Powered By Blogger

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Các loại tính bền vững trong phát triển



Các loại tính bền vững trong phát triển

Hà Hữu Nga

Tính bền vững yếu

Vấn đề cốt yếu của tính bền vững liên quan đến việc bảo tồn các nguồn vốn. Trong khuôn khổ vốn vật chất, nếu tổng mức tiêu dùng của một quốc gia thấp hơn hoặc bằng tổng sản phẩm quốc nội của nó thì tối thiểu nó cũng phải duy trì tổng các nguồn vốn của nó, và vì vậy mà có thể được xác định là một nền kinh tế phát triển bền vững. Nếu nguồn vốn thuộc về nền kinh tế đó được mở rộng bao gồm cả vốn con người và vốn tự nhiên cũng như vốn vật chất thì sẽ xuất hiện vấn đề là liệu những loại vốn khác nhau có thể được cộng lại một cách giản đơn không, chẳng hạn như mức suy giảm của một loại vốn có thể được bù đắp bằng mức tăng lên của một nguồn vốn khác không? Nói cách khác, điều đó làm nảy sinh vấn đề về tính bền vững giữa các loại hình vốn. Hai hệ mẫu cơ bản của lý thuyết phát triển bền vững mới xuất hiện trong các tài liệu hiện nay dựa trên những lý giải về vấn đề tính bền vững giữa vốn tự nhiên và vốn do con người làm ra [Neumayer 2003]. Loại vốn tự nhiên có thể được gọi là “tính bền vững yếu”, xuất phát từ công trình của hai nhà kinh tế học Robert Solow and John Hartwick [Solow, 1974a, 1974b; Hartwick, 1977, 1978]. 

Trong một loạt công trình nghiên cứu, hai nhà kinh tế học này đã khảo sát vấn đề đầu tư các khoản địa tô từ các nguồn có khả năng cạn kiệt vào các nguồn vốn cổ phần liên thế hệ. Dưới hình thức đơn giản nhất của nó, mô hình này đã phác hoạ một nền kinh tế mà các khoản địa tô cạnh tranh từ việc sử dụng các nguồn có thể cạn kiệt được tái đầu tư vào các hàng hoá tư bản do con người làm ra bằng cách tạo điều kiện cho xã hội duy trì một dòng tiêu dùng ổn định; trong trường hợp này người ta có thể thấy rất rõ mức tích luỹ của nguồn vốn vật chất thể hiện mức suy giảm của nguồn vốn tự nhiên. Vì vậy mô hình lý thuyết này đã giả định rằng nguồn vốn tự nhiên và vốn do con người làm ra là những khoản thay thế hoàn hảo trong việc sản xuất các loại hàng hoá tiêu dùng và trong việc cung cấp trực tiếp phương tiện sử dụng cho cả các thế hệ hiện tại và tương lai. Vì vậy nó là tổng các nguồn vốn có thể đặt thành vấn đề, cũng có thể không đặt thành vấn đề là nó được tái tích luỹ như thế nào; nói cách khác, sẽ không có vấn đề gì nếu thế hệ hiện tại sử dụng các nguồn có khả năng cạn kiệt đến mức nguồn vốn vật chất mới đủ để cung cấp cho các thế hệ tương lai bằng cách đền bù, và nó còn được gọi là “mô hình khả thế” [Throsby D. 1979, 1994, 2001].

Tính bền vững mạnh

Là một hệ mẫu khác coi các nguồn vốn tự nhiên là không thể thay thế, còn gọi là “mô hình bất khả thế”, cho nguồn vốn do con người làm ra, một quan điểm xuất phát từ các thuộc tính nhất quán hỗ trợ cho các hệ thống sống trong không khí, trên cạn và dưới nước. Những người chủ trương tính bền vững mạnh cho rằng: không có bất cứ loại hình vốn nào khác có thể có những chức năng cơ bản làm cho con người, các loài động thực vật có thể sống được ngoài nguồn vốn tự nhiên [Barbier et al., 1994]. Hơn nữa một số loại hình vốn tự nhiên không thể được tái cấu trúc khi chúng đã bị huỷ hoại, chẳng hạn việc phá huỷ tính đa dạng sinh học là việc làm mất đi nguồn vốn tự nhiên không có cách nào bù đắp lại, và ngay cả việc thay đổi khí hậu cũng có thể làm tổn hại đến các hệ sinh thái không gì có thể bù đắp lại. Nói cách khác, hệ mẫu tính bền vững mạnh cho rằng các chức năng của nguồn vốn tự nhiên không thể được tái tạo, nên không thể hy vọng vào cái gọi là các khoa học tối tân của các thế hệ tương lai có thể làm được công việc đó. Vì vậy con người đã đặc biệt tập trung chú ý vào việc cụ thể hoá các con đường phát triển tối ưu cho mỗi nền kinh tế theo những hệ mẫu khác nhau. 

Hệ mẫu bền vững mạnh đòi hỏi một phương pháp đo lường nào đó xem liệu một con đường nhất định có bền vững theo các tiêu chuẩn đã định hay không. Pearce D. W. [1993] đã nỗ lực chứng tỏ hệ mẫu này.  Ngay trong thời gian đó, Victor đã đề xuất chỉ báo tính bền vững Z cho con đường phát triển bền vững yếu, trong đó một nền kinh tế được xác định là bền vững khi nó tiết kiệm được nhiều hơn tổng mức suy giảm của các nguồn vốn tự nhiên và vốn do con người tạo ra, tức là Z > 0 khi và chỉ khi S >(dM. dN) trong đó S là các khoản tiết kiệm, là mức suy giảm, với các ký hiệu M biểu thị nguồn vốn do con người tạo ra và N là nguồn vốn tự nhiên [Victor, P.A., 1991; Victor, P.A., Hanna, E. and Kubursi, A., 1994]. Pearce và Atkinson đã ước tính chỉ số này cho một loạt quốc gia và đã đi đến kết luận rằng “ngay cả đối với quy luật tính bền vững yếu thì nhiều nước có vẻ cũng không vượt qua được một phép thử về tính bền vững” [Pearce & Atkinson 1993: 105].

Môi trường bền vững

Đòi hỏi sản xuất và tiêu dùng phải đảm bảo giảm thiểu và thanh toán tất cả các vật chất thải ra trong quá trình tìm kiếm, khai thác, chế biến, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm; phải đảm bảo thiết kế và sản xuất hàng hoá một cách hiệu quả với một lượng vật chất tối thiểu và sử dụng tối đa các sản phẩm không độc hại, có thể tái chế, làm mới và có tính bền vững; việc thiết kế sản phẩm phải đảm bảo tính lâu bền và có thể sửa chữa, nâng cấp, tái chế, tái sử dụng ở giai đoạn sử dụng cuối cùng của sản phẩm; phải đảm bảo tạo ra các hệ thống sản xuất không huỷ hoại các nguồn của tự nhiên và cuộc sống của con người [Pearce & Atkinson 1993]. 

Làm thế nào để đạt được sự phát triển bền vững cho môi trường? Đối với nhiều người hai khái niệm phát triển và bền vững thường mâu thuẫn với nhau. Phát triển bao gồm một loạt hoạt động và các quá trình biến đổi cực kỳ đa dạng nhằm làm tăng khả năng của môi trường và thoả mãn được các nhu cầu của con người, có thể cải thiện chất lượng sống, bảo vệ và duy trì bền vững các hệ thống hỗ trợ sự sống. Vì vậy phát triển bền vững môi trường bao gồm nhiều hoạt động truyền thống, chẳng hạn như việc khai thác và chế biến các nguồn, việc xây dựng các hạ tầng, việc mua bán các loại sản phẩm. Tuy nhiên nó còn bao gồm các nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, hỗ trợ cho nghệ thuật phát triển, chăm sóc sức khoẻ, an ninh xã hội, giáo dục, và nhiều hoạt động khác. 

Để môi trường có thể bền vững trong quá trình phát triển thì cần phải duy trì và cân bằng các lợi ích. Điều đó có nghĩa là quá trình hoạt động phát triển cần phải  thoả mãn các mục tiêu kinh tế, xã hội nhưng không bao giờ được phép bỏ qua nhân tố môi trường. Việc xác định một hoạt động là bền vững hoặc coi hoạt động đó là bền vững cho môi trường chính là quá trình dự liệu cho tương lai. Vì vậy khái niệm tính bền vững về môi trường luôn luôn gắn liền với khía cạnh không bền vững. Tất cả những gì con người nên làm và phải làm là theo đuổi các hoạt động bền vững và không chấp nhận các quá trình và các hoạt động không có tính bền vững. Hơn nữa con người cũng cần phải thừa nhận rằng phát triển bền vững kết hợp các nguyên tắc về tính công bằng và sự tôn trọng không chỉ đối với những người khác, mà còn đối với cả môi trường. Vì vậy phát triển bền vững không giới hạn vào các hoạt động tác động đến môi trường hoặc dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Đó là một sự pha trộn các hoạt động bao gồm các mục tiêu kinh tế, các mục tiêu xã hội, nhưng không bao giờ được bỏ qua các mục tiêu môi trường; một số dựa trên sự bảo tồn, một số dựa vào khai thác các nguồn nguyên vật liệu, và một số phụ thuộc vào các nguồn tri thức - tất cả đều nhằm tạo thuận lợi cho con người phát huy được đầy đủ các tiềm năm và hưởng thụ một các tốt nhất hạnh phúc của cuộc sống trong một môi trường bền vững [Pearce & Turner 1990]. 

Tính bền vững kinh tế

Phải đảm bảo việc sản xuất các hàng hoá và dịch vụ đem lại lợi ích một cách công bằng và hợp lý cho các bên tham gia, bao gồm các cá nhân, các hộ gia đình, các nhóm lợi ích, các công ty, các chủ sở hữu, người sản xuất, người phân phối, v.v...trong khi không quên nghĩa vụ đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng, vùng và quốc gia, và quốc tế; kinh tế bền vững còn hàm nghĩa một nền tài chính bền vững và minh bạch; về phương diện môi trường, điều kiện tối thiểu để đảm bảo một nền kinh tế bền vững là các hoạt động kinh tế không được vượt quá ngưỡng cho phép trong việc khai thác các nguồn tự nhiên; không được vượt quá ngưỡng cho phép trong việc tích tụ các vật chất thải loại; phải giảm thiểu việc sản xuất các vật liệu tổng hợp mà tự nhiên không thể đồng hoá [Pearce, David W. and R. Kerry Turner, 1990].  

Nói một cách đơn giản, tính bền vững kinh tế đòi hỏi các lợi ích kinh tế phải lớn hơn, hoặc tối thiểu cũng ngang bằng với các chi phí đã bỏ ra. Tính bền vững về kinh tế dễ đo đếm hơn nhiều so với tính bền vững về xã hội và sinh thái, vì các yếu tố kinh tế cơ bản có thể được lượng hoá bằng tiền. Tuy nhiên vì có rất nhiều biến số liên quan, nên việc dự đoán tính bền vững kinh tế không phải bao giờ cũng dễ dàng. Tính bền vững kinh tế thường được khuôn trong mối quan hệ cung và cầu: mức độ có sẵn và chi phí cho các đầu vào (trước hết là các nguyên vật liệu) và việc vận chuyển các đầu vào đó; các chi phí khai thác, xử lý, chế biến, bao gồm cả năng lượng, lao động, máy móc; và mức cầu đối với sản phẩm [Munro 1995]. Về phương diện cung, tính bền vững kinh tế ngày càng phụ thuộc vào việc sử dụng các nguồn thể không tái tạo cũng như phụ thuộc vào việc giảm bớt mức tiêu hao năng lượng và các nguyên vật liệu trên một đơn vị sản xuất. Trong trường hợp các nhân tố sinh thái hạn chế cơ bản tính bền vững thì việc phát triển kinh tế buộc ta phải sử dụng các nguồn theo cách thức không gây hại đến môi trường và không được làm suy yếu năng lực của các nguồn có thể tái tạo nhằm bổ sung không ngừng cho các nguồn đó [Pearce, David W., 1993; Solow, Robert, 1974a].
 
Về phương diện cầu, mức tiêu thụ các nguồn có nguy cơ cạn kiệt luôn luôn đẩy tính bền vững đến bên bờ rủi ro. Thực tế cho thấy rằng các lực lượng thị trường chẳng hạn như tăng giá lên cao vẫn không đủ để bảo vệ được các nguồn bị khai thác quá mức. Trong khi đó việc tăng giá lại có khuynh hướng khuyến khích người ta bằng mọi cách kiểm soát được các nguồn hiếm hoi đó, càng làm tăng giá trị của chúng lên vì mức độ khan hiếm của các nguồn đó. Ở nơi nào mà giá cả thấp (chẳng hạn nhờ công nghệ khai thác hiệu quả hơn) thì mức cầu lại cao và có thể làm giảm lượng dự trữ của các nguồn xuống dưới mức có thể hồi phục. Vì vậy giá cả thị trường cho dù cao hay thấp vẫn đều không nhất thiết là những chỉ báo chính xác về mức độ bền vững kinh tế. Mức độ bền vững kinh tế vẫn có thể bị đe doạ bởi bất cứ nhân tố nào có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng sống còn giữa chi phí và lợi ích. Nhưng vấn đề cốt tử lại ở chỗ đảm bảo sự cân bằng ấy là một công việc rất phức tạp. Chẳng hạn các tiêu chuẩn bắt buộc về khí thải có thể đòi hỏi phải đầu tư tốn kém vào các quá trình sản xuất tinh vi hơn nhiều. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc chấp nhận các quá trình như vậy vẫn đạt được các khoản tiết kiếm chi phí ngoài sức mong đợi thậm chí còn lớn hơn cả các khoản chi bổ sung [Solow, Robert, 1974b; Throsby, David & Glen Withers 1979].

Không cần phải quá nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tính bền vững kinh tế, vì hàng ngày đã có rất nhiều tin tức, thông báo về hiện trạng nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chỉ cần nói rằng mức độ bền vững kinh tế chính là cơ sở cho việc trả lương, lương hưu, các loại phục cấp, các khoản lợi tức đầu tư – trong thực tế đó là cơ sở cho mọi hệ thống phân phối thu nhập xã hội. Vì vậy có thể khẳng định rằng bất cứ hoạt động phát triển nào không hỗ trợ cho các dòng thu nhập liên tục ở mọi cấp độ mà xã hội có thể chấp nhận thì sẽ không bền vững về phương diện kinh tế.

Tính bền vững xã hội

Bao gồm việc sản xuất hàng hoá và các dịch vụ bằng cách đảm bảo cho người sản xuất có một mức sống khá trở lên và các điều kiện sản xuất phải an toàn cho sức khoẻ, và tính mạng của họ; phải đảm bảo xây dựng được một xã hội với các cộng đồng, các hộ gia đình, các giới, các cá nhân an lạc, hạnh phúc và đảm bảo cung cấp một cách công bằng cho họ mọi cơ hội cải thiện đời sống vật chất và tinh thần; đảm bảo mọi cơ hội tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và xã hội. Vậy thì có tồn tại những câu thúc xã hội đối với phát triển giống như các giới hạn sinh thái tạo nên bởi sức chứa hay không? Tính bền vững xã hội phản ánh mối quan hệ giữa phát triển và các chuẩn mực xã hội hiện thời. Một hoạt động được coi là bền vững về phương diện xã hội nếu như nó thích hợp với các chuẩn mực xã hội hoặc nó không vượt quá sức chịu đựng của cộng đồng đối với sự biến đổi. Các chuẩn mực xã hội có cơ sở ở niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, các truyền thống, phong tục tập quán; chúng bắt rễ sâu trong các giá trị gắn liền với sức khoẻ và hạnh phúc của mọi người. Các chuẩn mực cũng có thể hoặc có khi không thể được luật pháp hoá. Một số chuẩn mực liên quan đến các giá trị phi vật thể chẳng hạn như các niềm tin ăn sâu trong tâm khảm con người về đúng sai, hoặc về các giá trị gắn liền với tầm quan trọng của các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống và môi trường. Ngay cho dù chúng là các giá trị phi vật thể gthì những giá trị đó cũng là những nhân tố có tác động rất mạnh mẽ [Throsby, David & Glen Withers 1979].

Các chuẩn mực xã hội ít trừu tượng khác liên quan đến ngôn ngữ, giáo dục, các mối quan hệ gia đình, quan hệ cá nhân, các tôn ty và các hệ thống đẳng cấp, giai tầng, các thái độ đối với cuộc sống, lòng khoan dung, và tất cả những khía cạnh của hành vi cá nhân hoặc hành vi nhóm không gắn trực tiếp với các mối quan tâm kinh tế. Chỉ số chính yếu thể hiện sự phát triển không bền vững về phương diện xã hội là hành vi phản xã hội, bao gồm hành động phá hoại tài sản, chia rẽ cộng đồng, và các hành vi tội ác khác. Rất khó xác định và đo lường chuẩn mực nào mang tính xã hội nhất, vì vậy cũng không dễ vạch rõ và đánh giá rạch ròi được giới hạn đó. Những khó khăn này càng thể hiện rõ ràng tại những quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá vì mỗi cộng đồng khác nhau có những chuẩn mực xã hội khác nhau. Hơn nữa các chuẩn mực xã hội lại không dễ biến đổi, đặc biệt là đối với các quốc gia, các dân tộc đang trải qua vô vàn biến đổi về các phương diện khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các biến đổi kinh tế và xã hội vận động rất nhanh chóng: có những hành vi hôn nay được coi là không thể chấp nhận thì một ngày nào đó nó lại trở nên rất bình thường, hoặc ngược lại. Các chuẩn mực xã hội có thể tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng hầu hết chỉ thay đổi trong một thời gian rất lâu dài [Throsby, David & Glen Withers 1979].

Tuy nhiên vấn đề cốt lõi trong việc đánh giá tính bền vững là ở chỗ cho dù nhiều chuẩn mực xã hội có thể thay đổi, nhưng nhiều chuẩn mực vẫn tồn tại một cách rất dai dẳng. Bất kỳ một đề xuất nào vượt khỏi các giới hạn xã hội hiện tồn sẽ dễ dàng thất bại vì những người có liên quan sẽ không chấp nhận hoặc phản kháng lại. Thực tế đó đặt ra cho chúng ta một vấn đề là làm thế nào vượt qua được các hạn chế xã hội nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thật khó. Các đặc điểm môi trường có thể được các cộng đồng người đo lường một cách dễ dàng chẳng hạn như một dòng sông còn hoang dã, dòng nước chảy tự do có vẻ như không có giá trị gì đối với những người ngoài cộng đồng. Trong khi đó các nhóm người kiếm sống bằng phương thức truyền thống và phụ thuộc hầu hết vào các nguồn tự nhiên chẳng hạn như đánh cá, săn bắn, làm nông, khai thác mỏ, khai thác gỗ thường cự tuyệt với những thay đổi đến mức những người ngoài cuộc không thể nào hiểu nổi. Vì vậy có thể nói rằng các chuẩn mực và câu thúc xã hội liên quan đến phát triển phải được xem xét một cách cẩn trọng khi xây dựng các kế hoạch phát triển bền vững. Vì vậy việc xác định các giới hạn xã hội liên quan đến tính bền vững không còn bất cứ một cách lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác chặt chẽ với các nhóm người, các cộng đồng có liên quan [Throsby, David 1994]. 

Tính bền vững văn hoá

Các nhà nghiên cứu đã từng đặt ra câu hỏi: làm thế nào để đưa hệ mẫu tính bền vững vào lĩnh vực văn hoá thông qua vốn văn hoá? Và cuối cùng họ cũng đã tìm ra được câu trả lời bằng cách tiếp cận định nghĩa giá trị vốn về phương diện kinh tế và văn hoá, trong đó vốn văn hoá được phân biệt với vốn vật chất bằng việc sản xuất các giá trị văn hoá và hiện thân của các giá trị đó, có thể được thể hiện bằng tính khả thế bằng 0 giữa vốn văn hoá và vốn vật chất liên quan đến các sản phẩm văn hoá với tư cách là các đầu ra của quá trình sản xuất, vì ngoài văn hoá ra không còn bất cứ loại hình vốn nào có khả năng tạo ra loại giá trị này. Vì vậy hoàn toàn có thể và cần phải cụ thể hoá con đường phát triển bền vững cho loại hình vốn văn hoá bằng cách tính đến các đặc trưng riêng biệt của nó. Người ta đơn giản hoá cách lượng hoá vốn văn hoá cho phát triển bền vững bằng cách coi đây là loại hình tính bền vững cận-mạnh (quasi-strong) bằng cách định nghĩa nó chỉ trong khuôn khổ nguồn vốn văn hoá, vì vậy mà hoàn toàn không cần đặt vấn đề về tính chất có thể thay thế vốn văn hoá bằng các loại hình vốn khác. Giả sử một nền kinh tế khép kín sở hữu một nguồn vốn văn hoá K với tổng giá trị xã hội V = V(Ke, Kc) trong đó Ke là giá trị các nguồn vốn kinh tế ở một thời điểm nhất định, được đo bằng khuôn khổ tài chính thuần tuý, và Kc là giá trị các nguồn vốn văn hoá được đo bằng một hệ đơn vị phản ánh tầm quan trọng hoặc giá trị của tài sản văn hoá đối với xã hội. Trong một giai đoạn bất kỳ, K sản xuất ra một dòng thu nhập y được đo bằng cả khuôn khổ giá trị tính bằng tiền lẫn giá trị văn hoá [Throsby D. 2001].

Nếu các tài sản văn hoá thường được tái định giá như các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng hoặc các công trình hay các khu di sản lịch sử thì các dòng thu nhập này có thể được tạo ra bằng cách trưng bày các tác phẩm đó cho mọi người xem, hoặc mở cửa các công trình kiến trúc, các khu di sản cho khách du lịch. Trong mỗi trường hợp thì dòng thu nhập bằng tiền được tạo ra đổ vào túi người chủ trực tiếp của các tài sản đó; đồng thời một dòng “thu nhập văn hoá” cũng được tạo ra, trong đó một số đổ vào xã hội với tư cách là các lợi ích xuất phát từ các hạng mục nguồn văn hoá đang hiện diện [Throsby D. 2001]. Từ quan điểm tính bền vững, chúng ta đang xem xét tỷ lệ thay đổi trong các dòng vốn từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, được đo bằng cả khuôn khổ giá trị kinh tế lẫn văn hoá. Các thay đổi theo thời gian ở cấp độ Ke được tạo ra bằng một số nhân tố khác nhau: i) các tác động ngoại sinh ảnh hưởng đến mức giá của các nguồn (chẳng hạn đối với bộ sư tập của một bảo tàng nghệ thuật, các tác động này xuất hiện khi có sự biến động trong thị trường); ii) sự mất giá gây ra bởi tình trạng cũ, hỏng, rách, gãy, vỡ, khách du lịch vi phạm, các tai họa thiên nhiên, chiến tranh, trộm cắp; iii) các khoản đầu tư bảo tồn, tôn tạo nhằm giữ gìn di sản bền vững lâu dài; iv) các khoản đầu tư giữ gìn và phổ biến các giá trị văn hoá truyền thống của các cộng đồng khác nhau; v) các khoản đầu tư phát triển một nền kinh tế sinh thái – văn hoá, v.v... [Throsby D. 2001]. 

Tính bền vững thể chế

Thể chế là các cấu trúc và cơ chế của trật tự và sự hợp tác xã hội được tạo ra để kiểm soát và điều phối các hành vi của các cá nhân, các nhóm, các cộng đồng trong mỗi xã hội. Các thể chế được xác định bằng các mục đích xã hội, nó có tính bền vững và vượt khỏi các ý muốn cá nhân nhằm duy trì một trật tự xã hội ổn định. Trong các xã hội truyền thống, khái niệm thể chế thường được áp dụng cho các mô hình hành vi, các nguyên tắc ứng xử, qui định các trật tự vị thế của các cá nhân, các cấu trúc xã hội, các nhóm xã hội. Trong các xã hội phức hợp, đặc biệt là các xã hội hiện đại, nội hàm của khái niệm thể chế đã trở nên rất đa dạng, với nhiều qui mô, nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, nhiều hình thức rất khác biệt nhau của các tổ chức xã hội, kể cả chính thức và không chính thức [Turner B.S. 2006]. Nhưng tất cả những hình thức, lĩnh vực, cấp độ ấy đều chịu sự chi phối chung của các nguyên tắc, các quy luật, các đạo luật mà một xã hội lựa chọn để thiết lập trật tự và sự hợp tác giữa các thành viên, các nhóm, các tập đoàn người trong xã hội đó. Về phương diện xã hội học, các nhà nghiên cứu thường sử dụng mô hình năm nhóm thể chế chủ yếu sau: i) các thể chế kinh tế được xây dựng cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn; cho sản xuất, phân phối, cho việc tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ; ii) các thể chế chính trị được thiết lập nhằm điều chỉnh và kiểm soát các con đường tiếp cận quyền lực; iii) các thể chế phân tầng xã hội được sử dụng để điều chỉnh và kiểm soát các con đường tiếp cận với uy tín và vị thế xã hội; iv) các thể chế thân tộc, hôn nhân và gia đình được sử dụng để kiểm soát quá trình sinh sản; và cuối cùng v) các thể chế văn hoá liên quan đến các thực hành tôn giáo, hệ thống biểu tượng, hệ thống giá trị, và các hoạt động văn hoá đa dạng khác [Turner B.S. 2006: 300]. Vì vậy tính bền vững của thể chế là cái đảm bảo cho các loại thể chế trong một xã hội có cấu trúc và cơ chế vừa ổn định để tồn tại lâu dài, nhưng lại vừa linh hoạt để thích ứng với những biến đổi không ngừng của hiện thực nhằm đảm bảo các chức năng điều chỉnh, kiểm soát và hợp tác một cách công bằng và hiệu quả giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức xã hội. Như vậy tính bền vững của thể chế cũng chính là tính bền vững của xã hội [Throsby, David, V. A. Ginsburgh 2006].          

Phát triển bền vững con người

Phát triển con người là vấn đề trung tâm của của phát triển bền vững. Các chỉ tiêu phản ánh tính bền vững trong phát triển con người bao gồm: i) nhóm chỉ tiêu thứ nhất: phản ánh mức sống được đo bằng tổng thu nhập quốc dân GNI (Gross National Income) trên đầu người. Chỉ tiêu GNI/đầu người càng cao, chứng tỏ khả năng lớn trong việc nâng cao mức sống của con người. Ngoài ra còn có các chỉ tiêu khác phản ánh mức sống của con người, chẳng hạn như mức lương thực bình quân đầu người, tỷ lệ phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, tỷ lệ cung cấp calori bình quân đầu người/ngày đêm; ii) nhóm chỉ tiêu thứ hai: phản ánh mức độ giáo dục và trình độ dân trí, chẳng hạn như tỷ lệ người lớn (từ 15 tuổi trở lên) biết chữ, phân theo giới tính, vùng, khu vực; tỷ lệ nhập học ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; số năm đi học trung bình (tính từ 7 tuổi trở lên); tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục so với tổng chi ngân sách, hoặc so với tổng thu nhập quốc nội (GDP – Gross Domestic Product); iii) nhóm chỉ tiêu thứ ba: phản ánh tuổi thọ bình quân và việc chăm sóc sức khoẻ, bao gồm tuổi thọ bình quân tính từ thời điểm mới sinh; tỷ lệ trẻ em chết yểu từ 1 – 5 tuổi; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng theo các tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng; tỷ lệ các bà mẹ tử vong vì lý do sinh sản; tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng dịch; tỷ lệ chi ngân sách cho y tế; iv) nhóm chỉ tiêu thứ tư: phản ánh về dân số và việc làm bao gồm tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên, tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn; v) chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index): bao gồm ba yếu tố cơ bản là tuổi thọ bình quân được phản ánh bằng số năm sống; trình độ giáo dục được đo bằng cách kết hợp tỷ lệ người lớn biết chữ và tỷ lệ đi học đúng độ tuổi; mức thu nhập bình quân trên đầu người tính theo sức mua tương đương. HDI được tính theo phương pháp chỉ số và có giá trị lớn nhất bằng 1, nhỏ nhất bằng 0. HDI càng gần 1 thì sự phát triển con người càng cao; vi) chỉ số phát triển giới: phát triển bền vững con người còn được đo bằng chỉ số phát triển giới, bao gồm các chỉ tiêu phản ánh mức độ phân biệt đối xử về giới, đặc biệt là với phụ nữ; vấn đề bạo lực gia đình, mà người chịu thiệt thòi nhiều là phụ nữ và trẻ em; tỷ lệ tham gia và ra quyết định của phụ nữ đối với các công việc gia đình, cộng đồng và xã hội; mức độ gia tăng quyền lực theo giới được đo bằng thước đo GEM (Gender Empowerment Measure).     
_________________________________________

Tài liệu tham khảo
       
Barbier, Edward B. et al., 1994. Paradise Lost? The Ecological Economics of Biodiversity, London: Earthscan.

Hartwick, John M., 1995. Constant consumption paths in open economies with exhaustible resources, Review of International Economics, 3(3):275-283.

Munro, David 1995. Sustainability: Rhetoric or Reality?. In A Sustainable World, edited by Thaddeus C. Trzyna, with the assistance of Julia K. Osborn. California: International Center for the Environment and Public Policy.

Neumayer, Eric, 2003. Weak versus Strong Sustainability: Exploring the Limits of Two Opposing Paradigms (2nd edn.). Cheltenham: Edward Elgar.

Pearce, David W., 1993. Economic Values and the Natural World. Cambridge MA: MIT Press.

Pearce D. W. and Giles D. Atkinson 1993. Capital theory and the measurement of sustainable development: an indicator of ‘weak’ sustainability, Ecological Economics, 8: 103 - 108.

Pearce, David W. and R. Kerry Turner, 1990. Economics of Natural Resources and the Environment. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Solow, Robert, 1974a. Intergenerational equity and exhaustible resources, In Review of Economic Studies, 41 (Symposium): 29-46.

Solow, Robert, 1974b. The economics of resources or the resources of economics, In American Economic Review, 64(2): 1-14.

Throsby, David & Glen Withers 1979. The Economics of the Performing Arts, Edward Arnold (Australia) Pty Ltd, 1979.

Throsby, David 1994. The Production and Consumption of the Arts: A View of Cultural Economics, In Journal of Economic Literature, Vol. XXXII, 1994, pp. 1-29.

Throsby, David 2001. Economics and Culture, Cambridge University Press, 2001.

Throsby, David, V. A. Ginsburgh 2006. Handbook of the Economics of Art and Culture, North-Holland.

Turner B.S. (Edited) 2006. The Cambridge Dictionary of Sociology. Cambridge University Press. 

Victor, P.A., 1991. Indicators of sustainable development: some lessons from capital theory. Ecol. Econ., 4: 191-213.

Victor, P.A., Hanna, E. and Kubursi, A., 1994. How strong is weak sustainability? In: D. Pearce and S. Faucheux (Editors), Proc. Int. Symp. on models of sustainable development, 16-18 March 1994, Paris, pp. 93-114.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét