Powered By Blogger

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Trao đổi phụ nữ trong huyền sử



Trao đổi phụ nữ trong huyền sử

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Trong cuốn sách Triết Lý Cái Đình của mình, Kim Định viết một chương có tựa đề Ba giai tầng Thông giao, trong đó ông bắt đầu bằng việc trích dẫn một câu của Claude Lévi-Strauss trong Nhân học Cấu trúc nói rằng Trong bất kỳ xã hội nào, thì giao dịch cũng đều vận hành dựa trên ba cấp độ khác nhau: giao dịch phụ nữ, giao dịch hàng hóa và dịch vụ, và giao dịch thông tin."

Vấn đề đầu tiên, giao dịch hoặc trao đổi phụ nữ (trao đổi đàn bà) là một khái niệm chủ chốt mà Lévi-Strauss đã phát triển liên quan đến nguồn gốc của xã hội loài người, và đó là một vấn đề mà Kim Định chứng tỏ rằng ông hiểu trong tác phẩm cấu Việt Nho của mình.

Lévi-Strauss thảo luận về khái niệm trao đổi phụ nữ trong công trình Cấu trúc Cơ bản của Quan hệ Thân tộc (Structures élémentaires de la Parente) của ông, công bố năm 1949. Trong tác phẩm này, Lévi-Strauss tìm cách chứng minh rằng bên dưới bề mặt của nhiều hệ thống phức tạp và đa dạng của các mối quan hệ thân tộc trên toàn thế giới là một số khái niệm cơ bản và phổ quát thông tin về các mối quan hệ này, thì khái niệm cơ bản nhất trong số đó là việc cấm loạn luân.

Trong tự nhiên thì không có cái ngăn cản được những cá thể thân cận giao phối với nhau. Do đó việc cấm loạn luân là một cấu trúc xã hội, và đối với Lévi-Strauss, nó đánh dấu nguồn gốc của các xã hội loài người, hay một "quá trình chuyển đổi từ t nhiên sang văn hóa."

Hơn nữa, việc cấm loạn luân đòi hỏi người ta phải kết hôn với người ngoài nhóm trực tiếp của mình, Lévi-Strauss đã chấp nhận ý tưởng của nhà xã hội học Pháp Marcel Mauss cho rằng trao đổi là một kỹ thuật cơ bản cho việc tạo ra sự gắn kết xã hội để lập luận rằng không chỉ những người bắt đầu thực hành hôn nhân ngoại nhóm bằng cách cung cấp con gái của họ cho một nhóm khác, mà họ còn yêu cầu các nhóm khác cũng đưa con gái của họ cho nhóm mình, do đó tạo ra một nền tảng cho các mối quan hệ xã hội.

Trong khi rõ ràng là Kim Định hiểu khái niệm này, thì trong cuốn Triết lý Cái đình ông lại đưa ra một lập luận khác liên quan đến việc trao đổi phụ nữ. Thực chất lập luận của ông là chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ lặp đi lặp lại trong các văn bản cổ xưa về các cuộc hôn nhân giữa những người đàn ông từ khu vực ngày nay là vùng trung nguyên Trung Quốc (lưu vực sông Hoàng Hà) và phụ nữ từ các vùng ngoại biên. Ví dụ, con trai của Hoàng Đế, Chiêm Ích kết hôn với một người phụ nữ Thục Sơn thị, ngày nay là vùng Tứ Xuyên. Đế Minh, trong biên niên sử Việt, đi về phía Nam và kết hôn với Vụ Tiên, Chu Mục vương của nhà Chu về phía nam (trên thực tế, tôi nghĩ rằng đó là phía tây) và kết hôn với Thịnh Cơ, và Triệu Đà kết hôn với một người phụ nữ Việt , vv

Đối với Kim Định, ba ví dụ đầu tiên thuộc về lĩnh vực huyền sử, có nghĩa là chúng ta không thể chắc chắn liệu các sự kiện ấy có thực sự xảy ra không, nhưng đối với ông, chúng vẫn đại diện cho một loại sự thực, và đối với Kim Định thì sự thực đó chính là nơi mà một người kết hôn với một phụ nữ thì nơi đó có một nền văn hóa cao hơn (Theo huyền sử. . . lấy vợ đâu thì đấy kể là có văn minh cao hơn).

Đồng thời, một cách diễn giải khác cho quá trình này là đó là một bước tiến trong việc chinh phục các vùng ngoại vi. Tuy nhiên, Kim Định cho rằng tiến trình chinh phục chính trị này vẫn kết nối với nền văn hóa mà ở đó các vùng bị chinh phục được ghi nhận là có nền văn hóa cao hơn văn hóa của kẻ chinh phục.

Kim Định đưa ra các quan điểm này bởi vì ông muốn chứng tỏ rằng vùng lõi của văn hóa “Hán”, lưu vực sông Hoàng Hà, ban đầu không phức tạp như các khu vực khác, chẳng hạn như khu vực Tứ Xuyên, nơi mà người ta cho là người Viêm tộc (mà người Việt là một bộ phn) sinh sống. Tuy nhiên, không hề lập luận xã hội học / nhân học nào cho rằng lấy vợ đâu thì đấy kể là có văn minh cao hơn”, và Lévi-Strauss chắc chắn đã không đưa ra một lập luận như vậy.

Khi đưa ra các quan điểm này, Kim Định đã trích tác phẩm Sự bành trướng của người Hán ở Nam Trung Quốc (Han Chinese Expansion in South China, trước đó có tiêu đề là China’s March Toward the Tropics), trong đó Wiens đưa ra lập luận cho rằng Tứ Xuyên là một khu vực văn hóa phát triển trong thời cổ đại, tuy nhiên Wiens không khẳng định rằng Tứ Xuyên đã ở một trình độ phát triển văn hóa cao hơn so với khu vực xung quanh sông Hoàng Hà.

Chẳng hạn, Wiens viết rằng Trung tâm văn hóa sớm nhất của Nam Trung Quốc dường như là Tứ Xuyên tại một thời điểm đồng thời với hoặc thậm chí trước khi xuất hiện đầu tiên của văn hóa Hán-Trung Quốc ở lưu vực sông Hoàng Hà, và nếu các thông tin về cuộc hôn nhân giữa gia đình Hoàng Đế và người Tứ Xuyên là đúng, thì đã có “những kết nối rất gần gũi” giữa khu vực Tứ Xuyên với nền văn minh sông Hoàng Hà.

Tuy nhiên, Wiens không mô tả những mối quan hệ đó như là các quan hệ thứ bậc về phương diện văn hóa. Nếu, mặt khác, chúng ta đi theo những ý tưởng của Lévi-Strauss một cách trung thành hơn Kim Định, thì chúng ta có thể đi đến kết luận ngược lại với kết luận của ông.

Lévi-Strauss cảm thấy rằng khía cạnh cơ bản nhất của việc tạo ra một xã hội là việc trao đổi con gái ra ngoài khỏi nhóm, và hình thức xã hội phức tạp hơn đòi hỏi nhóm tiếp nhận cũng phải đưa con gái của họ cho nhóm này.

Trong những câu chuyện về lịch sử sớm của Trung Quốc, người từ lưu vực sông Hoàng Hà kết hôn với phụ nữ từ bên ngoài khu vực đó, nhưng đến lượt mình, lại không có trao đổi phụ nữ vùng sông Hoàng Hà với các vùng khác. Do đó,  sẽ không thể thể lập luận ngược lại với quan điểm mà Kim Định đã đưa ra, đó là, sông Hoàng Hà cao hơn về phương diện văn hóa các dân tộc xung quanh đã sẵn sàng cung cấp con gái của họ với thế giới đó để xây dựng mối kết nối với vùng đó, trong khi người dân khu vực sông Hoàng Hà lại cảm thấy không cần thiết phải làm như vậy?
____________________________________

Nguồn: Le Minh Khai, The Exchange of Women (trao đổi đàn bà) in Obscure History (huyền sử), Đăng trong trang mạng https://leminhkhai.wordpress.com/2015/06/27/the-exchange-of-women-trao-doi-dan-ba-in-obscure-history-huyen-su/




Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Cách tiếp cận đồng đại lịch đại của Kim Định để nhận thức quá khứ




Cách tiếp cận đồng đại lịch đại của Kim Định để nhận thức quá khứ

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Như tôi đã nói trong một bài trước đây, các nhà nhân học cấu trúc như Claude Lévi-Strauss đã tìm cách sử dụng cách tiếp cận “đồng đại” (hàng dọc, từ dùng của Kim Định) để nghiên cứu các xã hội loài người. Các cách tiếp cận đồng đại đòi hỏi nghiên cứu xã hội tại một thời điểm nhất định (chẳng hạn như hiện tại), thay vì cố gắng để hiểu được quá trình tiến hóa hoặc phát triển của một xã hội theo thời gian có nghĩa là lịch đại, “ngang dọc” ( từ dùng của Kim Định).

Lý do vấn đề này hấp dẫn các nhà nhân học là vì một số xã hội mà họ nghiên cứu (như các xã hội "nguyên thủy") không có thông tin chi tiết về quá khứ của họ, ngoại trừ một số thông tin ngắn ngủi trong các tích truyện truyền miệng và huyền thoại. Do đó rất khó, nếu không phải là không thể, xác định các xã hội ấy đã phát triển theo thời gian ra sao.

Các cách tiếp cận đồng đại của nhân học cấu trúc cố gắng để bù đắp cho sự bất lực này bằng cách cố gắng nhận thức sâu sắc hơn về một xã hội không biết lịch sử của mình. Bằng cách cố gắng khám phá ra một cấu trúc vô thức của các lớp nghĩa cho những ý tưởng và hành động của con người trong hiện tại, các nhà nhân học cấu trúc tìm cách hiểu biết thấu đáo hơn về cuộc sống của các cộng đồng người  mà thông tin về họ bị hạn chế.

Đồng thời, tình trạng hạn chế thông tin lịch sử của các tộc người nguyên thủy mà một số nhà nhân học trong thế kỷ XX nghiên cứu, thì có những học giả như Kim Định đã nhận ra tình trạng tương tự như vậy, về sự hạn chế thông tin về các cư dân sớm ở những nơi như vùng đồng bằng sông Hồng. Khác với một số nhận định ​​về những tích truyện mà ông dán nhãn “thần thoại, cũng không hề có nhiều thông tin để kiến tạo nhận thức về các xã hội sớm.

Đó chính là lý do khiến cho phương pháp tiếp cận nhân học cấu trúc hấp dẫn Kim Định, bởi vì trong khi các học giả khác đã xác định rằng rất khó liên kết các thông tin từ các huyền thoại với các thông tin được lịch sử ghi lại, Kim Định nhận thấy vẫn có thể xem xét các thông tin từ những huyền thoại về phương diện đồng đại và vẫn có thể học hỏi được rất nhiều điều.

Chỉ có điều là đó không phải là những gì mà ông đã thực sự làm. Thay vào đó các, nghiên cứu đồng đại của ông luôn luôn được tạo ra từ một viễn cảnh lịch đại. Đặc biệt, Kim Định đã có một ý tưởng rất rõ ràng về những gì đã xảy ra trong quá khứ, và khi ông tìm cách giải thích cấu trúc của các lớp nghĩa ẩn sau các huyền thoại, chứ không phải là tạo ra một mô hình đồng đại của những lớp nghĩa phù hợp với nhau như một hệ thống các ý tưởng ấy (như Lévi-Strauss đã tìm cách thực hiện), Kim Định chỉ đơn giản diễn giải các bộ phận của huyền thoại theo quan điểm lịch đại của ông về lịch sử.

Chúng ta có thể thấy điều này trong cách xem xét của ông về một số thông tin cơ bản từ tích truyện Hồng Bàng thị, đã được đề cập trong một bài viết trên blog này, trong đó ông xem cuộc tuần du của Đế Minh về phương nam, để chỉ sự vận động hướng tới ánh sáng, và tránh khỏi đội quân xâm lược (Tôi không nghĩ rằng tích chuyện này thực sự là một huyền thoại, nhưng đó sẽ là một chủ đề cho bài khác...).

Ông đào đâu ra cái ý tưởng về một đội quân xâm lược? Liệu có thể xác định bằng cách tạo ra một mô hình cấu trúc vô thức về nghĩa làm cơ sở cho việc xây dựng tích truyện này được không? Nếu vậy, thí cách thức là thế nào? Kim Định đã không hề giải thích điều đó.

Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm của ông thì thấy rõ ràng là cuối cùng ông đã đi tới những ý tưởng như vậy bởi vì chúng phản ánh quan điểm của ông về lịch sử của khu vực, và quan điểm của ông thực sự duy nhất.

Đặc biệt Kim Định thấy rằng ban đầu khu vực của cái mà ngày nay được gọi là Trung Quốc lại chính địa bàn sinh sống của những tộc người đã sáng tạo ra nghề nông mà mà ông cho là “Viêm tộc”. Theo Kim Định, những người mà bây giờ chúng ta gọi là người Hán Trung Quốc, theo Kim Định thì trong giai đoạn sớm ấy chính “Hoa tộc”, sau đó mới di cư vào khu vực này. Những người thuộc Hoa tộc ấy, vẫn theo Kim Định, là người du mục. Rồi họ bắt đầu chinh phục Viêm tộc, nhưng trong quá trình đó, họ cũng đã tiếp nhận nhiều thực hành văn hoá của Viêm tộc.

Khi đã hiểu được quan điểm lịch đại ấy, thì sẽ rất dễ dàng nhìn nhận cách thức tiếp cận “đồng đại” của ông đối với một huyền thoại, Kim Định nhận thấy các dấu hiệu của cuộc di chuyển tránh một đội quân xâm lược. “Đội quân xâm lược ấy chính là Hoa tộc du mục đến chinh phục các vùng đất của Viêm tộc làm nông.

Không có gì trong bản thân huyền thoại ấy có thể dẫn dắt một cách minh bạch đến kết luận này, nhưng nếu nhìn nhận huyền thoại thông qua quan điểm lịch đại về quá khứ mà Kim Định đã sáng tạo ra, thì có thể đi đến được một kết luận như vậy.

Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến hai vấn đề cơ bản. Trước hết là không có bằng chứng cho thấy tộc Hoa / Hán di cư vào khu vực mà ngày nay gọi là Trung Quốc, và không có bằng chứng về người du mục chinh phục các cư dân làm nông.

Thứ hai là với việc cam kết nghiên cứu đồng đại một huyền thoại bằng cách xem thông tin trong các huyền thoại thông qua lăng kính lịch đại, Kim Định đã làm suy yếu những gì ông tuyên bố sẽ làm. Bạn không thể tạo ra một nhận thức đồng đại về một huyền thoại bằng cách nhìn vào nó theo cạc lịch đại. Không có cái thứ gọi là một cách tiếp cận đồng đại lịch đại, nhưng đó lại chính là những gì mà các diễn giải của Kim Định thể hiện.

Theo đúng nghĩa, đã có một số mâu thuẫn cơ bản trong cách tiếp cận nghiên cứu quá khứ của Kim Định, và suy cho cùng, những mâu thuẫn này đã làm suy yếu học thuật của ông. Tuy nhiên, các mâu thuẫn ấy lại chứa đựng rất nhiều tính sáng tạo, trí thông minh và thậm chí cả sự lỗi lạc nữa, và đó chính là những gì vẫn còn làm cho công trình của ông rt hấp dẫn người đọc.
___________________________________


Nguồn: Le Minh Khai, Kim Định’s Diachronic Synchronic Approach to Studying the Past. Đăng trong https://leminhkhai.wordpress.com/2015/06/25/kim-dinhs-diachronic-synchronic-approach-to-studying-the-past/