Hà Hữu Nga
Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, hệ thống thị giác của con người không ngừng được điều chỉnh và hoàn thiện để phát hiện khuôn mặt ở mọi sắc thái, hình dạng và kích thước. Quá trình tiến hóa đó không chỉ mang lại những lợi thế sinh tồn to lớn, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi phải phân biệt an nguy, bạn thù cho bản thân, cơ hội phát hiện ra những kẻ săn mồi và con mồi, hoặc phát hiện bạn tình, mà còn làm cho con người trở thành một loài duy nhất phát triển và hoàn thiện được hệ thống mỹ cảm thị giác (visual aesthetics). Tuy nhiên trong vô vàn trạng huống tâm trí, con người đã chạm trán và xử lý thì cũng vẫn xảy ra tình trạng hệ thống thị giác nhận diện không chân thực về khuôn mặt. Và đó chính là nguồn gốc ra đời một loại hội chứng có tên gọi là ảo dị khuôn mặt “face pareidolia” – một loại nhận thức về cấu trúc giống khuôn mặt, hình thành bởi các kích thích ngẫu nhiên, được gợi lên từ những ảo tượng ám ảnh tín ngưỡng phổ biến, có nguồn gốc sâu xa từ thời tiền sử, mà di sản đá cổ “mặt khỉ” hay “mặt quỷ” với đôi mắt được khắc họa nổi bật ở Suối Cỏ, xóm Chum, xã Hợp Thành, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình là một điển hình.
1. Hiệu ứng ảo dị khuôn mặt trong thần kinh học thị giác
1.1. Khái niệm ảo dị thị giác
Pareidolia - ảo dị, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp παράεἴδωλον [paráeídōlon], có nghĩa đen là các “hình ảnh ảo/khác” do nhà Tâm lý học thần kinh người Đức Karl Ludwig Kahlbaum tạo ra vào năm 1866 trong bài báo Die Sinnesdelierien - Ảo dị giác, tiếng Đức là Pareidolie. Ngay sau đó vào năm 1867 bài viết được dịch sang tiếng Anh với đầu đề On Delusion of the Senses – Về chứng ảo dị của các giác quan, còn từ Pareidolie thì chuyển thành Pareidolia. Theo tác giả lý do ra đời của từ Pareidolie để chỉ chứng ảo dị thị giác là: “Vì thuật ngữ lầm lẫn về con người [Personenverwechselung – loạn giác nhân hình] ấy có ý nghĩa quá hẹp, nên người ta có thể sử dụng từ lầm lẫn về đối tượng [Objectsverwechselung - loạn giác đối tượng nói chung], nhưng từ này cũng có thể được sử dụng một cách thỏa đáng không kém cho những lầm lẫn hư ảo về phán đoán [thị giác] cũng như lầm lẫn về nhận thức bằng các giác quan. Do đó, tôi muốn đề xuất thuật ngữ ảo dị giác lược đồ hoặc ảo dị giác cục bộ [schematische oder partielle Hallucination] như một cái tên phù hợp cho loại hiện tượng đặc biệt này, vốn trước đây được phân loại là loạn giác. Cả hai tính từ trên [lược đồ và cục bộ] đều mang tính tham chiếu đến lời giải thích của quá trình, ít nhiều mang tính giả thuyết và lý thuyết. Nhưng ngoài lý thuyết được coi là một nỗ lực giả dụ hơn là một lời giải thích thực tế và lâu dài đó ra, thì bản thân hiện tượng này vẫn có thể được nắm bắt và xem xét hoàn toàn bằng thực nghiệm, và do đó có thể phù hợp hơn nếu có một cái tên mang tính hiện tượng, trung tính hơn thay thế cho tên gọi mang tính lý thuyết kia, do đó tôi muốn đề xuất một từ nhận thức hình ảnh thứ cấp, pareidolia” (Kahlbaum K. L. (1866, tr.76-77).
Khoảng 150 năm đã trôi qua kể từ khi Kahlbaum sáng tạo ra thuật ngữ Pareidolia và cho đến nay nội hàm của khái niệm này đã trở nên phong phú hơn rất nhiều kể cả từ phương diện học thuật lẫn ứng dụng thực tế. Nó không còn đơn giản chỉ thuộc lĩnh vực tâm lý học thần kinh nữa, mà đã xâm nhập vào vô số chuyên ngành khoa học tự nhiên cũng như xã hội và nhân văn như: Vật lý học (Electromagnetic Radiation – Bức xạ điện từ), Thị giác máy tính (Computer vision), Sinh lý học, Giải phẫu Sinh lý thần kinh, Phân tâm học, Triết học, Tôn giáo học, Nghệ thuật thị giác, Thị giác học Ứng dụng, Kinh tế học Sáng tạo, Kinh tế học Nghệ thuật Thị giác (Economics of Visual Art), …v.v. Đặc biệt là các học giả liên quan đến ngành Khảo cổ học nghiên cứu di sản đá cổ thế giới đã không chỉ triệt để khai thác mà còn không ngừng làm giàu, làm sâu sắc thêm cho nội hàm khái niệm Pareidolia Ảo dị giác. Theo họ pareidolia xảy ra khi các kích thích bên ngoài kích hoạt nhận thức về các thực thể không tồn tại, phản ánh sự trùng khớp sai lầm giữa các biểu hiện bên trong và các thấu nhập cảm quan (Liu et al. 2014, tr. 60). Nói cách khác, khi nhìn vào các cảnh trí, kết cấu, chẳng hạn: mây, đá, tường vách, hoặc chỉ đơn giản là các dấu rêu, vệt màu cà phê, hoặc bất cứ yếu tố, vật thể nào tạo thành một cấu trúc không gian nhất định, người ta thường liên tưởng đến các mô thức có vẻ hiện thực, chẳng hạn giống với khuôn mặt, con vật, hình dạng cơ thể, yêu ma, thần thánh v.v... Tất cả các hiện tượng phổ biến này có thể được gọi là pareidolia [ảo dị giác] (Diana et al. 2020, tr.20).
Hiện tượng ảo dị khuôn mặt, một loại apophenia, xu hướng nhận thức các kết nối có ý nghĩa giữa các yếu tố không liên quan, phản ánh sự điều chỉnh cao đối với một lược đồ khuôn mặt thô (như hai mắt phía trên miệng) có trong các hình ảnh không phải khuôn mặt nhưng trông giống khuôn mặt, chẳng hạn như các gợn sóng, các vệt bóng hoặc các vệt màu trên vỏ bánh mì nướng (Conrad K. 1959; Omer, Y. et. al., 2019, tr.437-438). Trong những năm gần đây, hiện tượng ảo dị khuôn mặt đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu lớn, chủ yếu là vì các hình ảnh không giống khuôn mặt, không chứa bất kỳ yếu tố đơn lẻ nào của khuôn mặt, nhưng lại thúc đẩy quá trình xử lý khuôn mặt của não bộ. (Koelkebeck, K. et al., 2015; Pavlova, M. A. et al. 2015; Rekow D. et al. 2022) Hơn nữa, các kích thích không phải khuôn mặt giúp loại bỏ các thành kiến văn hóa riêng biệt có thể xảy ra vẫn tồn tại trong các nghiên cứu liên văn hóa ngay cả trong trường hợp đảo ngược khuôn mặt. (Rodger, H., et al., 2010) Các nghiên cứu ở những cá nhân mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh như tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ (ASD), hội chứng Down (Pavlova, M. A. et al. 2017; 2018), hội chứng rối loạn di truyền, hoặc ở vị thành niên vốn sinh non cho thấy những khiếm khuyết đáng kể trong việc điều chỉnh khuôn mặt. Những khiếm khuyết này được đặc trưng bởi động học bệnh-đặc thù khác biệt. (Rolf, R., et al., 2020)
1.2. Quá trình xử lý khuôn mặt bằng hệ thống thị giác
Khuôn mặt truyền tải thông tin phong phú và có giá trị bao gồm biểu cảm, ánh mắt, giới tính, chủng tộc và bản sắc, rất quan trọng đối với hoạt động xã hội bình thường. Để có thể thu được thông tin phong phú này một cách nhanh chóng và hiệu quả, quá trình xử lý khuôn mặt sử dụng một cơ chế xử lý chuyên biệt (Kanwisher, 2000). Quá trình đó bao gồm các bước thiết yếu của việc căn chỉnh, tăng cường và trích xuất các đặc điểm có ý nghĩa từ hình ảnh khuôn mặt trước khi nhận dạng. Nó bao gồm các kỹ thuật như chuẩn hóa khuôn mặt và tăng cường dữ liệu để cải thiện hiệu suất của hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Bước đầu tiên quan trọng trong quá trình xử lý khuôn mặt là phát hiện khuôn mặt trong môi trường thị giác (Hershler & Hochstein, 2005; Tsao & Livingstone, 2008). Quá trình này đòi hỏi phải thu được các đặc điểm phân biệt khuôn mặt với các kích thích không phải khuôn mặt. Ngay từ đầu, hệ thống thị giác không được điều chỉnh theo khuôn mặt mà theo một mô thức giống hình chữ T thường được gọi là cấu hình nặng trên, có tương quan với cấu trúc tổng thể của các đặc điểm nội tại của khuôn mặt. Những phát hiện này cho thấy sự tồn tại của một khuôn mẫu bẩm sinh ưu tiên các kích thích giống khuôn mặt và thiên vị quá trình xử lý thông tin từ môi trường hướng đến khuôn mặt một cách chi tiết hơn về biểu cảm, ánh mắt hoặc sắc thái (Morton & Johnson, 1991; Omer Y. et al., 2019, tr.438)
Các nghiên cứu thực nghiệm chứng tỏ hệ thống thị giác ưu tiên dành cho các kích thích giống khuôn mặt cũng được thể hiện bằng cách tạo ra nhận thức về khuôn mặt bởi một tập hợp ảo dị các kích thích vô tri, đòi hỏi thời gian nhìn lâu hơn so với các kích thích vô tri tương tự không tạo ra nhận thức ảo dị về khuôn mặt (Taubert et al., 2017), và các kích thích này tạo ra phản ứng thần kinh giống khuôn mặt. Trong một thí nghiệm chụp cộng hưởng từ chức năng, kiểu phản ứng của vùng mặt hình thoi [fusiform face area], nhưng không phải phức hợp chẩm bên [lateral occipital complex] hoặc vùng vị trí cận hải mã [parahippocampal place area], có tương quan với đặc tính khuôn mặt [faceness] của các kích thích vô tri giống khuôn mặt cho thấy vùng chọn lọc khuôn mặt được điều chỉnh theo các kích thích không phải khuôn mặt lại tạo ra nhận thức về khuôn mặt (Meng, Cherian, Singal, & Sinha, 2012). Điều đó cho thấy các cơ chế phát hiện khuôn mặt được điều chỉnh rộng rãi và quá-khái quát hóa đối với một loại kích thích vô tri nhất định. Bởi vì những kích thích vô tri này rất đa dạng, chúng có thể được sử dụng để trả lời câu hỏi cơ bản về những đặc điểm quan trọng được các cơ chế phát hiện khuôn mặt sử dụng để phân loại một kích thích thành khuôn mặt. Câu hỏi này không thể trả lời bằng các kích thích khuôn mặt thực, vì con người rất nhạy cảm với tất cả các đặc điểm trên khuôn mặt thực và có thể dễ dàng phát hiện chúng là khuôn mặt ngay cả khi thông tin được cung cấp không đầy đủ, bị bóp méo và nghèo nàn (Sinha P., et al., 2006). Mặt khác, các kích thích vô tri được coi là khuôn mặt chứa thông tin không phải khuôn mặt khiến chúng trông giống như một khuôn mặt. (Omer Y. et al., 2019, tr.438-439)
1.3. Hiệu ứng ảo dị khuôn mặt trong thần kinh học thị giác
1.3.1. Hiệu ứng phản xạ định hướng của khuôn mặt
Khi tiếp nhận các kích thích truyền tải thông điệp có ý nghĩa, thì trải nghiệm phản xạ chú ý của mọi cá nhân sẽ lập tức tăng lên. Phản ứng phản xạ không tự nguyện như vậy đối với một kích thích đột ngột hoặc quan trọng được gọi là phản ứng định hướng và tương ứng với sự chú ý tập trung được hướng đến một kích thích (Greenwald and Leavitt, 1984, tr. 584; Lang, Bradley and Cuthbert, 1997). Độ nhạy tích hợp này dẫn đến phản ứng phản xạ với kích thích môi trường, theo đó có sự định hướng tạm thời của cá nhân đối với kích thích. Tuy nhiên, phản ứng định hướng không nhất thiết phải trùng với phản ứng hành vi rõ ràng, vì nó có tác dụng tăng cường xử lý thông tin và chuẩn bị hoặc tạo điều kiện cho phản ứng hành vi nhanh chóng đối với kích thích gây ra (MacKay-Brandt, 2011, tr. 1830; Nieuwenhuis, De Geus and Aston-Jones, 2011, tr. 162). Một số nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức đã chỉ ra rằng cả kích thích mới lạ và có ý nghĩa đều gây ra phản ứng định hướng. (Guido G. et al 2019, tr.223)
Kích thích mới lạ là những kích thích chưa biết hoặc bất ngờ, trong khi kích thích có ý nghĩa (ví dụ: các khuôn mặt) là những kích thích truyền tải thông tin có liên quan đến một cá nhân và có lẽ mang tính cảm xúc. Vì các cá nhân có nguồn lực nhận thức hạn chế (Lang, 2000), nên họ có xu hướng tập trung vào các kích thích nổi bật tự động kích hoạt sự chú ý không tự nguyện (Guido, 2001). Đổi lại, phản ứng định hướng làm tăng trí nhớ của cá nhân về thông tin gắn liền với các kích thích như vậy. Phản ứng định hướng có thể được gợi ra bởi các kích thích quen thuộc có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân (Greenwald và Leavitt 1984; Artuso, Palladino và Ricciardelli, 2015; Ro T., C. Russel, and N. Lavie 2001). Theo hướng này, nghiên cứu tâm lý đã nhấn mạnh sự tồn tại của một khuynh hướng thiên về sự chú ý vào khuôn mặt hơn là các kích thích khác không phải khuôn mặt (Tomalski, Csibra và Johnson, 2009; tr. 569). Mặc dù có liên quan thực tế đối với các chiến lược quảng cáo, nhưng phản ứng định hướng vẫn chưa được nghiên cứu tiếp thị khám phá kỹ lưỡng, đặc biệt là về cách nó có thể xác định phản ứng của người tiêu dùng đối với các thông điệp quảng cáo có hình ảnh khuôn mặt. (Guido G. et al 2019, tr.223)
1.3.2. Hiệu ứng kích thích thị giác của khuôn mặt
Các nhà thần kinh học cho rằng khuôn mặt có thể được coi là kích thích thị giác quan trọng nhất về mặt sinh học và xã hội trong môi trường của con người: vì lý do này, khuôn mặt có khả năng thu hút chú ý đặc biệt, và truyền tải thông tin có ý nghĩa. Quá trình thích nghi này tạo ra sự thiên vị chú ý đối với khuôn mặt. Khuôn mặt truyền tải thông tin nhanh chóng và hiệu quả về ý định của kẻ khác, cũng như cảm xúc của họ về các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai (Small and Verrochi, 2009). Do khả năng thể hiện ý nghĩa xã hội và sinh học, nên khuôn mặt được xử lý nâng cao trong mọi cạnh tranh thu hút sự chú ý, và trở thành nhân tố lý tưởng cho quá trình xử lý tự động (Öhman, 2002). Các nghiên cứu tâm lý còn cho rằng khuôn mặt thường thu hút sự chú ý dễ dàng hơn các kích thích thị giác khác. Khuôn mặt cũng gây ra phản ứng không tự nguyện mạnh hơn, trong các cảnh lớn có khuôn mặt cùng với các vật thể khác, những cú giật mắt đầu tiên đều hướng đến khuôn mặt (Weaver and Lauwereyns, 2011). Nói chung, mọi cá nhân thường phân loại khuôn mặt nhanh hơn nhiều so với các vật thể khác, và trong hầu hết các bối cảnh, khuôn mặt thường giúp thu hút sự chú ý nhiều hơn. (Guido G. et al 2019, tr.225)
Trong lĩnh vực tiếp thị bán lẻ, người ta đã chỉ ra rằng ma-nơ-canh có đầu - và do đó là khuôn mặt - dẫn đến ý định mua hàng hóa cao hơn so với ma-nơ-canh không đầu (Lindström et al. 2016). Lĩnh vực truyền thông tiếp thị cho thấy những bức ảnh Instagram có khuôn mặt có khả năng nhận được “lượt thích” [likes] cao hơn khoảng 40% so với những bức ảnh không có khuôn mặt (Bakhshi, Shamma and Gilbert, 2014). Trong khi đó, nghiên cứu hiện có trong lĩnh vực quảng cáo đã chỉ ra rằng các biểu ngữ trực tuyến có khuôn mặt có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn so với các biểu ngữ không có khuôn mặt (Sajjacholapunt and Ball, 2014) và nội dung quảng cáo dễ nhớ hơn khi quảng cáo có khuôn mặt; ngoài ra, khuôn mặt có thể ảnh hưởng đến thái độ của người tiêu dùng đối với quảng cáo và ý định mua hàng của họ (Xiao and Ding, 2014). Mặc dù cả thực hành quảng cáo và tài liệu tâm lý học đều cho rằng mọi người tập trung vào khuôn mặt mà bỏ qua các kích thích khác, nhưng vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đặc biệt, tài liệu quảng cáo vẫn chưa đánh giá khả năng khác biệt của quảng cáo “có khuôn mặt” so với quảng cáo “không có khuôn mặt” trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, điều này cần được nghiên cứu thêm (Xiao and Ding, 2014; Guido G. et al 2019, tr.225-226).
1.3.3. Hiệu ứng nhận thức ảo về khuôn mặt
Con người có xu hướng nhận thức khuôn mặt - cũng như các bộ phận cơ thể, hình dạng động vật hoặc các hình ảnh quen thuộc khác - tạo hình bằng các đám mây, cấu trúc đá, dạng địa hình hành tinh và vô số vị trí khác mà thực sự không có khuôn mặt nào tồn tại (Shelley, 2015). Hiện tượng này, được gọi là ảo dị (Chalup, Hong and Ostwald, 2010; Hong et al., 2013; Liu et al., 2014), khiến mọi người nhận ra các hình dạng quen thuộc trong các ảo tượng không liên quan gì đến những thứ có thật. Độ nhạy cảm này đối với các mô thức giống khuôn mặt bắt nguồn từ xu hướng vô thức tìm kiếm những hình ảnh quen thuộc trong các đầu vào nhận thức mới (Gosselin and Schyns, 2003; Rieth et al., 2011), cũng như từ tầm quan trọng về mặt xã hội mà con người bẩm sinh gán cho khuôn mặt (Liu et al., 2014).
Hầu như tất cả các công trình trước đây về các vùng thuộc khuôn mặt đều nghiên cứu tác động đối với các khía cạnh kích thích khuôn mặt, tức là khuôn mặt của một cá nhân khác với khuôn mặt khác như thế nào. Ở đây, một vấn đề đặt ra là cách phản ứng của từng vùng bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của các đặc tính cơ bản của kích thích khuôn mặt. Đó là các bộ phận khuôn mặt như mắt, mũi, miệng và cấu hình khuôn mặt hình chữ T cơ bản do các bộ phận đó tạo ra. Quá trình xử lý khuôn mặt phần lớn là tự động, nên các thao tác kích thích được sử dụng ở đây có thể mạnh hơn các tác động tương đối yếu hoặc không tồn tại của các thao tác trên các vùng chọn lọc khuôn mặt đã được thử nghiệm trong các nghiên cứu trước đây. Bất kỳ sự khác biệt nào giữa các vùng chọn lọc khuôn mặt trong các khía cạnh kích thích khuôn mặt mà chúng phản ứng đều cung cấp manh mối về chức năng của các vùng đó. Ví dụ, bằng chứng trước đây liên kết FFA (Fusiform Face Area – Vùng Khuôn mặt Hình thoi) với nhận dạng khuôn mặt cho thấy rằng vùng này phải nhạy cảm với cả các bộ phận khuôn mặt và cấu hình khuôn mặt, vì cả hai đều có liên quan đến nhận dạng khuôn mặt. Phù hợp với giả thuyết này, người ta đã phát hiện ra sự kích hoạt mạnh mẽ trong vùng FFA khi các đối tượng phân biệt giữa các khuôn mặt dựa trên hình dạng bộ phận hoặc khoảng cách giữa các bộ phận. (Yovel & Kanwisher, 2004)
Ngày nay nhiều công ty kinh doanh đã xây dựng sản phẩm xung quanh cấu hình chữ T của khuôn mặt (ví dụ: túi xách của Celine) và thỉnh thoảng đưa hình ảnh pareidolian vào quảng cáo in của họ, tuy nhiên người ta vẫn không ngừng đánh giá thêm xem liệu những hình ảnh như vậy có thực sự vượt trội hơn các loại hình ảnh quảng cáo khác về khả năng thu hút sự chú ý và khả năng xử lý hay không. Trong vài thập kỷ qua, nghiên cứu tiếp thị đã tập trung vào phỏng nhân luận (Anthropomorphism) - cụ thể là việc gán các đặc điểm giống con người cho các vật thể không phải con người (Guido và Peluso, 2015) - và phát hiện ra rằng các sản phẩm kết hợp các đặc điểm của con người (ví dụ: bánh quy hình mặt người) gây ra sự chú ý nhiều hơn và xử lý sâu hơn (Epley, Waytz và Cacioppo, 2007), cũng như ảnh hưởng đến thái độ và ý định của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đó (Hart và Royne, 2017; Hur, Koo và Hofmann, 2015). Nghiên cứu quảng cáo đặc biệt phát hiện ra rằng các quảng cáo có hình ảnh nhân hóa có thể thúc đẩy sự yêu thích thương hiệu (Delbaere, McQuarrie và Phillips, 2011) và ảnh hưởng đến ý định của người tiêu dùng (Hart và Royne, 2017). Tuy nhiên, các tài liệu hiện có không tập trung cụ thể vào các thông điệp quảng cáo có hình ảnh pareidolian; do đó, vẫn không dễ để hiểu hết khả năng thu hút sự chú ý của người xem và ảnh hưởng đến quá trình xử lý của họ. (Guido G. et al 2019, tr. 227).
1.3.4. Hiệu ứng biểu cảm của khuôn mặt
Biểu cảm do tác động của nhận thức xã hội tạo ra. Đó là khả năng hiểu được hành vi, ý định và cảm xúc của người khác, nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cá nhân, cho phép mỗi người tạo ra các hành động thích ứng trong một ngữ cảnh nhất định. Theo nghĩa này, nhận thức xã hội là một phạm trù cụ thể của các quá trình ra quyết định. Việc nhận dạng biểu cảm khuôn mặt ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình này, vì nó tự động kích hoạt các hành vi phù hợp trong môi trường xã hội (Crivelli C. et al., 2018, tr.390-391; Yiend J. 2010, tr.5-6). Ví dụ, việc nhìn thấy khuôn mặt tức giận hoặc sợ hãi của những kẻ cùng loài sẽ tự động kích hoạt phản ứng phòng thủ ở người quan sát (Adolphs, R. 2008, tr. 167-169; Davis, F.C., et al., 2011, tr.648-650). Ngược lại, biểu cảm khuôn mặt vui vẻ thúc đẩy hành vi tiếp cận. Những khiếm khuyết trong việc nhận dạng cảm xúc trên khuôn mặt như những khiếm khuyết xảy ra ở bệnh lý tâm thần, hoặc tâm thần phân liệt, hoặc sau tổn thương hạnh nhân hai bên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tương tác xã hội. (Dawel, A. et al., 2012, tr. 647-655; Phillips, M.L.; David, A.S., 1995, tr.109-114; Adolphs, R., 2005, tr.68-72; Mancini Ch., et al., 2020, tr.1-2)
Nhiều thực nghiệm đã chứng tỏ mối liên hệ không thể phủ nhận giữa các quá trình cảm xúc và vận động, về cách biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị hành động hoặc ức chế phản ứng lại rất mâu thuẫn. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phép thử đơn giản về hành động Đi/Không đi để tìm ra những phản ứng tích cực hay tiêu cực về cảm xúc của khuôn mặt, và đã không tìm ra sự khác biệt về thời gian phản ứng hoặc độ chính xác trong các lần thử Đi giữa hình ảnh khuôn mặt tích cực và tiêu cực. Các thử nghiệm khác cũng phát hiện ra rằng khuôn mặt buồn, vui và trung tính không ảnh hưởng đến khả năng phản ứng. Tuy nhiên, khuôn mặt vui vẻ gây ra thời gian phản ứng nhanh hơn và mắc nhiều lỗi hơn khuôn mặt buồn, và chính thời gian phản ứng giảm và độ chính xác cao hơn đối với hình ảnh khuôn mặt tích cực và tiêu cực so với hình ảnh khuôn mặt trung tính về phương diện cảm xúc. (Mancini Ch., et al., 2020, tr.1-2) Các quan sát khác nhau đều nhận thấy rằng tác động của khuôn mặt cảm xúc đối với ức chế phản ứng vận động, vốn là chức năng điều hành chính để kiểm soát vận động, cũng chưa rõ ràng. Khai thác nhiệm vụ dừng tín hiệu biểu cảm, các nhà thực nghiệm phát hiện ra thời gian phản ứng dừng tín hiệu, tức là thời gian ước tính để hủy bỏ một chuyển động đã lên kế hoạch, không bị ảnh hưởng bởi việc thể hiện khuôn mặt sợ hãi so với khuôn mặt trung tính. Tuy nhiên, cả khuôn mặt vui vẻ và tức giận đều làm tăng lượng thời gian phản ứng dừng tín hiệu so với khuôn mặt trung tính. Ngược lại, khuôn mặt tức giận gây ra thời gian phản ứng dừng tín hiệu nhanh hơn so với khuôn mặt trung tính ở những người tham gia mắc chứng tâm thần phân liệt và cùng độ tuổi. (Rebetez, M.M.L et al., 2015, tr.565-566; Derntl, B.; Habel, U., 2017, tr. 624-625; De Valk, J.M., et al., 2015)
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ phương diện giới thì lại có các khác biệt rõ ràng hơn. Cách tiếp cận giới cho phép so sánh hai giá trị cảm xúc khuôn mặt khác nhau khi lập kế hoạch cho cùng một hành động theo mức độ liên quan đến tác vụ biểu cảm. Đó là biểu cảm sợ hãi thu hút sự chú ý nhiều hơn so với khuôn mặt vui vẻ, có thể là để phát hiện ra nguồn gốc của các mối đe dọa tiềm ẩn. Một câu hỏi mở là biểu cảm khuôn mặt đe dọa, tức là khuôn mặt tức giận và sợ hãi, điều chỉnh hành động như thế nào. Trên thực tế, những biểu cảm đó truyền tải các tín hiệu xã hội khác nhau. Không giống như sợ hãi, tức giận truyền tải mối đe dọa trực tiếp đối với người quan sát, gây ra hành động ngay lập tức. Do đó, có khả năng chúng có thể gây ra các phản ứng khác nhau. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng tức giận ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch hành động khác với sợ hãi. (Lu, H. et al., 2015; Engen, H.G., et al., 2017; Ashley, V.; Swick, D., 2019) Vì vậy người thực nghiệm đã tăng thêm một cảm xúc khuôn mặt thứ ba mô tả sự tức giận để đánh giá tác động của biểu cảm khuôn mặt tức giận phụ thuộc vào mức độ liên quan đến tác vụ ra sao; tốc độ phản ứng vận động so với khuôn mặt sợ hãi như thế nào. (Mancini Ch., et al., 2020, tr.5)
2. Hiệu ứng ảo dị của khuôn mặt đá cổ Suối Cỏ
2.1. Vài đặc trưng của hiệu ứng ảo dị khuôn mặt
Trong số tất cả các dạng ảo dị, thì pareidolia khuôn mặt là dạng phổ biến nhất vì khuynh hướng tự nhiên của con người trong việc phát hiện ra khuôn mặt (Martinez-Conde and Macknik, 2012). Không giống như hầu hết các đối tượng thị giác khác, được xử lý theo cách phân tích, khuôn mặt lại được xử lý theo “cấu hình” - chúng được coi là các tổng thể không bị tách rời thay vì là sự kết hợp của các phần độc lập (Richler và Gauthier, 2014; Rossion, 2013). Tất cả các khuôn mặt đều có cấu hình hình chữ T cơ bản - gồm hai mắt, một mũi và một miệng - biểu thị cho một “khuôn mẫu” (template) để lập tức phân biệt khuôn mặt với các kích thích thị giác khác trong môi trường xung quanh (Tsao và Livingstone, 2008). Do phụ thuộc vào khuôn mẫu này, nên con người cũng có xu hướng nhìn thấy khuôn mặt trong bất kỳ vật thể nào được đặc trưng bởi cấu hình hình chữ T (T-shaped configuration). Do đó, tại sao các chuỗi biểu tượng kiểu chữ cách điệu, chẳng hạn như biểu tượng cảm xúc, được nhận dạng ngay lập tức là khuôn mặt (Chalup, Hong và Ostwald, 2010); Guido G. et al 2019, tr. 226).
Để đánh giá hiệu ứng ảo dị từ các bộ phận của khuôn mặt, người ta đã thực hiện các kích thích vô tri cho người tham gia, và yêu cầu họ đánh giá mức độ nhận thức giống khuôn mặt tức là đánh giá đặc tính khuôn mặt thật - faceness rating). Một nhóm đối tượng khác đã đánh giá các kích thích tương tự này dựa trên danh sách 12 đặc điểm khuôn mặt bao gồm các đặc điểm cục bộ như mắt, miệng và răng, cũng như các đặc điểm toàn diện về biểu cảm khuôn mặt, tính đối xứng hoặc tỷ lệ khuôn mặt. Bằng cách liên hệ đánh giá đặc điểm với đánh giá mức độ giống khuôn mặt, các nhà thực nghiệm phát hiện ra những đặc điểm nào là cần thiết để nhận thức một kích thích là khuôn mặt và những đặc điểm nào không mang tính quyết định. Đã có một số nghiên cứu kiểm tra mối tương quan giữa đánh giá mức độ giống khuôn mặt và tập hợp một số đặc điểm (mắt, miệng, lông mày, biểu cảm và tính điển hình) đã cho thấy mắt, miệng và biểu cảm dự đoán được mức độ giống khuôn mặt nhiều nhất (Ichikawa, Kanazawa and Yamaguchi, 2011).
Các thực nghiệm khám phá ảo dị thị giác chỉ ra rằng các biểu cảm tiêu cực của khuôn mặt mang tính đe dọa [như khuôn mặt Suối Cỏ] được xử lý hiệu quả hơn các biểu cảm tích cực hoặc trung tính (Öhman, Lundqvist, & Esteves, 2001). Hiệu ứng đe dọa vượt trội này có liên quan đến một mô-đun sợ hãi tiến hóa với hạch hạnh nhân là cấu trúc trung tâm (Öhman, 1993; Öhman & Mineka, 2001). Vùng mắt chứa đủ thông tin để phát hiện trạng thái tinh thần phức tạp của kẻ khác, chẳng hạn biểu cảm tội lỗi, ý định tán tỉnh, đều gợi ý về “ngôn ngữ của đôi mắt” (Baron-Cohen, Wheelwright, & Jolliffe, 1997). Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng hạch hạnh nhân có thể được kích hoạt bởi các đặc điểm thị giác có trong khuôn mặt, chẳng hạn như kích cỡ của lòng trắng mắt (Whalen et al., 2004). Lông mày hình chữ V được đánh giá là yếu tố chính quyết định khuôn mặt “tiêu cực”, trong khi miệng hướng lên (∩) cũng phân bổ khuôn mặt vào “khu vực đe dọa” trong không gian cảm xúc ba chiều (Lundqvist, Esteves, & Öhman, 1999). Khuôn mặt có cả hai đặc điểm này được phát hiện nhanh hơn nhiều trong các tác vụ tìm kiếm so với khuôn mặt có các đặc điểm khác (Öhman et al., 2001). Khuôn mặt đe dọa có lông mày hình chữ V được phát hiện nhanh hơn khuôn mặt không đe dọa có lông mày hình chữ V ngược nhưng lông mày hình chữ V tương tự không được phát hiện nhanh hơn khi chúng xuất hiện trong một vật thể không giống khuôn mặt, ví dụ hình vuông (Tipples, Atkinson and Young 2002); kết quả tương tự đối với “miệng” cong hướng lên (∩) và hướng xuống (∪). (Fox et al., 2000) Hiệu ứng này đã được bậc thầy/thợ xưa khai thác triệt để trong việc thiết kế và thể hiện phần miệng cong lên đầy đe dọa, mà TS. Nguyễn Việt gọi là ‘hình hạt đậu” (Nguyễn Việt 2022, Hình 1) – thay vì cong xuống thể hiện biểu cảm vui tươi - của khuôn mặt Suối Cỏ.
Các đặc điểm này được phát hiện nhanh như nhau khi xuất hiện riêng lẻ; tuy nhiên, khi được thể hiện trong bối cảnh của khuôn mặt, miệng cong lên biểu thị mối đe dọa, được phát hiện nhanh hơn miệng biểu thị niềm vui. Do đó, có thể không phải là một đặc điểm riêng lẻ kích hoạt mô-đun sợ hãi, mà là sự kết hợp của đặc điểm này trong một bối cảnh cụ thể. (Fox E., and L. Damjanovic 2006, tr.534) Khác hẳn với khuôn mặt sơ đồ, đối với khuôn mặt thực, cảm xúc tức giận được biểu thị bằng một loạt cử chỉ bao gồm lông mày cau lại, đôi mắt nhìn chằm chằm và miệng khép lại với các góc hướng xuống (Ekman & Friesen, 1976). Do đó, các thành phần này có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc báo hiệu biểu cảm mối đe dọa của khuôn mặt. Cho đến nay, các đặc điểm này bắt nguồn từ biểu cảm khuôn mặt thực tế vẫn chưa được phân lập trong mô hình tìm kiếm thị giác. Vì vậy cần phải sử dụng mô hình tìm kiếm thị giác và biểu cảm khuôn mặt thực tế để tìm hiểu xem mắt, lông mày, miệng hay đặc điểm nào khác quan trọng đối với hiệu ứng vượt trội về biểu cảm và đặc biệt là về mối đe dọa. (Fox E., and L. Damjanovic 2006, tr. 535).
Các nhà thực nghiệm đã phân tích kết quả hồi quy bội (Multiple Regression) của 12 đặc điểm khuôn mặt và xếp hạng đặc điểm nét mặt (Sắp xếp theo Giá trị t). Các đặc điểm đó bao gồm: khung mặt, tóc, trán, lông mày, mắt, tai, mũi, miệng, răng, tỷ lệ, tính đối xưng, và đặc tính biểu lộ cảm xúc. Mục tiêu của thí nghiệm này là khám phá ra những đặc điểm nào là quan trọng để phát hiện khuôn mặt. Để trả lời câu hỏi này, người ta đã sử dụng hình ảnh vô tri tạo ra nhận thức mạnh mẽ về khuôn mặt và kiểm tra mối tương quan các kích thích giữa sự hiện diện của 12 đặc điểm khuôn mặt và điểm số về đặc tính khuôn mặt (faceness) dựa trên đánh giá của con người. Kết quả cho thấy sự hiện diện của mắt hoặc miệng trong hình ảnh có mối tương quan cao với điểm số về đặc đặc tính khuôn mặt (faceness). Để kiểm tra thêm liệu mắt và miệng có thực sự quan trọng đối với việc phát hiện khuôn mặt hay không, trong một thí nghiệm thứ hai, người ta đã loại bỏ mắt hoặc miệng, hoặc hai đặc điểm không tương quan với đặc đặc tính khuôn mặt, tai hoặc răng, và đo điểm số về đặc tính khuôn mặt đối với các hình ảnh đã chỉnh sửa. Kết quả cho thấy việc loại bỏ mắt hoặc miệng làm giảm đáng kể điểm số về đặc tính khuôn mặt, trong khi điểm số về đặc tính khuôn mặt của hình ảnh sau khi loại bỏ răng hoặc tai không khác biệt đáng kể so với điểm số về đặc tính khuôn mặt của hình ảnh gốc. Những phát hiện này xác nhận và mở rộng các phát hiện về mối tương quan, đồng thời cho thấy thêm rằng việc nhận biết khuôn mặt phụ thuộc vào sự hiện diện của mắt hoặc miệng trong hình ảnh. (Omer Y. et al., 2019, Bảng 1, tr.441-443) Thật tình cờ, các kết quả nghiên cứu trên đã trở thành một minh chứng đầy thuyết phục cho đặc tính ảo dị của khuôn mặt Suối Cỏ được chạm khắc chỉ nhấn vào hai đặc điểm chính là mắt và miệng.
2.2. Hiệu ứng ảo dị khuôn mặt đá cổ Suối Cỏ
Suối Cỏ là một dòng chảy nhận nước từ nửa phía đông nam của sơn khối nơi giáp ranh giữa hai huyện Lạc Sơn và Kim Bôi (các xã Mỹ Thành và Cuối Hạ). Người Mường hiện lập thành xóm Cỏ ở đây. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai khối đá có hình khắc và đặt tên là khối A và khối B. Khối A nằm sát bờ bên trái dòng suối, hình tượng được chạm khắc ở độ cao 1,5m so với mặt nước suối. Theo nhận dạng của TS. Nguyễn Việt thì đồ án này giống như hình một người bụng phệ giơ hai tay lên trời; phía đỉnh hai tay là hai hình tròn đồng tâm có chấm ở giữa, đường kính vành ngoài khoảng 6-7cm, trông mô típ vòng tròn đồng tâm này rất quen thuộc trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Phần “mặt” khá mờ nên “mắt, mồm” cũng có thể chỉ đường viền của một ô trang trí mà thôi. Phần “bụng” có đáy bằng, tạo trong lòng thành các khoanh với lõi nhân hình hạt đậu rìa cong lên phía trên. (italic do Hà Hữu Nga lưu ý) Ở khối B, có 4 cụm hình khắc khá giống nhau, mỗi cụm là hai hình tròn đồng tâm đường kính khoảng 7-8 cm ở phía trên. Phía dưới là một ô hình gần vuông có khoét hình giống như hai lỗ mũi như kiểu mõm lợn hoặc hình hạt đậu như mặt khỉ. (Nguyễn Việt 2022) Cách khối A và B khoảng 100m về phía dưới suối là khối C chỉ nổi trên mặt ruộng chừng 30cm, trong đó có một tảng đá vỡ được kê lên tạo dáng như một bàn thờ, đây có thể là một ngôi mộ cổ. Ngoài ra, cách hai khối A, B khoảng 50m, có một tảng đá hình một con cá lớn nằm hở lưng trên mặt ruộng, chiều dài 125cm rộng nhất hiện trên mặt ruộng là 60cm, trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đường kính miệng hốc khoảng 6-9cm. Tạo hình tự nhiên khiến tưởng tượng như hình cá với đầu và mắt là phía có hốc đá sâu, rõ nhất. Có thể từ những hốc đá tự nhiên con người đã khoét thêm mỗi khi thờ cúng nên tạo ra hình hài viên đá như ngày nay. Theo người dân địa phương thì từ lâu, hòn đá này được coi như một vật linh thiêng và họ thường làm lễ cầu xin khi có việc. Vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng cùng với hai khối A và B, khối đá này nằm trong một tổng thể được dùng cho một nghi lễ tâm linh nào đó thời xa xưa. Với địa hình và tính chất độc đáo của thung lũng đá Suối Cỏ nơi đây còn có một ngôi đền thờ tuy giản đơn nhưng rất huyền bí, nên từ xưa nơi đây đã được chọn như một thế giới ngự trị của thánh thần, ma quỷ. (Nguyễn Việt 2022) Tuy nhiên, đối với khoa học thần kinh thị giác thì đó chỉ là một trong những biểu hiện của hiệu ứng pareidolia - ảo dị gây ra cho người quan sát mà thôi.
Hình 1: Khối
đá A (Ảnh Lê Hải Đăng 2024) |
Hình 2: Khối đá B (Ảnh chụp lại từ bản dập, Lê Hải Đăng 2024) |
Căn cứ vào các mô tả chân xác và có giá trị khoa học rất cao của TS. Nguyễn Việt, và đặc biệt là dựa vào các bức ảnh chụp rất nét hai khối A và B, chúng tôi thử đưa ra một cách nhận dạng hơi khác để phân tích. Trên khối B (ảnh chụp bản dập, Lê Hải Đăng 2024) có các hình chạm khắc 4 khuôn mặt, mỗi mặt được tạo bởi một chấm và hai vòng tròn đồng tâm mô tả đôi mắt “trố” và phía dưới là hình một khuôn miệng được tạo bởi hai đường đồng mức (contour) biến hình, cong lên. Sở dĩ bốn khuôn mặt này gây nên cảm giác pareidolia ảo dị đến mức được coi là “mặt quỷ” hay “mặt khỉ” chính là nhờ ở kỹ thuật tối giản nhưng lại đầy “thần khí” của người nghệ nhân/bậc thầy xưa. Kết hợp với hình khắc khuôn mặt ở khối đá A, các khuôn mặt ảo dị này đã làm cho địa điểm Suối Cỏ trở thành một loại linh địa đối với người Mường nơi đây.
Về phương diện thiết kế đồ họa, bố cục của mô thức chạm khắc các khuôn mặt ở cả Hình 1 trên khối đá A, và hình 2 trên khối đá B được tạo bởi một loại yếu tố thiết kế cơ bản nhất, đó là đường nét. Yếu tố này là loại “chất liệu” nối liền hai điểm hoặc là tập hợp của các điểm; nó cũng có cấu trúc được tạo bởi chiều dài và độ dày. Đây là một trong những yếu tố thiết kế đồ họa góp phần định hình các yếu tố phức tạp hơn như hình, khối và các cấu trúc khác; đường nét còn đóng vai trò chủ đạo định hướng mắt người xem đến chủ thể mà văn bản thiết kế đồ họa mong muốn. Trong thiết kế đồ họa, đường nét được chia thành năm loại: i) đường thẳng từ trên xuống dưới, hoặc từ dưới lên trên, mà ở quy mô vũ trụ thì là từ đất lên trời, hoặc ngược lại từ trời xuống đất; ii) đường ngang song song với mặt đất và đường chân trời; iii) đường chéo kết hợp của các giao cắt, thay đổi hướng, định hướng mắt người quan sát rất mạnh; iii) đường cong thường mềm mại, uyển chuyển, yên bình; iv) đường đứt đoạn, còn gọi là đường ẩn của vật thể bị che khuất, rất thu hút sự chú ý; v) đường zich zắc mang đặc tính thay đổi hướng liên tục. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn về hiệu ứng pareidolia ảo dị của các hình khắc trên hai khối đá Suối Cỏ.
Hơi khác với TS. Nguyễn Việt coi hình khắc ở khối đá A (Hình 1) thể hiện một người bụng phệ, chúng tôi thử nhìn nhận nó chỉ là bố cục của một khuôn mặt được tạo bởi một yếu tố duy nhất là đường cong; nói một cách chính xác hơn, đó là các đường cong khép kín, kết hợp với nhau tạo thành 5 cụm đường đồng mức (contour lines). Bao gồm: i) Mắt trái; ii) Mắt phải; iii) Mũi; iv) Miệng; và v) Các đường viền liên hoàn ngoài cùng, tạo thành tổng thể khuôn mặt. Như đã đề cập ở trên, hiệu ứng pareidolia ảo dị khuôn mặt thể hiện rõ ràng nhất ở mắt, kể cả mắt chủ thể quan sát và mắt đối tượng quan sát. Vì vậy cần lược thuật về cấu trúc các bộ phận của mắt có liên quan đến hiệu ứng ảo dị như sau: i) Giác mạc là bề mặt trước trong suốt, hình vòm của mắt, hoạt động như một lớp ngoài bảo vệ và giúp tập trung ánh sáng vào thủy tinh thể và võng mạc, nó còn có vai trò khúc xạ ánh sáng của mắt; ii) Mống mắt là một cấu trúc hình tròn mỏng, có màu bao gồm mô cơ và các tế bào sắc tố, chứa một lỗ mở gọi là đồng tử ở trung tâm; mống mắt kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt bằng cách điều chỉnh kích thước của đồng tử, nó co lại trong ánh sáng mạnh để giảm kích thước đồng tử và mở rộng trong ánh sáng yếu để cho nhiều ánh sáng đi vào hơn; iii) Đồng tử là lỗ mở tròn, tối ở trung tâm của mống mắt, kích cỡ của nó được điều chỉnh bởi các cơ của mống mắt, điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt; co lại và giãn ra phản ứng với các điều kiện ánh sáng khác nhau để kiểm soát lượng ánh sáng đến võng mạc; iv) Thấu kính là một cấu trúc trong suốt, mềm dẻo, lồi hai mặt nằm sau mống mắt, bao gồm các lớp sợi protein; nó tiếp tục tập trung ánh sáng vào võng mạc; thay đổi hình dạng thông qua khả năng điều tiết, giúp mắt tập trung vào các vật thể ở các khoảng cách khác nhau; v) Võng mạc là một lớp mô lót phía sau mắt, chứa các tế bào que và tế bào nón để thụ cảm ánh sáng; nó chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện, sau đó được gửi đến não thông qua dây thần kinh thị giác; các tế bào que chịu trách nhiệm về thị lực ngoại vi và ánh sáng yếu, trong khi các tế bào nón cho phép nhìn thấy màu sắc và thị lực trung tâm chi tiết; vi) Hoàng điểm là một vùng nhỏ, chuyên biệt ở trung tâm võng mạc, giàu tế bào nón và chứa điểm vàng trung tâm, chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm có độ phân giải cao, cho phép chúng ta nhìn thấy các chi tiết nhỏ, đọc và nhận dạng khuôn mặt; vii) Dây thần kinh thị giác là một bó sợi thần kinh kết nối võng mạc với não; nó truyền thông tin thị giác từ võng mạc đến các trung tâm xử lý thị giác của não, cho phép chúng ta nhận thức được hình ảnh nhìn thấy. (Coburn S., 2022, tr.2) Điều đặc biệt đáng lưu ý là ảo dị thị giác do mắt và miệng gây nên, tạo ra hiệu ứng lây lan lập tức giữa đối tượng và chủ thể quan sát. (Isabellaa Giuliana and Valter Afonso Vieirab (2020, tr.375-376)
Về phương diện đồ họa, ảo dị thị giác trong cả hai khối đá, đặc biệt là Hình 1 của di sản đá cổ Suối Cỏ còn được tạo ra bởi hàng loạt hiệu ứng tạo cảm giác về chiều sâu và phối cảnh của từng bộ phận cũng như bố cục tổng thể của hình tượng khuôn mặt. Trước hết về bố cục tổng thể khuôn mặt của Hình A được tạo ra bởi duy nhất yếu tố đường nét, cụ thể là đường cong khép kín, tạo thành các cụm đường đồng mức của mắt, miệng, mũi và tổng thể khuôn mặt. Mặt khác, trong ba loại bố cục cơ bản của một bức đồ họa khuôn mặt: i) theo góc nhìn trực diện; ii) theo góc nhìn bên trái; và iii) theo góc nhìn bên phải, thì chỉ có bố cục theo góc nhìn trực diện mới cho phép người quan sát có thể có đủ ba loại phối cảnh của không gian ba chiều để cảm thụ hình ảnh. Đó là i) Phối cảnh đường chân trời tổng thể tạo ra bởi hai điểm trái-phải từ cạnh khung cảnh, khi người quan sát nhìn toàn bộ hình ảnh trước mặt và điểm biến mất (vanishing point) thường nằm giữa giao điểm, nơi gặp gỡ giữa trời và đất; ii) Phối cảnh mắt loài sâu tạo ra bởi góc nhìn từ dưới lên, và điểm biến mất thường nằm ở giao điểm, nơi cao nhất của phối cảnh giữa đường thẳng tạo ra từ hai góc trái-phải thấp nhất của khuôn hình (đường lên Trời/Thiên đường/Dương/Nam, v.v…); iii) Phối cảnh mắt chim, tạo ra bởi góc nhìn từ trên không xuống toàn bộ khuôn hình bên dưới, và điểm biến mất thường nằm ở trung tâm ảo dị nhất do hình ảnh tạo ra, và thường ở trung tâm của khuôn hình (đường xuống Đất/Địa ngục/Âm/Nữ, v.v…).
Nhưng trong đoạn phân tích trên, hiệu ứng ảo dị được người ngoài cuộc, là tác giả của bài viết này diễn giải. Vì vậy, toàn bộ bố cục cũng như các chi tiết trung tâm tạo ra các hiệu ứng ảo dị của hình ảnh dường như lại không tác động trực tiếp đến người viết, bởi vì khi diễn giải, người đó đặt mình ở vị thế etic người ngoài cuộc. Ngược lại, với vị thế emic người trong cuộc, thì sự chi phối của các hiệu ứng pareidolia ảo dị lại hoàn toàn trực tiếp. Trong trường hợp đó, luật phối cảnh thị giác trở nên vô nghĩa, và nếu có thì đó chỉ còn là luật phối cảnh tâm trí (mental perspective), nói cách khác, đó là luật phối cảnh tâm động học [psychodynamics] của S. Freud. Quan niệm này cho rằng tâm trí bao gồm ba yếu tố chính: i) Bản năng [The Id], là phần của tâm lý bao gồm tất cả các ham muốn nguyên thủy và vô thức; ii) Bản ngã [The Ego] là khía cạnh của tâm lý phải giải quyết các nhu cầu của thế giới thực; iii) Siêu ngã [The Super-Ego] là phần cuối cùng của tâm lý phát triển và có nhiệm vụ quản lý tất cả các chuẩn mực, lý tưởng và đạo đức nội tại của chúng ta. (Fonagy P., 2015, tr.137-140). Trong trường hợp pareidolia ảo dị thì yếu tố lập tức bị hình tượng khuôn mặt ảo dị chi phối, đó chính là Bản năng [The Id] của tâm trí. Nếu mượn phối cảnh đồ họa với không gian ba chiều để hình dung thì đường chân trời (horizontal line) và điểm biến mất (vanishing point) nằm ở ngoài không gian và trình hiện trước mặt/mắt người quan sát và bị người quan sát chi phối, định giá bằng khoảng cách không gian/thời gian theo các các chuẩn mực, lý tưởng và đạo đức của người quan sát từ bên ngoài. Ngược lại, trong phối cảnh tâm trí thì đường chân trời và điểm biến mất của hình ảnh lập tức nội tại hóa, biến người quan sát thành khách thể bị chi phối, kiểm soát và dẫn dắt từ bên trong. Đối với trường hợp khuôn mặt Suối Cỏ thì hai yếu tố chủ đạo có sức mạnh nội tại hóa để chi phối người quan sát chính là các đường đồng tâm tạo nên cặp mắt với đồng tử mở hết cỡ, và khuôn miệng cong lên đầy sức mạnh, quyền lực, đe dọa, xua đuổi, nhấn chìm của hai cõi: Trời-Thiên đường-Dương-Nam và Đất-Địa ngục-Âm-Nữ.
Tạm kết
Từ nhiều góc độ, các hình chạm khắc tạo thành khuôn mặt di sản đá cổ Suối Cỏ, theo một nghĩa nào đó, rất xứng đáng được coi là một “kiệt tác” của [những] bậc thầy bình dân xưa. Trong khi đó bài viết nhỏ này mới chỉ mon men chạm tới đôi chút giá trị thiết kế đồ họa, văn bản học, tâm lý học động thái, lẫn pareidolia ứng dụng. Ngoài ra, mạch ngầm của di sản này vẫn chứa đựng vô số nguồn tài nguyên nhân văn cần được đưa ra ánh sáng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của nó trong rất nhiều viễn cảnh khác nhau, kể cả môi trường, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, bản sắc tộc người, v.v... Hy vọng rằng trong một bài viết nhỏ tiếp theo chúng tôi sẽ khai mở thêm một trong số các nguồn mạch quý giá tạo thành nền tảng kinh tế nghi lễ ẩn sau góc khuất của di sản độc đáo này.
_____________________________________
Nguồn:
Hà Hữu Nga (2025). Ảo dị thị giác khuôn mặt của di sản đá cổ Suối Cỏ (Hòa Bình). Trong
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nghiên cứu bảo tồn
và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ Miền núi phía Bắc Việt Nam, Thuộc
Chương trình lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử - VINIF. Hà Nội ngày 18 tháng
1 năm 2025, tr.148-169.
Tài liệu dẫn
Adolphs, R.; Gosselin, F.; Buchanan, T.W.; Tranel, D.; Schyns, P.; Damasio, A.R. (2005). A mechanism for impaired fear recognition after amygdala damage. In Nature 2005, 433, 68–72.
Adolphs, R. (2008). Fear, faces, and the human amygdala. In Current Opinion in Neurobiology 2008, 18, 166–172.
Artuso C., P. Palladino and P. Ricciardelli (2015). Social Updating: The Role of Gaze Direction in Updating and Memorizing Emotional Faces. In Social Cognition 33, 6 (2015): 543–561.
Ashley, V.; Swick, D. (2019). Angry and Fearful Face Conflict Effects in Post-traumatic Stress Disorder. Front. Psychol. 2019, 10, 136.
Bakhshi S.D., S. Shamma and E. Gilbert (2014). Faces Engage Us: Photos with Faces Attract more Likes and Comments on Instagram. In Proceedings of the 2014 ACM Conference on Human Factors in Computing Systems, pp. 965-974.
Chalup S. K, K. Hong and M.J. Ostwald, (2010). Simulating Pareidolia of Faces for Architectural Image Analysis. In International Journal of Computer Information Systems and Industrial Management Applications 2 (2010): 262–78.
Coburn Stepen (2022). Pupil of the Eye and its Function, Size and Testing. In Journal of Contemporary Medical Education, Vol. 12, No. 9, 2022.
Conrad K. (1959). Das Problem der Vorgestaltung. In: Schmoll gen. Eisenwerth JA, editor. Das Unvollendete als Kuenstlerische Form. Bern: Eisenwerth. 1959. pp. 35–45.
Crivelli, C.; Fridlund, A.J. Facial (2018). Displays Are Tools for Social Influence. In Trends Cognitive Sciences 2018, 22, pp.388–399.
Dawel, A.; O’Kearney, R.; McKone, E.; Palermo, R. (2012). Not just fear and sadness: Meta-analytic evidence of pervasive emotion recognition deficits for facial and vocal expressions in psychopathy. In Neuroscience & Biobehavioral Reviews 2012, 36, 2288–2304.
De Valk, J.M.; Wijnen, J.G.; Kret, M.E. (2015). Anger fosters action. Fast responses in a motor task involving approach movements toward angry faces and bodies. Front. Psychol. 2015, 6, 1240.
Delbaere M., E.F. McQuarrie and B.J. Phillips (2011). Personification in Advertising. In Journal of Advertising 40 (2011): 121–130.
Derntl, B.; Habel, U. (2017). Angry but not neutral faces facilitate response inhibition in schizophrenia patients. Eur. Arch. Psychiatry Clin. Neurosci. 2017, 267, 621–627.
Diana, L., M. Frei, A. Chesham, D. De Jong, K. Chiffi, T. Nyffeler, C.L. Bassetti, N. Goebel, A.K.Eberhard-Moscicka and R.M. Müri (2020). A divergent approach to pareidolias — exploring creativity in a novel way. Published in Psychology of Aesthetics, Creativity, and the Arts, Division 10, American Psychological Association.
Ekman, P. and Freisen, WV., (1976). Pictures of facial affect. Palo Alto, CA: Consulting Psychologists Press, 1976.
Engen, H.G.; Smallwood, J.; Singer, T. (2017). Differential impact of emotional task relevance on three indices of prioritised processing for fearful and angry facial expressions. Cogn. Emot. 2017, 31, 175–184.
Epley N., A. Waytz and J. T. Cacioppo (2007). On Seeing Human: A Three-Factor Theory of Anthropomorphism. In Psychological Review 114, 4 (2007): 864–86.
Fonagy P. (2015). The effectiveness of psychodynamic psychotherapies: An update. In Journal World Psychiatry. 2015;14(2):137–150.
Fox E, Lester V, Russo R, Bowles RJ, Pichler A, Dutton K., (2000). Facial expressions of emotion: Are angry faces detected more efficiently? In Cognition and Emotion, 2000; 14:61–92.
Fox Elaine and Ljubica Damjanovic (2006). The Eyes Are Sufficient to Produce a Threat Superiority Effect. In Journal Emotion. 2006 August ; 6(3): 534–539.
Gosselin F., and P. G. Schyns, (2003). Superstitious Perceptions Reveal Properties of Internal Representations. In Psychological Science 14, 5 (2003): 505–509.
Greenwald, A. G., and C. Leavitt, C. (1984). Audience Involvement in Advertising: Four Levels. In Journal of Consumer Research 11, 1 (1984): 581–92.
Guido G., (2001). The Salience of Marketing Stimuli. Kluwer Academic Publishers, 2001.
Guido G. and A.M. Peluso (2015). Brand Anthropomorphism: Conceptualization, Measurement, and Impact on Brand Personality and Loyalty. In Journal of Brand Management 22, 1 (2015): 1–19.
Guido Gianluigi, Marco Pichierri, Giovanni Pino, and Rajan Nataraajan (2019). Effects of Face Imagines and Face Pareidolia on Consumers. in Journal of Advertising Research, 2018, № 2, p. 219-231
Hart P., and M. B. Royne (2017). Being Human: How Anthropomorphic Presentations Can Enhance Advertising Effectiveness. In Journal of Current Issues & Research in Advertising, (2017).
Hershler, O., & Hochstein, S. (2005). At first sight: A high-level pop out effect for faces. In Vision Research, 45, 1707–1724.
Hong K., S. K. Chaulup, R. King, and M. J. Ostwald (2013). Scene Perception Using Pareidolia of Faces and Expressions of Emotion.” In Computational Intelligence for Creativity and Affective Computing (CICAC), 2013 IEEE Symposium (pp. 79–86). IEEE, 2013.
Hodgson, D. and Helvenston, P. (2010). The neuropsychological basis of rock art: hyperimagery and its significance for understanding the archaeological record. In, Archaeological Invisibility and Forgotten Knowledge. Conference Proceedings, University of Łódź, Poland, 5th–7th September 2007. K. Hardy (ed.). pp. 172-179. BAR International Series 2183: Archaeopress: Oxford.
Hodgson, Derek (2023). Seeing beyond Pareidolia: Implications for Palaeoart. Rock Art Research 2023 - Volume 40, Number 2, pp. 1-26.
Hur J. D., M. Koo and W. Hofmann (2015). When Temptations Come Alive: How Anthropomorphism Undermines Self-Control. In Journal of Consumer Research 42, 2 (2015): 340–58.
Ichikawa, H., Kanazawa, S., & Yamaguchi, M. K. (2011). Finding a face in a face-like object. In Perception, 40, 500–502.
Isabellaa Giuliana and Valter Afonso Vieirab (2020). The effect of facial expression on emotional contagion and product evaluation in print advertising. In RAUSP Management Journal, Vol. 55 No. 3, 2020, pp. 375-391.
Kahlbaum, Karl Ludwig (1866). Die Sinnesdelirien. Allgemeine Zeitschrift für Psychiatrie und psychisch - gerichtliche Medicin, herausgegeben von Deutschlands Irrenärzten, unter der Mit - Redaktion von Damerow, Flemming, Roller durch Heinrich Laehr. Dreiundzwanzigster - Band. 1. und 2. Heft. Verlag von August Hirschwald, Berlin 1886.
Kanwisher, N. (2000). Domain specificity in face perception. In Nature Neuroscience, 3, 759–763.
Koelkebeck, K. et al. (2015). Benefits of using culturally unfamiliar stimuli in ambiguous emotion identification: a cross-cultural study. In Schizophrenia Research 228, 39–45, 2015.
Lang P.J., M.M. Bradley and B.N. Cuthbert (1997). Motivated attention: affect, activation, and action. In Attention and Orienting: Sensory and Motivational Processes, J. Lang, R. F. Simons, and M. T. Balaban, eds. pp. 97–135. Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, 1997.
Lang A. (2000). The Limited Capacity Model of Mediated Message Processing. In Journal of Communication 50, 1 (2000): 46–70.
Lang, P. J., M. M., Bradley, and B.N. Cuthbert (1997). Motivated attention: affect, activation, and action. In Attention and Orienting: Sensory and Motivational Processes J. Lang, R. F. Simons, and M. T. Balaban, eds. pp. 97–135. Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, 1997.
Lê Hải Đăng (2024). Báo cáo kết quả thực địa Khảo cổ học di tích chạm khắc đá ở tỉnh Hòa Bình tháng 3 năm 2024. Dự án: Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ Miền núi Phía Bắc Việt Nam, Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đơn vị Tài trợ: Công ty cổ phần VinBigdata thuộc Tập đoàn Vingroup.
Lindström A., H. Berg, J. Nordfält, A.L. Roggeven and D. Grewal (2016). Does the Presence of a Mannequin Head Change Shopping Behavior?. In Journal of Business Research 69, 2 (2016): 517–24.
Liu J., J. Li, L. Feng, L. Li, J. Tian and K. Lee (2014). Seeing Jesus in Toast: Neural and Behavioral Correlates of Face Pareidolia. In Cortex 53 (2014): 60–77.
Lu, H.; Wang, Y.; Xu, S.; Wang, Y.; Zhang, R.; Li, T. (2015). Aggression differentially modulates brain responses to fearful and angry faces: An exploratory study. Neuroreport 2015, 26, 663–668.
Lundqvist D, Esteves F, Öhman A., (1999). The face of wrath: Critical features for conveying facial threat. In Cognition and Emotion, 1999, 13:691–711.
Mackay-Brandt, A. (2011). Orienting Response. In Encyclopedia of Clinical Neuropsychology (pp. 1830-1831). Springer New York, 2011.
Malmström T, Kröger RH (2006). Pupil shapes and lens optics in the eyes of terrestrial vertebrates”. In Journal of Experimental Biology 209, 18-25, 2006.
Man Khánh Quỳnh (2024). Báo cáo kết quả điều tra khảo sát di sản chạm khắc đá cổ tại xóm Chum, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án: Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ Miền núi Phía Bắc Việt Nam, Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đơn vị Tài trợ: Công ty cổ phần VinBigdata thuộc Tập đoàn Vingroup.
Mancini Christian, Luca Falciati, Claudio Maioli and Giovanni Mirabella (2020). Threatening Facial Expressions Impact Goal-Directed Actions Only if Task-Relevant. In Brain Science, 2020, 10 (11), 794.
Martinez-Conde and S. L. Macknik (2012). A Faithful Resemblance. In Scientific American Mind 23, 4 (2012): 19–21.
Meng, M., Cherian, T., Singal, G., & Sinha, P. (2012). Lateralization of face processing in the human brain. In Proceedings, Biological Sciences, 279, 2052–2061.
Morton, J., & Johnson, M. H. (1991). CONSPEC and CONLERN: A two-process theory of infant face recognition. In Psychological Review, 98, 164–181.
Nguyễn Việt (2022). Kết quả nghiên cứu Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình. https://vanhoavaphattrien.vn/ket-qua-nghien-cuu-bai-da-co-hinh-khac-nguyen-thuy-tai-suoi-co-my-thanh-lac-son-hoa-binh-a15605.html
Nieuwenhuis S., De Geus and Aston-Jones (2011). The Anatomical and Functional Relationship between the P3 and Autonomic Components of the Orienting Response. In Psychophysiology 48, 2 (2011): 162–175.
Öhman, A. (1993). Fear and anxiety as emotional phenomena: Clinical phenomenology, evolutionary perspectives, and information processing mechanisms. In: Lewis, M.; Haviland, JM., editors. Handbook of emotions. New York: Guilford Press; 1993. p. 511-536.
Öhman A., A. Hamm and Hugdahl (2000). Cognition and the Autonomic Nervous System: Orienting, Anticipation, and Conditioning. In Handbook of Psychophysiology (2nd ed), J. T. Cacioppo, L.G. Tassinary, and G. G. Bernston, eds. pp. 533–575. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.
Öhman A, Lundqvist D, Esteves F. (2001). The face in the crowd revisited: A threat advantage with schematic stimuli. In Journal of Personality and Social Psychology. 2001; 80:381–396.
Öhman A, Mineka S. (2001). Fears, phobias, and preparedness: Toward an evolved module of fear and fear learning. In Psychological Review. 2001; 108:483–522.
Öhman A., (2002). Automaticity and the Amygdala: Nonconscious Responses to Emotional Faces. In Current Directions in Psychological Science 11 (2002): 62–66.
Omer, Y., Sapir, R., Hatuka, Y. & Yovel, G. (2019). What is a face? Critical features for face detection. In Perception 48, 437–446 (2019)
Pavlova, M. A., Scheffler, K. & Sokolov, A. N. (2015). Face-n-food: gender differences in tuning to faces. In Public Library of Science, One 10, 2015.
Rekow, D., Baudouin, J. Y., Brochard, R., Rossion, B. & Leleu, A. (2022). Rapid neural
categorization of facelike objects predicts the perceptual awareness of a face (face pareidolia). In Cognition 222, 105016 (2022).
Richler J. J., and I. Gauthier (2014). A Meta-Analysis and Review of Holistic Face Processing. In Psychological Bulletin 140, 5 (2014): 1281–1302.
Rieth C.A., K. Lee, J. Lui, J. Tian and D.E. Huber (2011). Faces in the Mist: Illusory Face and Letter Detection.In i-Perception 2, 5 (2011), 458–76.
Ro T., C. Russel, and N. Lavie (2001). Changing Faces: A Detection Advantage in the Flicker Paradigm. In Psychological Science 12, 1 (2001): 94–99.
Rodger, H., Kelly, D. J., Blais, C. & Caldara, R. (2010). Inverting faces does not abolish cultural diversity in eye movements. In Perception 39, 1491–1503 (2010).
Rolf, R., Sokolov, A. N., Rattay, T. W., Fallgatter, A. J. & Pavlova, M. A. (2020). Face pareidolia in schizophrenia. In Schizophrenia Research 218, 138–145 (2020).
Rossion B., (2013). The Composite Face Illusion: A Whole Window into Our Understanding of Holistic Face Perception. In Visual Cognition 21, 2 (2013): 139–253.
Sajjacholapunt P., and L.J. Ball (2014). The Influence of Banner Advertisements on Attention and Memory: Human Faces with Averted Gaze can Enhance Advertising Effectiveness. In Frontiers in Psychology 5, 166 (2014): 1–16.
Shelley C., (2015). Biomorphism and Models in Design. In Philosophy and Cognitive Science II 20 (2015): 209–21.
Sinha, P., Balas, B., Ostrovsky, Y., & Russell, R. (2006). Face recognition by humans: Nineteen results all computer vision researchers should know about. In Proceedings of the IEEE, 94, 1948–1961.
Small D. A., and N. M. Verrochi (2009). The Face of Need: Facial Emotion Expression on Charity Advertisements. In Journal of Marketing Research 46, 6 (2009): 777–87.
Taubert, J., Wardle, S. G., Flessert, M., Leopold, D. A., & Ungerleider, L. G. (2017). Face pareidolia in the rhesus monkey. In Current Biology, 27, 2505–2509.
Tipples J, Atkinson AP, Young AW., (2002). The eyebrow frown: A salient social signal. In Journal Emotion, 2002; 2:288–296.
Tomalski P., G. C. Sibra and M.H. Johnson (2009). Rapid Orienting toward Face-Like Stimuli with Gaze-Relevant Contrast Information. In Perception 38, 4 (2009): 569–78.
Tsao, D. Y., & Livingstone, M. S. (2008). Mechanisms of face perception. In Annual Review of Neuroscience, 31, 411–437.
Xiao L., and M. Ding (2014). Just the Faces: Exploring the Effects of Facial Features in Print Advertising. In Marketing Science 33, 3 (2014): 338–52.
Weaver M.D., and J. Lauwereyns (2011). Attentional Capture and Hold: The Oculomotor Correlates of the Change Detection Advantage for Faces. In Psychological Research 75, 1 (2011): 10–23.
Whalen PJ, Kagan J, Cook RG, Davis CF, Kim H, Polis S, et al. (2004). Human amygdala responsivity to masked fearful eye whites. Science. 2004, 306: 2061.
Yiend, J. (2010). The effects of emotion on attention: A review of attentional processing of emotional information. In Cognition and Emotion 2010, 24, 3–47.
___________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét