Powered By Blogger

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Công nghệ Thông tin, Toàn cầu hóa và Phát triển Xã hội (I)


Công nghệ Thông tin, Toàn cầu hóa và Phát triển Xã hội (I)

Manuel Castells

Người dịch: Hà Hữu Nga

Giới thiệu

Thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển đổi lịch sử ở bước ngoặt của thiên niên kỷ. Giống như tất cả các cuộc chuyển đổi chủ yếu trong lịch sử, đó chính là một cuộc chuyển đổi đa chiều: công nghệ, kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, địa chính trị. Nhưng kết cục ý nghĩa đích thực của sự đột biến phi thường này đối với sự phát triển xã hội, đối với cuộc sống và sự thịnh vượng của con người là gì? Liệu có tồn tại một ý nghĩa chung cho tất cả mọi người hoặc chúng ta cần phải phân biệt mọi người bằng các mối quan hệ cụ thể của họ với quá trình chuyển biến xã hội? Nếu vậy thì cần có những tiêu chuẩn nào cho sự phân biệt ấy?

Trên thế giới hiện vẫn có hàng loạt cuộc tranh luận dữ dội về các hồ sơ hỗn hợp liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ thông tin và toàn cầu hoá - đặc biệt là khi chúng ta xem xét các chiều cạnh xã hội ở quy mô hành tinh. Như chúng ta vẫn thường thấy trong trường hợp tranh luận về các vấn đề cơ bản, người ta thường đi theo các khuôn mẫu đúc sẵn về hệ tư tưởng bằng những thuật ngữ đơn giản hoá. Đối với các nhà chủ trương công nghệ, đối với những người thực sự tin tưởng vào phép thần của kinh tế thị trường thì mọi thứ sẽ đều tốt đẹp chừng nào sự tài khéo và năng lực cạnh tranh vẫn còn được tự do. Tất cả những gì chúng ta cần là một chút ít tình thế mang tính điều tiết nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng lạm và xoá bỏ những chướng ngại quan liêu trên con đường bay đến siêu - hiện đại tính. Đối với những ai say mê lướt Internet nhưng lại chịu tác động bởi cuộc sống nhàn rỗi thì tình trạng thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản, tội phạm, nghèo đói và những đổ vỡ trong đời sống của họ thì toàn cầu hoá chẳng là gì khác ngoài một phiên bản hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa truyền thống được hâm nóng lại. Trong cách nhìn của họ, công nghệ thông tin là một công cụ để tân tạo công việc khai thác, huỷ bỏ các nghề nghiệp, làm xuống cấp môi trường và xâm hại quyền riêng tư. Tinh hoa công nghệ đối đầu với những kẻ thủ cựu.

Tuy nhiên thực chất của vấn đề không phải là tình trạng nửa nạc nửa mỡ ấy mà là ở chỗ khác. Ngày nay sự phát triển xã hội được xác định bởi khả năng xác lập mối tương tác đồng hợp giữa đổi mới công nghệ và các giá trị nhân văn dẫn đến ra đời hàng loạt tổ chức và thể chế mới tạo ra các chuỗi hồi tiếp dương giữa năng suất, tính linh hoạt, tính cố kết, tính an toàn, sự tham gia và tính giải trình trách nhiệm theo một mô hình phát triển mới có thể bền vững về phương diện môi trường và xã hội.

Người ta dễ dàng đồng thuận về những mục tiêu này, nhưng lại khó đưa ra được những chính sách và chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu đó. Chắc chắn có sự bất đồng nào đó từ những xung đột quyền lợi, giá trị và các ưu tiên. Nhưng hiện thời có sự xáo trộn lớn về các chính sách kinh tế và xã hội nảy sinh từ tình trạng thiếu hiểu biết chung về quá trình chuyển hoá ngấm ngầm về các nguồn gốc và các mối liên quan của chúng. Mục đích của bài viết này là làm rõ ý nghĩa của quá trình chuyển hoá này, đặc biệt là bằng việc tập trung vào các quá trình vẫn thường được coi là những ngòi nổ: cuộc cách mạng công nghệ thông tin và quá trình toàn cầu hoá. Như chúng ta sẽ thấy, trong thực tế hai quá trình này tương tác với nhau bằng một loạt các hoạt động và phản động lực rất phức tạp. Nhưng chúng lại tạo ra một động lực cho việc thảo luận về mối quan hệ giữa hệ thống kinh tế xã hội mới và làm xuất hiện tình trạng bất bình đẳng và tình trạng loại trừ xã hội ở quy mô hành tinh chưa từng thấy.

Vì vậy sau khi đã rút ra các đặc trưng đổi mới công nghệ, thay đổi tổ chức và toàn cầu hoá, tôi sẽ phân tích một số chiều góc khác nhau của tình trạng bất bình đẳng và loại trừ xã hội bằng cách chỉ ra chiều sâu của cuộc khủng hoảng xã hội của chúng ta và tôi sẽ cung cấp một số giả thuyết về các lý do cho việc nhấn mạnh vấn đề này trong thập kỷ vừa qua. Tôi sẽ kết luận bằng cách đề xuất một định nghĩa lại về lĩnh vực phát triển xã hội thích hợp nhằm giải quyết các vấn đề tác động đến năng lực của chúng ta trong việc tồn tại trong một bối cảnh mới của “thời đại thông tin”. Trong quá trình theo đuổi luận cứ này tôi luôn ghi nhớ hàng loạt dữ kiện từ các nguồn đáng tin cậy để cho việc trình bày vấn đề trở nên hợp lý. Tuy nhiên vì tôi vừa mới xuất bản một cuốn sách tập hợp nhiều dữ kiện ấy lại nên tôi để người đọc tự do tiếp cận vấn đề đó, còn ở đây chỉ tập trung vào việc thể hiện một giản đồ (và thêm chi tiết) về luận cứ của tôi mà không lặp lại việc trình bày các nguồn dữ liệu [xem Castells 1996, 1997, và 1998 cũng như tổng hợp về tình trạng nghèo đói trên thế giới được trình bày trong báo cáo của UNDP 1997].

Hệ thống kinh tế xã hội mới: Công nghệ thông tin, Mạng lưới, Toàn cầu hoá

Trong một phần tư thế kỷ qua, một loại hình tổ chức kinh tế xã hội mới đã xuất hiện. Sau sự sụp đổ của chủ thuyết nhà nước, ở Liên Xô và trên toàn thế giới giờ đây còn lại hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trong thực tế thì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại toàn bộ hành tinh đã trở thành chủ nghĩa tư bản vì ngay cả một số nền kinh tế chỉ huy còn lại cũng chỉ là sống sót hoặc đang tiếp tục phát triển thông qua những kết nối với các thị trường tư bản toàn cầu. Nhưng đây là một loại chủ nghĩa tư bản vừa rất cũ kỹ nhưng về cơ bản lại rất mới mẻ. Nó cũ bởi vì nó bộc lộ tính chất cạnh tranh tàn nhẫn trong mục đích theo đuổi lợi nhuận và thoả mãn cá nhân (kìm nén hoặc tức thì) chính là động lực của nó. Nhưng về cơ bản nó là mới bởi vì nó được trang bị các công cụ là công nghệ thông tin truyền thông mới với các nguồn gốc năng suất mới các loại hình tổ chức mới và hính thành nên một nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta hãy xem xét sơ lược cái thế giới mới mà chúng ta đang sống chung giữa các quốc gia với nhau này, mặc dù tính đa dạng của các nền văn hoá và thể chế của các quốc gia đó.  

Thông tin và Công nghệ Truyền thông là Công cụ Chiến lược

Công nghệ truyền thông không phải là nguyên nhân của những thay đổi mà chúng ta đang trải qua. Nhưng nếu không có các công nghệ thông tin truyền thông mới thì cuộc sống của chúng ta khó mà có những thay đổi như ngày nay. Vào những năm 1990 toàn bộ hành tinh được tổ chức xung quanh những mạng lưới viễn thông của các máy tính ở trung tâm của hệ thống thông tin và các quá trình truyền thông. Toàn bộ mọi lĩnh vực hoạt động của con người đều phụ thuộc vào sức mạng của thông tin, theo một trật tự đổi mới công nghệ làm tăng tốc các bước tiến bộ tính theo tháng. Công nghệ di truyền được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của năng lực sử lý thông tin đang xử lý rất nhanh chóng và tạo điều kiện cho chúng ta ngay trong thời gian đầu đã vén được các tấm màn bí mật của vật chất sống và giúp thao tác cuộc sống với những kết quả tiềm tàng phi thường. Sự phát triển phần mền tạođiều kiện sử dụng máy vi tính rất thân thiện đến mức ngay cả hàng triệu trẻ em khi được trang bị giáo dục đầy đủ có thể có những bước tiến lớn trong tiếp thu tri thức của chúng và cũng có khả năng tạo ra và hưởng thụ sự thịnh vượng một cách nhanh chóng và rộng khắp hơn bất cứ thế hệ nào trước đây. Ngày nay có hàng trăm triệu người sử dụng Internet và mỗi năm con số này lại tăng lên gấp bội – đã trở thành một kênh truyền thông phổ biến với tất cả các loại lợi ích và giá trị cùng tồn tại trong một hỗ âm âm sáng tạo. Chắc chắn là sự phổ biến của công nghệ thông tin truyền thông là rất khác nhau. Hầu hết châu Phi vẫn còn ở trong giai đoạn phân biệt chủng tộc về công nghệ và nhiều vùng khác trên thế giới vẫn còn tình trạng tương tự. Thực ra thì không dễ đưa ra các phương thuộc khi 1/3 dân số thế giới vẫn phải sống với mức sống tương đương với một USD/ngày.

Trong thực tế công nghệ không tự thân giải quyết được các vấn đề xã hội. Nhưng sự phong phú và việc sử dụng công nghệ thông tin truyền thông là một tiền đề cho việc phát triển kinh tế và xã hội trong thế giới của chúng ta. Công nghệ thông tin truyền thông ngày nay chẳng khác nào điện năng trong kýr nguyên công nghiệp. Các nghiên cứu kinh tế lượng cho thấy mối liên hệ thống kê gần gũi giữa việc truyền bá công nghệ thông tin, năng suất và khả năng cạnh tranh đến các quốc gia, các vùng, các ngành công nghiệp và các công ty [Dosi et al., 1988]. Các nghiên cứu đó cũng cho thấy một cấp độ đầy đủ của giáo dục nói chung và đặc biệt là của giáo dục công nghệ là thiết yếu đối với việc thiết kế và sử dụng một cách hiệu quả các công nghệ mới [Foray and Freeman 1992]. Nhưng không phải tất cả các nhà khoa học và các kỹ sư có được các công nghệ tiên tiến lại có thể trở thành một nhân tố của sự phát triển tự thân mà không cần một môi trường tổ chức thích hợp [Castells and Kiselyova, 1995].

Vai trò quyết định của các công nghệ thông tin truyền thông trong việc kích thích phát triển là một con dao hai lưỡi. Một mặt nó cho phép các quốc gia có những bước nhảy cóc qua những giai đoạn tăng trưởng kinh tế thông qua khả năng hiện đại hoá các hệ thống sản xuất của họ và tăng tính cạnh tranh của họ nhanh hơn so với quá khứ. Ví dụ quyết định nhất là ở chỗ các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là trường hợp Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Nam Hàn. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay (1999) không liên quan đến hiệu suất cạnh tranh và trong thực tế có thể liên quan đến tính hấp dẫn của các nền kinh tế châu Á đang bùng nổ đối với các dòng vốn toàn cầu. Mặt khác đối với các nền kinh tế nào không thể thích nghi được với hệ thống công nghệ mới thì sẽ lâm vào tình trạng trì trệ. Hơn nữa khả năng vận động đến kỷ nguyên thông tin tuỳ thuộc vào năng lực của toàn bộ xã hội có được hưởng thụ một nền giáo dục tốt và có khả năng đồng hoá và xử lý được các nguồn thông tin phức tạp hay không. Điều đó bắt đầu bằng hệ thống giáo dục từ dưới lên, từ cấp tiểu học đến đại học. Và nó cũng liên quan đến toàn bộ quá trình phát triển văn hoá, bao gồm cả tỷ lệ người dân biết đọc biết viết, cả nội dung thông tin truyền thông, và sự phổ biến của thông tin trong dân chúng với tư cách là một chỉnh thể.

Liên quan đến vấn đề này, trên thực tế thì các vùng và các công ty tập trung vào các hệ thống sản xuất và quản lý tiên tiến nhất thì ngày càng hấp dẫn được nhiều tài năng từ khắp nơi trên thế giới và bỏ xa các nhóm cư dân có kỹ năng và cấp độ giáo dục không đáp ứng được với các yêu cầu của hệ thống sản xuất mới. Thung lũng Silicon là một trường hợp như vậy. Đây là một vùng sản xuất công nghệ thông tin tiên tiến nhất trên thế giới, và nó chỉ có thể duy trì được bước đổi mới của mình bằng cách mỗi năm tuyển hàng ngàn kỹ sư và các nhà khoa học từ Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Israel, Nga, và Tây Âu đến làm việc, vì lao động Mỹ không đáp ứng đủ kỹ năng và trình độ đối với các yêu cầu việc làm ở đây. Tương tự như vậy tại Bangalore, Mumbai, Seoul hay Campinas, các kỹ sư và các nhà khoa học tập trung tại các trung tâm công nghệ cao gắn kết với các “Thung lũng Silicon” của thế giới trong khi một phần lớn cư dân tại tất cả các quốc gia vẫn còn lao động với kỹ năng thấp [Carnoy 1999]. Vì vậy sẽ có ít cơ hội cho quốc gia nào, vùng nào phát triển một nền kinh tế mới mà lại không tích hợp vào các hệ thống công nghệ của thời đại thông tin. Mặc dù điiêù đó không nhất thiết hàm ý nhu cầu sản xuất phần cứng công nghệ thông tin tại địa phương, điều đó cũng không hàm ý khả năng sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến đòi hỏi tái tổ chức toàn bộ xã hội [Castells and Tyson 1988, 1989].

Một quá trình tương tự tác động đến những thay đổi trong cuộc sống của các cá nhân. Không phải ai cũng là nhà lập trình máy tính hoặc nhà phân tích tài chính mà chỉ có những người được đào tạo theo đúng các chuyên môn tái lập trình cho bản thân họ trong suốt quá trình thay đổi quỹ đạo đời sống chuyên môn của họ mới có thể được hưởng lợi từ năng suất lao động mới. Thế còn “những người khác” thì sao? Điều đó phụ thuộc vào việc tổ chức xã hội, các chiến lược công ty và các chính sách công cộng. Nhưng còn các lực lượng thị trường thì vẫn tồn tại một khuynh hướng không thể chối cãi hướng đến cấu trúc một xã hội phân cực giữa các quốc gia và trong chính các quốc gia như sẽ được chỉ ra dưới đây.  

Nói tóm lại công nghệ thông tin và truyền thông là một công cụ cơ bản cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng vật chất trong thời đại của chúng ta; nó quy định các điều kiện cho quyền lực, tri thức và tính sáng tạo; đối với thực thể thời gian, nó được phân phối không đồng đều trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, và để thực hiện được đầy đủ giá trị phát triển của nó, nó đòi hỏi một hệ thống tương hỗ của các tổ chức linh hoạt và các thể chế định hướng thông tin. Nói tóm lại, sự phát triển văn hoá và giáo dục đã quy định điều kiện cho sự phát triển công nghệ, là thứ quy định điều kiện cho phát triển kinh tế, là thứ quy định điều kiện cho phát triển xã hội, và đến lượt mình nó lại kích thích phát triển văn hoá và giáo dục. Đó có thể là quỹ đạo giá trị của phát triển hoặc có thể là vòng xoáy đi xuống của tình trạng kém phát triển. Và định hướng của quá trình sẽ không được quyết định bởi công nghệ mà là bởi xã hội thông qua động thái xung đột của nó.   

Toàn cầu hoá

Xung quanh khái niệm này có quá trình tính chất hệ tư tưởng và những khía cạnh có liên quan về cơ bản đặc trưng một cách chính xác cho toàn cầu hoá và sau đó quyết định phạm vi và sự tiến hoá của nó trong khuôn khổ kinh nghiệm chủ nghĩa [Hirst and Thompson 1996]. Mặc dù toàn cầu hoá là đa chiều nhưng có để tìm hiểu khái niệm này một cách rõ ràng hơn khi bắt đầu bằng khía cạnh kinh tế. Một nền kinh tế toàn cầu có các hoạt động cốt lõi vận hành như một đơn vị trong thời gian thực trên quy mô hành tinh. Vì vậy các thị trường vốn được kết nối với nhau trên khắp địa cầu để cho các khoản tiền gửi và đầu tư tại tất cả các quốc gia cho dù hầu hết không được đầu tư trên toàn cầu để cho  hiệu suất của chúng đều phụ thuộc vào sự tiến hoá và hành vi của các thị trường tài chính toàn cầu.

Vào đầu những năm 1990 các công ty đa quốc gia chỉ trực tiếp thuê khoảng 70triệu nhân công, nhưng số lao động này lại sản xuất ra khoảng 1/3 tổng sản lượng tư nhân trên toàn thế giới và giá trị doanh thu của họ vào năm 1992 là 5.500 tỷ USD, nhiều hơn 25% so với tổng giá trị thương mại quốc tế trong năm đó [Bailey et al., 1993]. Vì vậy các công ty đa quốc gia, trong lĩnh vực gia công, dịch vụ, và tài chính với các mạng lưới phụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ đã tạo thành hạt nhân cho nền kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa bậc thang khoa học và công nghệ cao nhất tạo hình và điều khiển toàn bộ sự phát triển công nghệ đều tập trung vào hàng tá trung tâm nghiên cứu và các môi trường đổi mới trên toàn cầu, tràn ngập khắp Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản. Các kỹ sư Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc thường có chất lượng lao động rất cao khi họ đạt đến được một cấp độ phát triển văn hoá nhất định chỉ có thể theo đuổi công việc nghiên cứu của họ bằng cách liên kết với các trung tâm này. Vì vậy lao động kỹ năng cao cũng đang trong quá trình toàn cầu hoá ngày một tăng với những người tài năng có thể kiếm được việc làm trên quy mô toàn cầu khi các công ty và các chính phủ thực sự cần người tài và sẵn sàng trả lương cho họ.

Trong khi đó hầu hết các nghề nghiệp và con người lại không mang tính toàn cầu. Trong thực tế thì công việc và lao động đều mang tính địa phương và vùng. Nhưng số phận của họ, nghề nghiệp của họ và mức sống của họ cuối cùng lại đều phụ thuộc vào khu vực kinh tế quốc gia toàn cầu hoá hoặc phụ thuộc vào sự gắn kết trực tiếp của các đơn vị kinh tế của họ với các mạng lưới vốn, sản xuất và thương mại toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu về phương diện lịch sử là mới vì một lý do đơn giản là trong hai thập kỷ vừa qua chúng ta đã sản xuất ra một hạ tầng công nghệ đòi hỏi phải được vận hành như một đơn vị trên quy mô hành tinh: các hệ thống viễn thông, các hệ thống thông tin, việc sử lý, gia công trên cơ sở vi điện tử, vận tải hàng không trên cơ sở thông tin, vận tải đường thuỷ bằng công ten nơ, tàu hoả cao tốc, và các dịch vụ thương mại quốc tế có trụ sở trên toàn cầu.

Tuy nhiên nếu như nền kinh tế mới trên toàn cầu đã vươn tay trên khắp hành tinh - nếu như tất cả mọi người và tất cả mọi lãnh thổ đều chịu tác động bởi các hoạt động của nền kinh tế đó – thì không phải mọi vị trí, hoặc tất cả mọi người đều trực tiếp bị hút vào nền kinh tế đó. Trong thực tế thì hầu hết con người, đất đai đều bị loại trừ, đều bị cắt kể cả những người sản xuất hoặc những người tiêu thụ, hoặc cả hai. Tính linh hoạt của nền kinh tế toàn cầu cho phép toàn bộ hệ thống kết nối với bất cứ thứ gì có giá trị theo các giá trị và lợi ích thống trị, trong khi việc tách rời mọi thứ lại không hề có giá trị hoặc bị giải giá trị. Đó là năng lực đồng thời vừa bao gồm vừa loại trừ mọi người, các lãnh thổ, và các hoạt động đặc trưng cho nền kinh tế toàn cầu mới như đã được tạo hình trong thời đại thông tin.

Các quá trình toàn cầu hoá phân đoạn, chọn lọc tương tự cũng đặc trưng cho các chiều góc công cụ quyết định khác của xã hội chúng ta, kể cả truyền thông, khoa học, văn hoá và thông tin theo nghĩa rộng.

Toàn cầu hoá và tự do hoá không xoá bỏ nhà nước dân tộc, nhưng về cơ bản chúng xác định lại vai trò của nhà nước dân tộc và tác động đến sự vận hành của nó. Các ngân hàng trung ương bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể thực sự kiểm soát được các khuynh hướng của các dòng tài chính toàn cầu. Và các thị trường này không phải luôn luôn được tạo hình bởi các quy luật kinh tế, mà là bởi các dòng xoắn thông tin có những nguồn gốc khác nhau. Các chính phủ quốc gia để duy trì được một năng lực kiểm soát nhất định đối với các dòng vốn và thông tin toàn cầu đã nhóm lại bằng cách tạo ra hoặc thích ứng với các thể chế siêu quốc gia (chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên minh châu Âu, NAFTA, hoặc những cơ quan hợp tác vùng khác) mà các chính phủ cũng phải nhường chủ quyền tối cao của mình cho các thể chế này. Vì vậy các chính phủ vẫn tồn tại, nhưng dưới một hình thức nhà nước mới gắn kết các thể chế siêu quốc gia, các nhà nước dân tộc, các chính phủ vùng và địa phương và kể cả các NGOs trong một mạng quan hệ và chia sẻ các quyết định trở thành loại hình chính trị thịnh hành của thời đại thông tin: nhà nước mạng.

Nói tóm lại toàn cầu hoá là một hiện thực mới về phương diện lịch sử không đơn giản là một sản phẩm được sáng tạo bởi hệ tư tưởng tân tự do nhằm thuyết phục các công dân quy phục thị trường mà còn là một hiện thực được tiếp nối trong các quá trình tái cấu trúc tư bản chủ nghĩa, đổi mới, và cạnh tranh; ngoảia nó còn tác động ảnh hưởng thông qua trung gian quyền lực của các công nghệ thông tin truyền thông mới.

Hình thành mạng lưới

Không có sự chuyển hoá lịch sử chủ yếu nào xảy ra trong công nghệ hoặc trong kinh tế mà lại không có một sự chuyển hoá về tổ chức tương quan. Nhà máy lớn được xây dựng để sản xuất hàng loạt có tính chất quyết định đối với việc thành tạo kỷ nguyên công nghiệp cũng hệt như sự phát triển và sự phổ biến của các nguồn năng lượng mới. Trong ký nguyên thông tin, loại hình tổ chức có tính quyết định chính là mạng lưới. Một mạng lưới đơn giản là một tập hợp các điểm nút tương liên với nhau. Nó có thể có mối quan hệ thứ bậc, nhưng nó không có trung tâm. Các mối quan hệ giữa các điểm nút là bất đối xứng, nhưng tất cả các điểm nút đó đều cần cho việc vận hành của mạng – cho lưu thông tiền tệ, thông tin, công nghệ, hình ảnh, hàng hoá, các dịch vụ, hoặc con người trong suốt mạng lưới đó. Sự khác biệt quyết định nhất trong logic tổ chức này là tồn tại hay không tồn tại trong mạng lưới đó. Tồn tại trong mạng thì bạn có thể chia sẻ và theo thời gian cơ hội của bạn tăng lên. Không tồn tại trong mạng hoặc bị đẩy ra khỏi mạng thì các cơ hội của bạn sẽ biến mất vì mọi thứ liên quan đều được tổ chức xung quanh một mạng tương tác toàn cầu.

Các mạng lưới là những tổ chức thích hợp cho quá trình thích ứng liên tục và tính chất cực kỳ linh hoạt cần thiết cho một nền kinh tế liên kết toàn cầu bằng cách thay đổi nhu cầu kinh tế và liên tục đổi mới công nghệ và bằng vô vàn chiến lược (cá nhân, văn hoá, chính trị) do nhiều tác nhân khai triển tạo ra một hệ thống xã hội không bền vững trong một cấp độ phức tạp ngày càng tăng. Để đảm bảo, các mạng lưới luôn luôn tồn tại dưới hình thức tổ chức con người. Nhưng chỉ bây giờ hệ thống mạng mới trở thành một loại hình quyền lực mạnh mẽ nhất cho công cụ tổ chức, chứ không phải là tính biểu hiện. Lý do cơ bản là công nghệ. Sức mạnh của các mạng lưới chính là tính linh hoạt của chúng, năng lực giải tập trung của chúng, dạng hình học khả biến của chúng bằng cách thích ứng với các nhiệm vụ và các nhu cầu mới mà không phá huỷ các nguyên tắc tổ chức cơ bản hoặc thay đổi các mục tiêu bao trùm của chúng. Tuy nhiêm điểm yếu cơ bản của chúng trong suốt chiều dài lịch sử chính là khó điều phối hướng đến một mục tiêu chung, hướng đến một mục đích tập trung đòi hỏi tập trung các nguồn lực trong không gian và thời gian vào các tổ chức lớn giống như các đạo quân, các thể chế quan liêu, các nhà máy lớn, các công ty được tổ chức theo chiều dọc.

Với công nghệ thông tin và truyền thông mới mạng đồng thời còn tập trung và giải tập trung. Nó có thể được điều phối mà không cần có trung tâm. Thay cho các chỉ thị chúng ta có các tương tác. Các cấp độ phức tạp cao có thể được xử lý mà không gây đổ vỡ. Tuy nhiên vấn đề lại không phải là các công ty lớn phải được thay thế bằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các công ty đa quốc gia đã lỗi thời. Sự thật thì chúng ta thấy điều ngược lại: xuất hiện hội chứng đam mê liên doanh liên kết trên toàn thế giới. Dường như khẩu hiệu bây giờ lại là càng to càng đẹp, như Citicorp đã kết hôn với Travelers Insurance, Bank of America rời trung tâm tại San Franscisco nhưng lại chuyển tiền đến Bắc Carolina, Daimler Benz nuốt gọn Chrysler, Volkswagen tự nâng cấp lên địa vị Rolls Royce, và các ngân hàng Mỹ đã đồng hoá các ngân hàng và các công ty tài chính Châu Á, trong một trận báo thù lịch sử của phương Tây đối với các khu vực tăng trưởng cao của vùng Thái Bình Dương.

Nhưng quá trình tập trung tư bản diễn ra tay trong tay với quá trình giải tập trung hoá tổ chức. Các công ty đa quốc gia vận hành nội tại như các mạng giải tập trung mà các thành tố của nó đều có tính tự trị cao. Mỗi thành tố của các mạng này thường là một phần của những mạng khác trong đó có một số mạng được tạo bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các mạng khác kết nối với các công ty lớn khác xung quanh các dự án và các nhiệm vụ cụ thể với các khung thời gian không gian cụ thể.

Nhưng cuối cùng thì toàn bộ tính chất phức tạp này tóm tắt lại bằng nhu cầu đảm bảo lợi nhuận. Nhưng đảm bảo bằng cách nào, và đảm bảo cho ai? Một khi các Giám đốc điều hành (CEO) chỉ tự phục vụ họ một cách hoang phí thì vẫn còn hầu hết các khoản vốn được phân bổ cho các cổ đông ngày một tăng lên. Các khoản thu nhập không được giữ lại ở các công ty (mặc dù trước tiên là giành cho sản xuất, cho tài chính hoặc các dịch vụ): chúng được đầu tư vào sòng bạc toàn cầu của các thị trường tài chính tương liên và cuối cùng số phận của nó được quyết định bởi hàng loạt nhân tố khác nhau, trong đó chỉ có một vài nhân tố liên quan đến các cơ sở kinh tế. Vì cấp độ phức tạp và không thể dự báo được ấy cho nên các mạng lưới bao gồm tất cả các xí nghiệp lớn hoặc nhỏ bị níu giữa lại, vận động theo hoặc tái thích nghi, thành lập đi thành lập lại trong sự thay đổi không cùng. Các công ty và các tổ chức nào không tuân thủ logic mạng lưới (cho dù chúng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, truyền thông, hoặc chính trị đi nữa) thì cũng đều bị hất ra bởi tính cạnh tranh, vì chúng không được trang bị để xử lý theo mô hình quản lý mới.

Vì vậy cuối cùng các mạng lưới, toàn bộ các mạng lưới phải tái cấu trúc, thậm chí ngay cả khi chúng thay đổi sự cạnh tranh, địa vị thành viên và các nhiệm vụ của chúng. Vấn đề là ở chỗ con người, các lãnh thổ với sinh kế và số phận của họ đều phụ thuộc vào việc định vị của họ trong các mạng lưới này và không thể thích nghi được một cách dễ dàng như vậy. Các nguồn vốn không được đầu tư, các kỹ sư phần mềm di cư, khách du lịch phát hiện ra điểm đến ưu thích khác và truyền thông toàn cầu ghép lại đối với các vùng xuống cấp. Các mạng lưới tái thích nghi, bỏ qua một lĩnh vực, một vùng hoặc một tập hợp cư dân nào đó để đến nơi khác, với lĩnh vực khác, với những con người khác. Nhưng vấn đề con người mà các mạng lưới tạo sinh nhờ vào đó lại không thể biến đổi dễ dàng đến như vậy. Mạng lưới đó trở nên mắc kẹt, xuống cấp, hoặc bị thải bỏ. Và điều đó dẫn đến sự kém phát triển về phương diện xã hội, chính xác là ở vào ngưỡng của kỷ nguyên hứa hẹn tiềm năng năng nhất của các điều kiện con người.
________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Castells, Manuel 1999. Information Technology, Globalization and Social Development, UNRISD (United Nations Research Institute for Social Development) Discussion Paper No. 114, September 1999.

Tác giả: Manuel Castells, tên Tây Ban Nha: Manuel Castells Oliván sinh năm 1942 tại Hellin, Albacete, Tây Ban Nha, là một nhà xã hội học chuyên về xã hội thông tin, truyền thông và toàn cầu hóa. Về lĩnh vực này, ông là học giả hàng đầu, và được trích dẫn nhiều nhất trên khắp thế giới. Ông nhận học vị tiến sĩ xã hội học tại Pháp và năm 24 tuổi đã trở thành trợ giảng Đại học Paris. Năm 37 tuổi ông được bổ nhiệm hai ghế giáo sư tại Đại học Berkeley, California: giáo sư Xã hội học và giáo sư Quy hoạch Thành phố và Vùng. Ông còn là thành viên của một số tổ chức công nghệ thông tin và đổi mới công nghệ ở châu Âu, Mỹ và Quốc tế.

Tài liệu tham khảo

Bailey, Paul et. al., 1993. Multinational and Employment: The Global Economy in the 1990s, Geneva: ILO.

Benner, Chris (in progress).  The changing Labor Market of Silicon Valley, Ph.D. dissertation, Department of City and Regional Planning, University of California, Berkeley. 

Carnoy, Martin 1999. Sustainable Flexibility: Work, Family and Community in the Information Age, New York: Cambridge University Press.

Castells M. 1996. The Information Age: Economy, Society, and Culture – Vol. I: The Rise of the Network Society, Oxford: Blackwell.

Castells M. 1997. The Information Age: Economy, Society, and Culture – Vol. II: The Power of Identity, Oxford: Blackwell.

Castells M. 1998. The Information Age: Economy, Society, and Culture – Vol. III: End of Millennium, Oxford: Blackwell.

Castells M. and Laura d’Andrea Tyson 1988. High Technology Choices ahead: Restructuring independence in John M. Sewell and Stuart Tucker (eds.), Growth, Exports and Jobs in a Changing World Economy, New Brunswick: Transaction Books.

Castells M. and Laura d’Andrea Tyson 1989. High Technology and the Changing International Division of Production: Implications for the US. Economy, in Randall Purcell (ed.), The Newly Industrializing Countries in the World Economy, Boulder: Lynne Rienner.

Castells M. and Emma Kiselyova 1995. The collapse of Soviet Communism: The View from the Information Society, Berkeley: University of California, International and Area Studies Book Series.

Dosi, Giovanni et al. 1998. Technical Change and Economic Theory, London: Printer.

Foray, Dominique and Christopher Freeman 1992. Technologie et Richesse des Nations, Paris: Economica.

Hirst, Paul and Grahame Thompson 1996. Globalization in Question, Cambridge: Polity Press.

United Nations Development Program (UNDP) 1997. Human Development Report 1997. New York: Oxford University Press.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét