quyền Nho gia, Lý học lấy Học thuyết Nho gia làm trung tâm, kiêm dung lý luận triết học của hai phái Phật Đạo, luận chứng về tính hợp lý và vĩnh hằng của cương thường phong kiến, đến Nam Tống mạt kỳ được chọn làm triết học quan phương của chế độ.

[2] Tư Mã Quang (司馬光 1019 - 1086), tự Quân Thực, hiệu Vu Tẩu, là một nhà sử học, học giả Trung Quốc, thừa tướng thời nhà Tống. Ông là tác giả của Bộ sử nổi tiếng Tư trị Thông giám. Ông sinh năm 1019 tại huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây trong một gia đình giàu có. Cha ông là Tư Mã Trì từng làm các chức quan huyện, Chuyển vận sứ, Phó sứ tam ty, Lang trung thượng thư Lại bộ, Thiên chương các đãi chế dưới thời Tống Chân Tông và Tống Nhân Tông, nổi tiếng là người trung thực và nhân hậu. Ông chính là hậu duệ của Tư Mã Phu, em trai Tư Mã Ý. Ông theo học Bàng Tịch - bạn của Tư Mã Trì. Ông đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ khi mới hai mươi tuổi, nhưng khi mới làm quan thì cha và mẹ ông nối nhau qua đời, vì vậy ông phải về chịu tang trong 5 năm. Bàng Tịch mất, ông thờ vợ Bàng Tịch như mẹ mình và coi các con Bàng Tịch như anh em trong nhà. Thời Tống Nhân Tông, Tư Mã Quang lần lượt trải qua các chức quan địa phương và Điện trung thừa, Kiểm khảo sử quán, Khởi cư xá nhân, Đồng tri gián viện, Ngự sử trung thừa, Tri chế cáo, Hàn lâm học kiêm thị giảng. Ông luôn giữ tư tưởng truyền thống bảo thủ, vì vậy ông trở thành nhân vật trung tâm của phe bảo thủ chống lại những biến pháp cách tân của Vương An Thạch. Do tư tưởng giữa ông và Vương An Thạch khác nhau, năm 1070, ông từ chức, rời kinh thành đi Vĩnh Hưng. Năm 1071, ông đến Tây Kinh Lạc Dương nhưng không nhận chức quan nào, không tham gia đàm luận chính sự mà chỉ tập trung viết sử. Ông được triều đình cho phép chở bản thảo sách Tư trị thông giám tiếp tục về đây biên soạn. Tháng 2 nhuận năm 1086, Tư Mã Quang được phong làm thừa tướng. Ngày 1 tháng 9 âm lịch năm 1086, Tư Mã Quang qua đời, thọ 67 tuổi.

[3] Khảo cứ học (考據) là nghiên cứu văn bản (textual criticism), còn được gọi là “Khảo chứng học” hay “Phác học”, là một loại phương pháp nghiên cứu. Khảo cứ có lịch sử lâu dài, ở Châu Âu có nghiên cứu văn bản Kinh Thánh. Khảo cứ học Trung Quốc hưng thịnh nhất vào thời nhà Thanh Càn Long và Gia Khánh, vì vậy còn được gọi là “Càn Gia học phái”. Các học giả nổi tiếng có Huệ Đống, Đái Chấn, Đoàn Ngọc Tài, Vương Dẫn Chi, Vương Niệm Tôn, v.v., [Tất cả đều tập trung vào khảo đính, chủ giải tên gọi, sự vật, thành tựu đạt được vượt xa tiên Nho giáo trước đây] (孟森明史講義》《清史講義Mạnh SâmMinh sử giảng nghĩa”, “Thanh sử giảng nghĩa”). Đồng Thành Kiện và Diêu Nãi đề xướng nguyên lý (tính hợp lý về nội dung), bình xét văn bản  (tính xác thực của tài liệu), từ chương (văn từ phải tinh mĩ), ba tiêu chí đó không thể thiên lệch hoặc bỏ đi bất cứ tiêu chí nào. ( 姚鼐《述庵文抄序》,《惜抱軒文集》卷四, Diêu Nãi “Thuật am văn sao tự”, “Tích bão hiên văn tập” quyển tứ.) Ở ranh giới thời Hàm Phong – Đạo Quang, Tăng Quốc Phiên lại đặt kinh tế, nguyên lý, bình xét văn bản, từ chương bên cạnh nhau (曾國藩《聖哲畫像記》Tăng Quốc Phiên “Thánh triết họa tượng kí”), ông cho rằng: “Những điều đại sự mà thiên hạ thường khảo cứu gồm có 14 lĩnh vực sau: hệ thống cai trị (quan chế), hệ thống kinh tài (tài dụng), nghề muối (diêm chánh), tàu thuyền (tào vụ), quản lý tiền (tiền pháp), lễ phục (quan lễ), cưới hỏi (hôn lễ), ma chay (tang lễ), thờ phụng cúng tế (tế lễ), binh chế, binh pháp, hình luật, địa dư, sông ngòi (hà cừ)” (求闕齋日記“Cầu khuyết trai nhật kí”). Quách Tung Đảo cho rằng: “Các bậc danh gia nói các nhà Khảo cứ học lại có ba phương diện khảo cứ: 1. Có ba phương diện sau: i) diễn giải bình luận kinh sách (viết huấn cổ), ii) nghiên cứu thẩm định văn bản, chữ nghĩa (nghiên thẩm văn tự), iii) phân tích biện giải cực kỳ tinh tế (biện tích hào mang); 2. Cũng có ba phương diện sau: i) bình xét văn bản (viết khảo chứng), ii) theo đòi kinh điển (tuần cầu điển sách); iii) phải khảo sát đến hết ngọn nguồn (cùng cực lưu biệt); 3. Và cuối cùng vẫn có ba phương diện sau: i) viết phải so sánh đối chiếu (viết thù giáo), ii) thu thập, kết hợp với cổ tịch (sưu la cổ tịch), iii) ly hợp bất đồng (tham sai li hợp). Ba phương diện trên cùng nguồn khác dụng, mà việc tìm hiểu sâu xa thì lại do năng lực”. (《王氏校定衢本〈郡齋讀書志〉序》,《郭嵩燾詩文集“Vương thị giáo định cù bản “Quận trai độc thư chí” tự”, “Quách Tung Đảo thi văn tập”.)

[4] Chú sớ (注疏): Chú là chú giải câu từ, cách viết của kinh thư, còn gọi là diễn giải (truyền), chú thích (tiên), phân tích biện giải (giải) các câu cú, đoạn, chương của văn bản. Sớ là diễn giải nghĩa sâu xa, nghĩa sơ đẳng của câu cú, đoạn, chương, văn bản. Chú sớ nội dung của văn bản có liên quan đến đúng sai của văn bản kinh điển, ý nghĩa của từ ngữ, âm đọc đúng sai, tu từ ngữ pháp, cho đến sự vật, tên gọi, điển chế, sự kiện lịch sử, v.v. Người thời Tống đã tập hợp 13 tuyển tập Kinh điển được Hán chú, Đường sớ, và tiêu đề “chú sớ” bắt đầu được lưu hành và phổ biến từ đó.

[5] Sư thuyết () là một thiên nghị luận được đại văn học gia Hàn Dũ đời Đường trứ tác. Thiên nghị luận rộng thuyết về đạo lý “tòng sư cầu học”, chế giễu thái độ của tướng sư (thầy tướng), giáo dục giới trẻ, có tác dụng chuyển biến phong khí quốc gia. Thiên nghị luận liệt kê so sánh tầng tầng các trường hợp chính diện phản diện, luận chứng lặp đi lặp lại, thảo luận về yếu tính và nguyên tắc học tập theo gương người thầy mẫu mực, chỉ trích những thói quen xấu trong học hành của xã hội thời đó, cho thấy sự can đảm và tinh thần đấu tranh phi thường, cũng cho thấy tinh thần bất câu nệ thế tục để đưa ra chính kiến của mình. Mặc dù toàn văn không dài, nhưng nó có ý nghĩa rộng, lập luận rõ ràng, cấu trúc chặt chẽ, giải thích kỹ lưỡng, có sức thuyết phục và hấp lực mạnh mẽ.

[6] Hàn Dũ (chữ Hán: 韓愈, 768 - 824) tự Thoái Chi, sinh tại đất Hà Dương, Hà Nam, Trung Quốc (nay thuộc Mạnh Châu, tỉnh Hà Nam); tổ phụ người đất Xương Lê (nay thuộc Hà Bắc, có thuyết nói thuộc huyện Nghĩa, Liêu Ninh) nên ông thường xưng là Hàn Xương Lê. Năm Trinh Nguyên thứ 2 (786) ông tới Trường An dự thi nhưng ba lần đều không đỗ. Cuối cùng, vào kỳ thi năm Trinh Nguyên thứ 8 (792), ông đỗ tiến sĩ và ứng thi vào Lại bộ nhưng cũng không trúng ba lần. Đến năm Trinh Nguyên thứ 11 (795) mới được tiến cử. Năm Trinh Nguyên thứ 12 (796) đảm nhận chức quán sát thôi quan. Sau khi Đổng Tấn chết, ông được chuyển sang Vũ Ninh làm tiết độ thôi quan dưới trướng tiết độ sứ Trương Kiến Phong. Năm Trinh Nguyên thứ 17 (801), ông nhậm chức tứ môn bác sĩ tại Quốc tử giám. Hai năm sau, ông nhận chức giám sát ngự sử. Năm Nguyên Hòa thứ 6 (811), ông nhận chức Quốc tử bác sĩ. Năm 815 cùng Bùi Độ chinh phạt Hoài Tây, nhờ có công lao được cất nhắc làm thị lang Hình bộ. Năm Nguyên Hòa thứ 14 (819), nhân việc Đường Hiến Tông cho rước xương Phật vào cung để thờ, Hàn dâng biểu can gián. Vua Hiến Tông cả giận hạ lệnh đem Hàn Dũ ra xử tử. May nhờ có các quan như Bùi Độ và Thôi Quần hết sức kêu xin, Hàn mới thoát khỏi tội chết, bị giáng chức xuống làm thứ sử ở Triều Châu, một nơi xa xôi hẻo lánh, khổ sở. Sau khi Đường Mục Tông lên ngôi, ông được triệu hồi về kinh, lần lượt đảm nhận các chức vụ như Quốc tử giám tế tửu, thị lang Binh bộ, thị lang Lại bộ, kinh triệu doãn kiêm ngự sử đại phu. Vì thế người ta gọi ông là Hàn Lại bộ. Năm 824, ông bị bệnh mà chết. Đến năm Nguyên Phong thời nhà Tống, ông được truy phong là Xương Lê bá. Hiện tại, ở trấn Tây Quắc, huyện cấp thị Mạnh Châu còn mộ của ông tại Hàn trang. Hàn Dũ là người tôn sùng Nho giáo, đả kích Phật giáo, vì cho rằng Phật giáo xoá bỏ nghĩa vua tôi, cha con, chồng vợ. Hàn Dũ là người chủ trương Văn dĩ tải đạo có xu hướng bảo thủ. Ông là nhân vật tiêu biểu cổ súy phong trào cổ văn đời Đường.

[7] Đạo thể (道體) là một phạm trù trọng yếu của giáo nghĩa Đạo giáo. “Đạo” là một phạm trù sâu xa độc đáo do Lão Tử khai sáng, và chính ông cũng là tổ khai sáng của học phái Đạo gia. Đạo là thế giới bản nguyên tồn tại vĩnh hằng trong không-thời gian vô tận vô biên. “Đạo thể” là không, không có sự tồn tại theo cách hiểu thông thường. “Đạo thể” hư vô chính là nguồn gốc của cả thế giới và thúc đẩy sự tiến hóa của vũ trụ.

[8] Cách vật trí tri (格物致知) là một khái niệm trọng yếu trong Nho giáo Trung Quốc cổ đại. Đó là một lý thuyết của Nho giáo chuyên nghiên cứu về lý luận nguyên lý của sự vật. Cách vật trí tri nguyên ở sách “Lễ ký - Đại học” Mục 8 – “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cách vật trí tri là “đi đến cùng nguyên lý của sự vật thì hiểu biết được một cách triệt để. Sở dĩ nói “Trí tri tại cách vật” là nói muốn tận dụng hết hiểu biết của mình để nắm được hết nguyên lý của sự vật, vì vậy “Đại học” dạy người học đứng trước sự vật phải xuất phát từ những nguyên lý đã biết để đào sâu thêm sự hiểu biết đến cùng của mình, và cuối cùng quán thông được mọi vật, đó chính là trí tri.   

[9] Trình Hạo ( 1032 - 1085), tự Bá Thuần, hiệu Minh Đạo, học giả gọi là “Minh Đạo tiên sinh”, người phủ Hà Nam, nay là Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Phụ thân là Trình Hướng, làm huyện lệnh Mộc Lan. Trình Hạo là đại biểu của Lý học gia,  giáo dục gia, “Lạc học” thời Bắc Tống. Trình Hạo thi đậu Tiến sỹ thời Gia Hựu, thời Tống Thần tông nhậm chức Thái tử trung doãn giám sát ngự sử. Ông là người phản đối Tân chính sách của thừa tướng Vương An Thạch. Về phương diện học thuật, Trình Hạo đề xuất “Thiên giả lí dã” (Trời chính là nguyên lý vậy) và cho rằng “Nhân giả hồn nhiên dữ vật đồng thể, nghĩa lễ tri tín giai nhân dã” (Con người hồn nhiên cùng vạn vật đồng một thể, Lễ, Nghĩa, Tri, Tín đều là nhân vậy). Ông cũng đề xướng thuyết “Truyền tâm”, thừa nhận “Nguyên lý của vạn vật trong trời đất là không lẻ độc nên tất có ứng đối”. Năm Nguyên Phong thứ 8 (1085), Tống Triết Tông tức vị, ông mất, thọ 54 tuổi. Cùng với người em trai Trình Di ông được người đời gọi là “Nhị Trình”, về sau học thuyết của ông được Chu Hy kế thừa và phát triển, hậu thế gọi là “Học phái Trình Chu”.

[10] Trình Di ( 1033 - 1107) là em trai Trình Hạo, từng kinh qua chức Đoàn luyện Thôi quan Nhữ Châu, giáo thụ Tây kinh Quốc tử giám. Năm Nguyên Hựu nguyên niên (1086) nhậm Giáo thư lang Bí thư tỉnh.. Trình Di và anh trai Trình Hạo là học trò của Chu Đôn Di, cùng khai sáng “Lạc học”, là cơ sở của Lý học. Học thuyết chính của ông là “Cùng lý” cho rằng “Vạn vật trong Thiên hạ đều đạt tới cùng tận, đó đơn giản là một nguyên nhất”, “Nguyên lý của một vật cũng chính là nguyên lý của vạn vật” (Nhất vật chi lý tức vạn vật chi lý). Ông chủ trương “Bỏ Dục vọng Người, bảo tồn Nguyên lý Trời” (Khứ nhân dục, tồn thiên lý). Các trứ tác gồm có “Chu Dịch Trình thị truyền”, “Di thư”, “Dịch truyền”, “Kinh thuyết”; người đời sau tập hợp thành “Trình Di văn tập”. Hậu kỳ nhà Minh các tác phẩm của ông và Trình Hạo được hợp biên thành “Nhị Trình toàn thư”.  

[11] Chu Hy (朱熹 1130 - 1200), tự Nguyên Hối, Trọng Hối, hiệu Hối Am, Khảo Đình, về sau gọi là Hối Ông, Tử Dương tiên sinh, Tử Dương phu tử, Thương Châu bệnh tẩu, Vân Cốc lão nhân, còn gọi là Chu Văn Công. Ông người Vụ Nguyên, Huy Châu Đông Lộ, tỉnh Giang Nam thời Nam Tống (nay là huyện Vụ Nguyên, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây) nhưng sinh ở huyện Vưu Khê, lộ Phúc Kiến (nay là huyện Vưu Khê, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến). Ông là Lý học gia, Trình Chu Lý học tập đại thành giả, học giả tôn xưng là Chu Tử. Chu Hy gia cảnh cùng khốn, nhưng vốn thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ, năm Thiệu Hưng thứ 18 (1148) trúng tiến sĩ, làm quan trải 4 triều Cao Tông, Hiếu Tông, Quang Tông, Nịnh Tông. Chu Hy là đệ tử tam truyền của Trình Hạo, Trình Di, kế thừa học thuyết của Chu Đôn Di và Nhị Trình, sáng lập phong trào nghiên cứu học phong triết lý thời Tống, gọi là Lý học. Ông viết rất nhiều, tập hợp thành các cuốn giáo khoa “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh tử”, và cũng là chủ đề của các kỳ thi của vô số thế hệ những con người có liên quan.

[12] Thập lục tự tâm truyền (十六字心傳) Nho giáo nói về lời thánh hiền truyền tâm: “Cổ văn thượng thư - Đại vũ mô” (Kế sách của Đại Vũ) viết 16 chữ (“Thập lục tự”) sau: “Nhân tâm nguy khốn, Đạo tâm ẩn tàng, Chỉ còn Tinh Nhất, Mới gìn được Trung (Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, Duy tinh duy nhất, Duẫn chấp quyết trung). Nho giáo cho rằng chính Nghiêu Thuấn đã truyền lại “thánh nhân tâm pháp” đó. Chu Hy nói: Thời vua Nghiêu không có văn tự, đạo lý chỉ biết nhờ vào tai miệng mà truyền cho nhau (kháo khẩu nhĩ tương truyền). Thời Nghiêu truyền cho Thuấn chỉ nói “Doãn chấp quyết trung” (Phải gìn được Trung), Thuấn truyền cho Đại Vũ, tất cả là 12 chữ. Về sau Vũ truyền cho Thang, rồi truyền cho Chu Văn vương, Chu Võ vương, cho đến Chu Công, Khổng Tử. Đó chính là đại pháp của thánh nhân trị thiên hạ, mà yếu quyết là cá nhân tu tâm.

[13] Đại vũ mô (大禹謨) được viết trong “Thượng thư” là một trong Ngũ điển của Nho gia ghi lại việc Thuấn, Đại Vũ và Bá Ích xây dựng mưu lược chính sự từ thời viễn cổ. Đại Vũ là thần tử của Vua Thuấn, lập được đại công trị thủy, người đời sau tôn là Đại Vũ. Mô chính là Mưu Lược. Đoạn đầu tiên của Kinh này kể về việc Đại Vũ, Bá Ích và Thuấn hoạch định mưu lược nên được gọi là “Đại Vũ mô”.

[14] Tuân Khanh (荀卿, Tuân Tử 荀子 khoảng 313 – 238 TCN) tên là Huống, tự Khanh, người Hán nước Triệu mạt kỳ Chiến Quốc. Ông là nhà tư tưởng, nhà văn và chính trị gia nổi tiếng, người thời đó gọi là “Tuân Khanh”, thời Tây Hán, vì kỵ húy Hán Tuyên đế Lưu Tuân nên đổi Tuân Khanh thành Tôn Khanh vì cổ âm của hai từ đó tương thông nhau. Ông từng ba lần phục vụ nước Tề làm Tế tửu Học cung, rồi làm huyện lệnh Lan Lăng (nay là huyện Lan Lăng, tỉnh Sơn Đông). Về phương diện Nho học, Tuân Tử phát triển vấn đề nhân tính, đề xướng Tính ác luận, chủ trương tính ác của con người, phủ nhận quan niệm đạo đức thiên phú, và nhấn mạnh ảnh hưởng của môi trường và giáo dục đối với con người. Học thuyết của ông thường được người đời sau đối sánh với “Tính thiện luận” của Mạnh Tử. Ông cũng có đóng góp đáng kể cho việc tái chỉnh lý kinh điển Nho gia.

[15] Cư kính (居敬) là giữ thân cung kính; sách Luận ngữ, thiên Ung Dã ghi: “Giữ thân cung kính mà viết sách, làm sáng cho dân, lại chẳng đáng sao?”. Hà Yến tập giải dẫn Khổng An Quốc viết: “Giữ thân cung kính nghiêm túc” (Cư thân kính túc). Minh Lý Chí “Đáp Chu Liễu Đường”: “Cổ nhân đều sửa trị cung kính mà trăm họ yên vui, đều giữ thân cung kính mà nhìn về phương nam xưng đế”.

[16] Trì kính (持敬) chỉ việc giữ được cái tâm cung kính.

[17] Cư kính cùng lý (居敬窮理) là Học phái Trình Chu thời Tống đề xướng ra phương pháp tu dưỡng đạo đức; khái niệm “Cư kính” có nguồn gốc từ thiên Ung Dã, sách Luận ngữ: “Cư kính hành giản” (như đã nói ở chú thích [15]); “Cùng lý” là ở “Chu dịch - Thuyết quái”: “Cùng lí tận tính dĩ chí ư mệnh” ý nói về nguyên lý nghiên cứu vạn vật đến tận cùng.

Chú thích:

(1)王應麟《困學紀聞》卷八,《經vương ứng lân “khốn học kỉ văn” quyển bát, “kinh thuyết”.
 
(2)《司馬文正公傳家集》(下簡稱《傳家集》)卷七三,《疑孟》“tư mã văn chính công truyền gia tập” (hạ giản xưng “truyền gia tập”) quyển thất tam, “nghi mạnh”.

(3)《傳家集》卷七一,《獨樂園記》
“truyền gia tập” quyển thất nhất, “độc nhạc viên kí”.
 
(4)《集注太玄經》卷一 “tập chú thái huyền kinh” quyển nhất.

(5)(34)《傳家集》卷六七,《
玄》“truyền gia tập” quyển lục thất, “thuyết huyền”.

(6)(8)《溫公易》卷五、三 “ôn công dịch thuyết” quyển ngũ, tam.
 
(7)康有為《南海康先生口•學術淵源之二》khang hữu vi “nam hải khang tiên sanh khẩu thuyết - học thuật uyên nguyên chi nhị”.
 
(9)(10)《傳家集》卷六四,《中和論》“truyền gia tập” quyển lục tứ, “trung hòa luận”.
  
(11)(12)《傳家集》卷六二,《答韓秉國第二書》“truyền gia tập” quyển lục nhị, “đáp hàn bỉnh quốc đệ nhị thư”.

(13)《傳家集》卷六五,《致知在格物論》“truyền gia tập” quyển lục ngũ, “trí tri tại cách vật luận”.

(14)《王文成公全書》卷二.
“vương văn thành công toàn thư” quyển nhị.

(15)《潛虛》
“tiềm hư”.
   
(16)《法言集注》卷四 “pháp ngôn tập chú” quyển tứ.

(17)(23)熊賜履《學統》卷六、十九
 hùng tứ lí “học thống” quyển lục, thập cửu.

(18)全祖望《宋元學案•濂溪學案序錄》
toàn tổ vọng “tống nguyên học án - liêm khê học án tự lục”.

(19)蔡上翔《王荊公年譜考略》卷九
thái thượng tường “vương kinh công niên phổ khảo lược” quyển cửu.
 
(20)(26)(27)《河南邵氏聞見錄》卷十、五、三 “hà nam thiệu thị văn kiến lục” quyển thập, ngũ, tam.

(21)《傳家集》卷十四,《邵堯夫先生哀辭》二首
“truyền gia tập” quyển thập tứ, “thiệu nghiêu phu tiên sanh ai từ” nhị thủ.

(22)《河南邵氏聞見後錄》
“hà nam thiệu thị văn kiến hậu lục”.

(24)(29)《宋史》卷四百二十七
“tống sử” quyển tứ bách nhị thập thất.

(25)《宋人軼事彙編》卷九 “tống nhân dật sự vị biên” quyển cửu.

(28)(29)《朱文公文集》卷三六、三七 “chu văn công văn tập” quyển tam lục, tam thất.

(30)(40)(41)《二程集•河南程氏遺書》卷三、十一
“nhị trình tập - hà nam trình thị di thư” quyển tam, thập nhất.

(31)(42)《朱子語類》卷一三四
“chu tử ngữ loại” quyển nhất tam tứ.

(32)《伊洛淵源錄》卷三
“y lạc uyên nguyên lục” quyển tam.

(33)《傳家集》卷十八,《乞印行〈荀子〉〈揚子法言〉狀》
“truyền gia tập” quyển thập bát, “khất ấn hành ‘tuân tử’ ‘dương tử pháp ngôn’ trạng”.

(35)蘇天木《潛虛述成•跋》
tô thiên mộc “ tiềm hư thuật thành - bạt”.

(36)(37)(38)《四部備要•性理精義》卷九、十八、十四
“tứ bộ bị yếu - tính lí tinh nghĩa” quyển cửu, thập bát, thập tứ.

(43)《傳家集•附錄》,《司馬文正公行狀》 “truyền gia tập - phụ lục”, “ti mã văn chánh công hành trạng”.

(44)《溫國文正司馬公文集》卷四五 “ôn quốc văn chánh ti mã công văn tập” quyển tứ ngũ.

(45)《傳家集》卷七四,《迂書》 “truyền gia tập” quyển thất tứ, “vu thư”.

(46)《宋元學雜》卷六四,《潛庵學案》
“tống nguyên học tạp” quyển lục tứ, “tiềm am học án”.

(47)耿雲志《胡適研究論稿•胡適年譜》第502
cảnh vân chí “hồ thích nghiên cứu luận cảo - hồ thích niên phổ” đệ 502 hiệt.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét